Rác là những thứ bỏ đi, vô dụng, thậm chí nguy hại mà con người muốn tiêu hủy. Oái oăm là trong đời sống văn hóa hiện nay “rác” lại xuất hiện khắp nơi: Âm nhạc, sân khấu, phim, ảnh, sách ngôn tình ủy mị, sướt mướt...
Một số cá nhân, tổ chức biện luận văn nghệ sĩ có quyền tự do sáng tạo, sản phẩm văn hóa luôn cần được làm mới, như thế mới thúc đẩy văn hóa tiến lên, hội nhập. Những tiếng nói này cho rằng, sản phẩm văn hóa cần thêm chất “đường phố”, “vỉa hè” trần trụi thì không đáng bị phê phán kiểu “nâng quan điểm”. Nhưng thử hỏi, lời ca một bản nhạc rap đang gây “bão” mạng xã hội mấy ngày gần đây miêu tả quan hệ tình dục... bố chồng con dâu thì yếu tố sáng tạo, mới mẻ ở đâu hay chỉ tạo ra sự giật gân, rẻ tiền, nhảm nhí? Đáng nói lời ca bệnh hoạn này khi được chế lại thì có tới gần 1 triệu người xem và sử dụng làm nhạc nền. Con số này khiến chúng ta giật mình, không chỉ vì lượng người đã tiếp xúc với một sản phẩm văn hóa độc hại, mà báo hiệu xu hướng nguy hiểm: “Rác văn hóa” sẽ dần được xem là sản phẩm văn hóa bình thường; sẽ xóa nhòa ranh giới giá trị, cái cao đẹp và cái nhảm nhí, bỉ ổi thô tục trong sáng tạo và thưởng thức.
Ảnh minh họa
Không ít văn nghệ sĩ ở nước ta đã vượt qua giới hạn về tự do sáng tạo, vứt bỏ trách nhiệm, ý thức công dân, sản phẩm làm ra không hề có chút giá trị chân-thiện-mỹ nào mà là thứ rác rưởi vi phạm pháp lý và đạo lý. Họ vỗ ngực tự xưng có công truyền bá “ánh sáng” văn minh nhân loại vào nước ta; giúp đồng bào mở mang “tầm mắt”. Nực cười là văn nghệ hiện đại trên thế giới họ không bao giờ động chạm đến những đề tài gây tranh cãi, cấm kỵ như loạn luân, giao cấu, bạo lực với trẻ em... Bởi lẽ, một mặt họ quan niệm sản phẩm văn hóa phải là hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường; nhưng mặt khác sản phẩm văn hóa còn là sản phẩm có tính công ích bởi sự tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng, thẩm mỹ, lối sống... của công chúng. Thế nên, mới có phân loại đối tượng công chúng, có cơ chế kiểm soát, đánh giá trước khi phát hành ra thị trường... tránh gây chia rẽ, làm bất ổn xã hội, tránh vi phạm tiêu chuẩn, giá trị văn hóa đạo đức chung của cộng đồng.
“Rác văn hóa” thực sự trở thành mối nguy hiểm. Không có cách nào khác là phải dọn đi! Phương châm muốn hiệu quả thì phải đồng bộ và quyết liệt. Hoàn thiện thêm quy định pháp luật, xử lý nghiêm văn nghệ sĩ sáng tác lệch chuẩn. Yêu cầu các nền tảng mạng xã hội gỡ bỏ hoặc dán nhãn sản phẩm văn hóa lệch lạc, không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Bên cạnh lên án “rác văn hóa”, còn cần tuyên truyền những sản phẩm văn hóa có giá trị cao, những tấm gương văn nghệ sĩ sống đẹp, sáng tạo vì cộng đồng; khuyến khích tạo ra sản phẩm văn hóa có nội dung tích cực để lấy cái đẹp dẹp cái xấu...
Những giải pháp chúng tôi tổng hợp kể trên không phải là mới nhưng chưa được thực hiện đồng bộ và quyết liệt. Trong xử lý “rác văn hóa” không thể mãi đi sau; xử lý từng vụ việc lặt vặt thay vì chủ động đi trước, đón trước. Cùng với các cơ quan chức năng, mỗi gia đình được ví là tế bào của xã hội phải tích cực ngăn chặn “rác văn hóa” ùa vào gia đình mình, để con em chúng ta không lớn lên cùng với “rác văn hóa”. Nếu không kiểm soát "rác văn hóa" ngay từ bây giờ, không ai dám chắc tâm hồn, hành vi, tính cách của con em chúng ta sẽ ra sao trong tương lai, chứ đừng nói tới việc trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội?
Có thể khẳng định “rác văn hóa” không còn là chuyện nhỏ; chuyện riêng của giới văn nghệ. Đây là vấn đề đáng quan tâm của toàn xã hội. Dọn sạch “rác văn hóa” là chúng ta đang góp phần giữ gìn, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; ngăn chặn suy thoái đạo đức, lối sống.