Trong những năm gần đây việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới ở Hà Tĩnh. Các sản phẩm nông nghiệp nói chung đã đi vào chiều sâu, nhất là các cây trồng chủ lực của tỉnh mà đặc biệt là sản phẩm cam Chanh và bưởi Phúc Trạch.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Với mục đích nâng cao chất lượng và giá trị của cây cam Chanh, bưởi Phúc Trạch là những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Năm 2021, được sự hỗ trợ từ nguyền kinh phí sự nghiệm khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ đã đồng ý cho Trung tâm Khuyến nông thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng quy trình chuyển đổi sản xuất cam chanh, bưởi Phúc Trạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ tại Hà Tĩnh”.
Đề tài được thực hiện trên diện tích 02 ha tại Trại Thực nghiệm và Sản xuất giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp Truông Bát (đóng tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê). Nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình sản xuất cam Chanh, bưởi Phúc Trạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ với kiểu bố trí thí nghiệm theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên (RCRD) với 4 công thức, 3 lần nhắc lại và 1 công thức đối chứng. Các công thức sử dụng các mức bón phân khác nhau, các biện pháp chăm sóc khác áp dụng chung cho tất cả các công thức thí nghiệm.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh (chủ nhiệm đề tài) báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại buổi Hội thảo.
Sau 30 tháng triển khai (từ 4/2021-10/2023), Đề tài đã thực hiện đạt đầy đủ các chỉ tiêu theo mục tiêu và nội dung đề ra. Thông qua các số liệu về kết quả sản xuất và kết quả phân tích từ mẫu đất, mẫu nước và mẫu sản phẩm quả cam chanh, bưởi Phúc Trạch, Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận TQC CGLOBAL cấp Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ với quy mô 02 ha, trong đó 0,5ha bưởi Phúc Trạch và 1,5ha cam Chanh.
Đơn vị chủ trì cũng theo dõi, thu thập, xử lý số liệu và hoàn thiện 02 bộ tài liệu “Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cam Chanh, bưởi Phúc Trạch theo tiêu chuẩn hữu cơ tại Hà Tĩnh”.
Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường, Trưởng phòng Kỹ thuật - Trung tâm ƯDTB KH&CN Hà Tĩnh
Phát biểu tại Hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường, Trưởng phòng Kỹ thuật - Trung tâm ƯDTB KH&CN Hà Tĩnh chia sẻ: Nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng phát triển bền vững mà nền nông nghiệp Việt Nam cần hướng tới trong xu thế hội nhập toàn cầu nhằm tạo ra các sản phẩm tiêu dùng an toàn, gần gũi với thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống,…
Hiệu quả của đề tài sẽ mở ra hướng đi mới trong quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, định hướng cho sản xuất cây ăn quả có múi tại Hà Tĩnh, đặc biệt là các loại cây chủ lực như: cam, bưởi Phúc Trạch; từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cam, bưởi Hà Tĩnh, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng bộ môn CLT-TP, Viện KHKTNN Bắc Trung Bộ phát biểu
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Bộ môn CLT-CTP, Viện KHKTNN Bắc Trung Bộ cũng khẳng định: Nông nghiệp là một ngành sản xuất đặc biệt, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia,… Để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất cây có múi, trong xu thế đó chúng ta đã áp dụng một số biện pháp kỹ thuật mới trong công tác chọn tạo cây giống, trong công tác chăm sóc, đồng thời ứng dụng một số giải pháp để tăng năng suất, chất lượng và mẫu mã quả,...
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao nội dung, kết quả nghiên cứu của đề tài. Theo đó, đại biểu cho rằng, trong sản xuất hữu cơ, nhất là trong sản xuất cam, bưởi, việc ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật đồng bộ, áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất là chìa khóa để nâng cao giá trị sản phẩm, thân thiện hơn với môi trường, ứng dụng các loại chế phẩm sinh học ở các khâu trong sản xuất là rất quan trọng./.
Hoàng Hằng