Chính phủ vừa chính thức có tờ trình gửi Quốc hội đề xuất một số chính sách mới trong quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam... gồm có việc gỡ vướng cho visa.
Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng ký đã đề xuất nhiều nội dung quan trọng để đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Các nội dung bao gồm: Thực hiện chủ trương cấp thị thực (visa) điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; Giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở có đi có lại; Đảm đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Bên cạnh đó, visa điện tử sẽ được nâng thời hạn từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra, cùng với các chính sách kiểm soát dịch, số lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã giảm sâu.
Hiện nay, Việt Nam đã mở cửa trở lại, khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh. Song, do tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, nên lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam có tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 nhưng chỉ bằng 32,6% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19).
Thêm vào đó, dù Việt Nam mở lại hoàn toàn các hoạt động đón khách quốc tế, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam có tăng theo từng tháng nhưng không đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 của ngành du lịch.
Tình hình trên đã hạn chế sự phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát triển du lịch, kinh doanh, thương mại và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nhiều cơ quan, hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị nâng thời hạn tạm trú đối với người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.
Đồng thời, cùng với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi kinh tế xã hội, Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Góp phần phát triển du lịch trở lại mạnh mẽ
Tờ trình Chính phủ cho rằng việc cho phép người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa được tạm trú đến 45 ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các nước có thời gian thực hiện các chương trình du lịch nghỉ dưỡng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế, xã hội.
Đồng thời, việc thực hiện các nội dung này sẽ không làm phát sinh thêm thủ tục, chi phí và nguồn lực của Nhà nước. Các chính sách mới này còn giúp giảm chi phí cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục liên quan nhập xuất cảnh của người nước ngoài.
Đó những tác động rất tích cực khi áp dụng các chính sách này.
Tuy nhiên, Chính phủ nhìn nhận các chính sách này có thể đặt ra một số khó khăn trong công tác quản lý người nước ngoài.
Song tại tờ trình, Chính phủ khẳng định sẽ chỉ đạo Bộ Công an tăng cường công tác quản lý cư trú của người nước ngoài để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất các chính sách mới trong quản lý nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nêu trên để đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tới làm cơ sở triển khai thực hiện.