Giải quyết tốt vấn đề an dân góp phần phòng ngừa “điểm nóng”, “vụ việc phức tạp”

PLQL - “Dân an cư lạc nghiệp” thì quốc gia mới thái bình thịnh vượng. Đó là tổng kết từ lịch sử Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

PLQL - “Dân an cư lạc nghiệp” thì quốc gia mới thái bình thịnh vượng. Đó là tổng kết từ lịch sử Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Bài học đó còn nguyên giá trị đến ngày nay. Có an dân mới đảm bảo cho sự ổn định và phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0. Từ lý luận giải quyết điểm nóng, vụ việc phức tạp, áp dụng tổng hợp các giải pháp về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, bài viết đề xuất giải pháp để giải quyết tốt vấn đề an dân góp phần phòng ngừa “điểm nóng”, “vụ việc phức tạp”.

Ảnh minh họa 

1. Nguyên nhân và các giai đoạn của điểm nóng, vụ việc phức tạp

Nguồn gốc phát sinh “điểm nóng”, “vụ việc phức tạp” là từ xung đột xã hội. Xung đột xã hội là đối đầu giữa các chủ thể để giành những giá trị (vật chất, tinh thần...) trong đời sống xã hội. Trong cuộc đấu tranh đó, mỗi chủ thể cố gắng giành những giá trị tốt nhất cho mình và hạn chế hoặc phủ nhận giá trị của chủ thể khác.

Song, tập trung, hội tụ các quan hệ xã hội của các cuộc đối đầu đó là quan hệ lợi ích (về vật chất, tinh thần, kinh tế, chính trị, xác lập các giá trị...). Quan hệ lợi ích được quy định bởi nhiều nhân tố: sức mạnh, vị thế của các chủ thể tham gia quan hệ lợi ích; công lao của mỗi chủ thể trong quá trình sáng tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần; quan hệ giữa con người và nền văn hóa; các quy phạm xã hội do lịch sử để lại; quan hệ giữa con người và tự nhiên... Quan hệ lợi ích là khách quan được quy định trong những điều kiện nhất định và cũng thay đổi khi điều kiện thay đổi. Nguyên nhân căn bản thực chất của xung đột xã hội có thể dẫn đến “điểm nóng” xã hội, “vụ việc phức tạp”, là không bảo đảm tính khách quan của quan hệ lợi ích, hoặc sự nhận thức khác nhau của các chủ thể về quan hệ lợi ích. Do tính chất phi lý của quan hệ lợi ích dẫn đến vi phạm lợi ích của chủ thể nào đó, hoặc các chủ thể cho rằng lợi ích của mình bị vi phạm, từ đó dẫn đến xung đột xã hội - cuộc đấu tranh giành những giá trị, những lợi ích cho mình. Nếu xung đột ấy không quản lý giải tỏa kịp thời đúng đắn thì có thể bùng phát thành “điểm nóng” xã hội, “vụ việc phức tạp”.

Xung đột xã hội là hiện tượng đa dạng và phức tạp. Nó diễn ra thường xuyên và ở cấp độ khác nhau. Có thể bao gồm các loại hình: xung đột giữa các cá nhân; giữa các cộng đồng dân cư; giữa các giai cấp; giữa các tôn giáo; giữa các sắc tộc, quốc gia, dân tộc; giữa dân chúng và chính quyền nhà nước.

Xung đột xã hội diễn ra theo các cấp độ giai đoạn khác nhau:

- Giai đoạn ngầm:  Là những tranh chấp ôn hòa cục bộ giữa các lực lượng đối chọi nhau về quyền lợi. Giai đoạn này mỗi bên còn phải cố giữ để hạn chế những bột phát có thể gặp rủi ro bất lợi cho mình.

- Giai đoạn công khai: Các bên đã không còn giữ trạng thái “bằng mặt không bằng lòng” nữa. Các bên công khai thái độ về tình trạng xung đột, công khai đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình chống lại phía bên kia.

- Giai đoạn căng thẳng đối đầu, không tương dung: Các bên quyết đấu tranh để giành thắng lợi cho mình; xu hướng giai đoạn này có thể bùng phát thành điểm nóng xã hội hoặc điểm nóng chính trị - xã hội.

Khi bùng phát thành điểm nóng xã hội thì đời sống xã hội trong trạng thái bất ổn định, rối loạn; diễn ra sự chống đối giữa các lực lượng với những hành vi không còn tự kiềm chế được; hành vi đó đã vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp luật và chuẩn mực văn hóa đạo đức; diễn ra tại một địa điểm, trong một thời gian nhất định và có khả năng lan tỏa sang nơi khác.

Các điểm nóng xã hội thường có khả năng và xu hướng trở thành điểm nóng chính trị - xã hội, khi mà đấu tranh của đám đông quần chúng hướng trực tiếp vào những người nắm giữ quyền lực, cơ quan quyền lực và thể chế chính sách nhà nước, đặc biệt là khi có sự lợi dụng kích động của các lực lượng thù địch phản động thì điểm nóng xã hội trực tiếp trở thành điểm nóng chính trị - xã hội.

Khi xung đột xã hội đã trở nên công khai căng thẳng đối đầu, không tương dung hoặc bùng phát thành điểm nóng xã hội, điểm nóng chính trị - xã hội mà không giải tỏa khắc phục được, diễn ra căng thẳng kéo dài gây nên bất an, tiêu cực, tổn hại cho đời sống xã hội có thể gọi là “vụ việc phức tạp”.

2. Các giải pháp để an dân góp phần phòng ngừa điểm nóng, vụ việc phức tạp

Vấn đề an dân có vai trò quan trọng mang tính quyết định góp phần phòng ngừa “điểm nóng”, “vụ việc phức tạp” cơ bản trước hết là có chính sách, giải pháp bảo đảm hài hòa, hợp lý các quan hệ lợi ích trong đời sống xã hội, tuyên truyền thuyết phục cho các chủ thể thấy rõ tính chất khách quan của các quan hệ lợi ích. Nếu có xung đột nảy sinh thì phải có biện pháp giải tỏa, “rút ngòi nổ” ngay từ giai đoạn đầu, không để trở thành căng thẳng đối đầu, không tương dung hoặc trở thành “điểm nóng”, “vụ việc phức tạp”. Đồng thời phải có giải pháp ngăn ngừa,làm vô hiệu hóa sự kích động của các lực lượng thù địch phản động tác động tới quá trình xảy ra xung đột.

Muốn thực hiện an dân tốt, phải tiến hành các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, Nhà nước phải chăm lo không ngừng phát triển kinh tế: để bảo đảm cái ăn, cái mặc cho dân và ngày càng có đời sống khá giả hơn. Song, chỉ có phát triển kinh tế cũng chưa hẳn đã giải quyết được xung đột, nó còn phụ thuộc vào chính sách của nhà nước.

Việt Nam lựa chọn sự phát triển theo mô hình thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một mặt, phải xác lập và hoàn thiện các yếu tố của thể chế thị trường để khơi dậy mọi động lực của nền kinh tế, tạo điều kiện vật chất và tinh thần đáp ứng mục tiêu xã hội và giải phóng con người, mặt khác, phải thực hiện mục tiêu định hướng đi lên CNXH.

Định hướng XHCN là hướng tới xã hội nhân đạo hoàn bị, khắc phục tha hóa, áp bức, bóc lột, bất công, mọi người được phát triển tự do doàn diện, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của mọi người”. Trước hết là xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, vấn đề an sinh xã hội, công bằng xã hội, tạo môi trường cho mọi người có điều kiện tự do phát triển cũng chính là mục tiêu của quá trình phát triển kinh tế thị trường.

Thực hiện công cuộc đổi mới, nước ta đã chuyển từ nền kinh tế dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất sang nền kinh tế đa sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường đã khơi dậy mọi động lực của nền kinh tế. Đồng thời mở rộng quan hệ quốc tế để tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, nhờ vậy mà nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong nhiều năm, từ một nước đói nghèo sau chiến tranh trở thành một nước đạt trình độ phát triển trung bình thấp. Cùng với phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, xóa đói giảm nghèo, là một trong những nước đi tiên phong thực hiện những mục tiêu mà Liên Hợp quốc đề ra, được quốc tế thừa nhận. Nhà nước Việt Nam kiến tạo phát triển nền kinh tế thị trường không chỉ nhằm mục tiêu tăng trưởng và hiệu quả kinh tế mà còn cả mục tiêu phát triển và hiệu quả xã hội, phúc lợi xã hội cho con người, giải phóng con người. Kết quả hơn 30 năm qua, xã hội nước ta cơ bản giữ được đồng thuận, ổn định và phát triển, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố. Song quá trình phát triển lại nảy sinh mâu thuẫn, xung đột mới.

Nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, cần phải xây dựng những khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng hệ thống giao thông, mở rộng đô thị và hình thành những đô thị mới..., hàng triệu người, cơ bản là nông dân, phải mất ruộng đất, lợi ích cơ bản trước mắt của họ bị vi phạm. Hàng nghìn vụ khiếu kiện vượt cấp đông người, “điểm nóng”, “vụ việc phức tạp” diễn ra ở nước ta trong những năm vừa qua thì 70% có liên quan đến vấn đề đất đai. Ở đây, cần giải quyết hài hòa, hợp lý giữa ba chủ thể lợi ích. Đẩy mạnh CNH, HĐH, lợi ích quốc gia mà Nhà nước đại diện được bảo đảm, chủ doanh nghiệp được làm giàu, còn nông dân bị bần cùng hóa mất tư liệu sản xuất và điều kiện sinh sống. Để an dân, để giải tỏa xung đột, hạn chế phát sinh điểm nóng, vụ việc phức tạp, cơ bản phải giải quyết thỏa đáng lợi ích cho nông dân - giá cả đền bù hợp lý, công ăn việc làm cho những người mất ruộng đất. Trách nhiệm trên thuộc về hai chủ thể thụ hưởng lợi ích - nhà nước và chủ doanh nghiệp.

Chuyển sang nền kinh tế thị trường và hình thành cơ cấu kinh tế nhiều thành phần còn nảy sinh xung đột lợi ích giữa người làm thuê và chủ doanh nghiệp, giữa người bán sức lao động và người mua sức lao động, nảy sinh chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế tư nhân.

Thứ hai, hoàn thiện luật pháp, chính sách của Nhà nước và thực thi có hiệu lực, hiệu quả luật pháp, chính sách bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động. Người lao động phải có cái ăn, cái mặc, nhà ở, được hưởng thụ văn hóa, tham gia sinh hoạt chính trị - xã hội, được bảo hiểm y tế, thất nghiệp, hưu trí..., có khả năng nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ... Người công nhân, người lao động trong thế kỷ XXI không thể bị bần cùng hóa như trong các thế kỷ trước đây. Điều đó đã bước đầu thực hiện ở một số nước  Bắc Âu và không thể không thực hiện từng bước ở nước ta khi lựa chọn con đường phát triển theo mục tiêu quá độ lên CNXH.

Để có thể bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, cần xây dựng hệ thống tổ chức Công đoàn mạnh từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là cơ sở. Công đoàn mạnh giúp cho người lao động hạn chế bất lợi khi ký thỏa ước lao động và khi thay đổi thỏa ước do điều kiện thay đổi. Đồng thời, công đoàn mạnh mẽ sẽ đại diện chính đáng cho người lao động, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của họ, hòa giải, giải tỏa xung đột giữa người làm thuê và chủ doanh nghiệp, hạn chế xảy ra đình công và nếu xảy ra đình công thì cũng bảo đảm đúng pháp luật. Thực tế còn cho thấy, những vấn đề bức xúc của công nhân, của người lao động không được giải quyết kịp thời có thể bị lực lượng thù địch phản động lợi dụng kích động gây nên những cuộc biểu tình chống chính quyền nhà nước. Song, làm thế nào để xây dựng được hệ thống tổ chức công đoàn vững mạnh, hoạt động tự chủ, không lệ thuộc vào chủ doanh nghiệp là vấn đề đặt ra cấp thiết hiện nay.

Thứ ba, Nhà nước phải tạo điều kiện cho mọi người có nhà ở

Nhà ở là một trong những điều kiện sống cơ bản thiết yếu nhất đối với con người; sau cái ăn, cái mặc là nhà ở. Có an cư mới lạc nghiệp và như vậy mới có thể an dân, đặc biệt đối với nhân dân lao động. Nhà ở là điều kiện bảo đảm quyền sống của con người, phẩm giá con người, do không bảo đảm nhà ở mà mấy thế kỷ qua, quyền sống ấy, phẩm giá ấy đã bị chà đạp.

Nước ta lựa chọn con đường phát triển quá độ đi lên CNXH, nghĩa là lựa chọn con đường giảm thiểu tối đa những thảm họa đối với nhân dân lao động đã diễn ra dưới chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, mỗi một giải pháp phát triển kinh tế, đồng thời với giải pháp về xã hội, trong đó quan trọng là giải quyết nhà ở cho người lao động. Đó là vấn đề cấp thiết hiện nay, đồng thời cũng là nhiệm vụ chiến lược trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH. Đó cũng chính là giải pháp giảm bớt bất công, bảo đảm hài hòa lợi ích, đồng thuận xã hội, hạn chế nảy sinh xung đột xã hội, điểm nóng xã hội, điểm phức tạp... Tuy vấn đề nhà ở không trực tiếp gây ra xung đột như vấn đề ruộng đất, quan hệ lợi ích giữa người bán sức lao động và người mua sức lao động dẫn đến các cuộc đình công, song nhà ở không được đảm bảo sẽ gây nên bức xúc cơ bản thường xuyên đối với cuộc sống con người, nó là tác nhân đẩy nhanh và làm trầm trọng thêm các xung đột khác.

Thứ tư, đảm bảo môi trường sống an lành cho mọi người

Môi trường sống của con người bao gồm môi trường xã hội và môi trường tự nhiên, bảo đảm môi trường xã hội được thực hiện bằng nhiệm vụ và giải pháp của chính quyền nhà nước về an sinh xã hội và an ninh quốc gia; ở đây chỉ phân  tích bảo đảm môi trường tự nhiên.

Để sống, con người phải có cái ăn, cái mặc, nhà ở và các phương tiện, điều kiện vật chất khác..., do vậy phải tiến hành sản xuất - quá trình khai thác, chinh phục tự nhiên. Song, khai thác, chinh phục tự nhiên, phải tuân theo quy luật của tự nhiên, thuận theo tự nhiên, hòa với tự nhiên, nếu không tự nhiên sẽ nổi giận, trả thù, sẽ hạn chế, thậm chí xóa sạch những thành quả mà con người đạt được. Trong quá trình phát triển, vì thiển cận và vụ lợi trước mắt, người ta đã hành động trái với quy luật của tự nhiên, tàn phá tự nhiên, đã gây nên nhiều thảm họa, thậm chí đe dọa cả sự tồn vong của loài người trên trái đất.

Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, cần phải sử dụng, khai thác nguồn lực tự nhiên để đẩy nhanh phát triển đất nước. Khác với các nước đã thực hiện công nghiệp hóa trong những thế kỷ trước đây, nước ta thực hiện CNH, HĐH trong thế kỷ XXI. Khi nhân loại đã bước sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, về cơ bản đã có đủ quy trình công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường sinh ra trong quá trình sản xuất. Nhưng trong những năm qua và hiện nay, không ít những doanh nghiệp xả chất thải ra môi trường gây ô nhiễm làm tổn hại nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Đặc biệt là vụ xả thải của Formosa ở Hà Tĩnh năm 2016 đã gây ô nhiễm môi trường biển của bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; đã dẫn đến phát sinh điểm nóng chính trị - xã hội.

Song, khi phát sinh thành điểm nóng, chủ doanh nghiệp đã tự nhận lỗi và có sự đền bù thỏa đáng cho người bị hại; chính quyền nhà nước tự thấy những thiếu xót và xử lý nghiêm minh những cán bộ sai phạm, quan trọng là giải quyết kịp thời, công khai, minh bạch trong việc đền bù thiệt hại cho nhân dân, mặt khác có giải pháp ngăn ngừa, hạn chế, vô hiệu hóa sự kích động của các lực lượng thù địch phản động. Nhờ vậy, xung đột được giải tỏa, điểm nóng bị dập tắt, không bị tái phát.

Thứ năm, hình thành đời sống văn hóa tâm linh - một giải pháp quan trọng để an dân.

Tâm linh thuộc lĩnh vực tư tưởng, tình cảm, niềm tin của con người, thể hiện tập trung ở tín ngưỡng và tôn giáo. Tuy tư tưởng, tình cảm, niềm tin ấy thiếu căn cứ khoa học, nhưng đều hướng thiện, cầu mong hạnh phúc, an lành, thịnh vượng cho con người. Khởi nguồn của tín ngưỡng là hướng thiện, khởi thủy của các tôn giáo cơ bản là gắn với chủ nghĩa nhân đạo - vì an lành, hạnh phúc cho con người. Song, quá trình phát triển có thể bị tha hóa đi, tín ngưỡng trở thành “mê tín dị đoan”, tôn giáo trở thành “thuốc phiện” của nhân dân và bị các lực lượng phản động lợi dụng trở  thành những “tà đạo”.

Ở nước ta, những hiện tượng “mê tín dị đoan” đã gây nên nhiều tiêu cực, tôn giáo bị các lực lượng thù địch, phản động lợi dụng đã gây nên những xung đột, những điểm nóng, những vụ việc phức tạp ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ và nhiều nơi khác trong những năm vừa qua.

Để hạn chế nảy sinh xung đột và giải tỏa xung đột, trước hết phải tôn trọng và tạo điều kiện đảm bảo đời sống tâm linh - quyền và lợi ích chính đáng về tinh thần của mọi người. Điều này đã được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật của nước ta. Đồng thời có giải pháp phòng ngừa, hạn chế, làm vô hiệu hóa những âm mưu thủ đoạn của các lực lượng thù địch phản động lợi dụng tôn giáo để gây nên sự bất ổn định về chính trị - xã hội. Song, cơ bản là tạo điều kiện môi trường để sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo hướng tới những giá trị văn hóa, nhân văn, hoạt động tôn giáo hướng tới nhân đạo, từ thiện. Theo phương hướng như vậy có nghĩa là tạo điều kiện để tín ngưỡng, tôn giáo trở lại những giá trị khởi nguồn, khởi thủy của chính nó và nâng những giá trị ấy lên tầm cao hơn và khắc phục được xu hướng tha hóa.

Trên đây là một số giải pháp cơ bản để an dân góp phần phòng ngừa “điểm nóng”, “vụ việc phức tạp”. Song, cốt lõi là phân tích lợi ích, vì nó là hội tụ của các quan hệ xã hội, phân tích lợi ích là sợi dây dẫn đường cho ta thấy được bản chất, tính quy luật của đời sống xã hội. Bản chất của các xung đột dẫn đến “điểm nóng”, “vụ việc phức tạp” là tính chất phi lý, bất công trong quan hệ lợi ích và các chủ thể không thấy được tính khách quan của quan hệ lợi ích; vì vậy để phòng ngừa thì giải pháp then chốt là giải quyết hài hòa hợp lý các quan hệ lợi ích, sao cho các chủ thể thấy được tính hợp lý, khách quan về lợi ích của mình. Và nếu xung đột, điểm nóng xảy ra thì giải quyết thỏa đáng các quan hệ lợi ích cũng chính là giải pháp then chốt để giải tỏa xung đột và khắc phục điểm nóng; tốt nhất là giải tỏa ngay từ giai đoạn đầu của quá trình xung đột.

GS, TS LƯU VĂN SÙNG

  • Tags: