Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp – Hoàn thiện cơ sở pháp lý và đổi mới cách làm nâng cao hiệu quả

Hỗ trợ pháp lý là việc các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện miễn phí cho doanh nghiệp các hoạt động do pháp luật quy định nhằm nâng cao tri thức pháp luật và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, góp phần bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong kinh doanh, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Lý do cần hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Sở dĩ phải hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN), nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ, là xuất phát từ nhu cầu thực tế: DN có hiểu biết pháp luật thì mới có thể thi hành pháp luật tốt được; có hiểu biết pháp luật thì doanh nghiệp mới hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả; có hiểu biết pháp luật thì doanh nghiệp mới có thể hạn chế được các rủi ro trong kinh doanh… Như vậy, bên cạnh nhu cầu hỗ trợ về vốn, thông tin, mặt bằng sản xuất kinh doanh... thì nhu cầu về hỗ trợ pháp lý cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập.

Thực tế đối với các doanh nghiệp, việc nắm bắt kịp thời và đúng đắn những quy định của pháp luật là hết sức cần thiết. Tiếp cận văn bản pháp luật, am hiểu và thực thi theo đúng pháp luật của doanh nghiệp có tác động rất lớn đến chiến lược phát triển, giúp doanh nghiệp phòng tránh rủi ro trong kinh doanh, đảm bảo quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động. Trong quá trình đó, những văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Nghị định, trong đó quan trọng nhất là các Thông tư của Bộ và liên Bộ chính là những loại văn bản giúp doanh nghiệp thực hiện một cách cụ thể chi tiết quyền và nghĩa vụ của mình trong kinh doanh, trong khi đó, chúng lại luôn luôn thiếu vắng trong các đạo luật do Quốc hội ban hành.

Cơ sở pháp lý
Ở nước ta, với cơ sở pháp lý là Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, sau này là Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được triển khai một cách tích cực, chủ động trên phạm vi cả nước. Cho đến nay, qua quá trình gần 15 năm thực hiện, công tác hỗ trợ pháp lý đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin pháp lý nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình; hạn chế rủi ro pháp lý trong kinh doanh và từng bước hội nhập kinh tế, quốc tế, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bằng pháp luật.

Mới đây nhất, ngày 05/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 345/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Trong đó có đặt mục tiêu Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030: Phấn đấu 100% quy định pháp luật về doanh nghiệp, về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được thông tin kịp thời, đầy đủ đến doanh nghiệp.

Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp rất cần thiết trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, nhất là sau khi doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19… Từ thực tế đó, việc chủ động xây dựng chính sách, chuẩn bị các nguồn lực và giải pháp dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp là hết sức cần thiết; trước mắt cần khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản pháp lý tồn tại chưa được giải quyết triệt để khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh; trong dài hạn cần coi việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và phải được triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.

Mục tiêu và giải pháp thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Quá trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện theo một số nguyên tắc nhất định; bao gồm: (1) Nhà nước chỉ hỗ trợ pháp lý cho một số đối tượng nhất định (nguyên tắc hạn chế về đối tượng được hỗ trợ pháp lý). (2) Nhà nước chỉ hỗ trợ chứ không làm thay thị trường trong việc đáp ứng các nhu cầu về mặt pháp lý của doanh nghiệp. (3) Nội dung hỗ trợ pháp lý phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của đất nước.

Nhìn chung nội dung hỗ trợ pháp lý cho DN hiện nay còn tương đối hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp; mới chủ yếu được thực thi theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ; bao gồm một số biện pháp cơ bản: (1) Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin pháp luật. (2) Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cập nhật và nâng cao kiến thức pháp luật kinh doanh nói chung và pháp luật theo từng vấn đề chuyên sâu nói riêng. (3) Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải đáp các vấn đề pháp lý phát sinh mà doanh nghiệp quan tâm. (4) Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kiến nghị và được tiếp nhận kiến nghị.

Quyết định số 345/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” đã đặt mục tiêu Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030 là: Phấn đấu 100% quy định pháp luật về doanh nghiệp, về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được thông tin kịp thời, đầy đủ đến doanh nghiệp. Trong đó, Mục tiêu tổng quát được xác định bao gồm:

- Phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục các vướng mắc, bất cập;

- Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành; huy động các nguồn lực xã hội; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

- Triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Tăng cường tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

- Vận hành hiệu quả hệ thống mạng lưới tư vấn viên pháp luật; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp; đảm bảo 100% doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý khi có đề xuất;

- Giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý cho doanh nghiệp khi có yêu cầu;

- Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng hệ sinh thái về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Xây dựng và duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, giữa cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả liên quan đến doanh nghiệp;

- Triển khai các giải pháp xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Để việc hỗ trợ pháp lý đạt hiệu quả, nên chăng, Chính phủ phải ban hành một nghị định riêng về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mà không nên nhập vào một nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hỗ trợ DNNVV. Nghị định này cần phải giải quyết những vấn đề chủ yếu như: Có định nghĩa cụ thể về khái niệm “hỗ trợ pháp lý” để giúp các doanh nghiệp biết được hỗ trợ pháp lý là gì, vai trò, ý nghĩa của nó đối với hoạt động của các doanh nghiệp; Nghiên cứu để mở rộng hoặc thu hẹp (nếu thấy cần thiết) các hình thức hỗ trợ, qua đó đảm bảo tính hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Quy định đầy đủ, rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước có liên quan cũng như hiệp hội các doanh nghiệp trong việc thực hiện công tác hỗ trợ….

Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian tới cần phải đổi mới cách làm, điều chỉnh các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu và thực tiễn phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, bám sát xu thế và bối cảnh mới. Quá trình đó rất cần sự quan tâm và trực tiếp chỉ đạo của Chính phủ, sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật để công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để triển khai có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp phát triển bền vững./.

Ths.Phạm Đình Tuân

...
  • Tags: