Đề xuất hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19

Bộ LĐTB&XH đang xin ý kiến các bộ, ngành để trình Chính phủ dự thảo về việc hỗ trợ đối với người lao động bị mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Bộ LĐTB&XH đang xin ý kiến các bộ, ngành để trình Chính phủ dự thảo về việc hỗ trợ đối với người lao động bị mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Theo Bộ LĐTB&XH, tình hình lao động, việc làm trong những tháng đầu năm 2021 đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Chỉ riêng trong quý I/2021, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó có 540.000 người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập. Dịch COVID-19 đã khiến 19,9% lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và 19% lao động trong các DN, hợp tác xã bị ảnh hưởng.

Ảnh minh họa (Internet)

Nguy hiểm hơn, đợt dịch cuối tháng 4/2021 đã tác động mạnh tới thị trường lao động và sản xuất kinh doanh, tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động, có các DN trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách.

Bộ LĐTB&XH xây dựng kịch bản dự báo: “Tình hình dịch bệnh bùng phát rộng, ở nhiều khu công nghiệp và đô thị lớn, dự báo thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, dự báo trên 30 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực, khoảng 4 triệu lao động làm việc tại các DN trong khu công nghiệp, khu chế xuất bị tác động trực diện, lao động làm việc trong tất cả các ngành, lĩnh vực đều bị tác động mạnh”.

Xuất phát từ tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đồng thời bám sát chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện “mục tiêu kép” vừa khôi phục sản xuất vừa phòng chống dịch, Bộ LĐTB&XH đề xuất một số chính sách hỗ trợ DN và người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như sau:

- Ngân sách Nhà nước hỗ trợ trả lương ngừng việc, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông bị tạm dừng hoạt động hoặc giảm hoạt động, để phòng COVID-19.

- Ngân sách cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19. 

- Nhà nước hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm, có hoàn cảnh khó khăn.

Nhóm đối tượng này bao gồm: người lao động đang thuê nhà, người lao động đang thuê nhà có nuôi con dưới 6 tuổi bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương tại các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông bị tạm ngừng hoạt động để phòng dịch COVID-19.

- Cho vay không có tài sản bảo đảm với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, vừa hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp, vừa để bảo đảm việc làm cho người lao động. Trong đó, tập trung hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực vận tải, hàng không, lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch.

- Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, dẫn đến phải giảm từ 20% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4/2021.

Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ một phần kinh phí và vận động nguồn đóng góp của các cơ quan, DN, địa phương để triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho NLĐ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp nhằm bảo đảm an toàn cho nguồn nhân lực sản xuất.

 

  • Tags: