Đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân các cấp trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Sau 20 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo các Nghị quyết của Đảng, hoạt động cải cách tư pháp tại tòa án nhân dân các cấp đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo, uy tín và kết quả hoạt động của tòa án.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân các cấp; xây dựng hệ thống tòa án nhân dân các cấp độc lập, chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, văn minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm giám sát, điều hành xét xử trực tuyến của tòa án nhân dân _Ảnh: TTXVN

Khái quát thực trạng tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân các cấp

Thực hiện đường lối, chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là qua triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 2-1-2002, của Bộ Chính trị, về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” và Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005, của Bộ Chính trị, về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, tổ chức bộ máy và hoạt động của tòa án nhân dân các cấp đã có nhiều thay đổi tích cực; vị thế, diện mạo, uy tín của tòa án được nâng cao. Lần đầu tiên, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”(1). Trên cơ sở đó, các đạo luật về tư pháp được ban hành, hoàn thiện một bước tổ chức bộ máy của hệ thống tòa án nhân dân các cấp. Trong đó, xây dựng hệ thống tòa án gồm 4 cấp; đổi mới cách thức tổ chức phiên tòa theo hướng tiếp thu hạt nhân hợp lý của mô hình tranh tụng; đổi mới hình thức phòng xử án; đội ngũ chức danh tư pháp trong tòa án nhân dân các cấp cũng được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Thẩm quyền của tòa án nhân dân các cấp được xác định rõ ràng, cụ thể hơn, thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện được mở rộng. Cơ chế giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động của tòa án nhân dân các cấp được tăng cường. Chất lượng đội ngũ cán bộ ngành tòa án nhân dân các cấp được nâng cao(2); chất lượng tranh tụng trong xét xử có bước tiến bộ rõ rệt; thủ tục hành chính tư pháp tại tòa án được đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; các bản án, quyết định và thêm một số hoạt động của tòa án được công khai...

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền tư pháp nước ta vẫn còn một số hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của người dân. Tổ chức bộ máy và thẩm quyền của tòa án nhân dân các cấp còn có những bất cập dẫn tới hạn chế hiệu quả hoạt động của tòa án. Đội ngũ cán bộ, công chức tòa án còn thiếu(3); chế độ, chính sách dành cho các chức danh tư pháp chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Thủ tục tố tụng tư pháp còn bất cập, làm giảm hiệu quả hoạt động xét xử của tòa án(4). Kinh phí, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tòa án(5); hợp tác quốc tế về tư pháp còn hạn chế(6). Cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với tòa án và sự giám sát của các cơ quan dân cử còn bất cập.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những thay đổi nhanh chóng, tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu về cải cách tư pháp. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số đang tạo ra những biến chuyển mạnh mẽ trong đời sống kinh tế xã hội. Kinh tế trong nước gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và sự bất ổn về chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Các vi phạm pháp luật, tội phạm và tranh chấp diễn biến ngày càng phức tạp; xuất hiện thêm nhiều phương thức phạm tội mới, tội phạm mới, nhất là tội phạm công nghệ thông tin, tội phạm phi truyền thống; tội phạm tham nhũng tuy đã được kiềm chế, nhưng vẫn còn phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.

Cùng với đó, cải cách tư pháp ở nước ta đang đứng trước những mâu thuẫn giữa thực trạng quá tải công việc với yêu cầu tinh giản biên chế; giữa thực hiện chế độ, chính sách theo quy định với bảo đảm chế độ theo yêu cầu thực tế. Pháp luật nội dung và tố tụng tư pháp còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được thực tiễn giải quyết tranh chấp và công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí... Đòi hỏi của người dân và xã hội đối với cơ quan tư pháp, cán bộ tư pháp ngày càng cao. Tòa án nhân dân các cấp phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người; là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm.

Trước thực trạng hệ thống tư pháp còn nhiều hạn chế, vướng mắc nêu trên, để thực hiện mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp, đó là: 1- Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp. Xác định đúng thẩm quyền của tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp; 2- Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm; xây dựng tòa án điện tử; 3- Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận. Nâng cao hiệu quả cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại tòa án.

Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân các cấp là tiến trình tất yếu để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân được tốt hơn. Đồng thời, đây cũng là tiền đề để tòa án nhân dân các cấp hoàn thành sứ mệnh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Đó cũng là trách nhiệm thiêng liêng của tòa án được quy định trong Hiến pháp năm 2013, các đạo luật về tư pháp và chức năng của cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó, cần tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể: 1- Xây dựng nền tư pháp Việt Nam độc lập, chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả; 2- Bảo đảm tòa án có đủ thẩm quyền và năng lực để xử lý các vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp xảy ra trong xã hội, thực hiện quyền tài phán quốc gia; 3- Xây dựng nhân lực tòa án, trước hết là thẩm phán trong sạch, liêm chính, vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và nhân ái; chuyên môn hóa thẩm phán, đổi mới và cơ cấu lại các chức danh tư pháp; 4- Đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn tư pháp; 5- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và uy tín để tòa án thực sự là hiện thân của lẽ phải và công lý; 6- Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất của tòa án, xây dựng tòa án điện tử.

