Đổi mới và hoàn thiện các quy định trong công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức

Đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng công chức ở Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, là một yêu cầu tất yếu khách quan, là yếu tố rất quan trọng để xây dựng thành công nền công vụ liên thông, thống nhất, chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước trong bối cảnh mới hiện nay.

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện việc tuyển dụng cán bộ, công chức theo đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển dụng (tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính); cắt giảm yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ; trường hợp vị trí việc làm yêu cầu bắt buộc phải có trình độ tin học hoặc ngoại ngữ thì phải thi tuyển nhưng không phải nộp chứng chỉ; đồng thời phân loại theo từng nhóm đối tượng (sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ; người cử tuyển là người dân tộc thiểu số; người cam kết làm việc ở vùng sâu, vùng xa để bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, công khai, minh bạch). Đây cũng là sự đổi mới đáng kể công tác tuyển dụng và mang lại những kết quả tích cực. 

Từ chủ trương của Đảng, Nhà nước

Xác định công tác tuyển dụng và sử dụng cán bộ, công chức có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng thành công nền công vụ liên thông, chuyên nghiệp vì sự nghiệp phát triển đất nước, những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan tới vấn đề quan trọng này:

Xây dựng nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài”, đòi hỏi phải có đội ngũ công chức đủ tài năng và phẩm chất. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế độ, chính sách đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Do đó, phải tiếp tục hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài để bổ sung nguồn công chức có chất lượng, thực tài cho nền công vụ. 

Với tinh thần đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/2/2022 về xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị; Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Trung ương về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026; Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Trung ương về quản lý biên chế của hệ thống chính trị; Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Trung ương  về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026; Quyết định số 73-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Trung ương về biên chế các của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các đơn vị sự nghiệp, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương giai đoạn 2022 – 2026... Cùng với đó còn có Luật Công chức 2010 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019. 

Còn đó khó khăn, bất cập

Thực tế trong quá trình triển khai công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức vẫn còn một số khó khăn, bất cập, như:

+ Cơ chế, chính sách thu hút người có tài năng vào phục vụ trong nền công vụ và cung cấp dịch vụ công chưa thật sự phù hợp; chất lượng người được tuyển dụng vào công chức, viên chức ở các bộ, ngành, địa phương chưa có sự đồng đều, thống nhất về tiêu chí chung. Việc tuyển dụng công chức vẫn chủ yếu căn cứ vào bằng cấp và kiểm tra kiến thức học thuật, mà chưa chú trọng đánh giá kỹ năng, đạo đức công vụ của người dự tuyển. Quy định về điều kiện của người dự tuyển công chức còn thiếu thống nhất trong áp dụng triển khai. Việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế được giao và tất yếu trong bản mô tả công việc phải xác định rõ ngành, chuyên ngành của vị trí việc làm. Đây là cơ sở để xác định chuyên môn của người dự tuyển cần tuyển dụng. 

+ Vấn đề đổi mới cơ chế quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm còn chậm. Việc sử dụng công chức chưa phát huy tốt năng lực, sở trường, chuyên môn đào tạo của công chức. Thực tế, còn tồn tại tình trạng bố trí, sử dụng công chức chưa xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, của ngành, địa phương; chưa lấy hiệu quả công việc làm thước đo cho việc bố trí, sử dụng; việc bố trí, sử dụng chưa phù hợp với trình độ, năng lực, nên một số trường hợp chưa thực sự khách quan, dân chủ trong bố trí, sử dụng. 

+ Việc đào tạo, bồi dưỡng chưa thật sự hiệu quả để phát triển năng lực cho đội ngũ công chức; chưa thực sự gắn với quy hoạch và yêu cầu của vị trí việc làm. Vẫn còn tình trạng cử cán bộ đi học không căn cứ vào nhu cầu công việc và nhu cầu cần hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng cần thiết để phục vụ cho công việc của bản thân cán bộ, công chức mà chủ yếu chỉ nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tiêu chuẩn liên quan đến chứng chỉ, bằng cấp của cán bộ, công chức.

Giải pháp hoàn thiện các quy định 

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tuyển dụng và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức,  thời gian tới, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:

1. Đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào, có cạnh tranh, nhằm bảo đảm chất lượng ngay từ khi tuyển dụng. Cần có quy định yêu cầu bắt buộc công khai thông tin tuyển dụng công chức một cách minh bạch. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, tập trung, thống nhất các địa phương, cơ quan, tổ chức phải thông tin tuyển dụng về một đầu mối cơ quan được quy định để đăng tải công khai và kiểm tra thông báo tuyển dụng.

2. Hoàn thiện Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và ban hành cơ chế chính sách phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài theo tinh thần Đảng đã xác định, theo đúng phương châm “kết nối với nhân tài của ngày mai từ những người có triển vọng tài năng của ngày hôm nay” và “Bốn tốt” (Đãi ngộ tốt - Cơ hội thăng tiến tốt - Môi trường làm việc tốt - Để sáng tạo tốt). Đổi mới chính sách tuyển dụng theo hướng thực hiện cơ chế cạnh tranh, dân chủ, công khai, minh bạch trong tuyển dụng công chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước.

3. Chính sách bố trí, sử dụng cần được đổi mới để góp phần khuyến khích công chức năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, góp phần đảm bảo sự thăng tiến cho công chức có năng lực, tài năng. Do đó, cần hoàn thiện các quy định về bố trí, sử dụng công chức, trong đó cần quy định rõ ràng về chính sách thăng tiến, đảm bảo thăng tiến của công chức phải dựa trên năng lực, hiệu quả công việc và đảm bảo công bằng, bình đẳng trong việc tiếp cận cơ hội thăng tiến của từng công chức, đặc biệt là công chức trẻ, tài năng. Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện chính sách về đánh giá, xếp loại chất lượng đối với công chức gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể, trong đó phải khẳng định kết quả, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ được giao về các mặt chính trị, kinh tế và xã hội là tiêu chí cốt lõi để đánh giá, xếp loại công chức.

4. Tiếp tục rà soát, sửa đổi và đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và yêu cầu của vị trí việc làm. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và năng lực, chất lượng của hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.  Tiếp tục đổi mới công tác ra đề, coi thi, chấm thi; cần có Hội đồng tuyển dụng độc lập để thực hiện hiệu quả. 

5. Hoàn thiện việc xác định vị trí việc làm, làm cơ sở cho việc tuyển dụng công chức đúng đối tượng, giúp đảm bảo bố trí, sử dụng có hiệu quả đội ngũ được tuyển dụng. Nghiên cứu, đối chiếu về vị trí việc làm và chuyên ngành đào tạo để xem xét sự phù hợp giữa chuyên ngành đào tạo với vị trí việc làm, từ đó có quy định phù hợp để tránh tình trạng độc quyền, thiếu công khai minh bạch trong cơ quan tuyển dụng công chức, viên chức./.

                                                                                                Ths. Phạm Thanh Hoài 

 

 

 

 

  

 

 

 

 

 

 

...
  • Tags: