Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Đây là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Nhiều năm qua, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng tạo điều kiện thuận lợi để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công. Việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của Đảng và Nhà nước ta.
Đất nước ta trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, thương nòi, với ý chí kiên cường, bất khuất và lòng thủy chung, nhân hậu đã đem máu xương, công sức, của cải của mình để gìn giữ độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, xây đắp giang sơn tươi đẹp cho muôn đời con cháu mai sau.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các thương binh nặng tiêu biểu nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 _Ảnh: TTXVN
Kế thừa truyền thống quý báu đó của dân tộc, trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã viết nên trang sử vẻ vang trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước. Nhiều người đã ngã xuống trên khắp các chiến trường hoặc khi trở về đã mang trên mình những thương tật suốt đời.
Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ...”(1).
Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ, đồng thời đồng ý với đề xuất chọn ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc, là dịp tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng.
Mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh - liệt sĩ và người có công với cách mạng. Từ năm 1947 đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời, được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được chế định thành các văn bản, như Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cùng nhiều chính sách ưu đãi khác; đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân.
Với quan điểm, mục tiêu nhất quán của Đảng, Nhà nước là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển của đất nước, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” là dấu mốc quan trọng tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng trong thực hiện chính sách xã hội nhằm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, tập trung vào 2 nhóm chính sách cơ bản, quan trọng trong hệ thống các chính sách xã hội là chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội.
Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng tạo điều kiện thuận lợi để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công _Ảnh: Trịnh Hải
Ngày 5-11-2020, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 92-KL/TW “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đánh giá sâu sắc những thành quả đạt được trong thời gian qua, khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta đối với công tác chính sách xã hội, trong đó có chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình “đền ơn đáp nghĩa”.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác người có công, trong đó có triển khai những nội dung, nhiệm vụ cụ thể tại Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19-7-2017, của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”, năm 2020, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) vào ngày 9-12-2020 tại Phiên họp lần thứ 51. Pháp lệnh gồm 7 chương và 58 điều đã sửa đổi cơ bản, toàn diện, bổ sung nhiều chính sách mới nhằm tiếp tục khẳng định nguyên tắc nhất quán của Đảng và Nhà nước: Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công và thân nhân của người có công với cách mạng là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng phải được xác định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Pháp lệnh sửa đổi cũng mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với người nước ngoài có công với cách mạng, bổ sung một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân hưởng chế độ ưu đãi, như người bị địch bắt tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống; bổ sung chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp tuất hằng tháng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá; quy định mức trợ cấp hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn…
Hệ thống các chính sách ưu đãi người có công ngày càng được hoàn thiện và được cả hệ thống chính trị tham gia triển khai đồng bộ, toàn diện, công tác chăm sóc người có công đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo phong trào đền ơn đáp nghĩa sâu rộng, xuyên suốt từ Trung ương đến các làng, bản, thôn xóm; chế độ, chính sách đối với người có công được mở rộng về đối tượng thụ hưởng với mức trợ cấp được nâng lên hằng năm theo điều kiện kinh tế của đất nước, đặc biệt là vấn đề giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận thương binh, liệt sĩ tại các địa phương, cơ quan công an, quân đội đã được giải quyết căn bản trong năm 2020(2).
Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mỗi năm giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần cho 6 đến 8 nghìn trường hợp, đưa trên 580 nghìn lượt người có công đi điều dưỡng định kỳ và hỗ trợ giáo dục cho khoảng 40 nghìn lượt người. Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở. Giai đoạn 2012 - 2019, mức trợ cấp đã tăng lên khoảng 40%, năm 2018 là 1.515 nghìn đồng và năm 2019 là 1.624 nghìn đồng.
Đoàn viên, thanh niên đến viếng và thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang _Ảnh: S.T
Từ năm 2012 đến cuối năm 2019, về cơ bản, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ dứt điểm nhà ở cho 393.707 hộ người có công trên cả nước, vượt mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đề ra. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công về nhà ở đã và đang giúp họ ổn định hơn trong cuộc sống, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng sống và được các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội đồng tình ủng hộ. Mạng lưới các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng được quy hoạch tổng thể, rộng khắp trong cả nước với 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự đủ để đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng. Đã chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ với 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 các công trình ghi công liệt sĩ trên khắp cả nước. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng.
Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Do đó, cần biến nhận thức thành hành động thiết thực, cụ thể, tích cực góp phần vào việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” trở thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội.
Trong thời gian tới, cùng với việc tổ chức thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi người có công, coi đây là một lĩnh vực trọng tâm, hàng đầu, trong đó chú trọng các vấn đề:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ; không ngừng chăm lo thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, coi đây vừa là đạo lý tốt đẹp, vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người Việt Nam.
Thế hệ trẻ lắng nghe lời chỉ bảo của Mẹ Việt Nam Anh hùng _Ảnh: S.T
Thứ hai, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, nội dung mới của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020. Thường xuyên đánh giá tổng kết và nghiên cứu toàn diện các vấn đề còn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh một cách cụ thể, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi để các chính sách ưu đãi người có công thực sự đi vào cuộc sống.
Thứ tư, ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công, như phụng dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, thiết thực giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh bằng các hoạt động cụ thể. Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa công tác chăm lo đời sống người có công với cách mạng trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước.
Thứ năm, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác chăm lo đời sống người có công với cách mạng, đẩy nhanh công tác tìm kiếm hài cốt gắn với xác định danh tính liệt sĩ. Cùng với việc chú trọng thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc lợi dụng chính sách để trục lợi, cần bảo đảm khách quan và công bằng giữa các đối tượng, tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với chính sách ưu đãi người có công.
Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ năm nay cũng là thời điểm cả nước phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19-7-2017, của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”. Đây là nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, nhưng cũng là trách nhiệm, là đạo lý của mỗi người dân Việt Nam để tiếp tục thắp sáng ngọn lửa tri ân đối với người có công với cách mạng.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, t. 10, tr. 3
(2) Đã xem xét giải quyết được 5.900 trường hợp tồn đọng; thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho hơn 2.000 liệt sĩ, thẩm định trên 2.500 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.
NGUYỄN BÁ HOAN
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội