Theo Báo cáo về tình trạng An ninh lương thực và Dinh dưỡng trên thế giới (SOFI), năm 2023 ước tính có từ 691 đến 783 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với nạn đói. Khu vực châu Á có tỷ lệ người dân chịu đói cao nhất, chiếm hơn một nửa (55%) con số đó. Báo cáo SOFI cũng cho biết, khoảng 2,4 tỷ người - tương đương 29,6% dân số toàn cầu - bị mất an ninh lương thực ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng vào năm 2022, trong đó số lượng này ở châu Á là hơn 1,1 triệu người. Cũng vì vậy, trên phạm vi toàn cầu, bảo đảm an ninh lương thực là một trong những vấn đề tối quan trọng và cấp bách hiện nay.
Tại Việt Nam, dựa trên nội dung của Nghị quyết số 34/NQ-CP về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, an ninh lương thực là mục tiêu trọng điểm quốc gia trong việc (1) duy trì nguồn cung lương thực, (2) quyền tiếp cận lương thực của người dân và (3) đảm bảo dinh dưỡng lương thực đầy đủ và an toàn.
Điều kiện cho đảm bảo an ninh lương thực
Đối với các nước có phát triển nông nghiệp nói chung và trồng cây lương thực nói riêng, để bảo đảm an ninh lương thực, trước hết cần bảo đảm sinh kế thu nhập cho người trồng lương thực, giữ được đất trồng trọt; đồng thời, bảo đảm khả năng tiếp cận lương thực và cân bằng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho người dân. Điều đó cũng khẳng định, an ninh lương thực gắn liền với phát triển nông nghiệp bền vững.
Cũng có quan điểm cho rằng, an ninh lương thực quốc gia bao gồm sự bảo đảm đầy đủ cả ba khía cạnh: (1) Về sản xuất, phải có đủ lương thực cả về số lượng và chất lượng cung cấp cho toàn xã hội trong mọi thời điểm. (2) Về phân phối, phải có hệ thống cung ứng lương thực với mức giá cả người mua và người bán chấp nhận được. (3) Về thu nhập, phải tạo điều kiện để mọi người đều có việc làm, có thu nhập để có tiền mua lương thực đáp ứng nhu cầu bản thân và gia đình; đồng thời, bảo đảm sinh kế bền vững của người sản xuất lương thực.
Tất nhiên, để bảo đảm an ninh lương thực cũng cần tính đến các đặc điểm của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế trong từng giai đoạn và đối với mỗi quốc gia. Theo đó, có các yếu tố ảnh hưởng, như: (1) Yếu tố ảnh hưởng đến cung, như môi trường tự nhiên (diện tích đất canh tác, nguồn nước, khí hậu), trình độ khoa học – công nghệ, tốc độ đô thị hóa… (2) Yếu tố ảnh hưởng đến cầu, như giá cả lương thực, tình hình thị trường lương thực thế giới, thu nhập của người tiêu dùng, sự gia tăng về dân số… (3) Yếu tố ảnh hưởng đến phân phối lương thực, như sự thay đổi mô hình phân phối, cơ sở hạ tầng về giao thông, kho dự trữ…
Hiện nay, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực đã khác trước, đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn diện và đổi mới nhằm phát huy cao nhất những nguồn lực được sử dụng. Trong đó, các hệ thống sản xuất nông nghiệp cần phải được chuyển đổi và nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu trên lộ trình bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Tại nhiều diễn đàn, hội thảo đã được tổ chức trên phạm vi toàn cầu, các nhà khoa học đã khẳng định, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp là chìa khóa để ứng phó với đói nghèo và bảo đảm an ninh lương thực. Ứng dụng khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng năng suất cây trồng, đặc biệt là khi nông dân phải đối mặt với các hình thái thời tiết không thể dự đoán trước; quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia. Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh lương thực cần phải giải quyết vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu; cải thiện hệ thống nông ngư có sức chống chịu bền vững để phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, cần đảm bảo viện sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững và đảm bảo việc phục hồi nguồn tài nguyên thiên nhiên; quản lý được đổi mới sáng tạo và các rủi ro của những công nghệ mới nhằm mang đến và cải thiện hệ thống lương thực bền vững…
Tại Việt Nam, khoa học công nghệ đóng góp trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp; trong đó, nghiên cứu tạo ra giống cây trồng mới, về nguyên liệu đầu vào, các công nghệ mới như công nghệ sinh học và, là chìa khóa cho phép nông dân thích ứng hiệu quả hơn với điều kiện thời tiết thay đổi, tạo ra năng suất nông nghiệp cao với chất lượng tốt hơn.
Một số giải pháp nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng vấn đề bảo đảm an ninh lương thực quốc gia của Việt Nam vẫn chưa bền vững, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay. Để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, cần thực hiện một số giải pháp sau:
1.Nhà nước cần cải cách thể chế, chính sách, đặc biệt là liên quan đến đất đai (quyền sở hữu/quyền sử dụng) để nông dân yên tâm và gắn bó với sản xuất lương thực. Tập trung ruộng đất dưới nhiều hình thức khác nhau để nâng cao hệ thống sản xuất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí giao dịch trong chuỗi giá trị và tạo điều kiện cho các hộ gia đình đạt được và duy trì mức sống trung bình từ sản xuất lương thực. Quản lý chặt việc chuyển đổi đất nông nghiệp, đất xây dựng để bảo vệ đất sản xuất lương thực (đặc biệt đất trồng lúa – cây lương thực chính của Việt Nam); đồng thời, cần ưu tiên và gắn với những cam kết ưu đãi cụ thể, có lộ trình và có sự kiểm tra, giám sát đối với đất trồng lương thực. 2. Cần xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, có chính sách khuyến khích nghiên cứu, áp dụng khoa học – kỹ thuật và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng cây giống, trị sâu bệnh cho cây trồng bảo đảm phát triển bền vững. Cần đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bằng việc nghiên cứu và phát triển các loại cây lương thực thích nghi với biến đổi khí hậu, chịu được hạn hán và có khả năng kháng sâu bệnh.
3. Có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tăng thu nhập cho người dân sản xuất lương thực. Ngành Nông nghiệp cần phải đầu tư nhiều hơn trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học – công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp cũng như nâng cao năng lực cho nông dân để họ có thể tự tổ chức sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…
Liên quan đến vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, ngày 05/8/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa gạo và cơ hội của thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập của người dân, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường và uy tín của gạo Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện những nhiệm vụ được giao, nhằm: Đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm; Chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo; Kịp thời hỗ trợ người sản xuất và các thương nhân; Xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao./.
Ths. Phạm Xuân Tùy