Một số giải pháp nhằm đổi mới tổ chức bộ máy và hoạt động của tòa án nhân dân các cấp trong thời gian tới

Đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân các cấp nhằm xây dựng cơ quan tư pháp thực sự vì nhân dân, phục vụ nhân dân, để nhân dân cảm thụ công bằng, lẽ phải qua mỗi phán quyết tư pháp, bảo vệ quyền uy tư pháp. Thực hiện các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cải cách tư pháp đề ra, thời gian tới, việc đổi mới tổ chức bộ máy và hoạt động của tòa án nhân dân các cấp cần tập trung vào các giải pháp chính sau:

Một là, xác định rõ nội hàm, đặc trưng, chủ thể thực hiện quyền tư pháp làm cơ sở để xây dựng cơ chế phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cần tham khảo quan niệm phổ quát của quốc tế về quyền tư pháp ở các quốc gia trên thế giới để hoàn thiện thể chế pháp luật và xác định rõ: Quyền tư pháp là hoạt động xét xử của tòa án; áp dụng pháp luật và đưa ra phán quyết đối với các vụ án; giải thích pháp luật; phán xét hành vi của các cơ quan, công chức nhà nước và tính hợp hiến, hợp pháp của các đạo luật và văn bản pháp luật. Quyền tư pháp gồm: 1- Quyền xét xử; 2- Quyền quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân; 3- Quyền quyết định tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật(7).

Hai là, hoàn thiện các quy định về thẩm quyền và hoạt động của tòa án nhân dân các cấp để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp; phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo cấp xét xử mà không theo phân cấp hành chính; làm rõ thẩm quyền, thủ tục giải quyết yêu cầu liên quan đến quyền con người. Đổi mới cơ chế quản trị nội bộ của tòa án nhân dân các cấp, nghiên cứu hình thành cơ quan hành chính chuyên trách để thực hiện các nhiệm vụ không liên quan trực tiếp quá trình xét xử. Thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia có nhiệm vụ xây dựng chiến lược, kế hoạch hoạt động của tòa án, chế độ, chính sách... đối với hoạt động tư pháp. Xây dựng chế định tố tụng lấy xét xử là trung tâm, phân định rõ hơn về thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên tham gia hội đồng xét xử. Xác định rõ vị trí, vai trò của tòa án trong mối quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng khác. Hoàn thiện thủ tục tố tụng tranh tụng, nhất là quy định về chứng cứ, quy tắc chứng minh, trách nhiệm chứng minh bảo đảm tranh tụng thực chất hơn. Xây dựng cơ chế tố tụng tư pháp bảo vệ quyền con người. Nâng cao hiệu quả của thủ tục tố tụng bảo đảm khả thi, thống nhất, phù hợp.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tòa án nhân dân các cấp chuyên nghiệp và trí tuệ, bản lĩnh và nhân ái, tận tụy và công tâm theo hướng: Đổi mới cơ cấu chức danh tư pháp, hoàn thiện chế định thẩm phán cả về cơ cấu ngạch, bậc và việc phân bổ thẩm phán tại các cấp tòa án, cơ chế giám sát và xử lý thẩm phán vi phạm. Đổi mới công tác tuyển chọn, bổ nhiệm; mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Bảo đảm số lượng biên chế và có cơ cấu hợp lý, phù hợp với nhiệm vụ, thẩm quyền tiến hành tố tụng. Xây dựng chế độ, chính sách phù hợp cho cán bộ tư pháp, như chế độ lương, chính sách đãi ngộ; có cơ chế hữu hiệu bảo vệ thẩm phán nhằm duy trì tính độc lập tư pháp.

Bốn là, tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm nguồn lực, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò đặc thù của tòa án, từ đó có cơ chế bảo đảm đủ nguồn lực thực hiện quyền tư pháp. Tăng cường cơ sở vật chất của hệ thống tòa án nhân dân các cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, xứng đáng với vị thế của cơ quan tư pháp. Có cơ chế tài chính chuyên biệt, phân bổ ngân sách hợp lý đáp ứng yêu cầu công tác của tòa án.

