VCCI phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế) vừa tổ chức hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2021.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: vov.vn
Thực hiện quy chế đối thoại với người nộp thuế và người khai hải quan theo tinh thần của Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, ngày 8/12 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế) tổ chức hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2021.
Sự kiện được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của 9 điểm cầu Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ và Bình Thuận.
Đây là chương trình đối thoại thường niên với doanh nghiệp nhằm thông tin, tuyên truyền về các chính sách và thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Từ đó, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và tăng cường quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan thuế, hải quan.
Khai mạc hội thảo, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, trong những năm qua ngành thuế, hải quan đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tự động hóa một số quy trình thủ tục và đổi mới tư duy, phong cách làm việc ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại nhằm tạo sự an tâm cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh, cả nước đã chuyển sang chiến lược "sống chung" lâu dài với dịch bệnh COVID-19, hội nghị đã thể hiện nỗ lực của Bộ Tài chính và VCCI trong việc cùng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh vượt qua các khó khăn do bệnh dịch.
Qua theo dõi việc đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với các cơ chế, chính sách được Nhà nước ban hành, VCCI đã thu thập thông tin, ý kiến góp ý của các doanh nghiệp bằng nhiều kênh khác nhau.
Hội nghị đối thoại về chính sách và cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan 2021 ghi nhận nhiều kiến nghị của doanh nghiệp về một số thay đổi trong các văn bản luật, nghị định hướng dẫn việc áp mã số, mã vạch hàng quá cảnh các mức thuế phí, quy trình hoàn thuế phí và các đề xuất sửa đổi cụ thể.
VCCI cam kết sẽ luôn phối hợp với Bộ Tài chính để đồng hành với doanh nghiệp trong việc cải cách TTHC Thuế, Hải quan, chung tay hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, đây là năm thứ 16 Bộ Tài chính và VCCI phối hợp tổ chức hội nghị đối thoại chính sách thuế và hải quan. Sự kiện thể hiện mối quan tâm chung và quyết tâm của Bộ Tài chính trong việc cải cách, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp khắc phục những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ những bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế và hải quan.
Đây cũng là dịp để Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng trực tiếp tiếp nhận những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, qua đó tiếp tục có những điều chỉnh các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính thuế và hải quan; đồng thời, có giải pháp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã đề xuất các chính sách, giải pháp về thuế phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị ước tính 108 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước tác động của dịch COVID - 19 và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực.
Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, ngành thuế cũng tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử với các dịch vụ khai thuế, nộp thuế điện tử hóa đơn điện tử với 99,6% tổng số doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử, 98,9% nạp thuế điện tử, 97,6% hoàn thuế điện tử.
Đặc biệt, năm 2021 ngành thuế cũng đã chính thức đưa vào hoạt động hóa đơn điện tử tại các 6 địa phương và dự kiến triển khai ở 57 địa phương còn lại vào năm 2022.
Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và cho xã hội.
Riêng với lĩnh vực hải quan, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN quản lý giám sát đảm bảo vận hành hệ thống thông quan tự động và các hệ thống công nghệ thông tin, tập trung an toàn bảo mật với đường truyền thông suốt.
Việc này góp phần làm cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng ngày càng hiện đại, đơn giản, thuận lợi giúp tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khó lường gây khó khăn cho việc hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến và điều kiện thực tế để tổng kết đánh giá hiệu quả chính sách đã thực hiện nhằm tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng đó trình cấp có cấp thẩm quyền về các phương án phục hồi phát triển kinh tế và các giải pháp hỗ trợ tiếp theo.
Liên quan tới một số đề xuất cải cách thuế ở Việt Nam, Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long cho rằng, việc cải tổ chính sách thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cần đúng và trúng và chỉ những doanh nghiệp gặp vấn đề, yếu kém thì mới cần hỗ trợ về chính sách thuế và phí.
Những doanh nghiệp được ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận như trong năm nay được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nghĩa là hướng tới những doanh nghiệp làm ăn tốt, có lợi nhuận.
Như vậy, mục tiêu hỗ trợ hoàn toàn bị chệch, trong khi các doanh nghiệp khó khăn, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch COVID-19 lại không được thụ hưởng ưu đãi từ chính sách. Do đó mới có đề xuất hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp như đã nêu.
Chẳng hạn như giai đoạn vừa qua, hàng nghìn xe taxi phải “đắp chiếu” nhưng phí cầu đường vẫn phải nộp. Kể cả hết giãn cách, hoạt động của doanh nghiệp cũng chỉ đạt 20-30% công suất, nhưng về bản chất, phí cầu đường là để sửa đường, duy tu, bảo dưỡng đường, trong khi xe không chạy mà vẫn phải đóng phí sẽ làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Theo ông Long, những chính sách này chỉ nên áp dụng trong giai đoạn ngắn hạn, vì xét về dài hạn, thuế phải dựa trên giá trị gia tăng, muốn có giá trị thặng dư thì phải tạo ra kết quả, hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận.
Khi đó, doanh nghiệp đóng thuế dựa trên lợi nhuận mới là hợp lý, còn giai đoạn ngắn hạn này, Chính phủ có thể xem xét các chính sách ưu đãi phù hợp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp./.