Bài viết tập trung phân tích những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, từ đó đề xuất các giải pháp để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiệu quả.
Ảnh minh họa
1. Chính sách vốn dành cho phát triển nông nghiệp bền vững
Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đầu tư từ vốn NSNN cũng như ưu đãi thu hút đầu tư xã hội vào khu vực nông nghiệp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành khá đầy đủ nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, bao gồm các chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Vốn đầu tư cho nông nghiệp gồm: (i) ngân sách trung ương dành khoản ngân sách tương đương tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hằng năm; (ii) ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương hằng năm; (iii) các bộ ngành và địa phương được sử dụng nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và các quỹ hợp pháp để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp. Về nguồn lực đầu tư, Chính phủ đã ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu chính phủ và tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Về chính sách tín dụng ngân hàng; Đảng và Chính phủ luôn xác định nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, do đó đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này như: (i) chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất nông nghiệp. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn bằng VND để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; (ii) chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp. Đây là chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; (iii) chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Kết quả đến cuối tháng 4/2021, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 2.363.955 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2020 và chiếm tỷ trọng 24,69% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (cùng kỳ năm 2020 tăng 0,87%; cuối năm 2020 tăng 11,52%).
Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tạo sự hấp dẫn về cơ chế, chính sách, thu hút nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chính phủ yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước, dành ít nhất 100 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường).
2. Những vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp
2.1. Một số tồn tại, hạn chế:
Mặc dù các chính sách về vốn hiện nay đã hướng tới việc tạo điều kiện phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau:
Một là, vốn đầu tư của NSNN cho nông nghiệp còn hạn chế, phát huy hiệu quả chưa cao. Trong thời gian qua, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, mới đáp ứng 55-60% nhu cầu. Bên cạnh đó, do thiếu vốn đầu tư nên cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn còn lạc hậu. Để đạt được nền nông nghiệp hiện đại, bền vững thì nông nghiệp phải được dựa trên nền nông nghiệp số. Nếu nông nghiệp công nghệ cao là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, thì nông nghiệp số chính là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp, mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp; từ đó góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển sản xuất theo quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vì vậy mà phát triển nông nghiệp số là xu hướng tất yếu của mọi quốc gia trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Sản xuất nông nghiệp của nước ta về cơ bản vẫn dựa trên lao động thủ công là chính, tự động hóa về cơ bản chưa được ứng dụng. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp lạc hậu dẫn đến năng suất lao động của khu vực này thấp. Ngoài ra, do hạn chế của việc thiếu vốn đầu tư nên việc mở rộng các ngành, các lĩnh vực sản xuất trong nông nghiệp đều gặp khó khăn và diễn ra chạm.
Hai là, tác động đối với việc phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững còn hạn chế. Xét trên bản đồ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam thì dòng “vốn chảy” vào lĩnh vực nông nghiệp còn khiêm tốn. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI chủ yếu tập trung vào những ngành có tỷ suất lợi nhuận cao như công nghiệp chế biến, chế tạo (năm 2020 đạt 13,6 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, nâng tổng số vốn đầu tư lũy kế vào lĩnh vực này là khoảng 223 tỷ USD, chiếm 58,5% tổng vốn đầu tư); bất động sản; sản xuất phân phối điện; bán buôn, bán lẻ...; còn các lĩnh vực khác cần khuyến khích phát triển nhưng có tỷ suất lợi nhuận thấp, rủi ro cao như lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản... thì số lượng dự án đầu tư còn hạn chế. Số dự án đăng ký trong ngành nông, lâm, thủy sản vẫn ít và chiếm tỷ trọng vốn rất thấp trong tổng vốn đăng ký theo các năm. Tính đến cuối năm 2020, vốn FDI vào nông nghiệp đạt khoảng 0,97% tổng vốn FDI vào Việt Nam, trong khi mức trung bình toàn cầu là 3% của tổng vốn FDI.
Ba là, việc tiếp cận tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và hộ dân còn khó khăn. Đối tượng được cho vay ưu đãi nông nghiệp còn hạn chế. Cụ thể, các đối tượng muốn tiếp cận vốn ưu đãi đối với nông nghiệp công nghệ cao phải thỏa mãn các tiêu chí của Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017, trong khi Quyết định này chỉ đưa ra tiêu chí đối với các đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi đó, để phát triển được nông nghiệp công nghệ cao thì thị trường tiêu thụ sản phẩm (sản xuất và cung ứng theo chuỗi) cũng có ý nghĩa quyết định. Do đó, việc chỉ đưa ra các ưu đãi về vốn vay đối với người trực tiếp sản xuất mà bỏ qua các khâu còn lại trong chuỗi cung ứng cũng gây khó khăn cho quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Các mô hình liên kết số lượng còn ít, chưa hiệu quả nên cũng khó tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi. Bên cạnh đó, các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp liên kết chưa có phương án sản xuất – kinh doanh khả thi, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định để ngân hàng thẩm định và cho vay. Nông nghiệp là một trong các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng các cơ chế xử lý, phòng ngừa rủi ro như bảo hiểm trong nông nghiệp chưa được triển khai mạnh mẽ. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp còn manh mún nhỏ lẻ; sản xuất theo chuỗi giá trị chưa được tổ chức và phát triển hợp lý; trình độ chế biến sâu còn hạn chế nên giá trị gia tăng thấp... Do đó, mặc dù nguồn vốn của ngân hàng luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn này.
2.2. Một số kiến nghị và giải pháp:
Thứ nhất, NSNN tiếp tục ưu tiên phát triển nông nghiệp nông thôn, thu hút các nguồn lực trong nền kinh tế đầu tư cho nông nghiệp Chính sách đầu tư công cho phát triển nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn một số vấn đề đặt ra. Do đó, hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục được điều chỉnh, hoàn thiện trong thời gian tới, như tăng chi đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phân bổ NSNN bảo đảm hài hòa lợi ích của các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương thuần nông. Ngoài ra, để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là thông qua hình thức PPP, cần có giải pháp đột phá nhằm tận dụng lợi thế về vốn, trình độ, năng lực quản trị và cả thế mạnh về chuỗi cung ứng của các tập đoàn hàng đầu thế giới, cũng như của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ hai, hoàn thiện cơ sở pháp lý và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục tiếp cận vốn vay nông nghiệp Nhà nước cần có cơ chế định giá đất nông nghiệp đối với một số địa phương theo giá thị trường để tạo điều kiện cho khách hàng có cơ sở thế chấp cho khoản vay, bảo đảm đầu tư đủ vốn cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Số hóa nông nghiệp gắn liền với việc hiện đại hóa tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ thì quá trình này đòi hỏi phải có đủ quy mô về vốn và mặt bằng. Vấn đề này hiện nay chỉ các tập đoàn lớn có thể giải quyết được, trong khi cũng giống như tình trạng của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp nông nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách huy động các nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư, tổ chức, cá nhân cũng như xác lập quyền tài sản trên đất nông nghiệp, bao gồm cả nhà lưới, nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiêu… để doanh nghiệp có cơ sở vay vốn, mở rộng và nới các tiêu chuẩn để các cơ sở sản xuất nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn đầu tư cho việc chuyển đổi số của mình.
Thứ ba, trước xu thế chuyển đổi số của ngành nông nghiệp các tổ chức tín dụng (TCTD) cần xây dựng định hướng đầu tư tín dụng với lĩnh vực nông nghiệp, phù hợp với thực tế và quy hoạch phát triển ngành, trong đó chú trọng vào một số nội dung như: (i) Đánh giá lại nhu cầu thị trường, nghiên cứu các định hướng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp và các nông sản chủ lực để xây dựng định hướng đầu tư tín dụng với lĩnh vực nông nghiệp, nhằm đa dạng hóa danh mục tín dụng và nâng cao chất lượng tín dụng; (ii) Đầu tư tín dụng hướng tới sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tăng khả năng liên kết trong chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam; (iii) Tăng tỷ trọng phục vụ hoạt động chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị, chất lượng nông sản; (iv) Chú trọng cho vay trên cơ sở các hợp đồng liên kết giữa cơ sở chế biến xuất khẩu với người sản xuất; (v) Liên kết thông qua mô hình cánh đồng lớn, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, trọng tâm hướng tới các doanh nghiệp giữ vai trò “đầu tàu”, “trụ cột” để dẫn dắt, đưa khoa học công nghệ, trình độ quản trị… vào chuỗi giá trị; (vi) Cho vay thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp số theo vùng sản xuất tập trung, tập trung vào các danh mục sản phẩm chủ lực, các thế mạnh của địa phương theo định hướng chung và trên cơ sở lợi thế so sánh của địa phương, của vùng, qua đó nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng. Trong đó, lưu ý thực tế phát triển thế mạnh của từng vùng trong thời gian qua, định hướng phát triển vùng tại Kế hoạch theo Quyết định số 255/QĐ-TTg và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố trong thời gian tới; (vii) Rà soát để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn của khách hàng; nghiên cứu các hình thức cho vay phù hợp với yêu cầu phát triển cây trồng, vật nuôi và tăng cường tính liên kết giữa cơ sở chế biến và vùng nguyên liệu; xây dựng tiêu chí đánh giá tín dụng trên cơ sở cân nhắc và sử dụng mối quan hệ và thông tin chuỗi bên cạnh việc dựa trên thông tin khách hàng vay; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người dân ở nông thôn đều nắm bắt được các chủ trương, chính sách của nhà nước và các quy định của TCTD về cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời xử lý khó khăn vướng mắc của khách hàng trong quá trình cho vay.
Các TCTD cần đơn giản hóa, nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt điều kiện cho vay phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp; cải thiện điều kiện tiếp cận vốn, bao gồm cả điều kiện về tài sản thế chấp như: mở rộng cho vay đối với hộ nông dân không phải thế chấp tài sản; bổ sung đối tượng khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; xem xét nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm và kéo dài thời gian cho vay.
Trong thời gian qua, chính sách tín dụng ngân hàng đối với nông nghiệp ở nước ta hầu hết ưu ái cho khu vực chính thức và hướng vào các ngân hàng thương mại lới. Nhà nước chưa hình thành hệ thống tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp cung ứng cho lĩnh vực nông nghiệp. Các sản phẩm tín dụng cung ứng của các TCTD còn đơn điệu, chủ yếu cho vay theo nhóm, cho vay hạn mức... Bên cạnh các chính sách, ưu đãi tạo điều kiện cho khu vực tín dụng chính thức phát triển, Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi khuyến khích cho khu vực tín dụng phi chính thức.
Ngân hàng Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định 116/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP, trong đó nêu cụ thể nội dung sửa đổi, bổ sung gửi về NHNN trước ngày 30/6/2021.
Phát triển nông nghiệp bền vững là một hợp phần quan trọng không thể thiếu của phát triển bền vững nền kinh tế, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đồng thời là xu hướng tất yếu của thời đại. Do đó, các chính sách tài chính cần được nghiên cứu, rà soát và sửa đổi để phù hợp với bối cảnh mới của nền kinh tế - xã hội, đồng thời có thể góp phần khuyến khích lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo các mục tiêu đã đề ra.
Ths. Trần Trọng Triết
-------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ (2019), Tổng luận số 7/2019 – Chính sách phát triển nông nghiệp bền vững của một số quốc gia và một số khuyến nghị cho Việt Nam trong bối cảnh mới. 2. Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; 3. Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010; Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; 4. Thông tư số 08/2014/TT-BNNPTNT ngày 20/3/2014 hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. 5. Thông tư số 02/2016/TT-BNNPTNT ngày 22/02/2016 về sửa đổi, bổ sung danh mục chủng loại máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp ban hành theo Thông tư số 08/2014/TT-BNNPTNT ngày 20/3/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 6. Quyết định số 3073/QĐ-BNN-CB ngày 09/7/2014 về thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam; 7. Thông tư số 13/2014/TT-NHNN ngày 18/4/2014 hướng dẫn cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; 8. Thông tư số 89/TT-BTC ngày 07/07/2014 về hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; 9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2020), Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; 10. Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; 11. Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; 12. Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2017; 13. Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ IV; 14. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025; định hướng đến năm 2030; 15. Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; 16. Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 về Đề án phát triển sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030; 17. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (5/2021), Báo cáo hoạt động ngân hàng tháng 5/2021.