Hà Tĩnh: Diễn đàn sản xuất, thâm canh cây ăn quả có múi an toàn dịch bệnh

Sáng (30/11) Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp cùng Viện Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Sản xuất, thâm canh cây ăn quả có múi an toàn dịch bệnh tại các tỉnh Bắc Trung bộ”.

Toàn cảnh diễn đàn

Tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo Viện Bảo vệ thực vật, Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung Bộ, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV, Chi cục QLCL Nông lâm sản, thuỷ sản, Trung tâm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi các huyện, thị xã, thành phố, các chuyên gia lĩnh vực về trồng trọt và đông đảo bà con nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Cây ăn quả có múi là cây trồng chủ lực được trồng phổ biến tại các vùng kinh tế trong cả nước. Trong đó, cây cam và bưởi là những cây trồng thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Khu vực Bắc Trung bộ. Với giá trị kinh tế cao, diện tích trồng cây ăn quả có múi đã được mở rộng nhanh chóng tại nhiều tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Trong đó, diện tích cây ăn quả có múi của Hà Tĩnh đạt khoảng 12.000 ha và diện tích cây bưởi Phúc Trạch đạt 2.714 ha.

Viện Trưởng Viện Bảo vệ Thực vật TS. Nguyễn Văn Liêm phát biểu tại Diễn đàn.

Với những điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu phù hợp với trồng cây ăn quả có múi, như cam Vinh, cam Chanh, cam Bù, bưởi Phúc Trạch,… những năm qua Nghệ An và Hà Tĩnh đã dần hình thành nên các vùng chuyên canh cây ăn quả có múi như Yên Thành, Quỳ Hợp (Nghệ An), Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn (Hà Tĩnh),…Cam, bưởi từ lâu đã trở thành cây trồng chính của nhiều địa phương, nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền với nhiều chính sách mở rộng và thâm canh. Cùng với đó là bản tính cần cù, chịu khó của người dân luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm hỗ trợ nhau. Do đó, các sản phẩm cam, bưởi đều có hương vị và chất lượng tốt, xây dựng được thương hiệu và nhãn hiệu cho các sản phẩm, thị trường ngày càng mở rộng.

: Ông Nguyễn Hùng Thái, hộ dân trồng cam tại huyện Can Lộc đặt câu hỏi tại diễn đàn.

Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng nhanh chóng về diện tích, các đối tượng sâu bệnh hại nguy hiểm cũng phát sinh gây hại mạnh làm suy giảm năng suất, chất lượng của các vườn cây, như bệnh Greening, bệnh nứt than xì mủ, bệnh đốm đen, sâu đục thân, ruồi vàng, nhện,... Tại Diễn đàn các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp nông dân đã trình bày các báo cáo đề dẫn và báo cáo tham luận về sản xuất và thâm canh cây ăn quả có múi; hiện trạng và định hướng phát triển cây ăn quả có múi của tỉnh Hà Tĩnh; các giải pháp phòng trừ và quản lý sâu bệnh, các loại ruồi, bọ trĩ hại quả,… trên cây có múi.

Ông Phan Văn Thanh chủ trại cam Thanh Hiền tại Thượng Lộc, Can Lộc Hà Tĩnh mong muốn được Ban Cố vấn hướng dẫn cách để hạn chế tình trạng cam rụng hàng loạt tại gốc sau những đợt mưa lớn

Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh – Chuyên gia cố vấn giải đáp các câu hỏi tại diễn đàn.

Tại Diễn đàn ông Nguyễn Hữu Ngọc Phó - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cũng đã tham luận về sản xuất và định hướng bưởi Phúc Trạch tỉnh Hà Tĩnh với việc tập trung vào quản lý nghiệm ngặt về chất lượng giống và các vật tư đầu vào, quản lý quy trình thâm canh tập theo hướng sản xuất an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, sản xuất bền vững, từng bước sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, có liên kết theo chuỗi giá trị, để nâng cao hiệu quả sản xuất. Cũng tại Diễn đàn, các chuyên gia hướng dẫn cho bà con một số biện pháp thâm canh cây ăn quả có múi; nghiên cứu, sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý sâu, bệnh hại cây, đặc biệt là các đối tượng gây hại nằm trong đất,… nêu rõ tình hình phát triển bưởi Phúc Trạch, cam Hà Tĩnh và các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, thông qua Diễn đàn, bà con nông dân cũng chia sẻ về những kinh nghiệm trong sản xuất thâm canh cây có múi an toàn dịch bệnh,…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Văn Thọ phát biểu tại Diễn đàn.

Sau phần báo cáo đề dẫn và tham luận, Ban Cố vấn là các chuyên gia trong sản xuất cây có múi đã tập trung đi sâu vào trao đổi, thảo luận, giải đáp và trả lời những câu hỏi của người dân xoay quanh vấn đề về quy trình chăm sóc vườn cây phù hợp, các loại bệnh gây rụng quả hàng loạt cho cam sau các đợt mưa lớn, cách dùng các loại thuốc phòng và trị sâu bệnh hại phổ biến trên cây có múi hiệu quả, đặc biệt là hướng canh tác hữu cơ để đảm bảo cho đàn ong sinh trưởng và phát triển tốt ngay trong vườn cam, bưởi,...

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Quang Thọ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Viện Bảo vệ Thực vật trong việc xây dựng các mô hình phát triển cây có múi theo hướng an toàn dịch bệnh, từ đó giúp cho người dân tiếp nhận khoa học kỹ thuật để áp dụng vào khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần phát triển bền vững cây ăn quả có múi tại khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và Hà Tĩnh nói riêng nhằm ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và hiệu quả kinh tế.      

Hoàng Hằng

...
  • Tags: