Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực chính trị và kiểm soát thực thi quyền lực chính trị ở Việt Nam

Bài viết phân tích những giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền lực chính trị và kiểm soát thực thi quyền lực chính trị. Trong thời kỳ đổi mới, trên cơ sở phát triển tư duy lý luận và tổng kết thực tiễn, Đảng ta đã kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền lực chính trị và việc kiểm soát thực thi quyền lực chính trị để xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Ảnh tư liệu

Một trong những vấn đề cơ bản của của cách mạng là vấn đề chính quyền và quyền lực chính trị của giai cấp cầm quyền. Các nhà kinh điển của chủ ghĩa Mác -Lênin đã sớm bàn về vấn đề quyền lực chính trị; về tầm quan trọng của việc giành chính quyền và kiểm soát việc thực thi quyền lực của bộ máy chính quyền. Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, C.Mác đã viết:“Giai cấp nào muốn nắm quyển thống trị - ngay cả khi quyển thống trị của nó đòi hỏi phải thủ tiêu toàn bộ hình thức xã hội cũ và sự thống trị nói chung, như trong trường hợp của giai cấp vô sản - thì giai cấp ấy trước hết phải chiếm lấy chính quyền để đến lượt mình, có thể biếu hiện lợi ích của bản thân mình như là lợi ích phổ biến, điều mà giai cấp ấy buộc phải thực hiện trong bước đầu”(1).

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của vấn đề quyền lực chính trị đối với giai cấp công nhân, trong cuốn “Sự khốn cùng của triết học", C.Mác đã chứng minh rằng, trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, giai cấp vô sản phải được tổ chức thành một giai cấp độc lập và tiến hành cuộc đấu tranh lật đổ giai cấp tư sản, thiết lập chế độ mới xã hội chủ nghĩa và sử dụng chính quyền nhà nước để thực hiện những mục tiêu cách mạng. Vấn đề thực thi quyền lực chính trị còn được C.Mác đề cập trong tác phẩm “Nội chiến ở Pháp" và những bài bình luận về Công xã Pari; về cách thức quản lý xã hội của Công xã Pari (giai đoạn cầm quyền tuy ngắn ngủi, nhưng rất ý nghĩa của giai cấp vô sản Pháp). Theo đó, sự vận động của các hình thức thực thi quyền lực chính trị của Công xã ban đầu cũng tương tự như một công cụ do giai cấp tư sản tạo ra, dùng để đập tan một chế độ xã hội. C.Mác khẳng định: “Chỉ có những người vô sản, nhiệt tình hừng hực vì nhiệm vụ xã hội mới mà họ có nhiệm vụ thực hiện cho toàn thể xã hội, tức là thủ tiêu tất cả các giai cấp và sự thống trị giai cấp, mới là những người có thể đập tan nhà nước, công cụ của sự thống trị giai cấp đó, đập tan quyền lực chính phủ tập trung và có tổ chức đó, cái quyền lực do tiếm đoạt mà trở thành chủ nhân của xã hội, chứ không phải là đầy tớ của xã hội”(2). 

Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền lực chính trị và kiểm soát thực thi quyền lực chính trị

Trên cơ sở kế thừa, tiếp thu tinh hoa tư tưởng chính trị phương Đông và dựa trên lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là sự đúc rút kinh nghiệm trong quá trình khảo nghiệm, nghiên cứu về quyền lực chính trị và vấn đề kiểm soát, thực thi quyền lực của một số quốc gia điển hình (Anh, Pháp Mỹ, Nga), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ sung, phát triển sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Những quan điểm của Người về quyền lực chính trị và vấn đề kiểm soát thực thi quyền lực chính trị trở thành cơ sở khoa học để chỉ đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân ở Việt Nam. 

Về vấn đề quyền lực chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, sau khi giành được độc lập dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam sẽ tiến hành xây dựng Nhà nước dân chủ Nhân dân; vấn đề quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Người nói: “Nước ta là nước dân chủ; Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(3). Nhân dân cử ra những người đại diện cho mình, đồng thời “có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”(4). Người nhấn mạnh, Nhân dân có quyền tham gia quản lý nhà nước, phê bình, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, các đại biểu do mình cử ra. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân có địa vị cao nhất, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Quan điểm lý luận của Người được khẳng định ngay trong Điều 1 Hiến pháp năm 1946: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”(5). Hiến pháp năm 1959 tiếp tục khẳng định: “Toàn bộ quyền lực trong Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thuộc về nhân dân lao động”(6).

Về vấn đề thực thi quyền lực (hay sử dụng quyền lực) và kiểm soát quyền lực chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng với tư cách là Đảng cầm quyền. Tuy nhiên, Người nêu rõ: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng..”(7); vì thế: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”(8). Theo đó, Nhà nước có chức năng phục vụ Nhân dân, chứ không phải là cai trị Nhân dân; Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, cơ quan nhà nước là công cụ để thực hiện quyền của Nhân dân; cán bộ, công chức là người được Nhân dân ủy quyền, trao quyền, đại diện cho Nhân dân để gánh vác, giải quyết những công việc chung của đất nước.

Vì thế, với tư cách là Đảng cầm quyền, Đảng phải luôn giữ gìn được bản chất cách mạng, giữ gìn uy tín và thanh danh của đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, thể hiện bản chất của chính quyền cách mạng của dân, do dân, vì dân. Thực tiễn cho thấy, với tư cách là người được Nhân dân giao trọng trách thực thi quyền lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tinh thần phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người tự sự: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui”(9).

Về vấn đề kiểm soát quyền lực chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định với vai trò là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo chính quyền và toàn xã hội bằng cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng; Đảng lãnh đạo thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị. Người chỉ rõ, mọi hoạt động và lãnh đạo của Đảng phải thực hiện, chấp hành nghiêm theo “Điều lệ Đảng”. Đảng hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ (một nguyên tắc phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin). Người giải thích: “Nghĩa là: có Đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương”(10). Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Tập trung trên nền tảng dân chủ. Cơ quan lãnh đạo của Đảng có uy tín và quyền lực chân chính. Những phương châm, chính sách, nghị quyết của Đảng, mọi đảng viên nhất định phải chấp hành. Kỷ luật của Đảng, mọi đảng viên phải tuân theo. Thế là tập trung. Nhưng tập trung ấy không phải là cá nhân chuyên chính; nó là xây dựng trên nền tảng dân chủ… không ai được tự ý độc đoán… Quyền lực không phải tự ai tranh giành được. Vì vậy, người lãnh đạo phải gần gũi và học hỏi quần chúng đảng viên, nghe ngóng ý kiến của họ. Nếu lên mặt với quần chúng, lạm dụng quyền lực - thế là sai lầm”(11), và nhấn mạnh: “Dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung… Ở trong Đảng, mọi đảng viên có quyền nêu ý kiến, đặt đề nghị, tham gia giải quyết vấn đề. Nhưng quyết không được trái sự lãnh đạo tập trung của Đảng, trái nghị quyết và trái kỷ luật của Đảng”(12).

Đối với cơ quan chính quyền, nhà nước từ Trung ương tới cơ sở, đều phải thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời Nhà nước cần thiết và phải thực hiện chuyên chính. Đây là vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh không né tránh. Người giải thích: “Chế độ nào cũng có chuyên chính. Vấn đề là ai chuyên chính với ai?... Như cái hòm đựng của cải thì phải có cái khóa. Nhà thì phải có cửa... Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khóa, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại... Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ”(13). Vấn đề chuyên chính mà Người đề cập là “chuyên chính” của giai cấp công nhân; của nhân dân lao động chống lại sự phá hoại của các lực lượng thù địch, đập tan sự phản kháng của các giai cấp bóc lột ngóc đầu dậy phá hoại thành quả cách mạng, bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vì thế, cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa quyền lực chính trị và vấn đề sử dụng quyền lực của giai cấp thống trị bóc lột, với “chuyên chính vô sản” và vấn đề “thực thi chuyên chính” của nhà nước dân chủ nhân dân đối với các thế lực chống đối, thù địch phá hoại thành quả cách mạng. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, bản chất của Nhà nước dân chủ nhân dân là “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”; Nhà nước có vai trò, chức năng phục vụ nhân dân (không phải là nhà nước cai trị), cho nên phải biết “tự kiểm soát quyền lực”. 

Sự tự kiểm soát đó, trước hết là từ đội ngũ cán bộ, công chức trong “bộ máy công quyền”. Mỗi cán bộ, công chức phải tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc tự tu dưỡng, tự rèn luyện nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo và sử dụng quyền lực có ích cho cách mạng; sự kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, công chức, chỉ có thể thực hiện bằng việc tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, thể hiện thông qua việc xử lý ba mối quan hệ: “Với mình, với người và với công việc”. Đó là các mối quan hệ cơ bản, biện chứng, hợp thành phẩm chất đạo đức, tư cách của “người cán bộ cách mạng chân chính”. Theo Người, khi đã trở thành “người cán bộ cách mạng chân chính” thì “làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”; “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; nhờ đó mà kiểm soát được ham muốn, dục vọng của cá nhân; tự mình kiểm soát quyền lực của mình, để vừa không lạm dụng quyền lực, vừa “dám làm, dám chịu trách nhiệm”; để cùng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị lãnh đạo Nhân dân hoàn thành nhiệm vụ cách mạng được giao. 

Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước là luôn có sự tham gia của Nhân dân. Theo Người, mọi hoạt động của chính quyền phải luôn đặt dưới sự kiểm soát của Nhân dân. Bởi vì “Đảng từ nhân dân, từ xã hội mà ra”. Nhân dân kiểm soát quyền lực bằng việc phản ánh cho Đảng (với tư cách là người lãnh đạo) về tinh thần “gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của các đoàn thể cách mạng của quần chúng mà mình tham gia”(14); Nhân dân phản ánh về phẩm chất, năng lực, tinh thần, thái độ làm việc, phục vụ của cán bộ, công chức; tham gia đánh giá kết quả hoạt động, thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ sở để kiểm soát quyền lực là luật pháp, mà luật pháp thể hiện ý chí của Nhân dân, là công cụ hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, do đó việc Nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực là hoàn toàn chính đáng. Người nói: “Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân”(15). 

Cùng với việc vận động nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng đến công tác kiểm tra, kiểm soát; tuyên truyền vận động các tổ chức đoàn thể và Nhân dân tham gia công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát; sử dụng hữu hiệu các phương tiện truyền thông, báo chí làm vũ khí, tạo nên dư luận mạnh mẽ, kịp thời ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực của công chức và cơ quan nhà nước. Người chỉ rõ: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”(16). Theo Người, phải khuyến khích Nhân dân và cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện việc kiểm soát quyền lực nhà nước. Người viết: “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là: người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân”(17).

Để việc kiểm soát quyền lực được hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: kết hợp cách kiểm tra từ dưới lên và kiểm tra từ trên xuống. Kiểm tra từ trên xuống là “người cán bộ kiểm soát những công việc của cán bộ mình”. Kiểm tra từ dưới lên là “quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó”(18). Kiểm tra, kiểm soát phải có hệ thống, phải được tổ chức chu đáo “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như ngọn đèn pha. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ”. Việc cử cán bộ và thành lập đoàn kiểm tra, kiểm soát phải được cân nhắc kỹ. Đặc biệt là phải quy trách nhiệm đối với cán bộ kiểm tra: “Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào, nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm”(19). Việc quy trách nhiệm phải gắn với xử lý nghiêm minh các vi phạm và biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt. Người nhắc nhở, phải kết hợp chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát với tự kiểm tra, kiểm điểm của mỗi cá nhân; việc phê bình, tự phê bình, đó cũng là nội dung của kiểm soát quyền lực. Người nhấn mạnh: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn”; còn tự phê bình là động lực giúp cán bộ, đảng viên tự kiểm soát lấy mình, là nêu ưu điểm, vạch khuyết điểm của mình, là “thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”(20). 

Kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực chính trị và kiểm soát thực thi quyền lực chính trị vào thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay

Kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực chính trị và kiểm soát thực thi quyền lực chính trị, Đảng ta nêu rõ quan điểm: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”(21). Trong thời kỳ đổi mới, trên cơ sở phát triển tư duy lý luận và tổng kết thực tiễn, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”(22);  “Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền”(23). 

Đặc biệt trong tình hình hiện nay, vấn đề “lạm quyền”, tư tưởng “quan liêu”, vấn nạn “tham nhũng” gây bức xúc trong xã hội, ngày càng tinh vi, đe dọa sự tồn vong của chế độ; sự lợi dụng  quyền lực “cố ý làm trái” xảy ra liên tiếp ở nhiều cấp độ, nhiều lĩnh vực và nhiều địa phương, cho thấy những “kẽ hở” của pháp luật đang bị kẻ xấu lợi dụng, khai thác; cơ chế kiểm soát quyền lực và vai trò của Nhà nước trong thực thi, kiểm soát quyền lực đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, sự buông lỏng quản lý của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền cũng làm cho việc thực thi và kiểm soát quyền lực nhà nước chưa hiệu quả. 

Để khắc phục những yếu kém, hạn chế nói trên, cần nghiêm túc quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực và thực thi, kiểm soát quyền lực chính trị, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”(24). Thực hiện giám sát quyền lực “từ khâu hoạch định chính sách, đến khâu thực thi chính sách”; tăng cường kiểm soát, giám sát đối với cán bộ, công chức, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm soát quyền lực, thực hiện đồng bộ các khâu, các bước về kiểm soát quyền lực, đẩy nhanh quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, trong đó chú ý các luật như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Đất đai; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo: Luật Thanh tra; Luật Kiểm toán... để khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật. 

Trong việc kiểm soát thực thi quyền lực thì quyết tâm chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, phải kiểm soát thực thi quyền lực bằng các chế tài và quy định của luật pháp thì mới đủ sức hạn chế, răn đe được sự tha hóa quyền lực. Đồng thời, phải tăng cường và mở rộng thực hiện dân chủ ở cơ sở (trước hết là dân chủ trong Đảng); nâng cao vai trò, giá trị của phản biện xã hội, phải kịp thời nắm bắt, khai thác từ thông tin truyền thông và các hình thức giám sát xã hội để khắc phục những hạn chế của các thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Để dân chủ không bị lợi dụng, cần có chế tài nghiêm khắc để xử lý những hành vi xuyên tạc, gây rối, kích động, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực chính trị và kiểm soát thực thi quyền lực chính trị đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trong tình hình hiện nay, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người vào thực tiễn, nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, trong sạch, “mạnh mẽ và sáng suốt”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực sự là “công bộc của nhân dân”; góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, Nhân dân được hưởng ấm no, hạnh phúc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn./.

PGS.TS Trần Minh Trưởng

Nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

-----------

Ghi chú:

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H.1995, tr.48

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen, Tuyển tập, tập IV, Nxb CTQG, H.1983, tr.32.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.232.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.375.

(5), (6) Hiến pháp Việt Nam, Nxb CTQG-ST, H.1995, tr.8, tr.33.

(7), (8), (11), (12), (14), (16), (17), (18), (19)  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011,tr.292, tr.293, tr.75, tr.636, tr.272, tr.328, tr.81, tr.325, tr.272.

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.187.

(10), (15), (20) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr. 81, tr.81, tr.259.

(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.456-457.

(21) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG-ST, H.1996, tr.129.

(22) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.141-142.

(23) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.176.

(24) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.174-175.

----------------

...
  • Tags: