Giải pháp hạn chế cạnh tranh không lành mạnh trong nền kinh tế thị trường

Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là động lực phát triển của các thành phần kinh tế. Môi trường kinh doanh bình đẳng nếu không có sự xuất hiện của các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trên thực tế, các chủ thể kinh doanh thực hiện những hành vi cạnh tranh không lành mạnh ngày càng tinh vi, đa dạng và rất khó phát hiện.
Ảnh minh họa - Internet

Nghiên cứu này tập trung vào một số lý luận về cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tác động của hành vi cạnh tranh không lành mạnh đến nền kinh tế thị trường, đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong môi trường kinh doanh.

Cạnh tranh có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, là cơ sở khẳng định vị trí của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, cạnh tranh không lành mạnh (CTKLM) sẽ mang lại những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng. Vì vậy, cần đánh giá những tác động của cạnh tranh cũng như tác động của hành vi CTKLM, nghiên cứu lý luận và thực trạng của hành vi CTKLM, qua đó đưa ra những giải pháp đồng bộ và thiết thực nhất để xây dựng môi trường kinh doanh trong sạch, cạnh tranh bình đẳng, cùng có lợi, đẩy lùi tối đa các hành vi CTKLM ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế đất nước.

Khái niệm và những tác động của cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Quan niệm về cạnh tranh

 Cạnh tranh là một khái niệm gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Theo Từ điển Kinh doanh của Anh năm 1992, “cạnh tranh là sự ganh đua, sự kình địch giữa các nhà kinh doanh trên thị trường nhằm tranh giành cùng một loại tài nguyên sản xuất hoặc cùng một loại khách hàng về phía mình”. Từ điển Tiếng Việt Bách khoa tri thức phổ thông cũng có cách giải thích cạnh tranh tương tự, “Cạnh tranh là sự ganh đua giữa các nhà sản xuất hàng hóa, giữa các thương nhân, các nhà kinh doanh trong nền kinh tế nhằm giành các điều kiện sản xuất, tiêu thụ và thị trường có lợi nhất”.

 Theo K. Marx: "Cạnh tranh là sự ganh đua, đấu tranh gay gắt giữa các nhà tư bản nhằm dành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu dùng hàng hóa để thu được lợi nhuận siêu ngạch". Theo Michael Porter, cạnh tranh là giành lấy thị phần. Bản chất của cạnh tranh là tìm kiếm lợi nhuận, là khoản lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận trung bình mà doanh nghiệp (DN) đang có. Ở góc độ thương mại, cạnh tranh là một trận chiến giữa các DN, các ngành kinh doanh nhằm chiếm được sự chấp nhận và lòng trung thành của khách hàng. Ở Việt Nam, cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường là một khái niệm khá mới mẻ, tuy nhiên, có thể hiểu cạnh tranh là sự ganh đua, giành giật các điều kiện ưu đãi trên thị trường của các DN.

Quan niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Theo quy định tại Khoản 6, Điều 3, Luật Cạnh tranh 2018, “Hành vi CTKLM là hành vi của DN trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của DN khác”. Theo quan điểm của tác giả, CTKLM là tất cả những hành động trong hoạt động kinh tế trái với đạo đức nhằm làm hại các đối thủ kinh doanh hoặc khách hàng. CTKLM mang tính khốc liệt và tiêu diệt, chỉ dẫn đến hậu quả thường thấy là sự sụt giảm mức lợi nhuận ở khắp mọi nơi và các DN đứng trước nguy cơ sụp đổ trên nền kinh tế thị trường.

Theo khái niệm nói trên, các hành vi CTKLM có những đặc điểm cơ bản sau:

- Hành vi cạnh tranh của DN trong quá trình kinh doanh;

- Hành vi cạnh tranh trái với với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh; trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh;

- Hành vi gây thiệt hại, có thể gây thiệt hại đến DN khác.

Tác động của cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh đến nền kinh tế thị trường

Tác động của cạnh tranh

Cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường có tác động đồng bộ cả DN, người tiêu dùng và nền kinh tế thị trường của quốc gia.

- Đối với DN: Cạnh tranh để lựa chọn và đào thải các DN. Vì vậy DN phải tự nâng cao khả năng cạnh tranh của mình, nó quyết định sự tồn tại và phát triển của DN, tạo ra động lực và thúc đẩy DN nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cạnh tranh buộc các DN phải đưa ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn để đáp ứng được nhu cầu thường xuyên thay đổi của người tiêu dùng. Muốn vậy, các DN phải áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật mới vào quá trình sản xuất kinh doanh, tăng cường công tác quản lý, nâng cao trình độ tay nghề của công nhân...

- Đối với người tiêu dùng: Có cạnh tranh, hàng hoá sẽ có chất lượng ngày càng tốt hơn, mẫu mã ngày càng đẹp, phong phú, đa dạng hơn, đáp ứng các yêu cầu của người tiêu dùng trong xã hội.

- Đối với nền kinh tế thị trường: Cạnh tranh được coi như là tất yếu của nền kinh tế; là môi trường; là động lực thúc đẩy sự phát triển mọi thành phần trong nền kinh tế thị trường, góp phần xoá bỏ độc quyền, bất hợp lý, bất bình đẳng trong kinh doanh, bảo đảm thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự phân công lao động xã hội ngày càng sâu sắc. Mặt khác, cạnh tranh thúc đẩy đa dạng hoá sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, kích thích nhu cầu phát triển, làm nảy sinh những nhu cầu mới, góp phần nâng cao chất lượng đời sống xã hội và phát triển nền kinh tế. Quan trọng hơn, cạnh tranh làm nền kinh tế quốc dân vững mạnh, tạo khả năng cho DN vươn ra thị trường nước ngoài.

Tác động của hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Tác động của những hành vi CTKLM là rất rõ ràng, chủ yếu diễn ra với 3 chủ thể: DN, người tiêu dùng và nền kinh tế thị trường.

Thứ nhất, về phía DN: Những hành vi CTKLM làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của DN chân chính bị đình trệ, hủy hoại, thiệt hại tài chính, thị phần suy giảm, lớn hơn nữa là có thể đi đến tình trạng phá sản hoặc bị thâu tóm, mua lại.

Thứ hai, về phía người tiêu dùng: Sau những phản ứng “tẩy chay” tưởng chừng là thực hiện quyền của mình, thì chẳng được gì ngoài việc mất lòng tin vào sản phẩm, vào DN và ngày càng e dè, nghi ngại với tất cả các loại sản phẩm trên thị trường, không phân biệt được đâu là thật - đâu là giả.

Thứ ba, về nền kinh tế đất nước: Khi các DN tiến hành các hoạt động CTKLM, gây thiệt hại lớn đến bản thân DN, nguồn thu DN giảm, Nhà nước thất thu các khoản về thuế, từ đó ảnh hưởng đến nền kinh tế nhà nước. Chất lượng sản phẩm hàng hóa giảm, uy tín của các DN Việt Nam trên thị trường cũng bị ảnh hưởng, theo đó, các hoạt động xuất khẩu diễn ra khó khăn... Mặt khác, hoạt động CTKLM ở trong nước tạo tâm lý không tốt đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tới thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Thực trạng và tác động của hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Tại Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nêu rõ: "...Cơ chế thị trường đòi hỏi phải hình thành một môi trường cạnh tranh lành mạnh, hợp pháp, văn minh. Cạnh tranh vì mục đích phát triển đất nước, chứ không phải làm phá sản hàng loạt, lãng phí các nguồn lực, thôn tính lẫn nhau..." Mặc dù vậy, các hoạt động CTKLM trên thị trường giữa DN nước ngoài với DN trong nước, giữa hàng nội và hàng ngoại... vẫn đang diễn ra.

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2005-2014, Cục đã điều tra tiền tố tụng 78 vụ việc trên nhiều lĩnh vực cạnh tranh. Tổ chức điều tra 8 vụ việc (gần 70 DN bị điều tra). Đồng thời quyết định xử lý 5 vụ việc (tiền phạt gần 5,5 tỷ đồng). Về CTKLM, Cục Quản lý Cạnh tranh đã tiếp nhận gần 300 đơn khiếu nại, quyết định điều tra 137 vụ việc và xử phạt 127 vụ việc... Điển hình như vụ Vinapco tự ngừng bán xăng bị phạt hơn 3 tỷ đồng năm 2009; phạt 19 DN bảo hiểm hơn 1,7 tỷ đồng do liên kết tăng phí năm 2010. Nhìn chung, trong năm 2011 số vụ tiếp nhận và quyết định điều tra ở mức cao nhất, năm 2013 mức xử lý là nhiều nhất.

Tính đến hết năm 2018, có gần 400 hồ sơ khiếu nại, trong đó hơn 200 vụ đã được điều tra, xử lý. Các vụ việc CTKLM thường diễn ra dưới nhiều hình thức, theo nhiều dạng hành vi vi phạm khác nhau. Thông qua xử lý các hành vi CTKLM đã thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền phạt và chi phí xử lý đáng kể. Nếu năm 2007, tổng số tiền phạt mới chỉ là 85 triệu đồng, thì năm 2008, tổng số tiền phạt đã tăng lên gần gấp 10 lần (khoảng 805 triệu đồng), và đến năm 2016 là 2,114 tỷ đồng.

Trong nhóm hành vi được quy định, gièm pha DN và gây rối hoạt động kinh doanh của DN khác là hành vi CTKLM thường được các DN “không lành mạnh” sử dụng nhằm "hạ gục" đối thủ trên thương trường; Bên cạnh đó là hành vi khuyến mại nhằm CTKLM. Có nhiều hành vi gian dối khác nhau về phần thưởng đã được các DN thực hiện trong hoạt động khuyến mại. Mặt khác, hiện nay trên thị trường còn rất nhiều vụ việc CTKLM diễn ra nhưng vẫn chưa bị phát hiện, điều tra xử lý. Xét về mức độ và phạm vi ảnh hưởng, hành vi gièm pha DN đem lại những hậu quả tiêu cực và lan rộng hơn rất nhiều so với hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của DN, bởi các thông tin mà DN đưa ra nhằm mục đích “gièm pha đối thủ” thường là những thông tin đã bị cắt xén có chủ đích, không đúng bản chất sự thật ban đầu. Do đó, một khi những thông tin đã được “mài giũa” này phát tán trong môi trường công nghệ cao như hiện nay, thì chỉ cần 1 giây sau khi bấm nút “gửi”, thiệt hại DN đã có thể bắt đầu được tính toán và đương nhiên, thiệt hại này không còn là những con số mà nguy hiểm hơn là uy tín của DN đối với người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Căn cứ theo nhóm hành vi vi phạm, các vụ việc CTKLM thường diễn ra dưới nhiều hình thức, nhóm vụ việc liên quan đến hành vi quảng cáo nhằm CTKLM chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số các vụ việc được điều tra, xử lý (chiếm tới 62%), tiếp theo là các vụ việc liên quan tới hành vi bán hàng đa cấp bất chính (chiếm 17%). Số vụ việc liên quan tới các dạng hành vi khác như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, gây rối hoạt động của DN khác, gièm pha DN khác, xâm phạm bí mật kinh doanh chiếm tỷ lệ thấp.

Giải pháp hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế

Về phía Nhà nước

- Hoàn thiện quy định pháp luật về CTKLM: Cần pháp điển hóa hệ thống pháp luật về CTKLM theo hướng thống nhất các quy định giữa các văn bản và sửa đổi các quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; Xây dựng ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Cạnh tranh 2018 theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, thực thi bằng việc bổ sung hướng dẫn một số nội dung còn thiếu; Tiếp thu các quy định của pháp luật các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới, hướng đến một văn bản hướng dẫn dễ hiểu, khoa học và chính xác; Thống nhất các quy định về hành vi CTKLM trong các văn bản luật chuyên ngành, cụ thể hành vi CTKLM trong lĩnh vực sỡ hữu trí tuệ trong Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi quảng cáo nhằm CTKLM trong Luật Quảng cáo, hành vi khuyến mại trong Luật Thương mại…

- Hoàn thiện quy định các chế tài xử lý hành vi CTKLM: Trong thời gian tới, cần xem xét mức xử phạt và hình thức xử phạt đối với các hành vi CTKLM. Trên thực tế, những hành vi CTKLM có thể mang lại lợi ích khổng lồ cho DN, nhiều hơn rất nhiều so với số tiền phạt họ phải gánh chịu. Dự thảo về xử lý, xử phạt về hành vi CTKLM hiện đang trong quá trình hoàn thiện nhưng cần xem xét tăng mức xử phạt để răn đe. Hiện tại, Bộ luật Hình sự năm 2015, sử đổi bổ sung năm 2017 đã quy định việc xử lý hình sự đối với một số hành vi CTKLM như tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192, tội đầu cơ (Điều 196), tội quảng cáo gian dối (Điều 197), tội lừa dối khách hàng (Điều 198). Tuy nhiên, còn nhiều hành vi CTKLM pháp luật nhiều quốc gia quy định là tội phạm nhưng Bộ Luật Hình sự của Việt Nam chưa quy định, trong đó có hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh, hoạt động tình báo công nghiệp…

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về CTKLM: Đối tượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về CTKLM chủ yếu nên hướng tới là cộng đồng DN. Nội dung tuyên truyền cần giúp các DN nhận diện những hành vi CTKLM và quyền khiếu nại, khởi kiện của DN bị xâm hại, các hình thức chế tài có thể áp dụng đối với DN có hành vi vi phạm.

- Tăng cường công tác đào tạo cán bộ: Xử lý CTKLM là vấn đề pháp lý rất mới ở Việt Nam. Chính vì thế, trong thời gian tới, cần có biện pháp thích hợp để đào tạo cán bộ, nhất là các cán bộ hoạt động thực tiễn trong vấn đề này. Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán thích hợp để chuẩn bị kiến thức, kinh nghiệm cần thiết khi phải xử lý các hành vi CTKLM.

- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật chống CTKLM: Đấu tranh với các hành vi CTKLM là nhiệm vụ khá mới mẻ đối với Việt Nam nhưng là lĩnh vực mà nhiều quốc gia trên thế giới rất có kinh nghiệm. Trong bối cảnh ấy, việc tham khảo, học tập kinh nghiệm nước ngoài trong việc xử lý các vấn đề về cạnh tranh, trong đó có CTKLM là rất cần thiết. Vì vậy, cần có các chương trình hợp tác nghiên cứu, học tập trao đổi kinh nghiệm với các nước có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực pháp luật cạnh tranh nói chung và trong việc đấu tranh chống hành vi CTKLM nói riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho Cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam và các cán bộ của cơ quan này có thêm kiến thức, năng lực và trình độ để xử lý các vấn đề mà thực tiễn Việt Nam đặt ra.

Về phía Hiệp hội nghề nghiệp

Cần thường xuyên xây dựng và ban hành quy tắc hợp tác chống CTKLM giữa các DN trong cùng lĩnh vực; Đồng thời, tuyên truyền để DN thành viên mới ra đời hay mới triển khai dịch vụ, sản phẩm về các chỉ dẫn hàng hóa. Hiệp hội cần làm tốt vai trò là một tổ chức thống nhất bảo vệ DN trước các hành vi vi phạm chỉ dẫn gây nhầm lẫn đến từ các quốc gia khác.

Về phía các doanh nghiệp

Cần tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh nói chung, các chính sách về cạnh tranh. Trong xu thế mới, việc tuân thủ pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, đây cũng là một cách để xây dựng thương hiệu trên thị trường. Đẩy mạnh quan tâm, xúc tiến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về các nội dung thuộc chỉ dẫn hàng hóa. Mặt khác, tự xây dựng cho mình một chiến lược cạnh tranh chuyên nghiệp và dài hạn như xây dựng và quảng bá thương hiệu; xây dựng những kênh phân phối mới, các sản phẩm mới; khai thác lợi thế cạnh tranh của riêng mình.

Về phía người tiêu dùng

Người tiêu dùng cần có cái nhìn đúng đắn và chính xác về hàng hóa, sản phẩm mình sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng và loại ra danh sách tiêu dùng của mình những sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, vi phạm pháp luật, có dấu hiệu CTKLM. Nếu phát hiện những sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm của hành vi CTKLM có thể lên án và vận động người tiêu dùng khác không sử dụng, tạo sức ép cho DN vi phạm, từ đó đẩy lùi các hành vi CTKLM.

Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ các giải pháp trên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, DN cũng như sự quan tâm, đóng góp của người tiêu dùng, từ đó tạo một cơ chế vững chắc hạn chế tối đa các hành vi CTKLM trên thị trường.

Kết luận

Qua nghiên cứu về lý luận những tác động của hành vi CTKLM cũng như đánh giá thực trạng của hành vi này những năm qua trên thị trường, tác giả đã đưa ra những giải pháp, khuyến nghị nhằm hạn chế tối đa các hành vi CTKLM trong nền kinh tế thị trường. Những giải pháp này cần được tiến hành đồng bộ, xuất phát từ phía Nhà nước, DN và người tiêu dùng, có như vậy môi trường cạnh tranh trong kinh doanh mới thật sự minh bạch và lành mạnh.

ThS. Nguyễn Hoàn Hảo

Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

---------------------------------

Tài liệu tham khảo:
1. Bùi Huyền (2014), Cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động khuyến mại theo quy định Luật Cạnh tranh năm 2004, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 4/2014;
2. Đặng Vũ Huân (2004) Pháp luật về kiểm soát độc quyền và chống cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia;
3. Lê Anh Tuấn (2007), “Điều chỉnh hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn theo pháp luật hiện hành”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 8 (105), tr.55;
4. Lê Danh Vĩnh (2006), Pháp luật cạnh tranh Việt Nam, NXB Tư pháp;
5. Nguyễn Như Phát & Bùi Nguyên Khánh (2001), Tiến tới xây dựng pháp luật về cạnh tranh trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, NXB Công an nhân dân, tr.71.

...
  • Tags: