Ngành Thuế đã và đang đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử nhằm mục tiêu đến ngày 01/7/2022, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên toàn quốc sẽ áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử. Đây được coi là bước quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số của ngành.
Ảnh minh họa - ITN
Theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (ngày 19/10/2020) quy định về hóa đơn, chứng từ, từ ngày 01/7/2022, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên toàn quốc sẽ áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử. Bộ Tài chính đã phê duyệt việc tổ chức thực hiện triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ từ tháng 11/2021; giai đoạn 2 tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại từ tháng 4/2022.
Theo Tổng cục Thuế, với các giải pháp đồng bộ, đến ngày 31/3/2022, toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp tại 6 tỉnh, thành phố triển khai giai đoạn 1 đã thực hiện chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử. Qua thời gian sử dụng hóa đơn điện tử, nhiều tổ chức, cá nhân nhận định, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp giảm các bước quy trình phát hành; rút ngắn thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn; tiết kiệm chi phí.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, kế toán Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy (huyện Thường Tín) cho biết: “Việc sử dụng hóa đơn điện tử rất thuận tiện, đồng thời giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể theo dõi được hóa đơn sử dụng trong kỳ một cách dễ dàng”. Còn chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, thực hiện hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy là bước đột phá lớn, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người nộp thuế và cơ quan nhà nước.
Giai đoạn 2 thực hiện với 57 tỉnh, thành phố còn lại. Lễ kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc được tổ chức ngày 21/4. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn cho hay, ngay sau lễ kích hoạt, cơ quan thuế các cấp đã tích cực triển khai theo tiến độ. Nhiều tỉnh, thành phố đã đạt tiến độ trên 50% số đơn vị chuyển sang thực hiện hóa đơn điện tử. Một số tỉnh đạt tiến độ tốt như: Thái Nguyên đạt trên 90%, Bắc Ninh đạt trên 80%, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Long An đều đã đạt trên 70%.
Ông Phi Vân Tuấn nhấn mạnh, Tổng cục Thuế đang tiếp tục bám sát, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử, bảo đảm đến ngày 31/5/2022 hoàn thành 90% và đến ngày 30/6/2022 hoàn thành 100% số lượng doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Trên thực tế, bên cạnh việc khẩn trương triển khai của ngành Thuế, các địa phương cũng tích cực vào cuộc. Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, tỉnh xác định việc triển khai hóa đơn điện tử là một trong những giải pháp quan trọng trong chuyển đổi hình thức quản lý thuế theo hướng hiện đại, góp phần tích cực vào kinh tế địa phương. Vì vậy, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể tới từng sở, ngành theo chức năng, phối hợp chặt chẽ với ngành Thuế. Với hơn 8.000 doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên tự tin hoàn thành sớm việc triển khai hóa đơn điện tử.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt và coi hóa đơn điện tử là nhiệm vụ đột phá quan trọng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội. Bộ quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra; đồng thời sẽ nghiên cứu, xây dựng các biện pháp, công cụ quản lý, phân tích dữ liệu từ hóa đơn điện tử, tiến tới sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu từ hóa đơn điện tử để quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả quản lý, thanh tra, kiểm tra thuế.
Việc triển khai hóa đơn điện tử có thể ví như một mũi tên trúng nhiều đích, mang lại nhiều lợi ích quan trọng, như góp phần thay đổi phương thức điều hành quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế, của người dân, doanh nghiệp theo hướng tích cực, hiện đại; thúc đẩy xây dựng, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số./.