Đoàn nhà báo Việt Nam trao đổi nghiệp vụ báo chí với Uỷ ban trọng tài báo chí Hàn Quốc

Ngày 27-8, Tiếp tục chương trình tập huấn do Tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thực hiện tại thủ đô Seoul, đoàn nhà báo Việt Nam đã có cuộc trao đổi nghiệp vụ báo chí với Ủy ban trọng tài báo chí Hàn Quốc.

Ủy ban trọng tài báo chí Hàn Quốc thành lập năm 1981 theo Luật trọng tài của Hàn Quốc, với 2 nhiệm vụ chính là hòa giải và trọng tài. Ủy ban có 18 chi nhánh, riêng thủ đô Seoul do hoạt động báo chí sôi nổi nên có tới 8 chi nhánh cùng hoạt động, còn lại ở các tỉnh và thành phố lớn trong cả nước. Các bộ phận sẽ xử lý công việc liên quan trên địa bàn được phân công phụ trách. Tại mỗi bộ phận (đơn vị) sẽ gồm 5 ủy viên ngồi ở vị trí trọng tài, ngồi ở giữa là người có chức vị cao nhất, 4 người còn lại là giáo sư, luật sư, cựu nhà báo uy tín và nguyên đơn.

Các nhà báo Việt Nam chụp hình lưu niệm tại nơi làm việc của Ủy ban trọng tài báo chí Hàn Quốc.

Quá trình giải quyết tranh chấp báo chí ở Hàn Quốc thường diễn ra như sau: nếu tổ chức hoặc cá nhân nhận thấy cơ quan báo chí đưa tin liên quan sai sự thật, gây thiệt hại về tinh thần và vật chất, hoặc xâm phạm đời tư… đối với họ thì họ có thể gửi đơn trực tiếp lên Ủy ban trọng tài báo chí Hàn Quốc đề nghị giải quyết. Tùy theo mức độ, Ủy ban có thể đề nghị tòa báo đính chính, bổ sung các bài viết phù hợp hoặc bồi  thường thiệt hại theo đề nghị của tổ chức, cá nhân. Ủy ban có 2 nhiệm vụ chính là hòa giải và trọng tài. Nếu nguyên đơn và bị đơn không chấp nhận hòa giải thì họ phải chấp nhận phán quyết của trọng tài Ủy ban. Thông thường khi xảy ra tranh chấp báo chí, số lượng các vụ hòa giải vẫn chiếm áp đảo. Năm 2023, Ủy ban đã xử lý 76 nghìn tranh chấp báo chí nhưng đã hòa giải thành công 78% số vụ; phần lớn nguyên đơn và bị đơn đều thỏa mãn cách giải quyết của Ủy ban.

Tranh chấp báo chí ở Hàn Quốc thường được xử lý tại Ủy ban trọng tài báo chí mà ít khi phải tìm đến tòa án bởi thời gian xử lý tại Ủy ban chỉ từ 14 đến 21 ngày; tòa án đã xử thì chỉ có thắng kiện và thua kiện, nhưng ở Ủy ban trọng tài báo chí thì có thể hòa giải; án phí của tòa án rất cao trong khi đó phí nộp cho Ủy ban trọng tài báo chí rất thấp. 

Phát biểu tại buổi trao đổi, PGS-TS Mai Đức Ngọc cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Ủy ban với các nhà báo Việt Nam; mong muốn 2 bên cùng trao đổi kinh nghiệm quý báu giúp nâng cao nghiệp vụ và bảo vệ những nhà báo chân chính trong quá trình tác nghiệp. Thay mặt Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS-TS Mai Đức Ngọc trân trọng mời lãnh đạo Ủy ban trọng tài báo chí Hàn Quốc sớm thăm Học viện tại Hà Nội và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Thay mặt Ủy ban trọng tài báo chí Hàn Quốc, ông Juong Kim, phụ trách mảng giáo dục và đào tạo đánh giá cao thiện chí của lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đây cũng chính là mong muốn của Ủy ban trong chiến lược phát triển hợp tác, trao đổi nghiệp vụ với các cơ quan liên quan.

Nhà báo Nguyễn Thái Bình, Tạp chí Việt Nam Hội Nhập tham gia trải nghiệm nơi làm việc của Ủy ban trọng tài báo chí Hàn Quốc.

 VP MNPB

...
  • Tags: