Hoàn thiện các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ về quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý

Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ năm 1994 (Hiệp định TRIPs) chính thức sử dụng khái niệm “chỉ dẫn địa lý” trên cơ sở hai thuật ngữ “chỉ dẫn nguồn gốc” và “tên gọi xuất xứ hàng hóa” được đề cập trong Công ước Paris năm 1883 và

Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bàykhái niệm về chỉ dẫn địa lý và ý nghĩa của việc sử dụng chỉ dẫn địa lý trong hoạt động thương mại; phân tích thực trạng các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ về sử dụng chỉ dẫn địa lý, tập trung vào hai vấn đề chính: chủ thể có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, điều kiện và thủ tục để được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện.

Từ khóa: Chỉ dẫn địa lý, quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, Luật Sở hữu trí tuệ.

Abstract: In the scope of this article, the author provides an analysis of the applicable legal provisions on the right to use geographical indications; an analysis of the applicable law provisions on intellectual property, specially on the use of geographical indications focusing on two main matters: who has the right to use geographical indicaitons and the conditions and procedures to be granted the right to use a geographical indications; and also provides a number of recommendations for further improvements of the legal provisions on the right to use geographical indications.

Keywords: Geographical indications; right to use geographical indications, Law on Intellectual Property.

Ảnh minh họa

1. Khái niệm về chỉ dẫn địa lý và ý nghĩa của việc sử dụng chỉ dẫn địa lý trong hoạt động thương mại

Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ năm 1994 (Hiệp định TRIPs) chính thức sử dụng khái niệm “chỉ dẫn địa lý” trên cơ sở hai thuật ngữ “chỉ dẫn nguồn gốc” và “tên gọi xuất xứ hàng hóa” được đề cập trong Công ước Paris năm 1883 và Thỏa ước Madrid năm 1891. Theo Hiệp định TRIPs, chỉ dẫn địa lý được hiểu là “những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ lãnh thổ của một thành viên hoặc từ khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định”[1]. Khái niệm trên cho thấy, chỉ dẫn địa lý có thể là những dấu hiệu bất kỳ để chỉ ra nguồn gốc của sản phẩm được sản xuất từ lãnh thổ, địa phương hay một khu vực nhất định. Trong đó, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính mà các tính chất này chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định.

Ở Việt Nam, lần đầu tiên chỉ dẫn địa lý được quy định trong Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 03/10/2000 (Nghị định số 54) của Chính phủ và được bảo hộ đồng thời với tên gọi xuất xứ hàng hóa. Đến Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 (Luật SHTT năm 2005) đã bỏ thuật ngữ tên gọi xuất xứ hàng hóa, thống nhất chỉ sử dụng thuật ngữ chỉ dẫn địa lý. Khoản 4 Điều 22 Luật SHTT năm 2005 quy định: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”. Xuất phát từ đặc trưng của chỉ dẫn địa lý là chỉ dẫn nguồn gốc của sản phẩm nên dấu hiệu được công nhận là chỉ dẫn địa lý phải là những dấu hiệu nhận biết bằng thị giác như từ ngữ, hình ảnh, biểu tượng. Như vậy, chỉ dẫn địa lý có thể là bất cứ dấu hiệu nào để chỉ dẫn nguồn gốc của sản phẩm.

Việt Nam được biết đến là một nước nông nghiệp và hầu hết các địa phương đều có những sản phẩm đặc trưng, tạo nên thế mạnh kinh tế nông nghiệp của địa phương. Trước hết, chỉ dẫn địa lý góp phần làm tăng giá trị của hàng hóa, đặc biệt đối với các sản phẩm là nông sản. Sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý thường nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng bởi chất lượng đặc thù và tính an toàn. Như vậy, với các sản phẩm được gắn chỉ dẫn địa lý sẽ dễ dàng nổi bật hơn, thậm chí có giá trị hơn so với các sản phẩm tương tự trên thị trường. Mặt khác, sử dụng chỉ dẫn địa lý giúp ngăn ngừa, chống lại hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, làm mất giá trị và danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Bên cạnh đó, chỉ dẫn địa lý còn giúp tăng khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý. Khi chỉ dẫn địa lý được thừa nhận và phổ biến rộng rãi, nó sẽ trở thành công cụ gia tăng thu nhập cho tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh ở địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do nhằm thúc đẩy phát triển thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa thì việc sử dụng chỉ dẫn địa lý càng mở ra cơ hội có thể xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường của mình.

2. Thực trạng các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ về sử dụng chỉ dẫn địa lý

2.1. Chủ thể có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý

Với hầu hết các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu... chủ sở hữu các đối tượng này đồng thời là người có quyền sử dụng đối tượng thuộc quyền sở hữu của mình. Tuy nhiên, với tính chất đặc biệt của chỉ dẫn địa lý, quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý thường được trao cho các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng.

Khoản 4 Điều 121 Luật SHTT năm 2005 quy định chủ sở hữu của chỉ dẫn địa lý là Nhà nước và Nhà nước trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Theo quy định, quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý không thuộc về cộng đồng các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, họ vẫn có thể sử dụng chỉ dẫn địa lý đó để khai thác thương mại và thực hiện các hoạt động phát triển chỉ dẫn địa lý.

Pháp luật SHTT ở một số quốc gia trên thế giới mở rộng đối tượng có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Chẳng hạn theo quy định của Điều 25 Luật Bảo vệ chỉ dẫn địa lý (2003) của Thái Lan[2], cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tại nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc cá nhân, tổ chức tham gia buôn bán có liên quan đến hàng hóa được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đã đăng ký đối với hàng hóa được chỉ định phù hợp với các điều kiện quy định của Tổ chức đăng ký. Như vậy, pháp luật Thái Lan không chỉ cho phép những người sản xuất mà cả những người kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc địa lý ở khu vực tương ứng với chỉ dẫn địa lý có quyền gắn chỉ dẫn địa lý lên sản phẩm. Theo quy định của Điều 17.1 và Điều 2.1.(b) và (k) Luật Đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý hàng hóa của Ấn Độ (1999)[3], đối tượng được sử dụng chỉ dẫn địa lý là tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa bao gồm: (i) Đối với hàng hóa nông nghiệp, người chế biến và đóng gói hàng hóa đó có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; (ii) Đối với hàng hóa tự nhiên, người khai thác hàng hóa có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tương ứng; (iii) Đối với hàng thủ công mỹ nghệ hoặc hàng công nghiệp, người kinh doanh hoặc giao dịch trong việc sản xuất, khai thác, chế tạo hoặc sản xuất hàng hóa đó được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý gắn lên sản phẩm tương ứng. Như vậy, Ấn Độ cũng quy định khá rộng về đối tượng được phép sử dụng chỉ dẫn địa lý, căn cứ vào loại sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, người được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý có thể là người sản xuất, chế tạo, khai thác hoặc kinh doanh, tiến hành giao dịch sản xuất hàng hóa có nguồn gốc địa lý từ khu vực tương ứng với chỉ dẫn địa lý.

Ở Việt Nam hiện nay, các sản phẩm được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý hầu hết là nông sản nên cách xác định đối tượng được bảo hộ vẫn hợp lý. Tuy nhiên, trường hợp có những sản phẩm khác ngoài nông sản, chẳng hạn như sản phẩm khai thác từ tự nhiên hoặc các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thì cách xác định như trên chưa bao quát được người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; hoặc đối với người kinh doanh các sản phẩm được sản xuất tại khu vực tương ứng với chỉ dẫn địa lý, dù tổ chức sản xuất không đăng ký để được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhưng những sản phẩm đó vẫn đảm bảo theo tiêu chuẩn mà Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý quy định thì cần cho phép người kinh doanh sản phẩm này vẫn có thể yêu cầu để được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

2.2. Thủ tục đăng ký cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý

Theo khoản 4 Điều 121 và khoản 2 Điều 123 Luật SHTT năm 2005, tổ chức được Nhà nước trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền cho phép người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, trong giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý quy định cần thiết phải ghi thông tin các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý[4]. Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, các cá nhân, tổ chức muốn sử dụng chỉ dẫn địa lý, phải đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Nói cách khác, người có quyền sử dụng phải nộp đơn yêu cầu “giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hóa”. Chỉ những người được cấp giấy chứng nhận đó mới được phép sử dụng chỉ dẫn địa lý. Bất cứ người nào khác đáp ứng tiêu chuẩn để sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận thì đều không được sử dụng chỉ dẫn địa lý. Có quan điểm cho rằng, việc tổ chức, cá nhân phải dừng sử dụng chỉ dẫn địa lý vì họ chưa làm thủ tục cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý là không hợp lý, chưa phù hợp với bản chất của chỉ dẫn địa lý, vì chỉ dẫn địa lý được hình thành và phát triển bởi chính tổ chức, cá nhân đang sử dụng chúng[5].

Tuy nhiên, nếu chủ thể nào cũng được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý mà không có sự kiểm tra, giám sát về chất lượng, tính chất của sản phẩm bởi một tổ chức có thẩm quyền thì trường hợp danh tiếng và chất lượng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị giảm sút có thể xảy ra, gây thiệt hại đến các tổ chức, cá nhân khác. Thực tế đã chỉ ra sự bất cập trong việc tùy tiện sử dụng chỉ dẫn địa lý bởi một số chủ thể không đáp ứng được điều kiện đặc biệt là các tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng khi đưa sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý ra thị trường. Điển hình như chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc, một số cơ sở sản xuất lấy màu pha với nước muối, thêm “hương vị nước mắm” rồi dán nhãn nước mắm Phú Quốc; sau đó, tung ra thị trường bán với giá rất rẻ. Hay đối với chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Mộc Châu chỉ được sử dụng để đóng bao sản phẩm 35 kg khi chuyển đi nơi khác bán chiếm đến 90%[6]. Khi đến tay nhà phân phối, người ta lại mở bao gói sản phẩm này ra để đóng thành gói lẻ bán ra thị trường, điều này khó tránh khỏi việc sản phẩm bị trộn lẫn với những sản phẩm chè được sản xuất từ nơi khác. Tương tự, nhiều sản phẩm cà phê thực tế không được sản xuất tại các khu vực được xác định trên bản đồ bảo hộ nhưng khi thực hiện đóng gói tại Buôn Ma Thuột liền được gắn với chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột[7].

Để ngăn ngừa tình trạng nêu trên, cần thiết phải có cơ chế kiểm soát và tồn tại thủ tục cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng được điều kiện đặt ra. Bên cạnh đó, quy định hiện hành về hoạt động cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý vẫn có một số bất cập sau:

Một là, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về thủ tục để tổ chức được giao quyền  quản lý chỉ dẫn địa lý cấp quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Việc cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý là nội dung quan trọng của quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý. Trên thực tế, để được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tổ chức, cá nhân có nhu cầu phải làm hồ sơ đề nghị được cấp quyền (gồm đơn đề nghị và các giấy tờ khác theo yêu cầu) và gửi về cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý. Trên cơ sở hồ sơ đề nghị, tổ chức được giao quyền quản lý chỉ dẫn địa lýtiến hành thẩm định và quyết định việc cấp quyền hay không cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, không phải ở địa phương nào cũng đưa ra được quy chế về quản lý chỉ dẫn địa lý và thủ tục cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý phù hợp, dẫn đến sự lúng túng cho cả phía tổ chức được giao quyền quản lý chỉ dẫn địa lývà tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ dẫn địa lý. Việc pháp luật không quy định cụ thể về thủ tục cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý dẫn đến sự không thống nhất giữa các địa phương khi đưa ra quy định về hoạt động cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Mỗi địa phương, khu vực có quy định khác nhau về hoạt động cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Hai làpháp luật chưa quy định về điều kiện để được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Việc quy định rõ các điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý là cơ sở cho việc cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Căn cứ vào hồ sơ đề nghị được cấp quyền sử dụng và các điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý, cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý sẽ xem xét để trao quyền sử dụng cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện. Trường hợp xây dựng quy chế quản lý trực tiếp cho từng chỉ dẫn địa lý thì các điều kiện sử dụng sẽ được quy định chi tiết hơn so với trường hợp xây dựng quy chế quản lý chung cho tất cả các chỉ dẫn địa lý của địa phương. Quy chế quản lý chung thường bao hàm các điều kiện tối thiểu sau: (i) được thành lập hợp pháp (nếu là tổ chức); (ii) có hoạt động sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý thuộc khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý; (iii) sản phẩm đáp ứng điều kiện bảo hộ; (iv) có hồ sơ đề nghị trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Quy chế riêng có thể quy định trực tiếp các điều kiện liên quan đến việc sản xuất, đóng gói, kinh doanh sản phẩm như: về nguyên vật liệu; về việc thực hiện các quy trình kỹ thuật cần có; về việc tuân thủ các quy định về việc sử dụng tem, nhãn sản phẩm; về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (đối với một số sản phẩm thực phẩm).

Trên thực tế, mỗi địa phương vẫn đưa ra những điều kiện khác nhau để tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Chẳng hạn, Quy chế về quản lý chỉ dẫn địa lý đối với nhãn lồng Hưng Yên được xây dựng trên cơ sở phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên với Viện Thổ nhưỡng nông hóa và Quy chế về quản lý chỉ dẫn địa lý đối với cà phê nhân Robusta Buôn Ma Thuột được ban hành bởi Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Lăk đều cho phép người kinh doanh (không sản xuất sản phẩm) có thể được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, điều kiện để được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho hai đối tượng này có điểm khác nhau. Đối với tổ chức, cá nhân chỉ hoạt đông thương mại không tổ chức sản xuất thì trong hồ sơ phải có văn bản liên kết hoặc hợp đồng mua sản phẩm với các tổ chức, cá nhân sản xuất nhãn đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hưng Yên” dùng cho sản phẩm nhãn lồng. Trong khi đó, đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh cà phê Buôn Ma Thuột không cần tài liệu này trong Hồ sơ xin cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý[8].

Ba là, quy định về hành vi sử dụng chỉ dẫn địa lý chưa phù hợp với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Để bảo đảm phù hợp với quy định của Điều 18.77.2 CPTPP về xử lý hình sự đối với hành vi nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (hoặc có thể thực hiện cam kết thông qua việc xử lý hành vi phân phối hoặc bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) ở quy mô thương mại, khoản 59 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi Luật SHTT năm 2005 (Dự thảo Luật) sửa đổi điểm b khoản 5 Điều 124 (Sử dụng nhãn hiệu) quy định về các hành vi sử dụng nhãn hiệu theo hướng mở rộng hơn, từ hành vi “lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm” sang các hành vi “bán, chào bán, quảng cáo để bán, trưng bày để bán, tàng trữ để bán, vận chuyển hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ”. Tuy nhiên, Dự thảo Luật lại không đề cập đến việc mở rộng hành vi sử dụng chỉ dẫn địa lý. Tác giả cho rằng, quy định của Dự thảo Luật là chưa đáp ứng được yêu cầu của CPTPP.

3. Kiến nghị

Để khắc phục những bất cập trong quy định của Luật SHTT năm 2005 về quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tác giả kiến nghị:

Thứ nhất, sửa đổi khoản 4 Điều 121 Luật SHTT năm 2005 theo hướngbổ sung thêm đối tượng được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Theo đó, khoản 4 Điều 121 Luật SHTT năm 2005 được sửa đổi như sau:“Nhà nước trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất, chế tạo, khai thác hoặc kinh doanh, tiến hành giao dịch sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Nhà nước trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý”.

Thứ hai, sửa đổi Luật SHTT năm 2005 theo hướngbổ sungquy định về thủ tục cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, điều kiện cấp quyền chỉ dẫn địa lý;bổ sung quy định về nghĩa vụ công khai danh sách các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý bởi Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

Thứ ba, sửa đổi điểm b khoản 7 Điều 124 LSHTT năm 2005 theo hướng mở rộng hành vi sử dụng chỉ dẫn địa lý như khoản 59 Điều 1 Dự thảo Luật; theo đó, điểm b khoản 7 Điều 124 Luật SHTT năm 2005 được sửa đổi như sau: “b) Bán, chào bán, quảng cáo để bán, trưng bày để bán, tàng trữ để bán, vận chuyển hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ”./. 

THS. NGUYỄN THỊ NGUYỆT

Khoa Kinh tế Luật, Đại học Thương mại

 

[1] Khoản 1 Điều 22 Hiệp định TRIPS.

[2] wipo.int/edocs/lexdocs/laws/en/th/th023en.pdf.

[3]  https://legislative.gov.in/sites/default/files/A1999-48.pdf.

[4] Xem khoản 2 Điều 92 Luật SHTT năm 2005.

[5] Ninh Thị Thanh Thủy, luận văn thạc sĩ “Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật Việt Nam”, 2009, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[6] Bùi Thị Hằng Nga, Nguyễn Minh Bách Tùng, “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý: yêu cầu của phát triển nông nghiệp bền vững”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 17(417), tháng 9/2020, tr.53.

[7] Bùi Thị Hằng Nga, Nguyễn Minh Bách Tùng, Tlđd, tr. 54. 

[8] Điều 5, Điều 7 Quyết định số 18/2010/QĐ-UBND về ban hành “Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm cà phê nhân Robusta” và Sổ tay hướng dẫn quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hưng Yên” cho sản phẩm nhãn lồng – Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên.

  • Tags: