Giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng là nhân tố trọng tâm, là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đảng và Nhà nước luôn đề cao vai trò của giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Có chính sách đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo. Đẩy mạnh đổi mới đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý và quản trị nghiệp vụ, chuyên môn trong giáo dục và đào tạo, từng bước thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục và đào tạo” . Những quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định là nhằm tiếp tục thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng.
Chất lượng đào tạo đại học là vấn đề luôn thu hút sự quan tâm của dư luận, xã hội (internet)
Giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng là nhân tố trọng tâm, là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đảng và Nhà nước luôn đề cao vai trò của giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học. Sau một thời gian phát triển quá nhanh về số lượng, thì “Chất lượng” là vấn đề quan trọng nhất của giáo dục đại học Việt Nam, cũng là kỳ vọng của cả một dân tộc, một thế hệ người Việt Nam đối với nền giáo dục đại học nước nhà trong bối cảnh hiện nay. Vậy, cần có những giải pháp đột phá như thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam.
I-Thống nhất về nhận thức, khái niệm
1.Thống nhất nhận thức về chất lượng
Chất lượng là gì? Có rất nhiều định nghĩa về chất lượng xuất phát từ góc nhìn khác nhau.
- Chất lượng là sự xuất sắc, không phải mọi trường đại học đều có thể là Havard hay Học viện công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology- MIT). Không tồn tại một quốc gia mà chỉ có các trường đại học xuất sắc (kể cả Hoa Kỳ). Một trường đại học điển hình trong khu vực với sứ mệnh phát triển đất nước của mình sẽ chọn một mục tiêu khác với một trường như Viện Đại học California-Berkeley (Berkeley).
- Chất lượng là sự hài lòng của khách hàng. Chất lượng còn là một ngưỡng, là giá trị gia tăng, có nghĩa là giá trị thêm vào người học trong quá trình giáo dục và đào tạo. Chất lượng là đáng giá với chi phí đã bỏ ra từ người học và từ nhà đầu tư cho dù nhà nước hay tư nhân. Khái niệm Chất lượng này tập trung vào hiệu quả, đo lường bằng kết quả đầu ra so với đầu vào.
- Khái niệm được chấp nhận, phổ biến nhất là sự đáp ứng mục tiêu (fitness for purpose) khi mục tiêu là phù hợp (fitness of purpose). Vì thế, có thể kết luận rằng chất lượng là một khái niệm rất phức tạp. Trường đại học phải phân biệt và đáp ứng các yêu cầu chất lượng (mục tiêu) do sinh viên, do thế giới học thuật, do thị trường lao động (người sử dụng lao động), xã hội, và do Đảng và Nhà nước kỳ vọng.
Mặt khác, chúng ta cần một cái nhìn tổng thể hơn về chất lượng, nhưng thực tế chúng ta lại chỉ có thể xác định chất lượng khi xem xét các yếu tố cụ thể. Các Tổ chức xếp hạng các trường đại học trên thế giới đều phải dựa trên các tiêu chí cụ thể của từng lĩnh vực hoạt động của nhà trường như đào tạo, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng và quốc tế hóa. Mỗi bảng xếp hạng có những điểm ưu tiên riêng dựa trên một triết lý riêng về chất lượng giáo dục đại học. Không có trường đại học nào là số 1 trên tất cả các tiêu chí xếp hạng của tất cả các bảng xếp hạng chất lượng trên thế giới.
2-Xây dựng các tiêu chuẩn và tiêu chí để đánh giá chất lượng
Một trường đại học có thể tự thiết lập các tiêu chuẩn/mục tiêu riêng của mình, nhưng làm như vậy, họ phải tính đến các tiêu chí và tiêu chuẩn được đặt ra ở thế giới bên ngoài. Vì vậy, Việt Nam chúng ta đã đặt ra một Bộ tiêu chuẩn đánh giá kết quả, với 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí (gọi tắt là Bộ tiêu chuẩn 2013), sau đó là Bộ tiêu chuẩn với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí (gọi tắt là Bộ tiêu chuẩn 2017) dựa trên nền tảng của Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nhà trường đại học của Tổ chức bảo đảm chất lượng của mạng lưới các trường đại học ASEAN[4] (AUN-QA).
Về cơ bản Bộ tiêu chuẩn 2013 được 122 trường trong số 237 trường đại học tham gia kiểm định trước tháng 6/2018, trong đó có 117 trường đạt chuẩn là Bộ tiêu chuẩn đánh giá kết quả. Hai Bộ tiêu chuẩn mới, một là đánh giá chất lượng chương trình đào tạo và hai là đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục mà chúng ta đang triển khai là hai Bộ tiêu chuẩn đánh giá công việc quản lý của cơ sở giáo dục theo nguyên lý “Quy trình kiểm soát chất lượng - PDCA”. Tức là với bất kỳ lĩnh vực nào, dù là chiến lược, hệ thống, chức năng hay kết quả thì cơ sở giáo dục cũng phải lập kế hoạch (Plan-P); thực hiện các kế hoạch đã đề ra (Do-D); kiểm tra, rà soát đánh giá việc thực hiện các kế hoạch (Check-C) và cải tiến (Act-A), điều chỉnh cho thích hợp để sau đó bắt đầu lại việc lập kế hoạch điều chỉnh này và thực hiện lại chu trình PDCA mới.
Việc sử dụng Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình và đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục có ý nghĩa:
- Cải tiến liên tục để từng bước tiến bộ. Nếu không đổi mới và cải tiến thì trong thời buổi cạnh tranh sẽ bị tụt hậu không chỉ với quốc tế mà còn cả ở trong nước.
- Cần đối sánh, so sánh để đặt ra những mốc chuẩn cho những bậc thang mà chúng ta cần phải bước tiếp. Đó là những thực hành tốt nhất (best practices) trong và ngoài nước cần phải được tham chiếu để xác định bậc thang cho mình (benchmarking), để làm căn cứ có thể tiến nhanh hay chậm. Kinh nghiệm kiểm định nhiều trường đại học Việt Nam cho thấy đây là khâu khó nhất do chúng ta chưa quen làm việc này, cùng với đó là kết hợp kiểm tra, rà soát đánh giá (Check) trước khi cải tiến (Art).
- Cần có nguồn lực để tiến lên. Nhân lực, cơ sở vật chất và quan hệ đối ngoại để huy động nguồn lực từ bên trong và ngoài nước. Bản thân Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học của Tổ chức bảo đảm chất lượng của mạng lưới các trường đại học (AUN-QA) cũng được xác định tại Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, cụ thể ở Điều 15; Tiêu chuẩn 12: Nâng cao chất lượng, Tiêu chí 12.1: Xây dựng kế hoạch liên tục nâng cao chất lượng của cơ sở giáo dục gồm các chính sách, hệ thống, quy trình, thủ tục và nguồn lực để thực hiện tốt nhất hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Nguồn lực ở đây bao gồm nhân lực, đội ngũ cán bộ giảng viên, nhân viên, cơ sở vật chất, thư viện, tài chính và quan hệ đối ngoại.
Vì vậy, có thể lý giải tại sao trường đại học nào thực hiện kiểm định cũng đều đạt cả, bởi vì sau khi tự đánh giá mà tự thấy chưa đạt các mốc chuẩn thì không trường nào dám đăng ký kiểm định (tự đánh giá và kiểm định đều phải được nhà trường công khai, công khai cả câu hỏi, đáp án và thang điểm).
Theo dữ liệu cập nhật của Cục Kiểm định chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo đến ngày 30/9/2020 có 230 cơ sở giáo dục đại học (trường đại học, học viện) và 28 trường cao đẳng sư phạm hoàn thành báo cáo tự đánh giá; 152 cơ sở giáo dục đại học và 09 cơ sở cao đẳng sư phạm được đánh giá ngoài do các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước công nhận[6], 145 cơ sở giáo dục đại học và 9 cơ sở cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Có 07 trường đại học được công nhận bởi tổ chức bảo đảm chất lượng của mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA) và Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học của Pháp (HCERES).
II- Luận cứ cho giải pháp đột phá
Theo định nghĩa thì đột phá có ba đặc điểm quan trọng: đột (đột ngột) và phá (công phá) và tiêu tốn ít nguồn lực. Thiếu một trong ba yếu tố này không thể được gọi là giải pháp đột phá. Giải pháp đột phá còn có thể được hiểu là phải thành công (công phá được sự cản trở) trong một thời gian ngắn (đột biến) và cần ít nguồn lực nhất so với các giải pháp khác.
Trong giáo dục có những giải pháp đã từng được chọn là đột phá như đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên thực tế đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông không phải là công việc có thể làm xong sớm, kết thúc sơm và không bao giờ có thể làm xong trong một vài năm thậm chí càng không phải là ít tốn kém. Chu kỳ thay đổi chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông phải là số năm học hết các cấp học (Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) cộng với thời gian để xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa...(gọi tắt là 12 + x (năm), “x” là để thời gian để xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa (SGK) cho cấp học đầu tiên và vài năm để đánh giá hiệu quả của việc triển khai chương trình, SGK mới trong thực tiễn). Vì vậy, đại đa số là chưa thực hiện xong việc đổi mới này thì đã xuất hiện nhu cầu đổi mới tiếp những điều chúng ta vừa đổi mới được rút ra từ thực tiễn trong quá trình triển khai.
Ngoài ra, có những việc bước vào tổ chức triển khai thực hiện mới nhận ra được tính chất đột phá và cần có giải pháp xử lý sao cho đạt được hiệu quả tối ưu. Vận dụng với giáo dục đại học, cho đến nay có thể xác định hai giải pháp mà chúng ta đã triển khai được xem là các giải pháp đột phá gồm công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng ở các cơ sở giáo dục đại học[8] và việc trao quyển tự chủ cho các trường đại học.
Như vậy, trên cơ sở luận cứ nêu trên, thì những bước tiến hay giải pháp đột phá cho giáo dục đại học được thể hiện như sau:
1.Với công tác tự đánh giá và kiểm định chất lượng lần đầu tiên sẽ giúp cho việc tổng rà soát về công tác quản trị và quản lý đại học ở quy mô toàn hệ thống. Công tác kiểm định tạo điều kiện cho mỗi trường và cả hệ thống nhìn nhận lại mình một cách toàn diện dựa trên một mô hình đảm bảo chất lượng cụ thể được áp dụng và hiện nay đang áp dụng ở các nhà trường là mô hình của Tổ chức bảo đảm chất lượng của mạng lưới các trường đại học ASEAN.
Trước đây, có khá nhiều điều các trường đại học chưa thực hiện công tác kiểm định và cũng không biết nên điều chỉnh thế nào ngoài việc dựa trên kinh nghiệm quản lý. Vì công tác tự đánh giá và kiểm định chất lượng đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của toàn nhà trường, từ người lãnh đạo cao nhất đến nhân viên phục vụ (chủ tịch hội đồng trường, ban giám hiệu đến người lao công, phục vụ...) và trong quá trình quản lý chất lượng tổng thể của nhà trường không ai có thể đứng ngoài cuộc. Cũng chính từ công tác tự đánh giá và kiểm định chất lượng mà các trường đã có những thay đổi khá cơ bản và bài bản trong công tác quản trị, quản lý và lãnh đạo. Điều này đã được thấy rõ ở hầu hết các trường đã tham gia kiểm định, đặc biệt là những trường thuộc nhóm trung bình khá trở xuống (chiếm đa số trong các trường đại học ở Việt Nam). Như vậy, có thể cho rằng một cách khách quan, việc đưa ra và triển khai thực hiện tự đánh giá và kiểm định chất lượng các trường đại học đã, đang và sẽ là một bước tiến/bước đột phá của giáo dục đại học.
2.Việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học là một giải pháp ít tốn kém nhất. Tuy rằng, hiện nay chưa có kết quả cụ thể vì các cơ sở sở giáo dục đại học hiện nay đang triển khai thực hiện tự chủ theo những quy định của Luật và Nghị định mới được ban hành[10] (thời gian vừa qua mới có một số cơ sở giáo dục đại học được giao thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017), vì vậy, phải xem đây là bước đi tất yếu là xu thế của giáo dục đại học trên thế giới và của giáo dục đại học Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, trao quyền tự chủ cho các nhà trường cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy quá trình đổi mới, phát huy sáng kiến để nhà trường mở rộng thị trường, tái cơ cấu nhà trường để tồn tại và phát triển từ đó dẫn đến tái cơ cấu cả hệ thống. Như vậy, tự chủ của cơ sở giáo dục đại học tuy không định trước nhưng đã thiết thực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống giáo dục đại học trước khi có những chỉ đạo ở tầm vĩ mô. Việc đề xuất giải pháp đột phá về tái cơ cấu hệ thống đã được đề tài “Định hướng chiến lược, giải pháp đột phá nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” đề xuất. Bên cạnh đó, ở Việt Nam chúng ta đã triển khai gần như song song tự chủ đại học và kiểm định chát lượng đại học. Tự chủ (autonomy) phải đi kèm với nghĩa vụ giải trình và chịu trách nhiệm (accountability) như hai mặt của một đồng xu. Mặt khác, các nhà khoa học đã chứng minh rằng kiểm định chất lượng còn là công cụ để các trường đại học giải trình với xã hội và là công cụ để nhà nước và xã hội giám sát việc thực hiện quyền tự chủ của họ.
Một số nhận xét từ thực tiễn triển khai giải pháp có tính đột phá về việc thực hiện tự đánh giá, kiểm định chất lượng và giao quyền tự chủ cho các nhà trường đại học:
Thứ nhất, Để chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường đại học được thành công thì những đổi mới/cải cách trong tương lai nên triệt để hơn, tập trung vào tự chủ học thuật giảm bớt các từ “theo quy định”, nên tạo cơ chế cho các trường đại học tự do hơn trong việc đưa ra các tiêu chuẩn nhập học riêng, mở ngành mới ở các trình độ khác nhau sau trung học để đáp ứng những biến động của thị trường nhân lực và việc làm theo xu thế tái cơ cấu chung của giáo dục đại học thế giới hiện nay. Tiếp theo là thúc đẩy kiểm định cơ sở giáo dục và đánh giá các quy trình đảm bảo chất lượng nội bộ thay cho việc ban hành các định chế để tìm sự cân bằng giữa quyền tự chủ và nghĩa vụ/trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học.
Thứ hai, Tự đánh giá và kiểm định chất lượng xuất phát từ triết lý của chính bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các trường đại học và chương trình đào tạo là tính bài bản và tuần tự, do vậy nên chỉ là điều kiện cần để đảm bảo chất lượng, không phải là điều kiện đủ cho sự tăng tốc. Câu hỏi đặt ra là làm đúng quy trình đảm bảo chất lượng đã đủ chưa?, đúng là rất cần nhưng chưa đủ. Vấn đề mấu chốt chính là độ cao của các bậc thang liên tục phát triển, là nội dung của những đổi mới, cải tiến từ cơ cấu quản lý đến chính sách, đến kế hoạch và việc thực hiện trong hầu hết các lĩnh vực của nhà trường như chương trình đào tạo, phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, nghiên cứu khoa học và dịch vụ. Bộ tiêu chuẩn mới chỉ yêu cầu cải tiến còn cải tiến như thế nào là việc của nhà trường. Chọn đối tác để đối sánh, lấy đó làm chuẩn, vạch kế hoạch để đạt tới chuẩn và sau khi đạt chuẩn thì tìm một chuẩn mới để tiếp tục phát triển. Bậc thang càng cao thì cố gắng càng phải lớn, nhưng bước tiến bộ càng nhanh.
