Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII với nhiều vấn đề rất lớn, rất khó và rất hệ trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các lĩnh vực trọng yếu. Trong đó, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về đất đai lần này là một trong những nội dung do yêu cầu cấp thiết từ cuộc sống.
Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) bàn nhiều vấn đề lớn, trong đó có việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về đất đai
Phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại câu nói của Các Mác: "Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất"; nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất...
Vì vậy, Tổng Bí thư kỳ vọng việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hoà các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Như chúng ta đều biết, trong gần 30 năm qua, chính sách, pháp luật đất đai đã có nhiều đổi mới và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội của đất nước. Tài nguyên đất đai đã được quản lý, khai thác, sử dụng ngày càng hiệu quả hơn. Quyền và nghĩa vụ của chủ thể sử dụng đất được phân định rõ hơn; bước đầu hình thành khung pháp lý cơ bản để thị trường bất động sản vận hành, phát triển...
Mặc dù vậy, nguồn lực về đất đai phát huy chưa đúng tiềm năng, thế mạnh vốn có của nó. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai vẫn còn hạn chế, bất cập, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, thủ tục hành chính về đất đai. Cùng với đó là lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng. Nhiều vụ án tham nhũng, lãng phí lớn liên quan đến đất đai. Rồi tình trạng đầu cơ đất đai, đẩy giá đất tăng cao đã có tác động không nhỏ đến ổn định kinh tế vĩ mô….
Mặt khác, thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch “ngầm” còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp, chiếm tới hơn 70% tổng số đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan nhà nước. Thậm chí có nhiều vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp về đất đai kéo dài từ năm này sang năm khác, từ kỳ họp Quốc hội này sang kỳ họp Quốc hội khác mặc dù đã được các cấp giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài…
Trong khi đó, đất đai là lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Có lẽ chính vì thế, với tinh thần thận trọng rất cao, việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai được cân nhắc rất kỹ và đã có tới 4 lần điều chỉnh thời điểm trình ra Quốc hội với rất nhiều các ý kiến khác nhau, trong đó có cả ý kiến dự án Luật rất cấp thiết, cần phải ban hành sớm…
Từ thực tế trên cùng với yêu cầu cần phải phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai...
Chính vì thế, trong bài khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, phải tập trung làm rõ: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?...
Tổng Bí thư còn đề nghị phải tìm ra bằng được những vướng mắc trong hệ thống thể chế pháp luật và tìm ra những trở ngại phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện với những câu hỏi rất trọng tâm, trọng điểm: “Đâu là nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết và bất cập của Luật Đất đai năm 2013? Đâu là do các quy định dưới luật còn bất cập; có quá nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn? Và đâu là do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước; do nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm?...
Những câu hỏi mà Tổng Bí thư đặt ra là hoàn toàn xác đáng. Chúng ta lấy ví dụ cụ thể từ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Một trong những nguyên tắc định giá đất là "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường" (điểm c khoản 1 điều 112 luật Đất đai) nhưng trên thực tế hầu như thoát ly khỏi giá cả thị trường. Điều này dẫn đến bất cập khi thu hồi đất, giá bồi thường quá xa giá thị trường. Mặc dù điều 115 và điều 116 có nói đến tư vấn giá đất nhưng cũng chưa có quy định bảo đảm cho tổ chức tư vấn giá đất thực sự có vị trí độc lập... nên giá đất còn khoảng cách với thực tiễn... Điều này vừa gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong thỏa thuận dự án, mặt khác cũng tạo ra bất bình đẳng vì các dự án được đầu tư sinh lợi, được đền bù với giá cao hơn các dự án thu hồi đất với mục đích công cộng… Do đó, cần xây dựng phương án xác định giá đất theo giá thị trường. Cần tách thẩm quyền quyết định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và thẩm quyền định giá đất cho hai cơ quan độc lập với nhau. Điều này nhằm kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền, tránh lạm dụng quyền lực nhằm mục đích tư lợi…
Vì thế, cần có một hệ thống pháp luật đất đai rõ ràng, khoa học, có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả để bảo đảm việc thực thi trong thực tế cuộc sống. Theo quy định về nguyên tắc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất thì giá làm cơ sở bồi thường khi nhà nước thu hồi đất do UBND cấp tỉnh quy định trong thực tế hiện nay thường có mức chênh lệch với giá trị thị trường. Điều này khiến cho người sử dụng đất gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục lại tình hình canh tác, sản xuất và sinh hoạt sau khi bị thu hồi đất…
Do đó, cần phải đổi mới việc xác định khung giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm quyền lợi và sinh kế của người dân sau thu hồi đất… Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) sẽ có những kết luận cụ thể, sát thực với thực tế cuộc sống. Đó cũng chính là tiền đề quan trọng để Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV khai mạc trong tháng 5 thảo luận, quyết định, bởi thực tiễn “không thể chờ đợi lâu hơn được nữa”. Đây cũng chính là điều mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần mỗi khi đề cập đến Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
(Theo: Báo điện tử Đảng cộng sản)