Tóm tắt: Năm 2007, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên tại châu Á ban hành luật về doanh nghiệp xã hội. Hơn mười năm qua, doanh nghiệp xã hội ở Hàn Quốc đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề xã hội, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích quy định của pháp luật về doanh nghiệp xã hội Hàn Quốc, so sánh với doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam và đưa ra những gợi mở cho việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam về doanh nghiệp xã hội.Từ khoá: Doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp xã hội ở Hàn Quốc, pháp luật Việt Nam về doanh nghiệp xã hội.Abstract: The Republic of Korea is the first country in Asia issued a law on social enterprises in 2007. After more than ten years of the law enforcement, the social enterprises in Korea have provided a significant contribution to solving social matters, providing benefits to the community. Within the scope of this article, the authors present an analysis of the provisions of the Korea’s law on social enterprises, make comparisons with those on social enterprises in Vietnam, and also give out a number of recommendations for the improvement of the Vietnamese law on social enterprises.Keywords: Social enterprises, social enterprises in Republic of Korea; Vietnamese law on social enterprises.
Ảnh minh họa
1. Khái niệm và tiêu chí xác định doanh nghiệp xã hội ở Hàn Quốc
1.1. Khái niệm về doanh nghiệp xã hội ở Hàn Quốc
Mỗi quốc gia có lịch sử hình thành, cách thức tiếp cận về doanh nghiệp xã hội (DNXH) khác nhau. Điều này cũng ảnh hưởng đến sự khác biệt giữa các quan điểm về DNXH[1]. Ở Hàn Quốc, DNXH xuất hiện trong và sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế đầu thế kỷ 21 nhằm giải quyết việc làm và cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho xã hội. Hoàn cảnh lịch sử đó tác động mạnh mẽ đến cách hiểu của người Hàn Quốc về DNXH.
Luật Khuyến khích DNXH Hàn Quốc năm 2007 (Luật Khuyến khích DNXH) quy định: “DNXH là doanh nghiệp được chứng nhận phù hợp với Điều 7 của Luật này nhằm theo đuổi mục tiêu xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân bằng việc cung cấp cho nhóm yếu thế những dịch vụ xã hội hoặc công việc trong khi tiến hành kinh doanh (sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ)”[2]. Quy định này cho thấy, ở Hàn Quốc, DNXH phải đáp ứng ba tiêu chí: (i) Theo đuổi mục tiêu xã hội; (ii) Sử dụng hoạt động kinh doanh để theo đuổi mục tiêu xã hội; (iii) Được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật. Hàn Quốc không có loại hình doanh nghiệp riêng dành cho DNXH. Vì vậy, các nhà đầu tư sẽ dựa vào các hình thức pháp lý được Luật Khuyến khích DNXH thừa nhận để đăng ký DNXH với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Pháp luật Hàn Quốc quy định rất chi tiết các tiêu chí xác định phạm trù “mục tiêu xã hội” của Hàn Quốc. Hàn Quốc mong muốn có những ưu đãi và hỗ trợ trực tiếp cho DNXH, nên việc xác định DNXH được pháp luật quy định khá chặt chẽ nhằm đảm bảo các chính sách ưu đãi của Nhà nước đến đúng đối tượng.
1.2. Tiêu chí xác định doanh nghiệp xã hội
Theo quy định của pháp luật Hàn Quốc, DNXH được xác định dựa trên các tiêu chí sau:
Thứ nhất, DNXH theo đuổi mục tiêu xã hội. Đây là tiêu chí quan trọng nhất, phản ánh đặc trưng cơ bản của DNXH, tạo nên sự khác biệt với các loại hình tổ chức doanh nghiệp khác. Điều 8 Luật Khuyến khích DNXH đã xác định rõ mục đích chính của DNXH là để hiện thực hóa một mục tiêu xã hội, chẳng hạn như nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân địa phương bằng cách cung cấp cho các nhóm dễ bị tổn thương các dịch vụ xã hội hoặc công việc hoặc đóng góp cho cộng đồng địa phương. Trong trường hợp này, tiêu chí chi tiết để đánh giá sẽ được quy định bởi Nghị định; trường hợp có lợi nhuận phân phối cho mỗi năm tài chính, nó nên dành ít nhất 2/3 lợi nhuận cho các mục tiêu xã hội (chỉ áp dụng cho loại hình công ty theo Luật Thương mại)[3]. Nhằm đặt ra tiêu chí định lượng mục tiêu của DNXH, Điều 9 Nghị định số 20141[4] quy định:
-Mục tiêu chính của tổ chức là cung cấp dịch vụ xã hội cho nhóm yếu thế được xác định theo một trong hai cách: (i) Căn cứ vào tỷ lệ nhóm yếu thế trong tổng số những người nhận được các dịch vụ xã hội từ tổ chức đó phải chiếm ít nhất 30%, hoặc (ii) căn cứ vào tỷ lệ nhóm yếu thế được tuyển dụng làm việc tại tổ chức trong tổng số người lao động của tổ chức đó phải chiếm ít nhất 50% (đến 31/12/2016 thì tỷ lệ này còn 30%).
-Mục tiêu chính của tổ chức là đóng góp cho cộng đồng địa phương, được xác định theo một trong ba cách: (i) Tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân địa phương: đánh giá tỷ lệ người yếu thế tại địa phương nơi tổ chức đặt trụ sở chính được tuyển dụng trên tổng số nhân viên của tổ chức hoặc tỷ lệ người yếu thế trên tổng số người nhận được các dịch vụ xã hội từ tổ chức đó đạt từ 20% trở lên; (ii) Giải quyết các vấn đề xã hội như nạn đói, vấn đề bị đẩy ra bên lề xã hội, vấn đề tội phạm tại địa phương (đánh giá mức doanh thu hoặc chi tiêu liên quan đến mục tiêu chính của tổ chức trên tổng số doanh thu mà tổ chức kiếm được chiếm từ 40% trở lên); (iii) Cung cấp tư vấn, các dịch vụ thị trường, tài chính,… cho các tổ chức ưu tiên theo đuổi mục tiêu vì xã hội như cung ứng các dịch vụ xã hội hoặc tạo việc làm cho cộng đồng địa phương, hoặc tăng chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương (đánh giá mức doanh thu hoặc chi tiêu liên quan đến mục tiêu chính của tổ chức trên tổng số doanh thu mà tổ chức kiếm được chiếm từ 40% trở lên).
- Mục tiêu chính của tổ chức là cung cấp việc làm và các dịch vụ xã hội cho nhóm yếu thế: tỷ lệ những người yếu thế được tuyển dụng trên tổng số người lao động của tổ chức và tỷ lệ những người yếu thế trên tổng số người nhận được các dịch vụ xã hội chiếm từ 30% trở lên (đến 31/12/2015 thì giảm còn 20%).
Trong đó, nhóm người yếu thế (vulnerable groups) được xác định dựa theo Điều 2 Nghị định số 20141: (i) Người có thu nhập hàng tháng bằng 60% thu nhập bình quân chung của cả nước hoặc ít hơn, (ii) Người cao tuổi - người từ 55 tuổi trở lên; người tàn tật, nạn nhân buôn bán tình dục, thanh thiếu niên, người được hưởng trợ cấp để tìm việc mới…, (iii) Người cư trú trốn khỏi Triều Tiên, (iv) Nạn nhân bạo lực gia đình, người neo đơn, người nhập cư kết hôn với người nước ngoài ở Hàn Quốc, và các đối tượng khác theo Luật Chính sách việc làm.
Dịch vụ xã hội được xác định theo Điều 3 Nghị định số 20141, gồm: chăm sóc trẻ em; dịch vụ nghệ thuật, du lịch và thể thao; dịch vụ quản lý và bảo tồn rừng; các dịch vụ về điều dưỡng và làm việc tại nhà; dịch vụ liên quan đến bảo quản, sử dụng di sản văn hoá; dịch vụ quản lý cơ sở kinh doanh, như dịch vụ vệ sinh; các dịch vụ khác do Bộ trưởng Bộ Lao động và Việc làm ban hành.
Như vậy, mục tiêu hoạt động vì xã hội của DNXH được xác định thành 04 loại chủ yếu: (i) Tạo việc làm cho nhóm yếu thế, (ii) Cung cấp dịch vụ thiết yếu cho nhóm yếu thế, (iii) Vừa tạo việc làm và cung cấp dịch vụ thiết yếu cho nhóm yếu thế, và (iv) Đóng góp cho cộng đồng địa phương. Trong đó, nhóm yếu thế được xác định dựa theo Điều 2 Nghị định số 20141.
Thứ hai, DNXH sử dụng hoạt động kinh doanh để theo đuổi mục tiêu xã hội.
DNXH là tổ chức được thành lập nhằm theo đuổi mục tiêu xã hội thông qua thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều đó có nghĩa rằng DNXH không tổ chức công việc kinh doanh độc lập với nhiệm vụ giải quyết các vấn đề xã hội, mà hai hoạt động này được tiến hành lồng ghép với nhau; thông qua đó, DNXH đạt được mục tiêu lợi nhuận của mình đồng thời tạo thu nhập, sản phẩm cần thiết cho cộng đồng. Ví dụ, DNXH sử dụng lao động thuộc nhóm yếu thế được trả lương đầy đủ để tham gia vào các hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như sản xuất và bán hàng hóa và dịch vụ… Doanh thu từ hoạt động kinh doanh của công ty phải đáp ứng điều kiện tối thiểu hoặc vượt qua các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, trong đó những người liên quan, chẳng hạn như người thụ hưởng dịch vụ và người lao động, v.v.., có thể tham gia.
Như vậy, việc sử dụng bao nhiêu phần trăm lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư thực hiện các mục tiêu xã hội là hệ quả suy ra từ mục tiêu vì xã hội của DNXH. Do đó, Hàn Quốc không coi tỷ lệ lợi nhuận tái đầu tư hằng năm tồn tại như một loại tiêu chí song song với các tiêu chí mà nó nằm trong nội hàm vì xã hội của DNXH.
Thứ ba, DNXH được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật.
So với nhiều nước khác trên thế giới, điển hình là Vương quốc Anh – DNXH không phải là một thuật ngữ luật học mà là một thuật ngữ kinh tế, bất kỳ chủ thể nào cũng có thể khoác lên tấm áo DNXH[5]. Hàn Quốc tiếp cận DNXH là một thuật ngữ pháp lý, một loại hình tổ chức có sứ mệnh sử dụng hoạt động kinh doanh để giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường. Cách tiếp cận này kéo theo nhiều vấn đề pháp lý khác như: thủ tục đăng ký thành lập DNXH, cơ chế kiểm tra giám sát DNXH, các chính sách ưu đãi hỗ trợ cho DNXH…Vậy nên, DNXH tại Hàn Quốc là tổ chức được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật, đồng thời tổ chức, cá nhân không được phép “tự phong” mình là DNXH, vi phạm điều này có thể bị xử phạt hành chính.
Thủ tục đăng ký DNXH tại Hàn Quốc do Hội đồng Chính sách việc làm trực tiếp thực hiện việc thẩm định hồ sơ trước khi trình cho Bộ trưởng Lao động và Việc làm xem xét lần cuối, những doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trở thành DNXH sẽ được Bộ trưởng Lao động và Việc làm ra quyết định cấp Giấy chứng nhận DNXH.
Các loại hình tổ chức của DNXH ở Hàn Quốc bao gồm hầu hết các hình thức pháp lý có thể tiến hành kinh doanh, gồm: (i) Tập đoàn và các hiệp hội theo Luật Dân sự, (ii) Công ty theo Luật Thương mại, (iii) Các tổ chức phi lợi nhuận theo pháp luật đặc thù. Pháp luật Hàn Quốc không thiết kế một loại hình doanh nghiệp riêng dành cho DNXH mà để cho nó vận hành theo các hình thức pháp lý đã đăng ký như các doanh nghiệp thông thường. Tuy nhiên, dù tồn tại dưới hình thức pháp lý như đối với doanh nghiệp thông thường nhưng cách thức điều hành của loại hình doanh nghiệp này lại có thêm một số quy định đặc thù nhằm đảm bảo được mục tiêu, sứ mệnh của loại hình doanh nghiệp này. Tính đặc thù này được thể hiện trong cách vận hành các DNXH, cụ thể: các cuộc họp quan trọng phải được tổ chức làm sao để các bên liên quan có thể tham gia. Người có liên quan ở đây có thể là đại diện người thụ hưởng, đại diện nhà tài trợ, đại diện chính quyền địa phương liên quan, người quản lý điều hành doanh nghiệp,…
Theo quy định của khoản 1 Điều 9 Luật Khuyến khích DNXH, hồ sơ đăng ký thành lập DNXH phải có đầy đủ các thông tin sau[6]:
(a) Đơn đăng ký thành lập (tuỳ thuộc vào loại hình doanh nghiệp lựa chọn, ví dụ (i) nếu doanh nghiệp là tập đoàn hoặc hiệp hội thì dùng mẫu theo Luật Dân sự, (ii) công ty hoặc hữu hạn hoặc hợp danh thì dùng mẫu theo Luật Thương mại, (iii) tập đoàn hay tổ chức tư phi lợi nhuận thì dùng mẫu của Luật chuyên ngành).
(b) Văn bản thể hiện các cuộc họp quan trọng của Đại hội cổ đông, Ban giám đốc, Ban điều hành, Hội đồng quản lý nhân sự để đưa ra các quyết định về các bên liên quan: đại diện người lao động, đại diện người hưởng lợi các dịch vụ xã hội, đại chiện chính quyền địa phương,…
(c) Văn bản chứng minh cho các hoạt động kinh doanh về thu nhập và chi phí, trong đó yêu cầu tổng thu nhập từ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong 6 tháng gần nhất trước ngày đăng ký thành lập DNXH chiếm trên 30% tổng chi phí lao động, bao gồm:
- Về thu nhập: Báo cáo tài chính (Bảng cân đối kế toán, Báo cáo thu nhập, Báo cáo sản xuất); Chứng nhận thuế VAT của cơ quan thuế; Sổ cái (Sổ kế toán, Sổ doanh số, Sổ tiền mặt,…); Báo cáo đóng (Closing Statement),…
- Về chi phí lao động: Các báo cáo tài chính; Bảng lương,…
(d) Điều lệ DNXH[7] cần có đầy đủ các thông tin sau: tên doanh nghiệp, mục đích, nội dung kinh doanh, địa điểm trụ sở chính, loại hình, phương thức hoạt động, phương thức ra các quyết định quan trọng, phương án chia sẻ lợi nhuận và tái đầu tư, phương án huy động vốn và các khoản vay, phương án bố trí, đề cử và sa thải người lao động, phương án giải thể và thanh toán nợ (khi công ty tặng cho ít nhất 2/3 toàn bộ tài sản còn lại cho DNXH khác hoặc cho quỹ vì lợi ích công), các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Hiện tại, quy trình cấp đăng ký DNXH tại Hàn Quốc được tách biệt với cấp đăng ký cho doanh nghiệp thông thường. Đối với doanh nghiệp thông thường, việc đăng ký được thực hiện tại Cơ quan đăng ký doanh nghiệp quốc gia (National Business Register), trong khi đó, DNXH phải đăng ký thành lập tại Bộ Lao động và Việc làm[8].
2. Những gợi mở cho Việt Nam
Tại Việt Nam, địa vị pháp lý của DNXH được ghi nhận lần đầu tiên tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 96/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Doanh nghiệp, những quy định này tiếp tục được kế thừa, phát triển bởi Luật Doanh nghiệp năm 2020. Nhìn chung, các quy định về DNXH tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu hình thành, còn rất khái quát và có nhiều vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu. Trên cơ sở nghiên cứu quy định của pháp luật Hàn Quốc về DNXH, có thể rút ra một số gợi mở cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về DNXH như sau:
Thứ nhất, DNXH cần được cấp giấy xác nhận DNXH (hoặc một văn bản pháp lý có ý nghĩa tương tự).
Ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như bao doanh nghiệp khác, DNXH ở nước ta không có một văn bản nào từ phía Nhà nước thừa nhận một cách minh thị là DNXH. Điều này làm cho các DNXH gặp khó khăn trong việc chứng minh tư cách DNXH của mình cho các bên đối tác khi cần thiết.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do DNXH ở nước ta được đăng ký thành lập theo một quy trình chung như đối với các doanh nghiệp thông thường khác. Điểm khác biệt duy nhất ở đây là các DNXH phải nộp thêm bản Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong hồ sơ đăng ký DNXH. Đối với các doanh nghiệp thông thường trong quá trình hoạt động, muốn chuyển sang DNXH thì cũng chỉ cần nộp thêm bản Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong hồ sơ đăng ký DNXH. Khi tiếp nhận bản cam kết này, Cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện cập nhật thông tin vào hồ sơ doanh nghiệp và công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trên thực tiễn, để xác định doanh nghiệp nào là DNXH thì cần truy cập Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn/).
Để khắc phục bất cập nêu trên, chúng ta có thể vận dụng kinh nghiệm của Hàn Quốc cho DNXH đăng ký thành lập theo một quy trình riêng nên được các cơ quan nhà nước cấp văn bản xác nhận là DNXH. Văn bản này còn có ý nghĩa là giấy khai sinh ra một thực thể pháp lý mới trong nền kinh tế thị trường.
Thứ hai, quy định bắt buộc Điều lệ của DNXH phải có nội dung về mục tiêu hoạt động vì xã hội, môi trường.
Hiện nay, pháp luật nước ta không có yêu cầu bắt buộc Điều lệ của DNXH (đối với hình thức công ty) phải có nội dung về mục tiêu hoạt động vì xã hội, môi trường; vì vậy, không loại trừ khả năng các DNXH bỏ sót hoặc không ghi nội dung này. Sứ mệnh của DNXH khác biệt rất lớn so với các doanh nghiệp thông thường khác và bản thân các thành viên/cổ đông công ty phải trung thành với sứ mệnh đó. Các quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Doah nghiệp năm 2020 đều đặt ra nghĩa vụ cho các thành viên/cổ đông công ty là phải tuân thủ Điều lệ công ty. Do đó, việc quy định mục tiêu hoạt động vì xã hội, môi trường là nhằm tăng cường trách nhiệm của (các) chủ sở hữu của DNXH. Vận dụng kinh nghiệm của Hàn Quốc, pháp luật về doanh nghiệp của Việt Nam cần bổ sung quy định yêu cầu bắt buộc Điều lệ của DNXH phải có nội dung về mục tiêu hoạt động vì xã hội, môi trường. Đây là điều kiện bắt buộc để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét chấp nhận và khai sinh ra DNXH.
Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam chưa có quy định đặc thù về cách thức vận hành của DNXH nhằm đảm bảo mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp mà chỉ đơn thuần ràng buộc DNXH thực hiện các cam kết thực hiện mục tiêu xã hội của mình. DNXH phải duy trì mục tiêu xã hội, môi trường, mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và nội dung khác ghi tại Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong suốt quá trình hoạt động. Trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường và mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư, doanh nghiệp xã hội phải hoàn lại toàn bộ các ưu đãi, khoản viện trợ, tài trợ dành riêng cho doanh nghiệp xã hội[9]. Trong khi đó, DNXH tại Hàn Quốc được yêu cầu tích các tiêu chuẩn về quản trị cởi mở, đảm bảo cho người thụ hưởng và những bên có liên quan, có thể tham gia vào việc quản trị của DNXH, điều này góp phần thể hiện tiếng nói của họ và hỗ trợ DNXH đạt được mục tiêu xã hội trong hoạt động kinh doanh. Đây cũng là một trong những gợi mở mà Việt Nam có thể tiếp thu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về DNXH.
Thứ ba, ban hành các chính sách hỗ trợ cho DNXH.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Nghị định số 96/2015/NĐ-CP đều khẳng định “Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội”. Tuy nhiên, cho đến nay, Nhà nước vẫn chưa có một chính sách ưu đãi, hỗ trợ nào dành riêng cho DNXH.
Theo kết quả khảo sát thực hiện năm 2011, nước ta có khoảng 200 thực thể pháp lý có bản chất là DNXH[10]. Sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực, đến năm 2019, có khoảng 80 DNXH được ra đời theo quy định của pháp luật[11]. Điều này cho thấy các nhà đầu tư không thấy mặn mà phát triển mô hình DNXH. Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, chúng tôi cho rằng, để khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ các DNXH phát triển, Nhà nước cần sớm ban hành quy định về ưu đãi cho DNXH. Các chính sách như vậy cần được điều chỉnh từ lúc khai sinh cho đến khi DNXH hoạt động, chẳng hạn như: miễn chi phí đăng ký DNXH, miễn phần thuế dùng để tái đầu tư vì mục tiêu xã hội./.
[1] Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, “Báo cáo nghiên cứu Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam – Khái niệm, bối cảnh và chính sách”, https://www.britishcouncil.vn/sites/default/files/dnxh-tai-viet-nam-khai-niem-boi-canh-chinh-sach.pdf, truy cập ngày 30/4/2020.
[2] The term “social enterprise” refers to an enterprise certified in accordance with Article 7 as one that pursues a social objective, such as raising local residents 'quality of life, etc., by providing vulnerable groups with social services or jobs while conducting business activities, such as the production and sale of goods and services, etc.
[3] Clause 5, Article 8 The Social Enterprise Promotion 2007 Where it has distributable profits for each fiscal year, it should spend at least 2/3 of the profits for social objectives (applicable only to a company under the Commercial Law).
[4] Nghị định số 20141 năm 2007 của Hàn Quốc đã được sửa đổi vào các năm 2008, 2009, 2010, 2012 và 2013. Bài viết sử dụng “Nghị định số 20141” hợp nhất qua các lần sửa đổi. Xem thêm bảng dịch tiếng Anh tại: http://www.moleg.go.kr/FileDownload.mo?flSeq=26571.
[5] Lê Nhật Bảo, “Doanh nghiệp xã hội theo pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 02/2017, tr.25.
[6] Lê Thanh Tú, “Chuyên đề kinh nghiệm quốc tế và áp dụng vào Việt Nam trong thành lập hoạt động và hỗ trợ doanh nghiệp xã hội”, https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/chitiettin.aspx?groupID=599&IDNews=3543&tieude=chuyen-de-kinh-nghiem-quoc-te-va-ap-dung-vao-viet-nam-trong-thanh-lap--hoat-dong-va-ho-tro-doanh-nghiep-xa-hoi.aspx&fbclid=IwAR2ReWOcKoXHi6eLVdB5rP0tVv5yRc4Fw7T0f_7zRmH_Yq_p1Nm-phzF2_Y, truy cập ngày 8/4/2020.
[7] Article 9 The Social Enterprise Promotion 2007.
[8] Lê Thanh Tú, tldđ.
[9] Điều 9 Nghị định số 96/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều về Luật Doanh nghiệp.
[10] Hội đồng Anh, Trung tâm Tia sáng và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng (2011), Báo cáo kết quả khảo sát doanh nghiệp xã hội Việt Nam năm 2011, 2011, Hà Nội, tr. 35.
[11] Hội đồng Anh, Tổ chức doanh nghiệp xã hội Vương quốc Anh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (2019), Báo cáo nghiên cứu Hiện trạng doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, tr.18.