Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công nhất khu vực, trở thành điểm đến đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô, chính trị ổn định cùng với các cam kết tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi về tài chính để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực đầu tư nước ngoài.
Bài viết đưa ra những đánh giá tổng quan về chính sách tài chính thu hút vốn FDI và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách tài chính nhằm thu hút vốn FDI trong thời gian tới.
Khẩn trương hoàn thiện thể chế chính sách để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới (Nguồn: internet)
Chính sách tài chính thu hút vốn FDI tại Việt Nam
Trong những năm qua, chính sách tài chính có vai trò hết sức quan trọng trong việc động viên, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu và bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng.
Xác định được vai trò quan trọng này, Việt Nam đã thường xuyên rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi về tài chính để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực FDI. Trong đó, tiêu biểu là một số chính sách như: Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu... cùng với hệ thống các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào Việt Nam. Hiện tại, có thể khái quát các chính sách ưu đãi về tài chính để thu hút vốn FDI, gồm các nội dung sau:
Về ưu đãi thuế: Ưu đãi thuế là một bộ phận của chính sách FDI luôn đặt trong mối quan hệ với định hướng và tổng thể chính sách FDI. Do vậy, trong chính sách ưu đãi tài chính thường tập trung vào chính sách thuế như: Thuế TNDN, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể:
Một là, đối với ưu đãi thuế TNDN. Trong giai đoạn 1987-1994, Chính phủ triển khai công cuộc cải cách thuế giai đoạn 1 nhằm tạo môi trường thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế phát triển, thu hút FDI. Đối với khu vực đầu tư nước ngoài, thuế suất phổ thông của thuế lợi tức là 25% và còn có thuế suất ưu đãi thấp hơn là 10%, 15% hoặc 20% áp dụng đối với các dự án khuyến khích đầu tư. DN hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài được miễn thuế lợi tức tối đa 4 năm kể từ khi bắt đầu kinh doanh, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa trong 4 năm tiếp theo (tuỳ theo lĩnh vực ngành nghề khuyến khích đầu tư hoặc địa bàn hoạt động). Trong giai đoạn 1995-2000, Việt Nam thực hiện cải cách thuế giai đoạn 2 trong bối cảnh Việt Nam đã bắt đầu tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế và song phương. Năm 1999, Luật Thuế TNDN thay thế cho Luật Thuế lợi tức. Theo đó, pháp luật thuế TNDN đã áp dụng nhiều ưu đãi để khuyến khích đầu tư như: Các cơ sở sản xuất mới thành lập được miễn thuế 2 năm đầu, được giảm 50% trong 2 năm tiếp theo. Nếu đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề, vùng kinh tế được ưu đãi đầu tư sẽ hưởng mức thuế suất thấp hơn các dự án khác. Thời gian miễn giảm cao nhất là 13 năm (4 năm miễn, 9 năm giảm)...
Sau thời gian cải cách thuế lần thứ ba (giai đoạn 2001-2010), để phục vụ các chiến lược và định hướng chuyển đổi nền kinh tế, hệ thống chính sách về thuế tiếp tục được cải cách lần thứ tư với thay đổi quan trọng nhất là giảm thuế suất thuế phổ thông. Cụ thể, mức thuế suất phổ thông qua các lần sửa Luật Thuế TNDN theo xu hướng giảm từ 28% trong giai đoạn 2001-2008 xuống còn 25% trong giai đoạn 2009-2013, 22% trong giai đoạn 2014-2015 và 20% từ ngày 01/01/2016...
Hiện nay, mức thuế suất ưu đãi cao nhất là 10% trong thời hạn 15 năm và miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với các dự án đầu tư mới trong một số lĩnh vực đặc thù, khuyến khích phát triển như công nghệ thông tin, phần mềm, năng lượng tái tạo, lĩnh vực bảo vệ môi trường...
Hai là, ưu đãi về thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Từ năm 1991, chính sách thuế nhập khẩu đã cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa tạo tài sản cố định của các DN FDI, nguyên liệu nhập khẩu để gia công cho phía nước ngoài. Giai đoạn 1995-2000, Chính phủ tiếp tục cải cách thuế xuất, nhập khẩu theo hướng khuyến khích nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất (hầu hết thuế nhập khẩu là 0%) hơn là hàng tiêu dùng; ưu tiên khuyến khích xuất khẩu hàng hóa đã qua chế biến (thuế suất 0%) hơn là đối với hàng hoá ở dạng nguyên liệu thô... Nhằm đáp ứng các yêu cầu cam kết hội nhập, đồng thời hoàn thiện các chính sách ưu đãi xuất khẩu và thu hút FDI, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tiếp tục được cập nhật, sửa đổi trong các năm 2001, 2005 và 2016. Từ năm 2016 đến nay, chính sách ưu đãi được áp dụng theo Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2016. Theo đó, Luật đã bổ sung DN công nghệ cao, DN khoa học - công nghệ, tổ chức khoa học - công nghệ được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất; bổ sung quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo.
Một số ưu đãi thuế xuất khẩu, nhập khẩu đang được áp dụng như: (i) Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công cho nước ngoài và khi xuất trả sản phẩm cho phía nước ngoài thì được miễn thuế xuất khẩu; (ii) Hàng hóa nhập khẩu để gia công được miễn thuế, hàng tạm nhập tái xuất và hàng hóa là nguyên liệu vật tư phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu có thể được kéo dài thời gian nộp thuế tới 275 ngày kể từ ngày mở tờ khai hải quan; hàng hóa tạm nhập tái xuất có thể được kéo dài thời gian nộp thuế tới 15 ngày kể từ ngày hết hạn; (iii) Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa để tạo tài sản cố định đối với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, lĩnh vực khuyến khích đầu tư và các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...
Nhìn chung, việc giảm thuế suất thuế TNDN và đa dạng hóa các hình thức ưu đãi thuế đã góp phần tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, đến 20/8/2020, Việt Nam đã thu hút được vốn đầu tư từ 106 quốc gia/vùng lãnh thổ. Các dự án FDI đã hiện diện tại 63 địa phương và đầu tư vào hầu hết các ngành nghề sản xuất - kinh doanh của Việt Nam. Việc miễn, giảm thuế đã thúc đẩy gia tăng doanh thu xuất khẩu qua các năm, đặc biệt là xuất khẩu của khu vực FDI.
Về ưu đãi đất đai: Trước ngày 30/6/2014, các ưu đãi về đất đai được chia theo 2 hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất và thuê đất, áp dụng giảm số tiền phải nộp ở các mức 20%, 30%, 50% hoặc miễn giảm về thời hạn 7 năm, 11 năm, 15 năm.
Từ đầu tháng 7/2014 đến nay, các ưu đãi về đất đai thực hiện theo Luật Đất đai năm 2013 và các nghị định quy định chi tiết về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Theo đó, Nhà nước đã thống nhất áp dụng hình thức cho thuê đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất - kinh doanh, có tính thời hạn và theo từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời, để thu hút đầu tư, tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính đất đai tại các khu kinh tế, khu công nghệ cao, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 quy định thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế, khu công nghệ cao với mức ưu đãi cao hơn các dự án đầu tư thông thường...
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, hỗ trợ về đất đai đối với DN như: (i) Giảm 50% tiền thuê đất trong giai đoạn 2011-2014; (ii) Điều chỉnh giảm tỷ lệ tính đơn giá thuê đất chung từ 1,5% (quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP) xuống còn 1% (quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP) và UBND cấp tỉnh quy định cụ thể tỷ lệ trong khung từ 0,5-3% theo từng khu vực, tuyến đường tương ứng với từng mục đích sử dụng đất để áp dụng thu tiền thuê đất tại địa phương; (iii) Áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất trong việc xác định giá đất để tính thu tiền thuê đất.
Một số khó khăn, hạn chế
Sau hơn 30 năm thu hút FDI, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, FDI đã đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam và việc sửa đổi, bổ sung chính sách tài chính là một trong những biện pháp quan trọng và cần thiết để hút nguồn vốn này. Tuy nhiên, những bất cập trong chính sách tài chính cũng đã bắt đầu nảy sinh. Trong đó, điểm hạn chế lớn nhất là mức ưu đãi thuế cao, diện ưu đãi rộng và dàn trải (đặc biệt là ưu đãi thuế TNDN) làm suy giảm nguồn thu ngân sách nhà nước…
Đồng thời, hiện nay, dù chính sách ưu đãi thuế áp dụng thống nhất cho các thành phần kinh tế, nhưng khu vực FDI đang được hưởng nhiều hơn từ chính sách ưu đãi. Điều này thể hiện rõ qua tỷ trọng về số thuế TNDN được ưu đãi miễn, giảm của DN FDI trên tổng số thuế TNDN được miễn giảm của DN cả nước là 76%; Tỷ lệ về số thuế TNDN được ưu đãi miễn, giảm của DN FDI trên tổng số thuế TNDN phải nộp tính theo thuế suất phổ thông là 48%, trong khi tỷ lệ này của DN nhà nước là 4,6%, DN ngoài quốc doanh là 14%...
Bên cạnh đó, việc lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi thuế TNDN làm cho chính sách thuế thêm phức tạp, khó quản lý, tạo nhiều lỗ hổng để DN lợi dụng giảm thuế phải nộp, gây nên tình trạng bất công bằng trong động viên thuế giữa các đối tượng. Việc dành nhiều ưu đãi về thuế và sử dụng đất đai cho các DN FDI dẫn đến việc phân bổ nguồn lực đầu tư chưa hiệu quả, chưa thu hút được vốn đầu tư vào các địa bàn khó khăn...
Giải pháp hoàn thiện chính sách tài chính thu hút vốn FDI
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, thời gian tới, cần tập trung triển khai các giải pháp sau:
Một là, rà soát tổng thể các chính sách tài chính, đặc biệt là chính sách thuế thu hút vốn FDI đang được áp dụng, để có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, hướng đến xây dựng một hệ thống thuế tốt với chi phí tuân thủ thấp...
Hai là, rà soát tổng thể danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư gắn với việc đánh giá hiệu quả của các chính sách ưu đãi về đầu tư nói chung và chính sách tài chính nói riêng trên các phương diện quy mô vốn đầu tư, quy mô vốn thực hiện, tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đầu tư, số việc làm tạo ra, kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nội địa hóa… trong mối tương quan với chi phí thuế (giảm thu NSNN). Nên lựa chọn những hình thức ưu đãi thuế nhằm khuyến khích các DN đầu tư dài hạn và giảm bớt đối tượng được áp dụng hình thức miễn thuế, giảm thuế TNDN có thời hạn và giảm bớt thời gian miễn thuế, giảm thuế...
Ba là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống chuyển giá và hiện tượng “vốn mỏng”; tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các DN phát sinh giao dịch liên kết, trong đó có DN FDI, tập trung vào các DN lỗ nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, DN hoạt động trong lĩnh vực gia công, sản xuất, lắp ráp theo các đơn hàng của công ty liên kết ở nước ngoài, các tập đoàn có nhiều DN thành viên.
Bốn là, rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để đảm bảo tính đồng bộ giữa pháp luật đất đai, pháp luật về đầu tư và các chính sách khác của Nhà nước; Xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi về đất đai để ưu đãi của Nhà nước đến được trực tiếp với người được thụ hưởng. Việc ưu đãi phải thực chất và chỉ nên thực hiện đối với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, đầu tư vào địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách.
ThS. Bùi Thị Yên - Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính Quản trị Kinh doanh
------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2020), Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/06/2020;
2. Quốc hội (2013), Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013;
3. Quốc hội (2016), Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2016;
4. Xuân Yến (2020), Thu hút FDI: Bất cập chính sách ưu đãi thuế, Báo Đấu thầu;
5. Phạm Thế Hùng, Trần Thị Lan Hương, Vũ Thị Tuyết Nhung (2020), Hoàn thiện thể chế, chính sách đối với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12/2019;
6. Nguyễn Thị Việt Nga (2019), Bàn về chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam đối với doanh nghiệp FDI, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2019.