Đó là yêu cầu cần được đáp ứng hiện nay. Nghĩa là, việc xây dựng văn hóa pháp luật, tạo thói quen sống và làm việc trong một xã hội có kỷ cương, pháp luật nghiêm minh là cực kỳ quan trọng.
Quan niệm và thực tế vấn đề văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp
Về quan niệm chung: Văn hóa pháp luật là hệ thống các yếu tố, giá trị vật chất và tinh thần thuộc lĩnh vực tác động của pháp luật, được thể hiện trong ý thức, tư tưởng và hành vi của con người. Theo đó, Văn hóa pháp luật được hình thành từ 3 yếu tố: Ý thức pháp luật, hệ thống pháp luật và các phương tiện pháp luật.
Để xem xét văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp, trước hết hãy nói về hoạt động lập pháp: Đối với mỗi bộ máy nhà nước, các lĩnh vực hay quyền gắn với pháp luật được chia thành 3 lĩnh vực: Lập pháp, Hành pháp, và Tư pháp. Như thế, trong bộ máy nhà nước, lập pháp chỉ là một lĩnh vực hoạt động của nhà nước; có thể hiểu đơn giản lập pháp là công việc làm luật của cơ quan đại diện Quốc hội (phân biệt với “lập quy” là hoạt động xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật do các cơ quan nhà nước không phải là Quốc hội thực hiện).
Văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp có một số đặc điểm đáng chú ý sau: (1) Văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp phản ánh các đặc điểm của môi trường, trong đó hoạt động lập pháp thường gắn vai trò điều chỉnh của pháp luật với tính cách là hoạt động tạo nên các quy tắc pháp luật cơ bản, tạo nền tảng cho hoạt động của quốc gia. Vì vậy, ở đây đề cập đến là vấn đề văn hóa tranh luận, phản biện… (2) Ý thức, hành vi lập pháp của các cá nhân, đại diện cho tổ chức, cơ quan luôn cần đến tính “chuẩn mực”, không cho phép đi chệch chuẩn mực đó. (3) Hoạt động lập pháp chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật. Do đó, các chủ thể thực hiện quyền lực nhà nước thì yêu cầu đặt ra là phải thể hiện văn hóa pháp luật trong việc “gương mẫu” tuân thủ các quy định pháp luật nhằm tránh trường hợp quyền lực nhà nước bị lạm dụng, mất kiểm soát. (4) Có sự tác động của các đặc tính cá nhân, môi trường trên phương diện văn hóa pháp luật đối với chủ thể lập pháp. Nghĩa là, dấu ấn cá nhân như cách nghĩ, niềm tin, tôn giáo, môi trường sinh sống đều phản ánh lên mỗi hoạt động của họ qua lăng kính văn hóa pháp luật.
Có thể khẳng định, trong thời gian qua, văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp của Quốc hội ở nước ta được thể hiện rõ hơn, nhiều hơn; cụ thể là:
1-Giá trị của dân chủ được thể hiện trong pháp luật và ngày càng được bảo đảm một cách thực tế. Đây là điểm đặc trưng nhất khi nhìn nhận về văn hóa pháp luật được các chủ thể lập pháp ở nước ta tiếp nhận thời gian qua. Bên cạnh đó, sự không áp đặt ý kiến đối với các đại biểu trong thảo luận và thông qua luật, các đại biểu có thể tự do phát biểu ý kiến có tính chất xây dựng đối với các vấn đề của luật.
2- Vấn đề tranh luận trong hoạt động lập pháp đã được đẩy lên mức ngày càng cao. Các ý kiến về xây dựng luật, các quy định của luật được tôn trọng quyền tự do phát biểu. Đó cũng chính là biểu hiện cao của văn hóa. Ý kiến có thể là thuận chiều hay trái chiều, có thể là gay gắt hay ôn hòa, nhưng nói chung, Quốc hội và giữa các đại biểu đã chấp nhận nhau, tôn trọng nhau, không quy kết, chụp mũ.
3- Văn hóa pháp luật được thể hiện trong sản phẩm là ở các luật ngày càng có chất lượng. Hiện nay, đứng trước thực trạng chúng ta đang tham gia ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại mới, điều này đòi hỏi và chứng tỏ hệ thống pháp luật đang rất mở thì mới có thể cùng lúc tiếp nhận và tương thích với nhiều hiệp định quốc tế để thích ứng với các chuẩn mực quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực trong hoạt động lập pháp gắn với những giá trị pháp luật hiện có, vẫn còn những hạn chế nhìn từ khía cạnh văn hóa. Đó là: (1) Văn hóa pháp lý bao cấp ít nhiều vẫn có trong hoạt động lập pháp. Trước tiên, nó thể hiện ở các kế hoạch lập pháp do Nhà nước, các cơ quan nhà nước thực hiện như ban hành các chương trình xây dựng pháp luật hàng năm, toàn khóa,… Vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa được đặt đúng vị trí trong xã hội hiện đại, chưa được đề cao đúng mức. (2) Tính kiêm nhiệm đại biểu trong lĩnh vực lập pháp. Đây cũng là biểu hiện theo đó, văn hóa pháp lý đã không phản ánh được tính chuyên nghiệp cũng như hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong hoạt động lập pháp. Thực tế, đó có thể là nguyên nhân nhiều đạo luật vừa ban hành đã phải sửa đổi9, hoặc thậm chí có quy định của luật chưa có hiệu lực đã phải sửa đổi. (3) Biểu hiện cục bộ, lợi ích (ngành, lĩnh vực) trong hoạt động lập pháp. Đây là điều đã được biết đến từ khá lâu trong thực tiễn lập pháp nước ta. Hiện tượng “chạy qua chạy lại, xin cho, quy định không rõ ràng để người dân kêu ca, phải xếp hàng chờ đợi”11 là vấn đề đã được nêu trong các phiên họp của Chính phủ, các Bộ, ngành hoặc của dư luận xã hội nước ta thời gian qua. (4) Trong hoạt động soạn thảo cũng như tranh luận, thông qua luật, không tránh khỏi ảnh hưởng của truyền thống, tâm lý pháp lý bắt rễ sâu trong đời sống - xã hội. Đó là “dĩ hòa vi quý”, “thêm bạn, bớt thù”, “nể nang”,… làm giảm tính tranh luận, phản biện trong hoạt động lập pháp.
Định hướng xây dựng và phát triển văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp
Từ nhận thức lý luận và thực tiễn trên đây, để vấn đề văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp được thực thi chuẩn mực và đầy đủ hơn, theo ý kiến các nhà nghiên cứu, cần triển khai một số định hướng sau:
1. Mở rộng các đối tượng tham gia vào hoạt động lập pháp: Định hướng phát triển văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp ở nước ta trước tiên cần được thể hiện ngay trong các quy trình lập pháp theo hướng xã hội hoá hoạt động làm luật. Việc mở rộng đối tượng lập pháp này chính là biểu hiện quan trọng đầu tiên của văn hóa pháp luật, thể hiện ở việc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
2. Bảo đảm tính pháp quyền trong hoạt động lập pháp: Bảo đảm sự ràng buộc pháp lý để không chỉ các thể chế nhà nước mà các thể chế chính trị cũng phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Cụ thể hóa quy định tại khoản 3, Điều 4 của Hiến pháp: "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, trong lĩnh vực lập pháp cũng cần thể hiện được nguyên tắc này. Vì vậy, việc phát triển văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp cần phải thể chế hóa tổ chức và hoạt động của Đảng ta bằng các đạo luật cụ thể.
3. Xây dựng và phát triển văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp gắn với các cơ chế hữu hiệu công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân: Trong thực tế, pháp luật cũng như thực hiện pháp luật trong hoạt động lập pháp cũng cần tính đến các yếu tố văn hóa này để cải thiện tình hình.
4. Phát triển văn hóa pháp luật bằng việc xác định hợp lý phạm vi quyền lực nhà nước trong hoạt động lập pháp: Việc giới hạn quyền lực nhà nước trong hoạt động lập pháp không chỉ là việc xác định đúng thẩm quyền của các chủ thể quyền lực nhà nước mà còn là đảm bảo việc tham gia của nhân dân, của xã hội trong việc xây dựng các đạo luật cũng như tổ chức hoạt động lập pháp. Chỉ khi làm được như vậy thì các cơ quan nhà nước mới có vị trí, chính danh và nhân dân cũng thấy được tiếng nói của mình trong đó, làm hạn chế sự lạm quyền trong hoạt động xây dựng pháp luật.
5. Gìn giữ tinh hoa văn hóa pháp lý truyền thống trong hoạt động lập pháp: Việc lựa chọn các giá trị văn hóa pháp lý nào để gìn giữ, giá trị nào để loại bỏ do không phù hợp thực sự là vấn đề phức tạp, đòi hỏi cần nghiên cứu sâu hơn để có được sự lựa chọn phù hợp nhất…/.
Ths. Nguyễn Thanh Tuyền