Dự báo kinh tế thế giới năm 2023 nhìn từ góc độ chính sách

Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ có hiệu lực từ 1/1/2023 cùng với chính sách điều hành tỷ giá gia tăng theo hướng kiểm soát lạm phát của Fed và ngân hàng trung ương các quốc gia, trong bối cảnh cuộc chiến Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến giá năng lượng leo thang là những tác nhân chủ yếu lên nền kinh tế thế giới trong năm 2023, được các chuyên gia dự báo sẽ rất khó khăn…Tuy nhiên vẫn có nhiều điểm sáng như Trung Quốc và Ấn Độ…

Dù có “phao cứu hộ” - đạo luật Giảm lạm phát , nhưng Mỹ có thể sẽ vẫn đối mặt với suy thoái nếu Fed vẫn tăng lãi suất

IMF dự báo năm 2023, nước Mỹ chỉ tăng trưởng khoảng 1%; OECD dự báo tăng trưởng 0,5%

Nước Mỹ vẫn có thể chứng kiến một cuộc suy thoái năm 2023 ?

Tại nước Mỹ, theo đánh giá của một số nhà kinh tế, đang có một vị trí “tốt hơn rõ rệt” so với nhiều quốc gia khác, nhờ có Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được ví như “phao cứu hộ”. IRA dành chi 420 tỉ USD cho đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ ở Mỹ và chế tạo, tiêu dùng sản phẩm được làm ra ở Mỹ và thân thiện với môi trường. Từ góc độ chống biến đổi khí hậu trái đất mà nói thì đạo luật này được thế giới bên ngoài hoan nghênh, do chưa khi nào trong lịch sử nước Mỹ từ trước đến nay, nước Mỹ chi ra nhiều tiền đến thế đầu tư cho phát triển và tiêu dùng trong nước mà có được hiệu ứng bảo vệ môi trường sinh thái như vậy.

Đối với nước Mỹ và cá nhân Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, đạo luật này có tầm quan trọng đặc biệt bởi tác dụng đối nội đặc biệt của nó. Đạo luật giúp nước Mỹ khôi phục tăng trưởng kinh tế năng động, hiện đại hoá nhiều ngành công nghiệp và giảm tỉ lệ lạm phát, cải thiện chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm y tế. Đặc biệt (nguồn tin trên trang web của Thượng viện Mỹ), IRA sẽ giúp Chính phủ Mỹ dự kiến thu về một khoản tiền khổng lồ lên đến 739 tỉ USD, gồm: 313 tỉ USD từ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, 288 tỉ USD từ cải cách giá thuốc kê đơn, 138 tỉ USD từ thu thuế và lãi suất. Vì vậy IRA được coi là thành quả cầm quyền quan trọng nhất của ông Biden trong nửa nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên.

Mặc dù vậy, dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có thể chứng kiến một cuộc suy thoái nghiêm trọng trong thời gian tới, nếu như Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất. GS. Kenneth Rogoff của Đại học Harvard và là cựu Kinh tế gia trưởng của IM cảnh báo: “Nếu Mỹ thắt chặt quá mức, có lẽ nền kinh tế này sẽ còn tệ hơn cả Châu Âu”… Rất tiếc là điều đó có nhiều khả năng trở thành hiện thực. Trước đó tại cuộc họp báo vào giữa tháng 12/2022, tại Washington DC, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết: Fed dự báo lãi suất cực đại của chu kỳ thắt chặt này là mức 5,1% thiết lập trong năm 2023, cao hơn dự báo của giới đầu tư trước cuộc họp của Fed, bất chấp tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên và tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ gần như ngừng trệ. Gần đây nhất (ngày 10/1/2023), một lần nữa Fed tiếp tục nâng mức cảnh báo tăng lãi suất cho đến khi biên độ mở rộng ở mức khoảng 5% - 5,5%.

“Trọng tâm của chúng tôi hiện nay thực sự là đưa vị thế chính sách tiền tệ lên một mức đủ thắt chặt để đảm bảo lạm phát sẽ hạ về mức mục tiêu theo thời gian, chứ chưa phải là cắt giảm lãi suất”. Nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới còn nói thêm rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về cắt giảm lãi suất sẽ chỉ diễn ra khi các quan chức Fed tin tưởng rằng lạm phát đang thực sự đi xuống. Trong khi đó, Fed dự báo lạm phát ở Mỹ sẽ còn cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed cho tới ít nhất cuối năm 2025, và đến cuối năm 2023 vẫn còn ở mức hơn 3%...

Trong viễn cảnh tồi tệ nói trên, các chuyên gia vẫn lạc quan về tình hình lạm phát của Mỹ trong năm 2023 có dấu hiệu chùng lại. Có nhiều nguyên nhân để lạc quan. Ít nhất đến đầu năm 2023, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt hơn, chuỗi cung ứng cũng được nới lỏng hơn và nước Mỹ cũng đã dần thích ứng với cú sốc trong thị trường năng lượng do xung đột Nga – Ukraine đưa lại. “Trừ phi có điều gì tồi tệ khác xảy ra trên thế giới, còn không năm 2023 là con đường để mọi thứ trở lại bình thường”, nhà kinh tế học Claudia Sahm, cựu chuyên gia kinh tế Fed nhận định.

Kinh tế toàn cầu 2023 được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại

Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo trước đó do những hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 xuống còn 2,2%, giảm so với mức 2,8% trong dự báo hồi tháng 6/2022. Triển vọng tăng trưởng của gần như tất cả các quốc gia trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới đều bị giảm…

Kinh tế thế giới năm 2023 sẽ gặp khó khăn, thế nhưng đà suy yếu có thể không đủ để liệt vào suy thoái khi xét theo tiêu chí hẹp là 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp. OECD và IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ mức 6,1% của năm 2021 xuống còn 2,2-2,7% trong năm 2023, nhưng dù như vậy kinh tế thế giới cũng thoát khỏi sự suy giảm liên tiếp theo quý.

Thậm chí, nếu định nghĩa suy thoái toàn cầu mang đến những tiêu chí mở hơn, ví dụ như tốc độ tăng trưởng GDP dưới mức 2,5%, thì cũng rất khó để chúng ta đưa ra kết luận chắc chắn về suy thoái toàn cầu trong năm 2023. Trước mắt cả ba đầu tàu kinh tế thế giới là Mỹ, Trung Quốc và EU đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trung Quốc: nền kinh tế tỷ dân hứa hẹn sẽ tươi sáng trở lại

Nền kinh tế Trung Quốc dự báo năm 2023 bằng một bức tranh tươi sáng

Chỉ vài tuần trước khi bắt đầu năm 2023, Trung Quốc đã tuyên bố nới lỏng khỏi chính sách “Zero COVID” (không COVID-19) gây tranh cãi. Bởi theo kinh nghiệm của các quốc gia khác, số người mắc COVID-19 cao dự báo sẽ gây ra tình trạng gián đoạn ngắn hạn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Những gián đoạn trong hoạt động sản xuất hàng hóa 2 năm qua đã và đang làm suy yếu chi tiêu của người tiêu dùng. Lĩnh vực bất động sản vốn chiếm khoảng một phần năm hoạt động kinh tế ở Trung Quốc đã suy yếu đáng kể, sau nhiều năm “bong bóng” phình to.

Trong khi triển vọng ngắn hạn có vẻ ảm đạm, nhưng chúng ta vẫn kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc năm 2023 bằng một bức tranh tươi sáng hơn mà động lực chính là nhờ Trung Quốc ngừng chính sách Zero COVID cũng như sự hỗ trợ của nhà nước đối với lĩnh vực bất động sản ốm yếu (vốn chiếm gần 1/4 sản lượng kinh tế của Trung Quốc), nhờ vào các gói tài khoá mà Bắc Kinh công bố hồi mùa hè 2022, cùng loạt tín hiệu sau đại hội Đảng để tháo gỡ hai nút thắt lớn của nền kinh tế.

Đặc biệt những ngày cuối năm 2022 (từ 15-16/12), Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị công tác kinh tế Trung ương thường niên lần thứ nhất, kể từ sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hội nghị này giúp thế giới có thể “bắt mạch” được những điều chỉnh, thay đổi chính sách và hướng đi của kinh tế Trung Quốc trong năm 2023. Theo đó, Hội nghị phát đi 7 tín hiệu đáng chú ý, gồm đặt phục hồi và mở rộng tiêu dùng ở vị trí ưu tiên; thể hiện thái độ rõ ràng trong việc nghiêm túc thực hiện “hai không dao động”; khẳng định đầy đủ vai trò của kinh tế nền tảng, không đề cập đến việc chống độc quyền và mở rộng vốn mất trật tự; định hướng phát triển bất động sản và ngăn ngừa rủi ro hệ thống…

Các mục tiêu dài hạn như “thịnh vượng chung”, “đạt đỉnh carbon và trung hòa carbon” được thảo luận trong hội nghị năm ngoái đã không còn được đề cập trong năm 2023, thay vào đó là “kiên quyết ngăn chặn tình trạng tái nghèo trên quy mô lớn” và “thúc đẩy chuyển đổi xanh trong kinh tế xã hội”. Điều này cho thấy, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đang chuyển từ tập trung vào các mục tiêu phát triển dài hạn sang ổn định kinh tế trong ngắn hạn. Theo các nhà phân tích, mở rộng tiêu dùng và tăng cường hỗ trợ kinh tế tư nhân là hai điểm đáng chú ý trong chính sách điều hành kinh tế của Trung Quốc trong năm 2023.

Sau Hội nghị công tác kinh tế Trung ương, một số quan chức cấp cao và học giả trong lĩnh vực tài chính kinh tế của Trung Quốc đã bày tỏ sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế trong năm tới. Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng Morgan Stanley cũng nâng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm sau lên 5,4% so với mức trước đó là 5%. Nếu như trước đó ngân hàng này từng dự báo hoạt động kinh tế Trung Quốc sẽ thực sự phục hồi từ cuối quý II/2023, nay họ nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ cải thiện từ đầu tháng Ba năm sau.

Vì vậy bất chấp chiến dịch tăng lãi suất để khống chế lạm phát của Fed, hút dòng vốn từ Trung Quốc về Mỹ của IRA, gây áp lực giảm giá đối với đồng nhân dân tệ (NDT) và hạn chế dư địa của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), nền kinh tế Trung Quốc hứa hẹn sự trở lại vào năm 2023. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng cho rằng, Trung Quốc có không gian tài chính để thúc đẩy nền kinh tế và chống lại áp lực suy giảm. Trong khi đó, các nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia Societe Generale nhận định, Trung Quốc sẽ có 3-4 quý tăng trưởng mạnh, bắt đầu từ quý II hoặc quý III/2023. Họ đồng thời dự báo kinh tế nước này có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2023. WB cũng dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2023 có thể đạt 4,5%...

IMF dự báo GDP năm 2023 của Trung Quốc tăng trưởng gấp 3 lần Mỹ. Các chuyên gia kinh tế nâng mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc lên 5%...

Kinh tế các nước Châu Âu (EU) phát đi tín hiệu bớt ảm đạm

Những thách thức mà kinh tế Châu Âu phải đương đầu năm 2023 sẽ không mất đi trong một sớm một chiều

Trong khi đó nền kinh tế các nước Châu Âu năm 2023 được dự báo sẽ chìm trong suy thoái vì chịu sự tác động kép. Nhất là các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu năng lượng từ Nga. Thị trường năng lượng vẫn là một trong những rủi ro. Châu Âu đã trải qua một chặng đường dài để bổ sung trữ lượng khí đốt tự nhiên và hạn chế nhu cầu, nhưng mùa Đông năm nay ở Bắc bán cầu chắc chắn sẽ đầy thách thức. Tình hình có thể còn phức tạp hơn vào mùa Đông năm 2023-2024, vì việc bổ sung trữ lượng khí đốt có thể khó khăn gấp bội. Giá khí đốt cao hơn, hoặc sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt hoàn toàn, sẽ dẫn đến tăng trưởng yếu hơn đáng kể và lạm phát cao hơn ở Châu Âu và thế giới vào năm 2023 và 2024.

Ngoài hệ lụy khủng hoảng năng lượng do cuộc chiến Nga – Ukraine, nền kinh tế các nước Châu Âu rất dễ bị tổn thương trước chính sách bảo hộ của nước Mỹ mang tên Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), được Tổng thống Mỹ Biden ký thành luật vào tháng 8/2022. Đây thực chất là một gói chi tiêu để bảo vệ lợi ích nước Mỹ trị giá 738 tỷ USD, trong đó phân bổ 391 tỷ USD cho các dự án công nghiệp thân thiện với khi hậu và năng lượng xanh, bao gồm 270 tỷ USD ưu đãi thuế…

Tổng thống Biden khẳng định, IRA hướng đến củng cố các chuỗi cung ứng với các đối tác như Châu Âu để phòng vệ trước những lỗ hổng kinh tế xuất hiện trong đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine. Song sự trấn an đó không những không làm các nước Châu Âu yên tâm mà trái lại. Hồi đầu tháng 11/2022, Cao ủy Thị trường Nội bộ EU Thierry Breton dọa khiếu nại lên WTO và cân nhắc “các biện pháp đáp trả” nếu Mỹ không đả ngược chính sách trợ giá trong IRA. Liên minh Châu Âu lo ngại rằng IRA, bao gồm các chính sách giảm thuế lớn có thể thu hút làn sóng đầu tư và gây bất lợi cho các công ty Châu Âu, từ các nhà sản xuất ô tô đến các doanh nghiệp phát triển công nghệ xanh.

Trong bối cảnh ảm đạm đó, những chuyển động mới đã góp phần làm dấy lên những tia hy vọng mới về kinh tế Châu Âu năm 2023. Cụ thể thị trường chứng khoán Châu Âu, nơi chỉ số Stoxx 600 đã tăng hơn 4,5% kể từ phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023 cho tới ngày 10/1. Những dấu hiệu còn cho thấy lạm phát hạ nhiệt, những nút thắt chuỗi cung ứng được giải tỏa, và giá khí đốt xuống thang nhanh. Khảo sát của S&P Global công bố mới đây cũng cho thấy hoạt động kinh doanh tại 20 nước sử dụng đồng Euro, dù vẫn còn ở mức thấp so với lịch sử, song đã nhích dần lên so với tháng trước. Các nhà đầu tư khấp khởi hy vọng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ bớt quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất trong năm 2023…

Nhìn vào bối cảnh hiện nay có thể nói những thách thức mà kinh tế Châu Âu phải đương đầu 2023 sẽ không mất đi trong một sớm một chiều. Đó là khủng hoảng năng lượng và chính sách tiền tệ thắt chặt được cho là sẽ tiếp tục đeo bám khu vực. Để thay thế cho khí đốt Nga, Châu Âu đã đẩy mạnh nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Na Uy và mua khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ. Nhưng việc dự trữ khí đốt cho mùa đông tiếp theo của Châu Âu có thể gặp nhiều khó khăn khi lượng khí đốt do Nga cung cấp còn rất ít ỏi.

Dù đã giảm sâu gần đây, song giá khí đốt ở Châu Âu hiện vẫn cao gấp hơn 4 lần so với mức bình quân của thập kỷ qua. Vì vậy cần một thời gian để mức giá bán buôn khí đốt thấp hơn có thể ngấm đến hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng, vì một số quốc gia ở Châu Âu đã áp mức giá cố định hoặc đặt trần giá khí đốt cho vài tháng tới. Các chuyên gia của Goldman Sachs đưa ra dự báo, lạm phát ở Eurozone sẽ giảm về mức 3,25% vào cuối năm 2023, so với mức 4,5% đưa ra trong dự báo trước. Dù vậy, mức lạm phát đó vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà ECB đề ra.

IMF dự báo GDP khu vực EU năm 2023 chỉ tăng trưởng khoảng 0,5%.

Ấn Độ sẽ là “điểm sáng” kinh tế toàn cầu

Một xưởng may mặc tại Andhra Pradesh, Ấn Độ.

Trái ngược với các dự báo ảm đạm cho năm 2023 ở Mỹ, Châu Âu. Nhiều chuyên gia cho rằng, Ấn Độ sẽ là khu vực tăng trưởng tích cực trong năm 2023 và trở thành một trong những “bệ đỡ” hiếm hoi cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cùng với Trung Quốc, nền kinh tế được kỳ vọng là điểm sáng cho kinh tế toàn cầu là Ấn Độ, dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao thứ hai thế giới, ở mức 5,7% vào năm 2023. Đặc biệt, Saudi Arabia sẽ đạt tốc độ tăng trưởng số 1 thế giới.

Ấn Độ đang bước vào giai đoạn “vàng” cho tăng trưởng kinh tế nhờ nắm giữ tiềm năng tăng trưởng dài hạn, đó là nhân tố nhân khẩu học và lao động. Nhờ vậy, họ hưởng trọn lợi thế khi tỷ trọng đầu tư nước ngoài so với GDP ở Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc. Hiện Ấn Độ là quốc gia duy nhất (ngoài Trung Quốc) có thể tổ chức sản xuất quy mô lớn với chi phí rẻ. Nước này cũng đang ở vị trí sẵn sàng trở thành công xưởng của thế giới khi thực hiện các chính sách cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế số, thị trường nước này cũng đạt giá trị 800 tỷ USD vào năm 2030, tức là tăng gấp 10 lần so với năm 2020.

Nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng 6% trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2024, một báo cáo của Ngân hàng trung ương Ấn Độ tháng này cho biết. Tâm trạng lạc quan đang được xem là động lực thúc đẩy chi tiêu và đầu tư ở Ấn Độ, mặc dù sự phục hồi dự kiến sẽ không đồng đều khi mang lại lợi ích cho khu vực thành thị nhiều hơn là khu vực nông thôn vốn đang gặp khó khăn của nước này./.

IMF dự báo GDP năm 2023 của Ấn Độ tăng trưởng 6%

VŨ LÊ MINH

(tổng hợp và phân tích)

  • Tags: