Gian lận trong thi cử là hệ quả của tệ nạn "Học giả bằng thật"

Thi cử là một trong những hình thức cơ bản để tuyển dụng nhân tài, phục vụ đất nước. Ở nước ta, chế độ thi cử ra đời tương đối sớm. Để có thể tuyển dụng nhân tài phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhà Lý đã bắt đầu xây những bước đi đầu ti

Thi cử là một trong những hình thức cơ bản để tuyển dụng nhân tài, phục vụ đất nước. Ở nước ta, chế độ thi cử ra đời tương đối sớm. Để có thể tuyển dụng nhân tài phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhà Lý đã bắt đầu xây những bước đi đầu tiên cho nền giáo dục nước nhà. Trong suốt chiều dài lịch sử, các triều đại đều hiểu rõ tầm quan trọng của thi cử để xây dựng đội ngũ quan lại với tinh thần “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Chính vì thế, chế độ thi cử thường nghiêm ngặt, công minh, mục đích là kén chọn được người đủ đức, đủ tài ra giúp nước. Mặc dù vậy hàng ngàn năm đã qua, trong thi cử cũng đã xuất hiện gian lận dưới nhiều hình thức rất tinh vi mà có thể nói là hệ quả tất yếu của tệ nạn “học giả bằng thật”.

Vì sao lại có tệ nạn “học giả bằng thật”? 

Trước đây, con đường tiến thân chủ yếu của các sĩ tử là qua thi cử.  Bởi lẽ thi cử đỗ đạt cũng đồng nghĩa với việc được bổ nhiệm làm quan, có chức tước, quyền hành, có quyền lợi…Chính vì thế thi cử xưa đã được rất chú trọng và mục tiêu lập thân phải thông qua thi cử đã ăn sâu vào đời sống xã hội và còn ảnh hưởng nặng nề cho đến tận bây giờ.  

Ảnh minh họa

Năm 1696, dưới thời vua Lê Hy Tông, con quan Tham tụng Lê Hy tham dự kì thi ở trường thi Thanh Hóa. Với quyền lực của mình Lê Hy hoàn toàn có thể bổ nhiệm cho con một chức quan nào đó mà không phải thi. Nhưng làm quan như thế chắc là không “chính danh”. Mặt khác nếu để con tự thi thì chắc chắn sẽ trượt vì học chưa đủ, hoặc vì là con quan lớn nên ham chơi hơn ham học (học giả). Tham tụng Lê Hy biết rõ nên đã gửi gắm Ngô Sách Tuân người giữ chức Phó chủ khảo trường thi ở Thanh Hóa. Trong quá trình chấm thi, Ngô Sách Tuân đã lấy quyển thi bị đánh hỏng của con Lê Hy đưa cho các quan giám khảo và phúc khảo bảo họ phê lấy đỗ.  Việc làm này có thể coi là cấp cho một cái “bằng thật” để làm quan “chính danh”. Tuy nhiên sự việc sau bị phát giác Ngô Sách Tuân bị tội giảo (thắt cổ mà chết), các quan giám khảo và phúc khảo đều bị phạt.

Ngày nay việc thi đã ít nhiều có nhiều thay đổi. Người thi đỗ trong các kỳ thi phổ thông, đại học và thậm chí qua cả kì thi cao học chưa chắc đã có cơ hội tìm được việc làm phù hợp. Thế nhưng đức hiếu học đã ăn sâu vào đời sống xã hội nên người dân và con cháu họ vẫn muốn có bằng cấp cao, càng cao càng tốt, đây là xu hướng muốn tiến bộ về mặt trí tuệ, muốn được công nhận, là một xu hướng tích cực. Thế nhưng trong thực tế ở đâu đó vẫn còn một số người coi thi cử chỉ là một cách hợp pháp để vào trường đại học, cao đẳng (chính danh), nhờ đó xin được việc, kiếm được tiền. Với một số phụ huynh, con em đỗ đạt là để “mát mặt” mẹ cha, để vinh thân phì gia. Thậm chí với một số “quan chức” (kiểu Ngô Sách Tuân), thì những kỳ thi còn là cơ hội để trả ơn, để kiếm tiền béo bở. Thế cho nên thi cử mới có thể gian lận, mới có thể cấp “bằng thật” cho những người “học giả”.

Mặt khác, không chỉ trong thi cử mà trong quản lí nhà nước tư duy sính bằng cấp từ xa xưa của người Việt cũng có thể nhận thấy qua cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan các tập đoàn. Trong nhiều qui định tuyển dụng, bổ nhiệm thể hiện rõ tinh thần thiên về quan hệ và bằng cấp mà xem nhẹ năng lực. Dù trước khi tổ chức thi tuyển hay bổ nhiệm công chức, viên chức, đều có đăng báo công khai, đúng quy định của nhà nước nhưng đọc tiêu chí tuyển chọn (nam hay nữ, bao nhiêu tuổi, học ngành gì, cử nhân hay thạc sĩ, tiến sĩ biết ngoại ngữ gì v.v…) thì trong cơ quan đã biết tuyển dụng hay bổ nhiệm lần này là nhắm vào đối tượng nào rồi, thông báo công khai chỉ là để đối phó thôi. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc “học giả” để lấy “bằng thật” để có một bộ hồ sơ đẹp để chờ sẵn. 

Tại sao tệ nạn “học giả bằng thật” vẫn tồn tại?  

Hiện nay khi cả nước đang bước vào thời kì hội nhập, trên đất nước ta có rất nhiều tập đoàn hoặc các công ty nước ngoài có nhu cầu và chế độ đãi ngộ tốt nhưng những người có bằng giả hoặc bằng thật trình độ giả không tìm mọi cách để được tuyển dụng?  Đó là vì việc tuyển dụng, đề bạt nhân sự ở khu vực này gắn chặt với quyền lợi của ông chủ, của doanh nghiệp. Khi tuyển, người ta đã định rõ tuyển vào vị trí nào, để làm việc ở vị trí đó thì phải đáp ứng được những yêu cầu gì? không đạt yêu cầu dù có được tuyển vào cũng sẽ phải ra đi hoặc bị sa thải.

Trong khi đó  tình trạng bằng giả hoặc “học giả, bằng thật” vẫn có thể  bằng nhiều hình thức được vào làm việc tại cơ quan nhà nước xuất phát từ nhiều nguyên nhân:

+ Cơ chế tuyển dụng công chức, viên chức, đề bạt cán bộ hiện tại. Muốn được tuyển dụng vào làm việc tại một cơ quan, đơn vị nào đó, một trong những yêu cầu đầu tiên mà cơ quan tuyển dụng đặt ra là phải có bằng cấp và chứng chỉ cần thiết. Đây gần như là quy định “cứng”. Bằng cấp, chứng chỉ được coi là thước đo rất cần thiết để xác định khả năng, năng lực của mỗi người và bằng cấp càng cao, chứng chỉ càng nhiều thì cơ hội tuyển dụng, đề bạt càng lớn. Không thể phủ nhận yêu cầu có bằng cấp, chứng chỉ liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ khi tuyển dụng hay bổ nhiệm cán bộ là yêu cầu đúng, chính đáng vì nó góp phần thúc đẩy nhu cầu học tập của xã hội, nhưng nếu quá phụ thuộc, coi trọng bằng cấp, xem nó là tiêu chí duy nhất khi tuyển dụng nhân sự, đề bạt cán bộ, nâng lương nâng bậc thì sẽ tạo cơ hội cho căn bệnh “học giả bằng thật” tồn tại. Bởi vì các trường hợp “học giả bằng thật” chỉ cần đủ hồ sơ còn khi vào thi thì đã có cách. Thậm chí là đỗ cả trước khi thi.

+ Những hình thức đạo tạo liên kết của các trường đại học trong nước với một số địa phương hay một vài cơ sở “đào tạo ma” ở nước ngoài trong lĩnh vực đào tạo để cấp những bằng đại học, thạc sỹ, tiến sỹ chỉ sau vài tháng mà chỉ cần đóng một khoản tiền đã làm xã hội nhức nhối về nạn bằng cấp “dởm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tuýt còi tệ nạn này, nhưng chỉ là tiếng còi để Bộ nghe vì bất lực. Trước đây khi Giáo sư  Nguyễn Thiện Nhân còn là Bộ trưởng  Bộ Giáo dục và Đào tạo khi trình bày trước Quốc hội đã thừa nhận đào tạo tại chức là “nồi cơm” của các trường đại học, cao đẳng thì có nghĩa là Bộ đã buông xuôi với tình trạng “học giả bằng thật”. Như đã nói xã hội nhất là trong xã hội làng xã Việt Nam chúng ta có ai là không muốn con cái học hành đỗ đạt. Và cũng là tự nhiên con người có một xu hướng là tiết kiệm: tiết kiệm thời gian, tiết kiệm công sức, tiết kiệm tiền bạc… Nếu các trường đào tạo tại chức mà điều kiện theo học, điều kiện thi và cấp bằng dễ dãi, thì tại sao người học lại không chọn con đường này? Đây cũng là một dạng “học giả bằng thật” và cũng sẽ có những vấn đề không minh bạch trong các kì thi kết thúc môn và tốt nghiệp. 

+ Thực trạng  ở Việt Nam khi đã được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước hoặc đã được đề bạt thì rất khó bị đưa ra khỏi cơ quan hoặc bị miễn nhiệm khỏi chức vụ bởi vì cái gì cũng do lãnh đạo quyết định tập thể. Tất nhiên cũng có những trường hợp thiếu năng lực, thiếu bản lĩnh, bị ngay cả cấp dưới phê phán, coi thường thì bắt buộc phải xử lí, còn ở hầu hết các trường hợp, ý chí của người đứng đầu quyết định tất thảy mặc dù vẫn thông qua tập thể lãnh đạo. Cũng có thực tế là nhiều lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải tiếp quản một “gia tài” không được “ưu ái” gì của lãnh đạo cũ, thậm chí từ nhiều đời lãnh đạo cũ để lại mà rất khó giải quyết. Cho những người yếu kém nghỉ việc cũng không dễ bởi lẽ xử trí phải nhân văn, rồi lại vướng trên vướng dưới. Thậm chí, có trường hợp chưa bàn đến họ thì đã có sự gửi gắm trước rồi. Thế là cơ quan vẫn tồn tại nhưng cán bộ, những lãnh đạo “học giả bằng thật”.

Một vài vấn đề đặt ra

Nhưng điều bức xúc hiện nay trong xã hội và cũng là sự trăn trở của những người tâm huyết với ngành giáo dục, luôn mong muốn đất nước trở nên vững mạnh, hội nhập bền vững là giải quyết tệ  nạn “học giả bằng thật” nhất là trong đào tạo đại học, cao đẳng. Tệ nạn này đã và đang đe dọa sự phát triển của xã hội, gia tăng các tệ nạn chạy chức, chạy quyền, tham nhũng. Đồng thời làm suy thoái nghiêm trọng nền giáo dục nước nhà. 

Từ tệ nạn “học giả” hiện nay đã hình thành một tệ nạn nghiêm trọng khác là tệ nạn “học thuê, thi hộ”. Chỉ cần chi ra một khoản tiền theo thỏa thuận, một sinh viên không cần học và thi nhưng vẫn đảm bảo có điểm đậu môn học nhờ dịch vụ “học thuê, thi hộ” và cả dịch vụ làm khóa luận thuê nhan nhản hiện nay. Có thể tìm trên mạng những diễn đàn chuyên cung cấp và đăng thông tin về các dịch vụ này.

Vấn đề đặt ra ở đây là khi người “học thuê, thi hộ” đi vào lớp, các thành viên trong lớp, trong tổ đã biết ngay và còn biết thay cho ai, thậm chí cả người điểm danh cũng biết, nhưng rồi tất cả đều cho qua. Cũng có những lớp người “học thuê” hoặc “điểm danh hộ” không phải là 1 mà là nhiều người nhưng vẫn không sao. Có chăng chỉ vì lớp đông, số giờ giảng không nhiều, không đủ để làm quen nên giáo viên là không biết và trong khi giảng nếu thấy người học không tập trung thì cũng không để ý, nhắc nhở gì, giảng hết giờ là xuống lớp, hoàn thành nhiệm vụ. 

Từ khi có chế độ thi cử, bằng cấp chính là chứng minh cho trình độ, học đến đâu cấp bằng đến đấy. Nếu học thuê, thi hộ mà phổ biến thì ý nghĩa này sẽ không còn, xã hội sẽ trở thành loạn chuẩn, giá trị trở thành méo mó, thật giả lẫn lộn. Bằng cấp và chứng chỉ không còn giúp người ta phân biệt được một người có đi học và đi thi thật với một người có bằng nhờ học thuê thi hộ thì hệ quả tất yếu sẽ nảy sinh là nhiều người sẽ đặt câu hỏi có đáng phải mất thời giờ mà đi học hay không?  Hệ quả này sẽ bào mòn động lực học tập, nghiên cứu của thanh thiếu niên. Rõ ràng, trách nhiệm này là thuộc về người thầy và các cơ sở cấp bằng trước khi qui trách nhiệm  người nhận bằng.

Trong chừng mực nào đó tệ nạn“học giả bằng thật” cũng xuất phát từ căn bệnh thành tích đã có từ lâu nay trong ngành giáo dục. Thí dụ những thành công đã đạt được trong công tác xóa mù chữ của Việt Nam được thế giới công nhận và đánh giá cao nhưng thực tế phía sau của những thành tích đó, là có một bộ phận không nhỏ các học sinh dù đã được cấp bằng tốt nghiệp từ tiểu học đến THPT ở khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chưa đạt yêu cầu về chất lượng của quá trình đào tạo. Tỷ lệ tốt nghiệp trong nhiều năm luôn tiệm cận với mức 100% ở những khu vực này cũng đã nói lên tình trạng “học giả bằng thật” do bệnh thành tích.  
Để giải quyết tệ nạn “học giả bằng thật” và những người mang tấm bằng này chạy vào các cơ quan nhà nước, đòi hỏi phải thay đổi quan niệm về cách dùng người hiện nay. Theo đó, tiêu chí về khả năng chuyên môn, năng lực làm việc thực tế, cần được đặt lên hàng đầu. Trong quá trình tuyển dụng, không quá coi trọng chứng chỉ, bằng cấp và xem nó chỉ là căn cứ cần thiết và việc thẩm tra hồ sơ cần phải được thực hiện nghiêm túc, kỹ càng. Như vậy cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan với việc đưa ra những qui chế, qui định chặt chẽ, đúng đắn. 

Chính vì thế nâng cao chất lượng đào tạo, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng “học giả bằng thật” là trách nhiệm của ngành Giáo dục. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục thả lỏng việc mở trường, mở ngành, chế độ tuyển sinh; trong khi đó các cơ quan giáo dục ở các địa phương, các nhà trường không tăng cường thanh tra, kiểm tra; nếu các cơ sở đào tạo tiếp tục chạy theo số lượng người học để tận thu học phí mà không sàng lọc nghiêm khắc; nếu giáo dục tiếp tục bị thương mại hóa và tiếp tục chạy theo thành tích ảo thì không cách gì ngăn chặn được cỗ xe giáo dục không ngừng tụt dốc.

TS. NGUYỄN VĂN CĂN
Ủy viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Việt Nam Hội nhập

  • Tags: