Tuy nhiên, việc làm luật và sửa đổi luật của Quốc hội vẫn còn những vấn đề cần phải được điều chỉnh, trong đó có vấn đề chậm làm luật và hiệu quả của một số quy phạm pháp luật mà Quốc hội đã làm chưa cao…
Ảnh minh họa - TL
Hiệu quả làm luật của Quốc hội là kết quả so sánh giữa kết quả mong muốn (mục đích) khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn làm luật, sửa đổi luật của Quốc hội với kết quả trên thực tế các luật (số lượng, chất lượng các luật) mà Quốc hội đã làm được với mức độ những chi phí về các nguồn lực (số người tham gia, thời gian thực hiện, chi phí về vật chất và các chi phí khác cho việc làm luật) trong khoảng thời gian nhất định. Như vậy, hiệu quả làm luật của Quốc hội không chỉ là kết quả về số lượng, về chất lượng các luật mà Quốc hội đã làm được mà còn phải quan tâm đến tất cả những chi phí và thời gian để đạt được kết quả đó trên thực tế.
Hệ thống luật đã và đang được hoàn thiện
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về mặt pháp luật, trong những năm qua, hệ thống pháp luật nước ta đã được hoàn thiện một bước cơ bản, bao quát được mọi mặt của đời sống xã hội. Theo đó, Quốc hội thường xuyên xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các đạo luật, Nghị quyết, hoàn thiện một bước quan trọng hệ thống pháp luật về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Hệ thống pháp luật đã thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp, bám sát yêu cầu của cuộc sống và đáp ứng các tiêu chí của hệ thống pháp luật về “tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch”; xử lý tốt những vấn đề phức tạp của thực tiễn. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân; thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, bình đẳng, theo pháp luật; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; đẩy mạnh cải cách tư pháp; tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm; củng cố quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng.
Bên cạnh đó, quá trình xây dựng pháp luật ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch; chú trọng và bảo đảm sự tham vấn đầy đủ của các chuyên gia, nhà khoa học; có sự nghiên cứu tổng kết thực tiễn, tham khảo chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; sự phối hợp giữa các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định và quy trình ban hành luật; từng bước phát huy vai trò chủ động, tích cực của các đại biểu Quốc hội, ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ý kiến đóng góp của nhân dân. Trong quá trình soạn thảo, từng chính sách, pháp luật được đánh giá tác động kỹ, được các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội xem xét, đánh giá ở nhiều phương diện khác nhau nên ngày càng bảo đảm tính thực tiễn, phản ánh được nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Một số vấn đề có vướng mắc, chồng chéo trong quá trình triển khai thi hành đã được rà soát để sửa đổi cho phù hợp. Nhờ đó, chất lượng các dự án luật không ngừng được nâng lên, thể hiện tư duy tiếp cận mới, phù hợp với chuẩn mực chung của thế giới và thực tiễn mới của Việt Nam, bảo đảm tính khả thi cao hơn, đáp ứng yêu cầu của quá trình đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.
Một thực tế nữa không thể phủ nhận, đó là trong quá trình hội nhập, cùng với việc nội luật hóa, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã từng bước khắc phục được sự khác biệt, từng bước nội luật hóa và tiệm cận với các điều ước quốc tế. Tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật luôn được đề cao; được quán triệt sâu sắc trong thực tiễn triển khai thi hành pháp luật; kỷ cương, kỷ luật, tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật được nâng lên… Đó là những kết quả rất lớn đã đạt được những năm qua trong lĩnh vực xây dựng hệ thống pháp luật.
Mặc dù vậy, so với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Những điều này đã được nhấn mạnh trong các báo cáo nghiên cứu, tổng kết, các văn kiện Đại hội của Đảng, nhất là trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đó là, hệ thống pháp luật hiện nay còn cồng kềnh, chồng chéo, còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Chất lượng của một số luật đã ban hành còn thấp; tính khả thi không cao. Có hiện tượng một số nội dung của luật ban hành sau mâu thuẫn, xung đột với luật ban hành trước. Vẫn còn tồn tại việc ban hành pháp lệnh hoặc nhiều nội dung phải quy định bằng luật nhưng hiện nay Quốc hội vẫn ủy quyền cho Chính phủ ban hành Nghị định, hoặc thậm chí các bộ ban hành thông tư; tình trạng “luật ống”, “luật khung” vẫn còn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của pháp luật... Tổ chức thi hành pháp luật vẫn bị xem là khâu yếu, tồn tại dai dẳng qua nhiều nhiệm kỳ, chưa khắc phục được; thực trạng chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước có nơi còn bị xem nhẹ; xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe; còn tình trạng trên thì xử lý quyết liệt, dưới thì xuê xoa, dĩ hòa vi quý...
Thực tế nêu trên đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng làm luật của Quốc hội
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật ở nước ta trong thời gian tới theo tinh thần văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, thực hiện thắng lợi Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, các đại biểu Quốc hội cần quan tâm tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp. Đây là yêu cầu quan trọng trong quá trình xây dựng Luật.
2. Không ngừng đổi mới, tìm tòi, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành pháp luật; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức tham gia quy trình lập pháp để nâng cao chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.
3. Trong quá trình nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới luật, pháp lệnh, nghị quyết theo yêu cầu của các nhiệm vụ lập pháp, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục luật định…
Cùng với đó, trong quá trình soạn thảo, xây dựng và thông qua Luật, cần lưu ý thực hiện một số vấn đề sau:
- Lựa chọn được những ĐBQH thực sự có tài, có đức, có đủ năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất để lập hiến, lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước nên ĐBQH phải là những người giỏi nhất, có đức độ nhất từ những địa phương, những tầng lớp nhân dân mà họ là đại diện. Có như vậy, họ mới đủ năng lực và phẩm chất để thay mặt Nhân dân quyết nghị những vấn đề liên quan đến sự phát triển của đất nước.
- Những chi phí về các nguồn lực cho việc làm luật phải theo tinh thần tiết kiệm, sao cho có thể chấp nhận được trong điều kiện hiện nay của đất nước. Không thể chấp nhận việc có những dự án luật “treo” đến cả chục năm mà không thông qua được trong khi cuộc sống đòi hỏi phải có luật, đó cũng chính là sự lãng phí trong quá trình làm luật. Quốc hội, ĐBQH phải chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng, hiệu quả của các luật đã được thông qua, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về tình trạng thiếu luật điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng.
- Cần tổng kết, đánh giá dưới phương diện hiệu quả, rút kinh nghiệm về hoạt động làm luật đối với cả Quốc hội và từng ĐBQH. Đánh giá hoạt động lập pháp của Quốc hội không nên dừng lại là đã thông qua được bao nhiêu luật trong nhiệm kỳ, mà còn phải đánh giá cả chất lượng của các luật đã được thông qua, hiệu quả thực tiễn của chúng sau những khoảng thời gian thực hiện nhất định. Tổng kết đánh giá cả những chi phí cho việc làm các luật, đồng thời đánh giá cả tinh thần thái độ, kết quả hoạt động của các bộ phận, cơ quan, từng ĐBQH đã tham gia làm luật đó như thế nào. Điều đó giúp cử tri biết được đại biểu của họ hoạt động như thế nào, đại biểu có tham gia hay không tham gia tích cực vào các hoạt động làm luật của Quốc hội, trên cơ sở đó mới có thể bỏ phiếu miễn nhiệm (nếu cơ quan có thẩm quyền tổ chức bỏ phiếu miễn nhiệm đối với đại biểu) hoặc bỏ phiếu cho đại biểu tái cử ở những lần bầu cử sau…/.
Ths Phạm Xuân Trinh