Hình thành dòng vốn đa dạng và lành mạnh cho thị trường bất động sản Việt Nam

Bất cứ cản trở nào gây ra khủng hoảng với thị trường bất động sản cũng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế, những ngành liên đới. Định hướng chính sách khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản nên xuất phát từ tầm nhìn nền kinh tế quốc dân c

Nhà nước đang thực hiện chương trình phục hồi thị trường bất động sản. Bất cứ cản trở nào gây ra khủng hoảng với thị trường bất động sản cũng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế, những ngành liên đới. Định hướng chính sách khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản nên xuất phát từ tầm nhìn nền kinh tế quốc dân chứ không phải theo nghĩa hẹp, một ngành riêng lẻ.

Trong khuôn khổ Hội thảo “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” mới đây, các chuyên gia đã nhất trí cao rằng, thay vì quản lý lỏng lẻo hoặc siết quá chặt, cần có sự điều chỉnh hợp lý, phù hợp diễn biến thực tế để khơi thông nguồn vốn, tập trung phát triển thị trường lành mạnh và hiệu quả.

Các chuyên gia trao đổi, phát biểu tại Hội thảo diễn ra chiều 9/5 tại Hà Nội (Ảnh: HNV)

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản phát triển, hình thành dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản đa dạng. “Cái gì vướng cần phải gỡ, nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện ở Việt Nam để phát triển lâu dài” – vị Phó Chủ tịch Hiệp hội nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nên có ngay một báo cáo về nội dung vốn cho thị trường bất động sản, tập trung vào: Tầm quan trọng của bất động sản và thị trường tài chính, trong đó vẫn có cả những rủi ro có thể mang lại; Một số cách ứng xử gần đây và những vấn đề đặt ra; Những ứng xử như thế nào để hợp lý với sự phát triển của thị trường bất động sản và dòng vốn cho thị trường này; Ghi nhận và đưa ra hệ thống các giải pháp căn cơ và dài hạn.

Theo phân tích của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Nhà nước đang thực hiện chương trình phục hồi thị trường bất động sản. Bất cứ cản trở nào gây ra khủng hoảng với thị trường bất động sản cũng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế, những ngành liên đới. Định hướng chính sách khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản nên xuất phát từ tầm nhìn nền kinh tế quốc dân chứ không phải theo nghĩa hẹp, một ngành riêng lẻ. Đặc biệt, thay vì cố gắng đề ra nhiều giải pháp, điều quan trọng nhất vẫn là ở gói hỗ trợ niềm tin. Bởi thế, “Hạ cánh mềm” - tạo điều kiện không bóp nghẹt thị trường. Nếu các gọng kìm cùng siết lại thì thị trường không thể phát triển được. “Nắn dòng chảy” nhưng khơi thông chứ không bóp nghẹt” – TS Vũ Tiến Lộc cho hay.

Cũng theo TS. Vũ Tiến Lộc, để giải quyết được vấn đề dòng vốn cho thị trường bất động sản cần sự quan tâm đồng hành của 3 chủ thể: quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, liên kết của các doanh nghiệp. Lưu ý là trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bị xử lý hình sự sẽ khiến cho hệ thống doanh nghiệp rơi vào khó khăn, ảnh hưởng đến nền kinh tế, do đó việc bảo vệ các doanh nghiệp là rất quan trọng. Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp bị đổ vỡ, chính phủ của họ còn sẵn sàng bỏ tiền ra mua lại doanh nghiệp. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, nên có tổ công tác đặc biệt, ngắn hạn giúp trấn an doanh nghiệp, giúp họ tìm ra giải pháp, bảo vệ nhà đầu tư.

Kiến nghị khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nêu lên, cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ đổi mới nhận thức, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước… Theo đó, về phía ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng.

Thương mại, tiếp tục duy trì và cải thiện dòng vốn tín dụng cho thị trường bất động sản. Chính sách tiền tệ cần được vận hành linh hoạt, nhất quán, có kế hoạch phân bổ đều nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng ổn định, có chất lượng của nguồn vốn tín dụng vào khu vực bất động sản. Ngoài ra, thu hút dòng vốn FDI, FII là giải pháp lâu dài. Với dòng vốn FDI, khuyến khích nguồn vốn này phát triển các dự án phức hợp trọng điểm, có quy mô lớn. Đối với các dự án FDI đang triển khai, cần giám sát chặt chẽ đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, tình hình huy động vốn và thanh toán các khoản nợ cũng như các khoản thuế. Còn với dòng vốn FII, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu của các doanh nghiệp trong nước thông qua minh bạch hóa thông tin. Song song, Chính phủ sớm bổ sung hành lang pháp lý và tổ chức triển khai việc hình thành các định chế tài chính phi ngân hàng như: Quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tín thác bất động sản… Đồng thời, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nếu siết trái phiếu doanh nghiệp thì cũng nên thực hiện có lộ trình, từ từ, từng bước một. Nếu phanh quá gấp thị trường trái phiếu, sẽ gây ra các cú sốc cho thị trường, không mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Cần thiết đánh giá hạn mức tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Hạn mức tín nhiệm sẽ cho phép nhà đầu tư có cái nhìn đủ khách quan để đánh giá những rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Chỉ nên đưa ra các quy định để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trên thị trường trái phiếu, chứ không nên đưa ra các quy định siết quá chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ngược lại, vẫn cần khuyến khích các doanh nghiệp tốt tiếp tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp và coi đây là kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, làm giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng. Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ, việc kiểm soát tín dụng vào bất động sản là một trong những biện pháp để giảm lượng tiền trong lĩnh vực này, từ đó đưa thị trường bất động sản về đúng giá trị thực, tránh tình trạng bong bóng bất động sản, tránh nguy cơ gây khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và lĩnh vực tài chính – tiền tệ. “Cần phải có những thay đổi nhưng những thay đổi này phải phù hợp với từng nguồn vốn, phân khúc để đảm bảo được những nguồn vốn vẫn chảy vào thị trường bất động sản”- PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định, lành mạnh hoá thị trường trái phiếu doanh nghiệp là tốt nhưng cần phải tiến hành đúng cách, tránh tình trạng "bắt chuột làm vỡ bình" ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Quan trọng nhất vẫn phải bảo vệ niềm tin của người dân và nhà đầu tư; bổ sung và hoàn thiện về pháp luật và bảo vệ quyền lợi của những nhà đầu tư tài chính.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, trong các nguồn vốn vào thị trường bất động sản, chúng ta có chủ trương huy động dòng tiền từ dân, đây là chủ trương tốt, nhưng quan trọng việc huy động dòng tiền như thế nào. Còn vốn tín dụng đang khuyến khích cho các nhà đầu tư vay làm hạ tầng, bây giờ mới bắt đầu mở ra thị trường chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu,… Do đó, chúng ta có thể sáng kiến ra nhiều phương thức huy động vốn, nhưng phải kiểm soát việc huy động này một cách cẩn thận.

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu rõ, ở các nước phát triển, nếu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tăng lên 1USD sẽ thúc đẩy các lĩnh vực khác của nền kinh tế phát triển 1,5 - 2 USD. Với thị trường bất động sản, thị trường tài chính là nguồn cung vốn chủ yếu cho hoạt động đầu tư tạo lập bất động sản, cho nên những biến động của thị trường tài chính lập tức tác động mạnh tới thị trường bất động sản.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bổ sung: Thị trường cần phải có sự can thiệp để giảm rủi ro nhưng nếu đưa ra các biện pháp can thiệp vào việc phát hành trái phiếu thì phải phân biệt rõ người chơi với mức độ rủi ro nào. Việc xếp hạng tín nhiệm sẽ không cực đoan nhưng phải xem xét cụ thể từng đối tượng và phải theo nguyên tắc quản trị rủi ro.

Thực tế cho thấy, Luật Phá sản phải sửa để doanh nghiệp phá sản kịp thời, đúng thời điểm để sàng lọc thị trường. Cách tiếp cận và cơ chế xử lý phải kỹ thuật, rõ ràng. Doanh nghiệp cũng là nạn nhân nên việc bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư cũng là điều cần thiết để minh bạch hóa thị trường và đây là điều rất quan trọng. Thêm nữa, cần phải nâng cao khả năng hấp thụ đồng bộ về quản lý rủi ro. Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí cao rằng, để thị trường bất động sản sớm phục hồi sau đại dịch, góp phần vào sự phục hồi chung của nền kinh tế và tạo tiền đề phát triển cho nhiều ngành, bên cạnh việc tập trung đảm bảo nguồn vốn, ưu đãi tín dụng không thấp hơn so với lĩnh vực khác thì cần tạo điều kiện để phát triển trái phiếu an toàn và lành mạnh. Theo đó, các chính sách quản lý không được lỏng lẻo, tuy nhiên cũng không nên quá thắt chặt dẫn đến sự triệt tiêu những động lực và cơ hội phát triển của thị trường.

(Theo: Báo điện tử Đảng cộng sản)

  • Tags: