Hoàn thiện chính sách, pháp luật về văn hóa ở nước ta hiện nay

Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản thể hiện chủ trương và giải pháp xây dựng nền văn hóa dân tộc… Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước, chính sách về văn hóa cần tiếp tục được hoàn chỉnh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Văn hóa là tất cả những giá trị vật thể và phi vật thể do con người sáng tạo ra trên nền của thế giới tự nhiên. Văn hóa là sản phẩm của loài người, được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Văn hóa đồng thời là môi trường để hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, và có những lĩnh vực hoạt động riêng sản xuất và sáng tạo ra những giá trị tinh thần nhằm giáo dục con người hướng tới những điều tốt đẹp.

Từ một góc nhìn cụ thể hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá”.

Văn hóa trong tiến trình phát triển đất nước

Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới; đồng thời để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, năm 2001, Quốc hội đã ban hành Luật Di sản văn hóa. Tiếp đó, nhằm thích ứng với bối cảnh và những nhận thức mới về di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa phi vật thể, năm 2009, Quốc hội khóa XII đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Cùng với hệ thống luật còn có các văn bản dưới luật do Chính phủ ban hành như Nghị định số 86/2005/NĐ-CP ngày 08/7/2005 về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam... Bên cạnh đó là hệ thống các chính sách về đầu tư, hỗ trợ nguồn lực trong việc kiểm kê, sưu tầm, bảo quản và trùng tu hệ thống di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng đã được Chính phủ ban hành, thể hiện qua các chương trình, đề án, chiến lược, chương trình cụ thể như: Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020; Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012 - 2015; Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020... Như vậy, với hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được hoàn thiện đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc nhận diện, lan tỏa giá trị vô giá của di sản.

Trong tiến trình phát triển, văn hóa không chỉ là nhân tố thúc đẩy con người phát triển, hoàn thiện nhân cách, mà còn là mục tiêu, động lực thúc đẩy việc tái cấu trúc lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển bền vững đất nước; trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Vì vậy, trách nhiệm đầu tư phát triển văn hóa là trách nhiệm chung của Đảng, hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.

Trên tinh thần ấy, những năm qua, hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật về văn hóa nói chung và các lĩnh vực cụ thể của văn hóa nói riêng ở nước ta dần được hoàn thiện, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu thực tiễn và nhu cầu, đòi hỏi của người dân; bao gồm: Chính sách, pháp luật về di sản văn hóa; Chính sách, pháp luật về nghệ thuật; Chính sách, pháp luật về du lịch và văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo; Chính sách, pháp luật về báo chí, xuất bản, quảng cáo, thư viện, thể dục thể thao. 

Yêu cầu hoàn thiện chính sách về văn hóa còn tập trung vào việc xây dựng hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế: Con người Việt Nam phát triển toàn diện trên cơ sở tăng cường giáo dục thẩm mỹ, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho các tầng lớp nhân dân…

Thực trạng và giải pháp hoàn thiện chính sách văn hóa

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác xây dựng và ban hành chính sách pháp luật về văn hóa cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nhận định về thực trạng này, Đảng, Nhà nước thẳng thắn chỉ rõ: “Việc xây dựng thể chế văn hóa còn chậm và nhiều thiếu sót. Chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa chậm được ban hành. Bộ máy tổ chức ngành văn hóa chưa được sắp xếp hợp lý để phát huy cao hơn hiệu lực lãnh đạo và quản lý”, “các văn bản pháp luật về văn hóa còn thiếu đồng bộ; việc thể chế hóa các nghị quyết, quan điểm của Đảng còn chậm, tổ chức thực hiện còn yếu nên nhiều quy phạm pháp luật về văn hóa chưa thực sự đi vào cuộc sống. Một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa có luật để quản lý. Nhiều chính sách đối với văn nghệ sĩ đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi”.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên chủ yếu là do một số nguyên nhân sau:
1. Văn hóa là lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm, tinh tế với những sáng tạo của cá nhân và cộng đồng, thiên về phương diện tinh thần, liên quan trực tiếp đến đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng nên đôi khi khó nhận diện, đánh giá chính xác.

2. Đối với việc xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về văn hóa, việc tiếp cận hệ thống văn bản chính sách pháp luật hiện có của người dân chưa đồng đều, người dân vẫn ứng xử, thực hành văn hóa theo thói quen, mạnh ai đấy làm, nên việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân còn gặp nhiều trở ngại.
3. Việc áp dụng chính sách, pháp luật trong xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa đôi lúc chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh…  

4. Việc phối hợp giữa các ngành chưa thực sự nhịp nhàng, vẫn còn tình trạng “đánh trống bỏ rùi”, đùn đẩy trách nhiệm. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống chưa được chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời.

5. Việc xây dựng, ban hành chính sách pháp luật về văn hóa nói chung và những vực cụ thể của văn hóa còn chậm, chưa đầy đủ, một số lĩnh vực cụ thể chưa có luật, nghị định riêng.

Để hoàn thiện chính sách văn hóa, cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, cần xác định rõ đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Hai là, hoàn thiện chính sách văn hóa cần chú trọng tính đặc thù của văn hoá, vừa bảo đảm để văn hoá, văn học, nghệ thuật phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo của cá nhân trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn.

Ba là, hoàn thiện chính sách văn hóa cần tập trung hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Bốn là, hoàn thiện chính sách văn hóa cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Năm là, hoàn thiện chính sách văn hóa cần chú trọng tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hoá, tương xứng với tăng trưởng kinh tế.

Sáu là, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hoá. Xử lý hài hoà giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Bảy là, hoàn thiện chính sách văn hóa cần phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước.

Tám là, hoàn thiện chính sách văn hóa cần chủ động hội nhập quốc tế về văn hoá, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và truyền bá văn hoá Việt Nam ra thế giới.

ThS Đặng Văn Biên

...
  • Tags: