Tuân theo những tư tưởng của Người trong “Di chúc”, Đảng ta xác định, an sinh xã hội (ASXH) là một hệ thống chính sách xã hội quan trọng, là một nội dung chủ yếu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước; đầu tư cho an sinh xã hội chính là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển, góp phần vào phát triển bền vững đất nước.
1. Nhận thức về an sinh xã hội
Cho đến nay, do tính chất phức tạp và đa dạng của an sinh xã hội (ASXH) nên vẫn còn nhiều nhận thức khác nhau về vấn đề này.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: “An sinh xã hội là những biện pháp công cộng nhằm giúp cho các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng đương đầu và kiềm chế được nguy cơ tác động đến thu nhập nhằm giảm tính dễ bị tổn thương và những bấp bênh về thu nhập”. Trên cơ sở đó, để cho hộ gia đình và cộng đồng dễ bị tổn thương có thể hạn chế và làm giảm các tác động tiêu cực bằng nhiều biện pháp công cộng khác nhau. Cụ thể là các chính sách cần thiết của nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ công và khuyến khích chúng phát triển như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội và những biện pháp khác có tính chất tương tự. Trong đó, bảo hiểm xã hội có vai trò quan trọng nhất.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quan niệm: “An sinh xã hội là một hệ thống chính sách công nhằm giảm nhẹ tác động bất lợi của những biến động đối với các hộ gia đình và cá nhân”. Định nghĩa này nhấn mạnh vào tính dễ bị tổn thương của con người nếu không có an sinh xã hội. Định nghĩa này có nội hàm đồng thuận với định nghĩa của Ngân hàng Thế giới.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): “An sinh xã hội là sự cung cấp phúc lợi cho các hộ gia đình và cá nhân thông qua cơ chế của nhà nước hoặc tập thể nhằm ngăn chặn sự suy giảm mức sống hoặc cải thiện mức sống thấp”. Định nghĩa này nhấn mạnh khía cạnh bảo hiểm xã hội và mở rộng tạo việc làm cho những đối tượng ở khu vực kinh tế không chính thức.
Trong bài viết này, chúng tôi tiếp cận khái niệm ASXH theo cuốn “Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam” tập I an sinh xã hội (Social Security) là: “Sự bảo vệ của xã hội đối với công dân thông qua các biện pháp công cộng nhằm giúp họ khắc phục những khó khăn về kinh tế và xã hội; đồng thời bảo đảm chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con...”.
Như vậy, về mặt bản chất, ASXH là góp phần bảo đảm thu nhập và đời sống cho các công dân trong xã hội. Phương thức hoạt động là thông qua các biện pháp công cộng. Mục đích là tạo ra sự “an sinh” cho mọi thành viên trong xã hội và vì vậy mang tính xã hội và tính nhân văn sâu sắc. Theo khái niệm an sinh xã hội ở trên, có thể thấy:
- ASXH trước hết đó là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình.
- Sự bảo vệ này được thực hiện thông qua các biện pháp công cộng.
- Mục đích của sự bảo vệ này nhằm giúp đỡ các thành viên của xã hội trước những biến cố, những “rủi ro xã hội” dẫn đến bị giảm hoặc mất thu nhập...
Theo đó, chúng ta thấy rõ bản chất của ASXH từ những khía cạnh sau:
Một là, ASXH là biểu hiện rõ rệt của quyền con người;
Hai là, ASXH thể hiện chủ nghĩa nhân đạo cao đẹp;
Ba là, ASXH thể hiện truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tương thân tương ái của
cộng đồng.
Tất cả những vấn đề này đều là những giá trị, những nội dung vừa cụ thể, vừa mang tính khái quát cao được thể hiện trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. An sinh xã hội thể hiện trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản viết tay bổ sung Di chúc năm 1968, ngay sau phần “việc trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Bởi con người mà Hồ Chí Minh đề cập đến chính là thân phận của mọi tầng lớp nhân Việt Nam, từ những người có công, dũng cảm hy sinh cho kháng chiến, kiến quốc như các liệt sỹ, gia đình liệt sỹ đến thanh niên xung phong, phụ nữ,... rồi đến cả “những nạn nhân của chế độ cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu,v.v..”(1).
Xin được dẫn nguyên văn nội dung này trong Di chúc của Người:
“Đầu tiên là công việc đối với con người.
Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.
Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v.. thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện.
Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất.
...Khôi phục và mở rộng ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng,.. Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc...”(2).
Trong bản Di chúc năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành riêng mục bàn về việc giáo dục và bồi dưỡng “những chiến sĩ trẻ và thanh niên xung phong”. Người viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(3).
Từ đó, ta thấy được, con người - Nhân dân được Hồ Chí Minh đề cập, hướng tới là rất rộng lớn, bao quát mọi thân phận (chỉ trừ bọn Việt gian bán nước cầu vinh, bọn thoái hóa biến chất đục khoét công quỹ nhà nước, bọn thực dân, đế quốc xâm lược) từ người có công với cách mạng, với đất nước, người dân lao động đến “những nạn nhân của chế độ cũ”. Đặc biệt, Người yêu cầu “Đảng, Chính phủ và đồng bào” cần đồng sức, đồng lòng chăm lo, xây dựng, càng thể hiện rõ, toát lên những giá trị bản chất mà ASXH ngày nay chúng ta phấn đấu, xây dựng (biểu hiện rõ quyền con người; chủ nghĩa nhân đạo cao đẹp; truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tương thân tương ái trong cộng đồng, quốc gia, dân tộc,...). Đó là các công việc, chính sách: tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, phải mở những lớp dạy nghề thích hợp; công việc làm ăn thích hợp, không để họ bị đói rét; cử thanh niên và tuổi trẻ ưu tú đi học thêm các ngành nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc; phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo; vừa giáo dục vừa phải dùng pháp luật để cải tạo những người lầm đường lạc lối, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện; kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh; khôi phục và mở rộng ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân; củng cố quốc phòng; thống nhất Tổ quốc, v.v.. Tất cả đều là những công việc đối với con người, vì con người thông qua các chính sách kinh tế - xã hội cụ thể, thiết thực.
Người yêu cầu: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(4). Sự quan tâm, chăm lo cho ấm no, hạnh của nhân dân là bổn phận, trách nhiệm của Đảng, bởi lợi ích của Đảng không nằm ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Có như vậy, nhân dân mới có niềm tin vững chắc vào Đảng; một lòng một dạ đi theo Đảng để cuộc sống càng ngày càng tốt đẹp hơn.
Nhân dân là mục tiêu tối thượng, đồng thời là động lực quyết định của công cuộc xây dựng XHCN. Mọi thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước đều vì hạnh phúc của nhân dân, vì mục tiêu không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Mọi nhiệm vụ cách mạng đều do nhân dân thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng và mọi sự lãnh đạo của Đảng đều phải xuất phát và trở lại phục vụ, phục tùng lợi ích chính đáng của nhân dân, của dân tộc. Điều này nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Lúc sinh thời, Người luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên bằng mọi hành động thực tế của mình phải làm cho dân tin, dân yêu, dân kính, dân phục bởi: “...Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân,... Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”(5). Người phân tích: “Đảng viên, cán bộ ta từ nhân dân anh hùng mà ra, phải sống cho xứng với nhân dân và Đảng anh hùng”(6); “Thực ra không có cái lợi ích nào của Đảng mà không phải là lợi ích của nhân dân, hay ngược lại không có lợi ích nào của nhân dân mà không phải là lợi ích của Đảng, vì Đảng phải phục vụ quyền lợi của nhân dân”(7). Hồ Chí Minh nêu vấn đề, đồng thời khẳng định: “Nếu cán bộ không phục vụ nhân dân thì phục vụ ai? Muốn phục vụ nhân dân thì phải đi đến nhân dân mà phục vụ;... Phục vụ nhân dân mà không vẻ vang, thì cái gì là vẻ vang? Được phục vụ nhân dân là rất vẻ vang. Chúng ta đều là đày tớ nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”(8). Điều mà ngay cả trong phần “Về việc riêng” trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, Hồ Chí Minh vẫn không quên, vẫn lo lãng phí thời gian và tiền bạc của nhân dân: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”(9).
Đến những giây phút cuối đời, trong những dòng cuối của bản Di chúc, Hồ Chí Minh viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(10). Điều này cho thấy, Nhân dân - Hạnh phúc thật sự của Nhân dân là mối quan tâm lớn nhất, là “ham muốn tột bậc”, là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sâu sắc và toàn diện hơn, bên cạnh yêu cầu trách nhiệm của Đảng, của đảng viên, cán bộ phải giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, Hồ Chí Minh đồng thời mong mỏi, yêu cầu nhân dân phải hiểu biết về quyền lợi, bổn phận và không ngừng nâng cao năng lực làm chủ: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”(11). Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đã vậy, nay công việc thống nhất nước nhà, tái thiết, xây dựng, phát triển đất nước sau chiến tranh, càng cần sự đoàn kết, động viên, huy động mọi lực lượng trong nhân dân. Vì “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(12).
Điều này, hết sức phù hợp với những điều kiện cần và đủ của ASXH mà chúng ta tiếp cận ngày nay. Đó là, ASXH trước hết là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình và sự bảo vệ này được thực hiện thông qua các biện pháp công cộng, và huy động được sự tham gia đông đảo, tích cực của cộng đồng.
3. Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện an sinh xã hội ở nước ta
Những định hướng thiên tài trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung, những vấn đề, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa,... an sinh xã hội nói riêng được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng, kế thừa, vận dụng sáng tạo, phù hợp với xu hướng tiến bộ của nhân loại. Nhờ đó, đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, trong hơn 30 năm đổi mới, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, song Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt chính sách ASXH. Nhận thức, quan điểm, chủ trương của Đảng về thực hiện chính sách ASXH đã được hoàn thiện qua từng kỳ đại hội. Trong từng chủ trương, chính sách phát triển, Đảng ta luôn gắn chính sách xã hội, bảo đảm ASXH với phát triển kinh tế, xuất phát từ lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động của nhân dân.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã sớm xác định việc thực hiện chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng CNXH. Phương hướng lớn của chính sách xã hội là: phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội. Chính sách xã hội bảo đảm và không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất; hoàn thiện hệ thống ASXH.
Tại Đại hội IX của Đảng (4-2001), thuật ngữ “An sinh xã hội” lần đầu tiên được ghi trong Văn kiện. Cho tới Đại hội X (2006), vấn đề ASXH được nhìn nhận rõ nét hơn. Đặc biệt, tại Đại hội XI (2011), ASXH được xác định là một hệ thống chính sách xã hội quan trọng, nội dung chủ yếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đã khẳng định: Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Ðến năm 2020, cơ bản bảo đảm ASXH toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.
Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên khẳng định quyền ASXH cơ bản cho người dân. Điều 34 quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” và Điều 59 quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống ASXH”.
Bộ Luật Lao động sửa đổi (năm 2012) tăng cường hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động yếu thế trên thị trường thông qua các chính sách hỗ trợ tạo việc làm. Luật Việc làm (năm 2013) mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên đều bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp). Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi (năm 2013) mở rộng đối tượng được Nhà nước hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế. Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (năm 2014) mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động làm việc có hợp đồng từ 1 tháng trở lên; hoàn thiện chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng linh hoạt và phù hợp với điều kiện về việc làm và thu nhập của người lao động trong khu vực phi chính thức; khuyến khích người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội.
Đặc biệt, tại Đại hội XII của Đảng (2016), vấn đề ASXH được nâng lên tầm mới, gắn liền với sự phát triển của xã hội. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: Bảo đảm ASXH là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới. Đảng cũng chỉ rõ những định hướng bảo đảm ASXH là tiếp tục hoàn thiện chính sách ASXH phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống ASXH tới mọi người dân, hướng tới mục tiêu thực hiện ASXH toàn dân; khuyến khích nâng cao khả năng tự bảo đảm ASXH của mỗi người dân; gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách ASXH, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện bảo đảm ASXH và phát huy khả năng tự bảo đảm ASXH của mình.
Gần đây nhất, Nghị quyết 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội ban hành ngày 23-5-2018, đã có sự tiếp cận toàn diện và tích hợp để giải quyết những thách thức ASXH hiện nay. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đây là nghị quyết mang tính đột phá về cải cách bảo hiểm xã hội, đưa Việt Nam tiệm cận các nền kinh tế tiên tiến nhất trên thế giới trong lĩnh vực chính sách ASXH(13).
__________________
(1), (2), (3), (4), (6), (9), (10), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.617, 616-617, 612, 612, 671, 615, 623, 617.
(5) Sđd, t.5, tr.69.
(7), (11) Sđd, t.6, tr.370, 232.
(8) Sđd, t.9, tr.306.
(13) Nhật Anh: Cải cách chính sách an sinh xã hội của Việt Nam hướng về tương lai, https://www.nhandan.com.vn.
TS Hoàng Ngọc Hải
ThS Phan Tăng Tuấn
Học viện Chính trị khu vực I