Để hương ước, quy ước trở thành “cánh tay nối dài” của pháp luật

Từ năm 1990, sau một quãng thời gian bị “đứt gãy” văn hóa, nhiều làng xã đã soạn lại hương ước, quy ước. Cùng lúc đó, ngành Văn hóa cũng đưa ra hương ước mẫu, để các làng lấy đó làm căn cứ.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hương ước, quy ước tại nhiều địa phương vẫn tồn tại một số nhược điểm, thậm chí dẫn đến việc trái với quy định pháp luật. Là văn bản gần gũi với cộng đồng nhất, hương ước, quy ước cần trở thành “cánh tay nối dài” của pháp luật, được soạn thảo theo hướng bổ sung cho pháp luật, đồng thời làm nổi bật tính riêng của từng cộng đồng...
Ảnh minh họa - TL
Vai trò quan trọng của “những quy định nội bộ”
Ngày 23/10/2021 tại Quyết định 1790/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025 đạt 95% và đến năm 2030 đạt 100% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.
Cùng với pháp luật, hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc ứng xử do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội của nhân dân nhằm gìn giữ và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Mỗi thời kỳ, hương ước, quy ước có những đặc điểm riêng, song nhìn chung hương ước, quy ước luôn đóng vai trò quan trọng trọng điều chỉnh các quan hệ xã hội ở cộng đồng dân cư. Do đó, theo Quyết định 1790/QĐ-TTg, một số nội dung về bình đẳng giới cần lồng ghép khi xây dựng hương ước, quy ước như: nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới; biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới; chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới... Các vấn đề bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hoá, thông tin, thể dục thể thao và gia đình được quan tâm chú trọng đưa vào hương ước, quy ước của thôn, xóm, khu dân cư.
Việc sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới đem lại những kết quả tích cực như nâng cao nhận thức của nhân dân về bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới, phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, gia đình; phụ nữ được tham gia giao lưu, học hỏi trong các phong trào tại địa phương..., góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu, kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Có thể minh chứng nhận định này tại tỉnh Thái Bình, nơi mô hình “Xây dựng, sửa đổi hương ước, quy ước bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới” được triển khai rất sớm từ khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản về việc lựa chọn xã tham gia thực hiện mô hình “Xây dựng, sửa đổi hương ước, quy ước bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới” tại các tỉnh, thành phố trong cả nước vào năm 2013. Triển khai mô hình, Thái Bình chọn 5 thôn thực hiện mô hình điểm: thôn Truy Đình (xã Văn Cẩm - Hưng Hà), thôn Phú Lễ Thượng (xã Tự Tân - Vũ Thư), thôn Tân Ấp 2 (xã Minh Tân - Kiến Xương), thôn Đồng Mỹ (xã Quỳnh Lâm - Quỳnh Phụ), thôn Đồng Kinh (xã Thái Thuần - Thái Thụy), là những thôn có điều kiện kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, khả năng tiếp cận thông tin của nhân dân còn hạn chế, vẫn còn tồn tại những hủ tục lạc hậu trong đời sống sinh hoạt, nhận thức về bạo lực gia đình và bình đẳng giới còn chưa thật sự tiến bộ, tỷ lệ mất cân bằng giới tính có xu hướng gia tăng...
Trong quá trình triển khai, tại các xã có thôn thực hiện mô hình đã thành lập ban tư vấn, ban soạn thảo hương ước, quy ước với các thành viên là những người có trình độ, kinh nghiệm và có uy tín trong cộng đồng. Các văn bản quy ước tại các địa phương chọn làm mô hình điểm đã được người dân tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung thêm nội dung thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình như: nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh; tránh phân biệt, có cách ứng xử phù hợp, tiến bộ, không phân biệt đối với các gia đình sinh con gái hoặc sinh con một bề là gái; không phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong việc tham gia vào lĩnh vực đào tạo, lao động, việc làm và phân chia tài sản thừa kế...
Sau 3 năm triển khai, nhận thức của người dân về vấn đề bình đẳng giới có nhiều chuyển biến tích cực. Tại nhiều thôn, khi chính quyền cơ sở cụ thể hóa nội dung hương ước, quy ước sửa đổi áp dụng cho từng đoàn thể, yêu cầu mỗi đoàn thể xây dựng một mô hình câu lạc bộ gắn với công tác bình đẳng giới có trong quy ước thôn, đã thu hút được đông đảo cộng đồng dân cư tham gia, nhận thức về vấn đề bình đẳng giới và công tác phòng, chống bạo lực gia đình có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều thôn không có trường hợp bạo lực gia đình phải đưa ra phê bình, khiển trách; không có hiện tượng phân biệt đối xử giữa con trai và con gái; hạn chế được tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi. Tình trạng sinh con thứ ba, bạo lực trong gia đình, phân biệt đối xử với phụ nữ sinh con một bề là gái cũng giảm hẳn so với trước...
Theo đánh giá của ngành Văn hóa sau thời gian chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng, sửa đổi hương ước, quy ước trong đó lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới, các quy ước, hương ước tại nhiều địa phương đã bám sát đời sống và tình hình thực tế để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng, những lĩnh vực pháp luật chưa điều chỉnh hoặc chỉ quy định nguyên tắc nhằm xây dựng nếp sống văn hóa mới. Việc thực hiện tốt các hương ước, quy ước tại cộng đồng đã góp phần tích cực vào kết quả thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.
Hương ước, quy ước cần được soạn thảo theo hướng bổ sung cho pháp luật
Ngày 16/8/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Theo đó, Nghị định 61/2023/NĐ-CP quy định việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước phải bảo đảm nguyên tắc: phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước phải xuất phát từ nhu cầu tự quản của người dân, trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất, công khai, minh bạch trong cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân và trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng. Đồng thời, tôn trọng tính tự chủ, tính đa dạng văn hóa và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng dân cư; phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới, quy tắc ứng xử văn minh, phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư...
Từ đây, có thể nói, giữ vai trò như những “quy định nội bộ” về các nguyên tắc ứng xử để điều chỉnh các hành vi, hoạt động của con người và cộng đồng, các hương ước, quy ước đã từng tồn tại rất lâu tại các làng xã Việt Nam trong lịch sử và ngày nay, dù cuộc sống hiện đại có nhiều biến đổi, xã hội vẫn rất cần có những hương ước ấy, để kế thừa những nét tích cực từ truyền thống, cũng như thượng tôn pháp luật.
Tại Tọa đàm “Hương ước làng xã Bắc Bộ Việt Nam: Một số vấn đề liên quan tới đình làng” do Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức mới đây, theo nhiều đại biểu, trong bối cảnh hiện nay, cấu trúc của các làng xã đã biến đổi rất nhiều so với trước. Vì thế, hương ước cũng cần sửa đổi để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại.
Thực tế, từ năm 1990, sau một quãng thời gian bị “đứt gãy” văn hóa, nhiều làng xã đã soạn lại hương ước. Cùng lúc đó, ngành Văn hóa cũng đưa ra hương ước mẫu, để các làng lấy đó làm căn cứ. Dù vậy, trong một chừng mực, hương ước mẫu cũng tồn tại một số hạn chế như đưa ra nhiều chỉ tiêu, kế hoạch phát triển, nhắc lại pháp luật một cách khô cứng. Đồng thời, tại một số địa phương, hương ước của làng cũng sao chép y nguyên hương ước mẫu, mà ít có không sửa đổi, bổ sung. Điều này dẫn đến hương ước các làng na ná nhau, mà thiếu đi đặc trưng riêng của từng làng.
Do đó, nhiều chuyên gia đồng thuận với quan điểm cho rằng, việc đưa ra một mẫu hương ước chung sẽ không hợp lý bằng việc đưa ra những định hướng và nội dung cơ bản, để từ đó các làng vận dụng. Cụ thể, hương ước cần được soạn thảo theo hướng bổ sung cho pháp luật, đồng thời làm nổi bật tính riêng của từng cộng đồng, thay vì nhắc lại văn bản mẫu. Tính riêng ấy cần căn cứ vào các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa, điều kiện tự nhiên, đặc điểm dân cư, việc tổ chức thờ thần, phong tục tập quán, hệ thống di tích thờ tự, lễ thức riêng, trò diễn riêng trong hội làng được hình thành và truyền thừa qua nhiều đời...
 
Hồng Minh - Bộ Tư pháp
...
  • Tags: