Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, Việt Nam đã nhận thức được vai trò của dữ liệu số, song hầu như chưa có hành lang pháp lý cho công tác quản lý, khai thác, chia sẻ.
Dữ liệu là mạch máu của nền kinh tế
Phát biểu chào mừng trong Chương trình Kỷ niệm 10 năm Sự kiện Internet Day Việt Nam, Internet Day 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ: “Internet đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi thế giới. Trong suốt quá trình ấy, có sự đóng góp không thể thiếu được của các cộng đồng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet từ những ngày đầu tiên và sau này là vai trò của Hiệp hội Internet Việt Nam”.
Từ đó, Phó Thủ tướng cũng khích lệ: “Chúng ta sẽ cùng nhau để tạo nên một hệ sinh thái, một môi trường mà để tất cả ở đó chúng ta không chỉ là kinh doanh mà chúng ta cùng nhau, giúp nhau để cùng phát huy được hết tiềm năng của từng cá nhân, của từng tổ chức để sao cho công cuộc Chuyển đổi số của Việt Nam phát triển một cách thiết thực”.
Trong kỷ nguyên Dữ liệu hóa, các Doanh nghiệp sẽ phải quyết liệt xây dựng văn hóa dữ liệu (Data Culture) hay sử dụng các công cụ, công nghệ, và quy trình tổng thể để trở thành Data-driven-enterprise (Doanh nghiệp điều hành dựa trên dữ liệu số).
Bằng cách đó, doanh nghiệp sẽ đạt được tối ưu hóa trải nghiệm người dùng (nhân viên và khách hàng) dựa trên các công nghệ quản lý, khai thác và ứng dụng dữ liệu số tiên tiến như: AI, Blockchain, NFT, Metaverse,…
Về vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Đức Long, Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) nhận định, dữ liệu là nội dung đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Trong tương lai, Chính phủ hướng đến mục tiêu 20% GDP đóng góp bởi kinh tế số.
Cùng quan điểm trên, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, thông tin trên môi trường mạng là kho kiến thức khổng lồ phục vụ công việc, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Ông cho rằng, dữ liệu trên Internet ngày nay đang trở thành mạch máu của nền kinh tế và là động lực cho sự đổi mới. Việc sử dụng dữ liệu trên Internet một cách thông minh có thể có tác động chuyển đổi đối với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và có thể tạo ra các cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thể chế số đảm bảo cho sự phát triển
Thứ trưởng Bộ TTTT cho biết, các quốc gia trên thế giới đã đi trước rất nhiều, trong việc nhận thức cũng như hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về ATTT trên không gian mạng. Việt Nam cũng đang thể hiện được vai trò to lớn của dữ liệu, bởi kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu.
Tuy nhiên, hiện nay hành lang pháp lý để quản lý, khai thác, chia sẻ dữ liệu của nước ta gần như còn bỏ trống. Bên cạnh đó, cần coi dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia.
Có thể thấy, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư là cuộc cách mạng về thể chế, không chỉ riêng vấn đề công nghệ. “Công nghệ là điều không thể thiếu nhưng cần có thể chế để ứng dụng công nghệ tạo ra những môi trường kinh doanh mới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, chuyển đổi số cần có thể chế số, song dữ liệu cần có hành lang pháp lý phù hợp để đảm bảo hoạt động liên quan được diễn ra hiệu quả.
Ông cho biết thêm, Bộ TT&TT đang đề xuất, xây dựng và sửa đổi 2 Luật, đó là Luật Giao dịch điện tử, thứ hai là Luật Công nghiệp công nghệ số.
Cụ thể, sẽ có những hành lang pháp lý quy định về dữ liệu trong giao dịch, Luật Công nghiệp Công nghệ số là luật chung để quy định toàn bộ thông tin, vấn đề liên quan tới dữ liệu: khai thác, quản lý kinh doanh…
Trong đó vấn đề bảo vệ an toàn thông tin trên không gian số được đặc biệt lưu tâm, trình bày về chủ đề này Đại tá, TS. Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng & Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Bộ Công An chỉ ra 5 nhóm vấn đề chính.
Thứ nhất, minh bạch, công khai các hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của các chủ thể có liên quan.
Thứ hai, tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân và đối với các hệ thống thu thập dữ liệu cá nhân trên quy mô lớn, có phạm vi toàn bộ cư dân mạng của quốc gia.
Thứ ba, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phải được bảo đảm trong hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân.
Thứ tư, cần có biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân cần được quy định cụ thể trong văn bản pháp luật nhằm bảo đảm tính an toàn ở mức tối thiểu và khuyến nghị ở mức cao.