Để người có công được ưu đãi, tri ân, chăm sóc và tôn vinh

76 năm qua, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước ta quan tâm, chăm lo và đạt những kết quả rất quan trọng.

Đảng ta khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội” để người có công với nước đều được ưu đãi, tri ân, chăm sóc và tôn vinh.

Ảnh minh họa - TL

Từ nhiều năm nay, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, Đảng, Nhà nước, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã cụ thể hóa thành các quy định, pháp luật và triển khai thực hiện thống nhất trong cả nước. Quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về: “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công với cách mạng” làm cơ sở cho việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với người có công. Pháp lệnh ưu đãi người có công 02/2020/UBTVQH14 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 9/12/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021 (gọi là Pháp lệnh 02).

Pháp lệnh đã được sửa đổi căn bản, toàn diện, khẳng định nguyên tắc: “Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân quan tâm, giúp đỡ và thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng”.  Pháp lệnh này đã tạo hành lang pháp lý cho việc chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng. Ngoài ra, còn quy định rõ nguồn lực thực hiện; quản lý nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng. Để  người có công đều được ưu đãi, chăm sóc và tôn vinh.

Phát huy những kết quả, thành tựu đạt được và triển khai công tác “Đền ơn đáp nghĩa” có chiều sâu, thực chất và hiệu quả, Bộ LĐ-TB&XH, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trong các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. Cùng với đó thực hiện tốt chính sách ưu đãi, tri ân đối với người có công; chung sức, đồng lòng, nỗ lực cao hơn nữa chăm lo, tri ân các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn; Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng, phấn đấu không để người có công thuộc diện hộ nghèo. Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng và thường xuyên điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước trong từng giai đoạn. Giúp thân nhân liệt sĩ có thể truy cập để tìm mộ và thăm viếng mộ, nghĩa trang liệt sĩ… Gần đây, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công đã qua nhiều lần điều chỉnh, từng bước khắc phục những hạn chế về mức, về nguyên tắc và phương thức điều chỉnh độc lập với chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, phù hợp với điều kiện của ngân sách Nhà nước, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người có công…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ở nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể là, đời sống của một bộ phận gia đình chính sách, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng vẫn còn khó khăn, thiếu thôn. Tồn đọng về chính sách trong các cuộc chiến tranh còn rất lớn. Những quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tuy đã được hưởng chế độ phục viên hoặc xuất ngũ, nhưng mức hưởng còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Một số đối tượng cần được hưởng chế độ ưu đãi, nhưng chưa được giải quyết kịp thời, như: Chính sách đối với thanh niên xung phong, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bên cạnh đó, việc phát hiện, tìm kiếm, quy tập phần mộ của các liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh còn nhiều khó khăn, phức tạp. Việc huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng còn hạn chế. Một số nghĩa trang, công trình ghi công anh hùng liệt sĩ đã xuống cấp chưa được quan tâm tu bổ, tôn tạo; tình trạng khai man hồ sơ, trục lợi chính sách vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong xã hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Hoàn thiện và thực hiện tốt pháp luật, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú… giải quyết căn bản chính sách với người có công; nâng cấp các công trình “đền ơn đáp nghĩa”. Để thực hiện tốt vấn đề này rất cần sự đồng hành, chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội. Cụ thể là cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Toàn xã hội cần “chung tay” thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, đưa các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; chăm sóc thân nhân của anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công trở thành hoạt động thường xuyên ở các địa phương.

Thứ hai, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác tri ân, “đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công. Đẩy mạnh việc ứng dụng thành tựu khoa học tiên tiến, phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện công tác người có công. Chính quyền các cấp quan tâm giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn động, bảo đảm chặt chẽ, thấu lý, đạt tinh.

Thứ ba, đa dạng hóa nguồn lực bảo đảm cho thực hiện chính sách ưu đãi thương binh, liệt sĩ, người có công trong tình hình mới. Kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hoá các nguồn lực xã hội để hỗ trợ, trì ăn đối với người có công; chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang, các công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công.

Thứ bốn, phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức chính trí – xã hội, hội HTGĐLS Việt Nam, các cấp và tổ chức chính trị- xã hội – nghề nghiệp, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ và nhân dân trong công tác chăm sóc, tri ân đối với người có công. Đây là giải pháp rất quan trọng, cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Hội và các tổ chức hội HTGĐLS Việt Nam, đẩy mạnh xã hội hóa phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công thông qua các chương trình tình nghĩa, huy động nguồn lực từ cộng đồng, xã hội cùng chăm lo các đối tượng chính sách. Tuyên truyền sâu rộng, tôn vinh, khen thưởng xứng đáng các đơn vị, địa phương làm tốt công tác tri ân; những tấm gương “người tốt, việc tốt”, người có công tiêu biểu; các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần tôn vinh, tạo sự lan tỏa, chung tay góp sức của cả cộng đồng trong giữ gìn, phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc.

Cùng với đó, cần giúp đỡ, khích lệ, động viên ý chí tự lực vươn lên của những đối tượng được thụ hưởng các chính sách ưu đãi người có công, “khắc phục sự ỷ lại vào Nhà nước”. Và thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách, bảo đảm quyền lợi của người có công.

Đặng Đức

...
  • Tags: