Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số cơ quan quản lý nhà nước là quan điểm xuyên suốt của Bộ TT&TT. Tự mình không chuyển đổi số thì sẽ không hiểu thế nào là chuyển đổi số và càng không thể nói người khác chuyển đổi số
Chuyển đổi số cơ quan quản lý nhà nước là quan điểm xuyên suốt
Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng cho biết, Bộ trưởng dự tổng kết năm của các đơn vị trong Bộ là để khai phóng nhận thức là chính. Mong muốn của Bộ trưởng là có vấn đề gì chưa rõ ràng thì mang ra bàn. Những việc khó, nếu có góc nhìn mới thì dễ rất nhiều, cái không khả thi thành khả thi. Có những việc đặt ra có vẻ quá sức mình nếu như không có cách tiếp cận khác thì sẽ rất khó làm.
Về chuyển đổi số báo chí, Bộ trưởng chỉ rõ, để chuyển đổi số báo chí thì đầu tiên phải chuyển đổi số cơ quan quản lý báo chí. Phải đưa hoạt động của Cục Báo chí lên môi trường số, kết nối online với các cơ quan báo chí để quản lý không tiếp xúc.
Chuyển đổi số cơ quan quản lý nhà nước là quan điểm xuyên suốt của Bộ TT&TT. Tự mình không chuyển đổi số thì sẽ không hiểu thế nào là chuyển đổi số, càng không thể nói người khác chuyển đổi số.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho hai Phó Cục trưởng Cục Báo chí là ông Nguyễn Văn Hiếu và bà Mai Hương Giang đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2018 đến năm 2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Những thay đổi mang tính nhận thức của báo chí
Trước đây, báo chí muốn định hướng dư luận thì chọn cái gì đưa là xong, báo chí gần như là một, là duy nhất. Nay không còn thuận lợi đó nữa vì báo chí đưa 1 thì mạng xã hội đưa 10. Do vậy, báo chí không thể nào dựa vào chọn đưa nữa, mà phải dựa vào phân tích nhiều hơn. Đây là một sự thay đổi lớn. Việc có nhiều tin chọn 1 tin để đưa dễ hơn rất nhiều so với việc phân tích, đánh giá.
Trước đây, sức mạnh của báo chí là thông tin thì hiện nay sức mạnh của báo chí là tri thức. Báo chí phải chuyển sang cung cấp tri thức. Việc chuyển từ thông tin sang tri thức là một xu thế rất lớn và đây là bản chất của cuộc cách mạng AI.
Trước đây, báo chí ra định kỳ theo ngày nhưng bây giờ không chỉ định kỳ theo ngày, mà đến giờ, đến phút, đến giây nên quản lý phức tạp hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, công chức, viên chức Cục Báo chí
Trước đây, quản lý báo chí thì xem một số bài, một số nội dung cụ thể nhưng bây giờ là số lớn. Bây giờ quản lý là xem bao nhiêu người đọc bài báo ấy và tốc độ lan tỏa nhanh hay chậm.
Trước đây, kiểm soát đầu vào, thì nay kiểm soát người đọc xem họ nhận thức thế nào. Đây là mục tiêu cuối cùng nên phải đo được, đếm được.
Trước đây, kiểm soát không gian báo chí là chính, nay kiểm soát không gian mạng là chính.
Trước đây, chúng ta tập trung làm chính sách là chính, thì nay phải đi thêm một chân nữa là thực thi chính sách. Thực thi nghiêm minh thì mới có chính sách tốt, mới biết cái gì đúng hay sai, cần điều chỉnh cái gì.
Trước đây, làm việc chủ yếu dựa vào sức người, nay phải dựa vào công nghệ nhiều hơn. Thậm chí, phải dựa vào công nghệ là chính. Cái gì phức tạp, cái gì nhiều số, cái gì nhiều quy định, để cho máy làm và chắc chắn máy làm tốt hơn. Những gì không có dữ liệu, ít thông tin thì để cho người làm vì máy không làm được cái đó. Máy càng nhiều dữ liệu thì càng thông minh, càng ít dữ liệu càng kém đi. Ngược lại, con người càng nhiều dữ liệu thì càng kém đi, càng ít dữ liệu càng thông minh. Lần đầu tiên Bộ đưa ra định nghĩa rất tường minh về AI và người.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm: Bộ TT&TT sẽ ra mắt cổng thông tin về “báo chí nhũng nhiễu” để các tổ chức, địa phương thông tin cụ thể sự việc
Trước đây, người làm báo phải viết báo, người làm báo giờ là người đi nhặt “hạt ngọc” rồi về “mài giũa” cho sáng, cho hợp với gu của báo mình để đăng lên, tờ báo vì thế trở thành nền tảng cho người khác viết và người phóng viên trở thành người biên tập, trở thành người đi nhặt “hạt ngọc”.
Trước đây, quản lý nhà nước nặng về quản lý thì nay phải đi đều 2 chân là quản lý và phát triển. Phát triển thì mới quản lý được. Trước đây, quản lý nhà nước tập trung lo nội dung thì nay phải lo thêm “dạ dày”.
Trước đây, báo chí có phương tiện của chính mình hoặc là báo giấy, trên web, thì nay xuất hiện trên đa nền tảng, sản xuất theo đa nền tảng để phù hợp với từng nền tảng, tức là chỗ nào đông người thì báo chí phải có mặt.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí báo cáo Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ tại Hội nghị
Bộ trưởng cho rằng, nếu lĩnh vực báo chí không thay đổi thì nó ảnh hưởng đến chế độ. Đảng coi công tác truyền thông là một trong năm phương thức lãnh đạo, ngang hàng với công tác cán bộ.
Bộ trưởng chỉ rõ, nếu báo chí không theo kịp đổi mới thì có mối nguy. Chưa kể, báo chí có sứ mệnh mới là thổi bùng lên khát vọng Việt Nam, tạo nên sức mạnh tinh thần cho đất nước bay lên hùng cường, thịnh vượng.
Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho hai Phó Cục trưởng Cục Báo chí là ông Nguyễn Văn Hiếu và bà Mai Hương Giang đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2018 đến năm 2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
- Cả nước hiện có 812 cơ quan báo chí, trong đó có 138 cơ quan Báo và 674 cơ quan Tạp chí. Báo, Tạp chí chỉ thực hiện loại hình in là 516; thực hiện 02 loại hình là 266; chỉ thực hiện loại hình điện tử là 30. - Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người (trong đó, khối báo chí in, báo chí điện tử xấp xỉ 24.500 người). - Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2015 tính đến tháng 31/12/2023 là 20.597 (trong đó khối báo chí in, báo chí điện tử có 13.081 trường hợp). - Về công tác truyền thông chính sách theo Chỉ thị 07/CT-TTg: + Đã có 81/93 Bộ, ngành, địa phương ban hành Chương trình/kế hoạch triển khai Chỉ thị (đạt 87,10%). + Có 66/93 đơn vị đã xây dựng mạng lưới kết nối truyền thông; có 12.704 đầu mối từ Bộ, ngành trung ương đến địa phương (cấp xã) về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. |