Thứ ba, Không phải tự chủ là “cây đũa thần” và “chìa khóa vạn năng” để phát triển giáo dục đại học. Nguồn lực cho giáo dục đại học là hết sức quan trọng, theo phân tích cho thấy số trường đại học top 500 toàn cầu của một quốc gia phụ thuộc tuyến tính vào nguồn lực quốc gia thể hiện qua tổng sản phẩm quốc nội. Các trường thí điểm tự chủ nếu không có những giải pháp huy động nguồn lực hiệu quả từ các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao, dịch vụ, các nguồn lực khác huy động từ xã hội (như là các quỹ hiến tặng) v.v.. mà chỉ trông chờ vào nguồn thu học phí thì không thể bứt phá về chất lượng được. Vì vậy, cần có giải pháp đột phá khác nữa để có thể cộng hưởng với hai giải pháp đang triển khai tạo nên một nhóm giải pháp tăng tốc cho chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.
III- Một số gợi ý và bài học
1-Từ thực tiễn xếp hạng quốc tế của các trường đại học Nhìn lại kết quả kiểm định chất lượng trong thời gian qua, cũng như theo dõi các bảng xếp hạng quốc tế các trường đại học có thể thấy bên cạnh những trường duy trì được chất lượng với nhịp điệu tuần tự (normal) truyền thống như các đại học quốc gia, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.…có những trường thể hiện được bước phát triển đột phá vượt trội ở từng lĩnh vực như công bố quốc tế, việc làm cho sinh viên và huy động nguồn lực. Những vượt trội này thể hiện không chỉ trong kết quả kiểm định chất lượng mà còn trong các bảng xếp hạng quốc tế. Bảng xếp hạng QS University Ranking cho thấy Việt Nam trong năm 2020 có 03 cơ sở giáo đại học lọt vào bảng xếp hạng 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới (Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBK HN) được xếp trong nhóm 801-1.000 đại học tốt nhất, còn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG TPHCM) trong nhóm 1.000+ do tạp chí Times Higher Education, Anh quốc xếp hạng); có 07 trường đại học được vào danh sách các đại học hàng đầu Châu Á (ĐHQG TPHCM xếp hạng 143, ĐHQG HN 147, Trường Đại học Tôn Đức Thắng 207, ĐHBK HN 261-270, Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng 401-450, Trường Đại học Duy Tân, Đại học Huế 451-500). Mới đây nhất, ĐHQG HN và ĐHQG TPHCM đã lọt vào top 101-150 bảng xếp hạng thế giới các trường đại học trẻ tuổi có chất lượng giáo dục hàng đầu trên thế giới của Tổ chức xếp hạng đại học QS, bên cạnh đó Trường ĐHBK HN lần đầu tiên xếp hạng trong top 200 của bảng xếp hạng các trường đại học “độ tuổi vàng” và cũng là đại diện duy nhất đến từ Việt Nam. Như vậy, so với năm 2020, số cơ sở giáo dục đại học lọt vào bảng xếp hạng tăng, trong đó có một số cơ sở tăng hạng rõ rệt, ĐHQG HN tăng 15 bậc và Trường ĐHBK HN vươn lên 30 bậc trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất châu Á. Ngoài ra, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là trường đại học duy nhất của Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng của WRU (Đại học Giao thông Thượng Hải) năm 2020 và đứng thứ 701-800.
2-Bài học về giải pháp đột phá
Thứ nhất, Đột phá vào nguồn lực, thiếu nguồn lực bên trong thì huy động từ bên ngoài (outsourcing). Nguồn lực không chỉ là đầu tư tiền của mà còn là chất lượng đội ngũ, những người có khả năng mang lại tiền của cho nhà trường theo các loại hình khác nhau từ việc tạo sức hút đối với người học đến việc chuyển giao công nghệ. Tất cả các trường được trích dẫn và đưa vào các bảng xếp hạng quốc tế nêu trên đều có đầu tư tốt cho cơ sở vật chất, đều có chính sách thỏa đáng về đội ngũ hoặc huy động tốt nguồn lực bên ngoài. Đại học Phenikaa trong một thời gian ngắn nhờ chính sách thu hút nhân tài tốt (khoảng 2 năm sau tái cơ cấu cổ đông) nhà trường có bước đột phá về nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Ưu thế của giải pháp đột phá này còn là khai thác được Quỹ Naforsted của Bộ Khoa học và Công nghệ và đề tài các cấp. Bài học huy động nguồn lực bên ngoài thông qua mở rộng hợp tác trong và ngoài nước là của Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân.
Thứ hai, Tập trung vào việc làm của sinh viên tốt nghiệp (bài học 5* của Trường Đại học FPT và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành). Phần lớn giảng viên ở các trường đại học được kiểm định đều cho rằng chỉ cần có đầu ra tốt, sinh viên sẽ đam mê học tập. Vì vậy đào tạo cho doanh nghiệp như Đại học FPT là một hướng cần học tập. Tuy nhiên, không phải tất cả 237 trường đại học đều có thể tìm được doanh nghiệp lớn và chuyên ngành như Trường Đại học FPT hoặc xây dựng mô hình liên kết với hơn 100 doanh nghiệp như Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Như vậy, thay cho việc cố gắng cung cấp cho sinh viên một chỗ làm ổn định khi ra trường, chúng ta còn có một cách đi khác là tạo cho các em năng lực tồn tại, lập nghiệp và phát triển trong sự đa dạng của thị trường lao động. Ngoài ra, nếu nhà trường không tiếp cận được theo hướng xuất sắc dạy cho người học những gì cao siêu nhất, khó nhất đòi hỏi nhiều nguồn lực (hàng trăm, nghìn tỷ đồng/năm) thì các nhà trường nên tiếp cận giáo dục hiện đại bằng việc khai thác cho được tài năng ẩn giấu trong mỗi con người để họ tự phát triển. Đây là triết lý giáo dục của nền giáo dục được cá thể hóa ở Thế kỷ 21 đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn được gọi là nền giáo dục may đo. Mỗi một con người đều có một tài năng ẩn giấu như mỏ quý nằm sâu trong lòng đất hoặc như nguyên tố hiếm phải chắt lọc kỳ công mới lấy ra được, vì vậy trách nhiệm của nhà trường là giúp cho những tài năng đó phát lộ và giúp cho người học vượt trội từ những tài năng đó. Khi cảm thấy mình vượt trội (cho dù chỉ trong một ngóc ngách rất hẹp của năng lực) thì họ sẽ đam mê và chính từ sự đam mê ấy mà họ sẽ học tập tốt và hệ quả là sẽ có việc làm tốt, sẽ lập nghiệp được và sẽ thành đạt khi ra trường. Sự thành đạt của người học là bằng chứng cho chất lượng của nhà trường. Bằng chứng này còn cao hơn cả việc nhà trường được thăng hạng trong các bảng tổng sắp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam đang từng bước đổi mới, từ chương trình đào tạo đến phương thức quản trị nhà trường theo hướng hiện đại, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội. Nhu cầu được học tập ở cơ sở giáo dục tiên tiến ngày càng tăng. Trên thực tế, hàng năm có hàng chục nghìn học sinh, sinh viên Việt Nam bỏ rất nhiều tiền ra nước ngoài học tập. Điều này đặt ra thách thức đối với các cơ sở giáo dục nước ta, đòi hỏi phải chuẩn hóa quy trình, nâng cao chất lượng đào tạo và phải tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục. Thời gian qua, hoạt động đánh giá, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đã giúp các trường đại học có cơ hội xem xét lại toàn bộ hoạt động của mình một cách có hệ thống để từ đó điều chỉnh các hoạt động theo một chuẩn mực nhất định và giúp các trường định hướng và xác định chuẩn chất lượng dựa trên các chỉ số, các chuẩn mực để đánh giá cho từng hoạt động. Đây được coi là cam kết về chất lượng đào tạo mà nhà trường mang lại cho người học và các bên liên quan.
Các vấn đề được đề cập trong bài viết này sẽ góp phần tham vấn các cơ chế, chính sách đột phá, có tính lan tỏa cao, phát huy nội lực của toàn hệ thống giáo dục, để thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ở giáo dục đại học đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế-xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định.
GS.TSKH Đặng Ứng Vận – Đại học Hòa Bình; TS. Lê Thị Mai Hoa – Ban Tuyên giáo Trung ương