Năm là, xây dựng tòa án điện tử để chuyển một phần hoạt động của tòa án từ không gian thực sang không gian số nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tòa án, phục vụ người dân tiếp cận công lý thuận lợi, nhanh chóng. Xây dựng tòa án điện tử hướng tới thực thi và nâng cao năng lực quản trị tòa án trên nền tảng số. Theo đó, tòa án điện tử góp phần cung cấp các dịch vụ tư pháp công để phục vụ người dân tốt hơn, hỗ trợ thẩm phán nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động, triển khai các hoạt động tố tụng trực tuyến. Cùng với đó, tòa án điện tử góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của tòa án và để kết nối với các nền tảng số khác nhằm chia sẻ tài nguyên và phục vụ cho tiến trình xây dựng xã hội số, kinh tế số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản trị quốc gia.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế, trong đó tập trung củng cố, kiện toàn hệ thống pháp luật về hợp tác quốc tế; tăng cường đàm phán, ký kết thỏa thuận quốc tế song phương, đa phương về lĩnh vực tư pháp, trước hết là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước có quan hệ truyền thống, các quốc gia có nền tư pháp phát triển hiện đại. Xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, chuyên môn sâu về pháp luật quốc tế, đặc biệt là đội ngũ thẩm phán, lãnh đạo chủ chốt tòa án nhân dân các cấp và cán bộ trực tiếp thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về tố tụng tại tòa án đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực tư pháp, nâng cao vai trò, vị thế của tòa án tại các thể chế quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hình sự, hành chính có yếu tố nước ngoài.

Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống tòa án nhân dân các cấp là yếu tố đặc biệt quan trọng bảo đảm sự thành công của công tác cải cách tư pháp. Đảng lãnh đạo tòa án, nhưng vẫn bảo đảm tôn trọng nguyên tắc độc lập tư pháp, không can thiệp vào quá trình tố tụng giải quyết vụ việc cụ thể làm ảnh hưởng đến công lý. Do đó, cần xây dựng mô hình tổ chức đảng và bố trí nhân sự tham gia cấp ủy phù hợp, theo hướng: Đảng bộ Tòa án nhân dân tối cao gồm các tổ chức đảng của Tòa án nhân dân tối cao, các tòa án nhân dân cấp cao và các tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt. Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thành lập đảng bộ tòa án nhân dân phúc thẩm trực thuộc đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm các tổ chức đảng của tòa án nhân dân phúc thẩm và các tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực. Bố trí chánh án các cấp tham gia cấp ủy cùng cấp với cương vị cao hơn hiện tại và phù hợp với từng địa bàn. Theo đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Các chánh án tòa án nhân dân phúc thẩm tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh có quy mô dân số đông, là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của đất nước là ủy viên ban thường vụ cấp ủy tỉnh; chánh án tòa án nhân dân phúc thẩm các tỉnh còn lại là ủy viên ban chấp hành đảng bộ tỉnh. Chánh án tòa án nhân dân cấp cao và chánh án tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tòa án nhân dân tối cao. Chánh án tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực là ủy viên ban chấp hành đảng bộ tòa án nhân dân phúc thẩm./.

PGS, TS. NGUYỄN HÒA BÌNH
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

-----------------------

(1) Khoản 3, Điều 102 Hiến pháp năm 2013
(2) Hiện nay, hệ thống tòa án nhân dân các cấp có 3 giáo sư, phó giáo sư, 47 tiến sĩ, 2.205 thạc sĩ, 10.939 cử nhân, còn lại có trình độ phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, vị trí công tác đảm nhiệm; có 2.342 người có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị, 4.187 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị
(3) Số lượng biên chế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ từ năm 2012 trên cơ sở căn cứ số lượng vụ việc tòa án các cấp phải giải quyết là hơn 303.848 vụ việc/năm. Đến nay, số lượng vụ việc phải giải quyết hằng năm đã tăng gần gấp đôi và dự kiến còn tiếp tục tăng trong những năm tới, trong khi số lượng biên chế được phân bổ thấp hơn so với năm 2012 do phải thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị, “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”
(4) Ví dụ, vẫn quy định quyền, trách nhiệm của tòa án thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự; không có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp không cung cấp tài liệu, chứng cứ; chưa có quy định cụ thể về tố tụng điện tử để tăng cường tiếp cận công lý cho người dân; chưa coi trọng tính khả thi, tính kinh tế trong các thủ tục tố tụng dẫn đến hiệu quả thi hành các phán quyết của tòa án hạn chế
(5) Cơ chế phân bổ ngân sách cho tòa án còn phụ thuộc vào Chính phủ làm hạn chế việc chủ động quản lý, sử dụng ngân sách của tòa án và dẫn đến nhận thức chưa phù hợp về vai trò cũng như tính độc lập của tòa án trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước khác
(6) Số lượng điều ước quốc tế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, dân sự còn ít; thẩm phán và cán bộ tòa án chưa có nhiều kinh nghiệm về pháp luật nước ngoài và năng lực ngoại ngữ còn hạn chế
(7) Tham khảo Điều 3 Hiến pháp Hoa Kỳ; xem thêm về hệ thống của Vương quốc Anh tại https://www.judiciary.uk/about-the-judiciary/our-justice-system/jud-acc-ind/judges-and-parliament/ 

...
  • Tags: