Giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách để duy trì và phát triển

Đại dịch Covid-19 đã kiểm soát được 2 năm; thời kỳ hồi phục kinh tế - xã hội sau dịch cũng đã trải qua thời gian tương ứng như vậy… Nhưng có thể nói, kinh tế đất nước vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức; trong đó hệ thống doanh nghiệp – nguồn lực chủ yếu của nền kinh tế, vẫn chưa ra khỏi khó khăn, vẫn đối mặt với những thách thức không nhỏ trên hành trình vượt khó. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao đến nay doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn?

Nhận diện khó khăn của doanh nghiệp

Những hậu quả đại dịch Covid-19 để lại thực sự vô cùng lớn, cả về kinh tế và xã hội. Điều đó có lẽ không cần phải nhắc lại, chúng ta đều biết. Cũng không phải chỉ riêng Việt Nam ta, mà hậu quả đó ảnh hưởng với quy mô toàn cầu.

Đối với hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam, những khó khăn trong và sau đại dịch Covid-19 có thể nói tác động về nhiều mặt, chưa có tiền lệ; không thể khắc phục trong một sớm một chiều, thậm chí là trong ngắn hạn.

Những khó khăn dễ nhận thấy bao gồm: Khó khăn về vốn,  về thiếu đơn hàng; khó khăn do thủ tục hành chính còn rườm rà; do lo ngại hình sự hóa trong hoạt động kinh tế; do thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ...

Từ góc độ chung, sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế nước ta trong bối cảnh hết sức khó khăn; ngay cả sang năm 2023 khó khăn vẫn không suy giảm, thậm chí có những mặt khó khăn còn tăng thêm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế chung trong năm 2023 suy giảm mạnh so với cuối năm 2022… Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thiếu đơn hàng, đà tăng trưởng thị trường trong nước có dấu hiệu chững lại, giá xăng dầu và nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí sản xuất, vận tải còn ở mức cao, áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu, nhiều bất cập, vướng mắc nội tại sau nhiều năm tích tụ tiếp tục bộc lộ…, Những yếu tố đó tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và đời sống của người lao động. Có thể nói, nền kinh tế thời gian này đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ. Trong khi đó, ở một góc khác, đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước chỉ tăng 2,7% trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 14,5%, 3,0%, 7,1% và 8,1% tương ứng cho các năm 2019, 2020, 2021 và 2022.

Thách thức của doanh nghiệp còn được phản ánh rất rõ trong việc tiếp cận vốn. Cuối năm 2022, tình trạng thiếu tiền, khó khăn về thanh khoản đã là mối lo cho sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đến cuối năm 2023, mặc dù lãi suất giảm kỷ lục mà hệ thống ngân hàng thương mại vẫn “thừa tiền”, điều đó cho thấy rõ sự suy kiệt của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Nói về “điểm nghẽn” của doanh nghiệp, có thể thấy: Điểm nghẽn đầu tiên vẫn là câu chuyện thế chấp tài sản để DN có thể tiếp cận vốn ngân hàng đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Điểm nghẽn nữa đến từ phía DN là việc hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém… là điểm khó để ngân hàng có thể yên tâm giải quyết vấn đề đầu tư cho doanh nghiệp. Điểm nghẽn tiếp theo là nhu cầu vay vốn của DN chưa có nhiều cải thiện, hay nói cụ thể là còn rất thấp. Điểm nghẽn cuối cùng là thủ tục kìm hãm nhu cầu vay.  Các ngân hàng muốn cho DN vay, nhưng DN lại đặt vấn đề “vay để làm gì”? Và trả lời câu hỏi đó từ phía DN không hề đơn giản.

Ngược lại với các doanh nghiệp trong nước, trong năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng hơn 32% so với năm 2022. Trong đó, vốn đăng ký đầu tư mới đạt gần 20,2 tỷ USD, tăng hơn 62% so với năm 2022, phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. FDI thực hiện năm 2023 đạt khoảng 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Điều đó cũng cho thấy, vai trò của Việt Nam không ngừng được củng cố trên trường quốc tế, tạo lập được lòng tin của các nhà đầu tư FDI… Đây có thể coi là “điểm sáng” kinh tế nước ta trong thời điểm này.

Năm 2024 và những nỗ lực gỡ khó cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp

Nhìn chung năm 2024, nền kinh tế chưa hết khó khăn; “sức khỏe” của doanh nghiệp chưa phục hồi rõ nét. Có những số liệu rất đáng suy ngẫm: Theo Tổng cục Thống kê, tính chung quý I/2024, cả nước có 59,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp… Đó cũng là một minh chứng cho khó khăn còn lớn của nền kinh tế đất nước.  

Theo kịch bản tăng trưởng năm 2024 được đưa ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2024, để nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%, thì quý I phải tăng trưởng 5,2-5,6%; quý II tăng trưởng 5,8-6,2%; 6 tháng là 5,5-6%; quý III là 6,2-6,7%; quý IV tăng trưởng 6,5-7% (tăng trưởng GDP trong quý I/2024 của Việt Nam ước đạt 5,66%, đạt mục tiêu đề ra).

Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, cũng ghi nhận: Cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn so với các năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Năng lực hấp thụ vốn sụt giảm khiến tăng trưởng tín dụng chậm. Xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn, chậm phục hồi. Bên cạnh đó, các gói kích cầu như giảm thuế giá trị gia tăng đã được triển khai, nhưng tiêu dùng trong nước tăng chậm, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Thực tế này phần nào phản ánh sự suy giảm nhu cầu đầu tư, kinh doanh; thể hiện mức độ khó khăn và sức chống chịu suy yếu của doanh nghiệp.

Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ  được ban hành thể hiện một nỗ lực nữa của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Theo đó, về tổ chức thực thi, Nghị quyết yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định của Hiến pháp 2013; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo. Cải cách theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ càng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Chính sách tài khóa nghịch chu kỳ tiếp tục để lại nhiều dấu ấn và là điểm tựa thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP.

Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) là một trong các Ban của Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, sau khi xem xét thực tế khó khăn của doanh nghiệp từ nhiều khía cạnh, trong Báo cáo và đề xuất trình Chính phủ, đã coi đây là “thời điểm vàng” của cải cách, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như của mô hình phát triển để tạo ra các động lực phát triển mới. Nếu không được hỗ trợ, vun đắp kịp thời, sức lực của doanh nghiệp sẽ cạn kiệt. Vì thế, năm 2024 là thời điểm cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của doanh nghiệp cũng như tổng thể nền kinh tế.

Cho nên, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay vẫn cần thiết hơn bao giờ hết. Cụ thể: Doanh nghiệp vẫn cần các nhóm giải pháp nhằm tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu, khách hàng mới; chờ đợi các giải pháp kích cầu tiêu dùng hiệu quả… Trong khi đó, các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản vẫn chờ mong các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan tới dự án được xử lý nhanh chóng, gỡ khó về dòng tiền. Chính phủ cần ban hành thêm các chính sách tài khoá nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong giai đoạn này. Cần xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất, tiếp sức cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay; xây dựng các kênh phân phối sản phẩm, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đảm bảo nâng cao chất lượng, dịch vụ và quyền lợi, lợi ích của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu...

Trong những tháng đầu năm 2024, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ước tính số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 3 tháng đầu năm lên tới 20,6 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng lớn nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, dồn lực cho đầu tư phát triển và đáp ứng nhu cầu chi cho an sinh xã hội tạo ra thách thức không nhỏ đối với cân đối ngân sách nhà nước.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ nêu trên, các giải pháp kiểm soát lạm phát, phát triển bền vững thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp cũng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và là nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu./.

Ths. Phan Hồng Đường

...
  • Tags: