Dạy thêm học thêm – cần một quy định căn cơ, phối hợp đồng bộ trong tổ chức và quản lý thực hiện

Đã từ lâu, việc dạy thêm học thêm ở các bậc học phổ thông, nhất là bậc tiểu học và THCS, trở thành vấn đề mang tính xã hội với rất nhiều ý kiến khác nhau, ủng hộ cũng có mà không ủng hộ cũng nhiều. Và, cho đến nay, những mặt được và những mặt chưa được hầu như vẫn y nguyên và những ý kiến trái chiều về dạy thêm học thêm vẫn chưa có hồi kết.

Bài viết chủ yếu nêu lên những ý kiến (trái chiều) từ dư luận xã hội, từ các chuyên gia, từ ngành Giáo dục, từ phụ huynh… để chúng ta có một cái nhìn khách quan về vấn đề luôn “nóng” này.

Ảnh minh họa - Ngọc Ánh

Còn nhớ, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vào ngày 11/11/2021 tại diễn đàn Quốc hội, liên quan vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời: “Bộ đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện” (Điều đó cho thấy, Bộ GD&ĐT, xét ở một góc độ nhất định, cũng ủng hộ việc dạy thêm). Vấn đề lại đặt ra nếu cho dạy thêm thì quản lý dạy thêm, học thêm thế nào cho hiệu quả? Dạy thêm, học thêm liệu có khiến học sinh (HS) càng thêm quá tải và cũng không còn thời gian tự học để tiếp thu kiến thức đã được học ở lớp? Học thêm có là nhu cầu? Dạy thêm có làm thầy cô lơ là trong khi lên lớp dạy giờ chính…?

Trao đổi về ý kiến của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nêu trên, một số chuyên gia cho rằng, đề xuất này vừa sai luật vừa không đúng với thực tiễn khi triển khai vào cuộc sống. Theo đó, Luật của chúng ta vẫn chưa cho phép giáo dục là ngành kinh doanh như hàng hóa. Nhà trường, thầy cô với phụ huynh, học sinh chưa phải là quan hệ mua bán. Chưa kể, Luật Giáo dục đã cấm “Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền”, hay “Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vị lợi”…

 Ý kiến ủng hộ dạy thêm học thêm

Không ít ý kiến khi ủng hộ việc dạy thêm học thêm cho rằng: Dạy thêm, học thêm là một nhu cầu thật sự của xã hội, nên ngành Giáo dục cũng phải có những thay đổi cho phù hợp với nhu cầu và sự phát triển từ thực tế. Cho nên vấn đề dạy thêm học thêm cần được “luật hóa” và hướng dẫn cụ thể, chi tiết, nếu không, việc học thêm, dạy thêm sẽ trở nên mập mờ rồi nảy sinh tiêu cực.

Tương tự như vậy, nhu cầu cho con học thêm là một thực tế của nhiều phụ huynh. Tìm hiểu tại nhiều gia đình có con đang ở độ tuổi tới trường, rất hiếm gia đình không cho con học thêm và số tiền chi cho việc học thêm còn nhiều hơn so với học phí chính khóa. Vì vậy, tuy việc học thêm là tự nguyện nhưng phần đông các gia đình đều cho con em mình tham gia học thêm.

Theo thống kê của Giám đốc Quỹ quốc gia đổi mới giáo dục Việt Nam, nhiều nước châu Á có tỷ lệ học sinh học thêm cao, như: Trung Quốc có 73,8% học sinh tiểu học, 65,6% học sinh THCS và 53,5% học sinh THPT. Tỷ lệ này ở Hàn Quốc lần lượt là 87,9%, 72,5% và 60,5%; Nhật Bản là 15,9%, 65,2% và 24,8%; Azerbaijan 93,1% học sinh cuối cấp THPT; Mông Cổ 66% học sinh cuối cấp THPT; Singapore  97% học sinh phổ thông. Tuy nhiên, riêng Trung Quốc hiện cũng đang kiên quyết cấm dạy thêm, học thêm, kể cả dạy thêm trực tuyến.

Lại có những ý kiến, học sinh muốn học giỏi, cần học thêm thì phải khuyến khích, như vậy mới tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, và đó là nhu cầu chính đáng, cần thiết trong một xã hội phát triển. Mặt khác, trong thực tế, nhiều phụ huynh không có đủ kỹ năng, kiến thức dạy được cho con dù là lớp 1, lớp 2… nên ai có nhu cầu thì tìm thầy cô dạy cho con mình, đó là điều chính đáng.  

Một thực tế khác, việc dạy thêm phần lớn liên quan tới đồng lương và thu nhập ở trường thấp, không đủ trang trải cuộc sống, nên muốn dạy thêm để có thêm thu nhập (gọi là thu nhập thêm, nhưng nhiều khi còn cao hơn lương chính dạy ở trường). Mặt khác, có ý kiến cho rằng, các ngành nghề khác được làm thêm (ví dụ ngành Y), cớ sao ngề dạy học lại không được dạy thêm?  Cả 2 ý đó đều mang tính chất ủng hộ việc dạy thêm.   

Có ý kiến cho rằng, hiện nay việc thi cử vào trường công rất khó khăn, các trường hiện tại không đủ chỗ cho con em vào học vì thế các kỳ thi vào lớp 6, lớp 10 là những kỳ thi khá khốc liệt, ảnh hưởng đến nhiều gia đình và xã hội. Nếu học sinh tự nguyện tìm các lớp học thêm để cải thiện kết quả học tập thì đó là quyền của họ. Nhu cầu họ học thêm để có thể thi được vào trường công cũng là nhu cầu hợp lý hợp tình, không nên cấm.

Ý kiến không ủng hộ dạy thêm học thêm

Có những ý kiến cho rằng, ngành giáo dục chưa giải quyết được căn nguyên vấn đề. Rất nhiều giáo viên coi dạy thêm như một việc mưu sinh.

Không phải không có tình trạng giáo viên dạy qua loa trên lớp, để rồi học sinh phải tìm tới mình đóng tiền học thêm, gây bức xúc cho phụ huynh và làm xấu đi hình ảnh ngành Giáo dục. Thậm chí có thầy cô dùng điểm số, sự khó khăn... để ép HS học thêm nhằm thu tiền. Tình trạng trên lớp chỉ “dạy phụ” còn ngoài lớp mới “dạy chính” là có, nên việc cho dạy thêm tràn lan sẽ gây bất cập lớn.  

Một sự thật nữa là khi học sinh đã tham gia học thêm ở nhà trường, ở nhà thầy cô thì chẳng có giáo viên nào lại tổng kết điểm trung bình môn cho học trò dưới trung bình. Điểm số được nâng lên cao đột biến, học sinh giỏi trở thành… đại trà. Học sinh trung bình bỗng trở nên hiếm hoi. Khi điểm số được nâng lên, nhà trường, thầy cô và cả học trò đều… có lợi. Nhưng, chất lượng thực của một bộ phận học sinh hiện nay đang nằm ở đâu là điều khiến nhiều người lo lắng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân nhiều người không ủng hộ việc dạy thêm.

Lại có ý kiến cho rằng: Dạy thêm, học thêm làm cho quan hệ trong sáng, tình cảm thầy trò bị xói mòn,thầy cô khi đó trở thành người bán chữ. Bên cạnh đó, việc học thêm còn khiến nhiều học sinh quá tải, không còn thời gian tự học, suy kiệt, trầm cảm. Không những thế học sinh được học thêm theo kiểu “học trước” gây khó khăn cho giáo viên giảng dạy trên lớp do trình độ học sinh không đồng đều… Vì thế không nên ủng họ dạy thêm học thêm.

Có một thông tin khác rất đáng quan tâm, qua theo dõi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của các tỉnh trên cả nước được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, điều dễ nhận thấy là kỳ thi nào thì điểm thi của các thí sinh cũng chiếm tỉ lệ dưới trung bình nhiều hơn. Chỉ có những học sinh tham gia thi tuyển vào các trường trung học phổ thông chuyên là có điểm trên trung bình cao hơn thôi. Trong khi, ngay cả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương luôn khẳng định nội dung, kiến thức đề thi là nằm trong sách giáo khoa, không đánh đố học trò. Những câu hỏi, bài tập khó trong các đề thi thường chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, chủ yếu câu hỏi nằm ở dạng kiến thức phổ thông bình thường, bởi người ra đề luôn hướng tới việc học sinh phải đạt được điểm trung bình.

Không chỉ kỳ thi tuyển sinh 10 mà ngay cả những đề kiểm tra học kỳ do sở, phòng giáo dục ra đề cũng phản ánh một thực trạng tương tự. Điểm dưới trung bình của các trường thường chiếm tỉ lệ rất cao. Nhiều môn học điểm dưới trung bình chiếm tỷ lệ rất lớn, như một số môn tự nhiên và môn ngoại ngữ. Câu hỏi đặt ra là tại sao cũng học sinh đó học, làm bài, cũng những thầy cô đó ôn luyện mà điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ (giáo viên ở nhà trường ra đề) thì cao chót vót, điểm các kỳ thi tập trung lại thấp như vậy? Điều này chỉ có thể lý giải chất lượng kém trong học tập ở trên lớp, cũng đồng nghĩa với chất lượng giảng dạy của giáo viên trên lớp thấp.

Về phía học sinh, tình trạng học thêm quá nhiều, hầu như kín thời gian cả tuần đi học (bao gồm học chính khóa và học thêm), kể cả ngày nghỉ cuối tuần, cả các buổi tối, khiến các cháu rất mệt mỏi, không còn thời gian nghỉ ngơi thực sự. Nhiều cháu đi học như vậy theo sắp xếp của bố mẹ và thầy cô thì cứ đi, nhưng chất lượng học và tiếp thu bài thì rất hạn chế, nghe rồi để đấy…

Đó là chưa kể học sinh phát sinh những hành vi không phù hợp với người lớn, với thầy cô giáo cũng có một phần nguyên nhân được bắt nguồn từ một số giáo viên dễ dãi trong quản lý lớp học thêm của mình. Những cái lợi chỉ đến với một số người, một số thầy cô, nhưng hệ lụy từ việc dạy thêm, học thêm như hiện nay thì ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều học sinh mà ai cũng thấy, cũng biết.

Nhiều phụ huynh lại cho rằng, mặc dù không bị ép nhưng giáo viên tổ chức dạy thêm nên sợ khi kiểm tra đánh giá các nội dung không có ở phần dạy học trên lớp, hoặc ở trên lớp học sinh học không đủ kiến thức để đi thi… nên phải cho con đi học thêm. Trong khi không ít gia đình thêm lo lắng nhiều hơn khi phải chạy một khoản tiền học thêm cho con. Theo báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO công bố, chi phí học thêm là khoản lớn nhất với gia đình học sinh phổ thông hiện nay: Chi phí đó đối với tiểu học là 32%, THCS là 42% và THPT là 43%...

Vì sao khó cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa?

Thực ra, mục đích ban đầu của việc dạy thêm học thêm là để lấy lại kiến thức căn bản cho học sinh yếu hoặc bồi dưỡng cho học sinh giỏi. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này ngày càng biến tướng và dần trở thành phương thức kinh doanh siêu lợi nhuận mà không phải đóng thuế. Cho nên sự thật là càng cấm thì hoạt động này ngày càng phát triển mạnh, việc cấm gần như vô nghĩa.

Tại sao như vậy? Có nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau.

Thứ nhất: Có nhu cầu của nhiều phụ huynh học sinh muốn trang bị thêm kiến thức cho con em mình để cải thiện kết quả học tập, nhằm hướng tới danh hiệu học tập và có khả năng thi đậu vào các trường chuyên, trường đại học lớn, nên cũng muốn cho con học thêm, ủng hộ việc dạy thêm.  Đó là chưa kể theo phong trào, thấy các bạn khác đi học thêm, học sinh cũng muốn đi cho… vui.

Thứ hai, nhu cầu dạy thêm của một bộ phận giáo viên hiện nay là có thật,  nhất là giáo viên dạy những môn có thể dạy thêm được để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, khi mà lương ở trường vốn thấp, không đủ trang trải cuộc sống.   

Thứ ba, việc dạy thêm, học thêm hiện nay đang được quản lý khá lỏng lẻo. Vì thế, việc dạy thêm, học thêm là những thỏa thuận miệng giữa giáo viên và phụ huynh hoặc giáo viên với học sinh, không ai ngăn cấm.

Thứ tư, hiện các trường và đội ngũ nhà giáo đang thực hiện theo hướng dẫn Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 7.6.2021 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường cấp tiểu học. Trong đó, việc dạy thêm học thêm vẫn có chỗ cho sự “vận dụng”.

Cũng không dễ gì phủ nhận ý kiến cho rằng, lý do tồn tại việc dạy thêm, học thêm là nền giáo dục nặng về lý thuyết, áp lực kiểm tra, thi cử và tâm lý bằng cấp, hơn thua của phụ huynh. Giáo dục chưa dựa trên nền tảng học thật, thi thật và chất lượng thật mà chạy theo thành tích ảo, xếp loại học sinh giỏi ngày càng tăng, đỗ tốt nghiệp 100%, đỗ đại học 100%, bất chấp tình trạng thừa thầy, thiếu thợ trong xã hội…

Về chủ trương, giải pháp cho vấn đề dạy thêm học thêm

Trên thực tế, Bộ GD&ĐT đã có những văn bản liên quan quy định về việc dạy thêm học thêm. Cũng như ở đầu bài viết đã nhắc đến: Bộ GD&ĐT đã có hai lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, với mục đích để tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm học thêm. Nhưng đề nghị của Bộ GD&ĐT chưa được chấp nhận.

Thực tế hiện nay có việc các trường học liên kết với đơn vị bên ngoài, chèn tiết học thêm, học tăng cường vào thời gian học chính khóa của học sinh. Điều này khiến dư luận xã hội bức xúc vì cho rằng, cách sắp xếp thời khóa biểu như vậy gây khó cho phụ huynh, khiến họ khó lòng từ chối tham gia.

Liên quan đến vấn đề này, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định ở bậc tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Để hướng dẫn nhà trường thực hiện, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 7.6.2021 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường cấp tiểu học. Theo đó, khi đã thực hiện đủ định mức tiết dạy của giáo viên hiện có, nhà trường có trách nhiệm thực hiện khảo sát, tổng hợp nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện để tổ chức các hoạt động giáo dục theo nhu cầu người học và theo các quy định về hoạt động này do địa phương quản lý theo thẩm quyền như học tiếng Anh với người nước ngoài, tăng cường giáo dục nghệ thuật, các câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm STEM... Nếu vậy thì có thể coi việc các trường học tổ chức dạy thêm, dạy liên kết hiện nay là không sai. Trong khi tại điều 4 Thông tư 17/2012/BGDĐT quy định, các trường hợp không được dạy thêm gồm: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Câu hỏi đặt ra: Đây có phải là mâu thuẫn trong các chủ trương của Bộ GD&ĐT về vấn đề dạy thêm học thêm không? Dư luận cũng cho rằng, thay vì liên tục đưa ra các chủ trương, thông tư…, Bộ GD&ĐT nên chỉnh sửa, chuẩn chỉ lại các văn bản hiện có, tránh các mâu thuẫn kiểu như trên, gây khó khăn cho cấp cơ sở, cho các trường…

Thực sự cần rà soát và hoàn thiện các quy định đã có nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn có tính xã hội sâu rộng. Vấn đề quan trọng là tổ chức và quản lý việc dạy thêm học thêm như thế nào cho vừa đáp ứng được nhu cầu chính đáng từ thực tiễn, vừa không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học chính khóa của giáo viên và học sinh trên lớp (đây là vấn đề hết sức quan trọng và cần có quy định cụ thể và chế tài có giá trị thực thi); không gây áp lực quá lớn trong việc học, làm mất đi hầu hết thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, tự học vốn đã ít ỏi của học sinh. Đồng thời thực sự đảm bảo tính chất tự nguyện của học sinh và phụ huynh trong việc học thêm.

Bên cạnh đó, việc quản lý dạy thêm, học thêm phải có những quy định thực sự khả thi và kiểm tra kiểm soát được. Đó phải là trách nhiệm của cả ngành giáo dục và của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Vì thế, trước tiên, để quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Giáo dục và đào tạo, các nhà trường với các cấp chính quyền để tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở. Cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi giáo viên, nâng cao hiểu biết của mỗi gia đình và học sinh về dạy thêm, học thêm. Mặt khác, cần nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, học tập, công tác quản lý ở mỗi nhà trường. Có như vậy, việc dạy thêm, học thêm không còn là "vấn nạn" của xã hội.

Tại một phiên họp Quốc hội, khi thảo luận về vấn đề dạy thêm học thêm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH Hải Dương) đưa ra 4 vấn đề cần giải quyết mang tính chiều sâu: Thứ nhất, giảm tải chương trình từ chương trình sách giáo khoa. Thứ hai, cần đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ phương pháp dạy theo hình thức dồn kín, dồn ép kiến thức sang phương pháp dạy tư duy. Thứ ba, quan trọng là phương pháp thi cử, cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nội dung, phương pháp thi cử. Đề thi tập trung vào những vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo của người thi, của học sinh. Thứ tư, vấn đề tổ chức hệ thống trường học. Nếu như chúng ta còn hệ thống trường chuyên thì đương nhiên nhu cầu dạy thêm, học thêm là có, cần cơ sở để bồi dưỡng những nhân tài. Bà cũng cho rằng, điều quan trọng nhất là phải thay đổi nội dung, những phương pháp trong chương trình dạy học và thi cử - đây mới là căn cơ của vấn nạn dạy thêm, học thêm.

Như vậy, tổng hợp chung cho thấy, trong tình hình hiện nay, việc cấm dạy thêm học thêm là điều bất khả thi. Nhưng cũng không thể để dạy thêm học thêm “tự do”, mất kiểm soát như hiện nay, sẽ làm suy giảm chất lượng giảng dạy chính khóa trong nhà trường, cũng như ảnh hưởng không tốt đến uy tín người thầy, uy tín ngành GD&ĐT. Dạy thêm học thêm theo một phương thức đúng đắn, phù hợp và có tổ chức chặt chẽ vì quyền lợi chính đáng của cả người dạy và người học, cũng như đảm bảo vai trò, uy tín của nhà trường, của ngành Giáo dục, là một yêu cầu không được xem nhẹ trong việc cho phép và tổ chức dạy thêm học thêm; như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, quản lý dạy thêm, học thêm cần giải pháp mang tính tổng thể. Trong đó cần cả những quy định về luật, quy định mang tính hành chính, cần cả những giải pháp chuyên môn và giải pháp về quan điểm, tinh thần, thái độ, dư luận xã hội./.

Ths Minh Thuyết (Hà Nội)

...
  • Tags: