Giải pháp hỗ trợ thuế, phí cần đặt trong tổng thể phục hồi kinh tế

Việc thực hiện các giải pháp về thuế, phí, lệ phí cần tiếp tục bám sát diễn biến và điều kiện thực tế, trên cơ sở tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện để có các giải pháp hỗ trợ tiếp theo phù hợp, song

Việc thực hiện các giải pháp về thuế, phí, lệ phí cần tiếp tục bám sát diễn biến và điều kiện thực tế, trên cơ sở tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện để có các giải pháp hỗ trợ tiếp theo phù hợp, song cần đặt trong giải pháp tổng thể chung của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thời gian tới. Đây là một trong những thông tin được đưa ra tại hội thảo tác động của thu-chi NSNN trong đại dịch Covid-19 và việc bảo đảm NSNN cho y tế do Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 28/12.

Ảnh minh họa

Dịch Covid-19 gây áp lực thu-chi NSNN

Sở Tài chính Nghệ An cho biết, là một trong những địa phương còn phụ thuộc lớn vào ngân sách trung ương, năm 2021, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện phòng, chống dịch dự kiến khoảng 774 tỷ đồng, bao gồm cả chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Đến nay, ngân sách chi cho công tác phòng chống dịch của tỉnh là 418.758 triệu đồng gấp 2,3 lần năm 2020. Trong đó, chi cho ngành y tế là 210.719 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 50%). Tuy nhiên, ngân sách địa phương bố trí còn hạn chế so với nhu cầu chi để phòng, chống dịch. Trong khi máy móc thiết bị tại các cơ sở khám chữa, bệnh còn thiếu thốn, việc áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch phát sinh kinh phí rất lớn, một số chế độ, chính sách cho lực lượng y tế của một số địa phương còn chi trả chưa kịp thời…

Theo Sở Tài chính Nghệ An, nguồn lực ngân sách địa phương còn hạn hẹp chi NSNN, trong khi số ca nhiễm tăng cao đã gây áp lực cho chi NSNN . Chưa kể, một số chính sách phòng, chống dịch làm tăng chi lớn ngân sách.

Còn theo Cục Thuế TPHCM, năm 2021 là một năm đặc biệt khó khăn, thu NSNN của TP có nhiều biến động và phân hóa một các rõ rệt theo từng thời kỳ diễn biến của dịch bệnh. Việc thực hiện giãn cách không chỉ làm khoản thu từ khu vực kinh tế giảm mà còn làm các khoản thu khác bị giảm mạnh. Trong đó các khoản thu lớn chịu tác động trực tiếp như lệ phí trước bạ, phí, lệ phí bị giảm mạnh do các cơ quan hành chính không thể thực hiện dịch vụ công mức độ 1,2 và lưu lượng giao thông giảm mạnh. Việc tăng cường biện pháp chống dịch trong thời gian dịch diễn biến phức tạp cũng đã làm doanh thu của DN giảm sâu và gia tăng chi phí, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến số nộp ngân sách trong những tháng cuối năm 2021.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, trước tác động của dịch Covid-19 đến sản xuất kinh doanh, cùng với việc sử dụng nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ, cắt giảm chi phí, Nhà nước cũng đã có nhiều giải pháp để điều chỉnh nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí hỗ trợ DN, người dân, duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Riêng năm 2021 đã thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn của dịch Covid-19 với số tiền khoảng 140 nghìn tỷ đồng.

Hoàn thiện chính sách thuế đáp ứng yêu cầu nguồn lực

Thời gian tới, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ có tác động lớn tới sự phục hồi và phát triển kinh tế của DN, người dân và nền kinh tế. Nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời sẽ tác động đến NSNN, thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, việc làm, xã hội... Đặc biệt để phục hồi và phát triển kinh tế cũng còn phụ thuộc rất lớn vào công tác kiểm soát dịch bệnh cũng như các chính sách ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới.

Liên quan đến các giải pháp về thuế, phí, lệ phí, Vụ Chính sách thuế cho rằng, cần tiếp tục bám sát diễn biến và điều kiện thực tế, trên cơ sở tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện để có các giải pháp hỗ trợ tiếp theo phù hợp, đặt trong giải pháp tổng thể chung của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ được định hướng thời gian tới. Cùng với việc theo dõi sát tình hình thực tế để có các giải pháp trong ngắn hạn, hỗ trợ kịp thời cho DN, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; bảo đảm duy trì tỷ lệ huy động vào NSNN từ thuế, phí, lệ phí ở mức ổn định, hợp lý và phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn.

Đồng thời, thực hiện lộ trình sửa đổi, bổ sung các sắc thuế phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế theo hướng thực hiện cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng đối tượng chịu thuế, tăng tỷ trọng thu nội địa trong đó chuyển dịch từ thuế trực thu sang thuế gián thu; nâng cao vai trò của thuế, phí thu từ tài sản, tài nguyên, môi trường; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong chính sách thuế và việc miễn, giảm đảm bảo tính trung lập của thuế.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam, trọng tâm là tiếp tục cải cách thể chế quản lý thuế theo hướng đồng bộ, công khai, minh bạch, công bằng. Thực hiện áp dụng quản lý rủi ro xuyên suốt, có hệ thống trong tất cả các nghiệp vụ quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tuân thủ tự nguyện với chi phí tuân thủ thấp, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phát biểu tại hội thảo, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cần chủ động hơn nữa trong thực hiện chính sách tài khóa nhằm ứng phó với đại dịch và phục hồi kinh tế; chủ động trong giãn, hoãn các khoản thuế, phí, cũng như trong tăng chi đầu tư công; đồng thời, cần đảm bảo các nguồn lực tài chính cho phòng, chống dịch, không quá phụ thuộc vào nguồn dự phòng ngân sách.

Ở góc độ địa phương Sở Tài chính Nghệ An cho biết, sẽ điều hành NSNN chặt chẽ, linh hoạt, tiết kiệm, tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho DN, người dân khó khăn. Đặc biệt, để chủ động nguồn lực, Sở Tài chính tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh nâng mức bố trí chi phòng chống dịch cho các cấp ngân sách ngay từ dự toán đầu năm cho ngân sách các năm tiếp theo.  Trong quá trình thực hiện, trường hợp diễn biến dịch bệnh khó lường, các giải pháp được áp dụng như phải tạm ứng ngân sách để xử lý ngay. Đồng thời rà soát lại các nhiệm vụ chi như cắt, giảm hoặc giãn, hoãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết; điều chỉnh sự nghiệp có tính chất đầu tư sang dự phòng ngân sách địa phương…

  • Tags: