Hoàn thiện cơ chế tổ chức thực thi pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật”.

Cơ chế tổ chức thực thi pháp luật

Như vậy, việc hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật được xác định là một trong những nhiệm vụ trong tâm trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Theo đó, tổ chức thực hiện pháp luật là các hoạt động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các tổ chức, cá nhân được trao quyền thực hiện nhằm bảo đảm cho các yêu cầu của pháp luật được hiện thực hóa trong đời sống xã hội.

Nhà nước pháp quyền xã hội Chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam mà chúng ta đang xây dựng là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, trong đó hiến pháp và pháp luật có vị trí tối thượng, nguyên tắc thượng tôn pháp luật được đề cao trong mọi hoạt động của Nhà nước và xã hội. Đó là những chuẩn mực để nhà nước, các cơ quan, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước, các tổ chức khác trong xã hội, các cá nhân thực hiện, hoạt động theo chuẩn mực đó vì một xã hội ổn định, phát triển. Mặt khác, trong Nhà nước pháp quyền XHCN, việc thực thi quyền lực nhà nước thể hiện ở ba phương diện gồm lập pháp, hành pháp, tư pháp. Điều đó cũng có nghĩa là, tổ chức thực hiện pháp luật là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, các chủ thể có thẩm quyền tổ chức đưa pháp luật vào đời sống xã hội, làm cho pháp luật sau khi ban hành có hiệu lực thực thi trên thực tế, giúp cho xã hội và đất nước ổn định và phát triển đúng hướng.

Trong quá trình đó, cơ chế tổ chức thực thi pháp luật có vai trò rất quan trọng. Cơ chế đó bao gồm: Đầu tiên là hệ thống các cơ quan nhà nước, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định, là chủ thể chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật; tiếp đến là cơ sở pháp lý và các điều kiện bảo đảm cho tổ chức thực hiện pháp luật như điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ nhận thức của nhân dân; và cuối cùng là nội dung tổ chức thực hiện pháp luật, phương thức vận hành của quá trình tổ chức thực hiện pháp luật. Các yếu tố này có mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ và được vận hành trên cơ sở các nguyên tắc đã được pháp luật quy định.

Kết quả thực hiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật

Nhìn chung, thời gian qua cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật đã đạt được nhiều tiến bộ, thể hiện ở một số khía cạnh như:

- Tổ chức của các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã được đổi mới, sắp xếp, tinh gọn, chức năng, nhiệm vụ được phân định rõ ràng, cụ thể hơn; cơ chế phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan nhà nước theo chiều dọc từ trung ương tới các cấp chính quyền địa phương, giữa các cơ quan nhà nước cùng cấp theo chiều ngang được xác định và hoạt động trên cơ sở pháp luật…

- Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết được quan tâm và thực hiện tích cực hơn.

- Chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng lên. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật bám sát thực tiễn, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đa dạng, phong phú nhằm phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, địa bàn. Nhờ vậy, nhận thức và ý thức pháp luật của nhân dân được nâng lên.

- Các chủ thể tổ chức thực hiện pháp luật thực hiện tốt chức năng, thẩm quyền, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiều biện pháp khác nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp. Thể chế về công tác tổ chức thi hành pháp luật cũng từng bước được hoàn thiện; thủ tục hành chính được cải cách theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các vi phạm pháp luật được xử lý nghiêm minh.

- Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật được nâng cao, công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật được chú ý, đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, kỹ năng tổ chức thực hiện pháp luật và đạo đức công vụ.

- Nguồn lực vật chất đầu tư cho tổ chức thực hiện pháp luật được Nhà nước quan tâm, coi đây là nhân tố quan trọng bảo đảm thực thi pháp luật.

Một số hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, như:

- Việc đổi mới tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước vẫn còn bộc lộ một số bất cập. Việc thực hiện điều chỉnh cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp, pháp luật và thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm và chất lượng chưa đảm bảo.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả.

- Việc triển khai tổ chức thực hiện pháp luật có nơi, có lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, nhận thức và thực thi pháp luật chưa thống nhất, cơ chế thực thi và phối kết hợp giữa các cơ quan nhà nước còn bất cập, chưa hiệu quả. Quá trình tổ chức thực hiện pháp luật chưa được giám sát, phản biện và kiểm tra, đánh giá một cách hiệu quả.

Thực tiễn cho thấy, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu, chưa gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật. Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Những hạn chế đó xuất phát từ một số nguyên nhân: (1) Hệ thống các văn bản pháp luật còn bất cập, vướng mắc nên tổ chức thực hiện khó khăn, chưa kịp thời. (2) Cơ chế phân cấp, phân quyền và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước chưa thực sự phù hợp và hiệu quả, (3) Một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ, năng lực trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật. (4) Công tác tổ chức thực hiện pháp luật chưa thực sự được coi trọng và tập trung chỉ đạo.

Giải pháp hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật trong giai đoạn hiện nay

Để cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

1.Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tổ chức thực hiện pháp luật. Theo đó, quá trình đổi mới, hoàn thiện cần được thực hiện ở tất cả các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp: Tổ chức của Quốc hội cần được đổi mới, cơ chế thực thi nhiệm vụ và trách nhiệm của các Ủy ban của Quốc hội cần được xác định rành mạch; Nâng cao chất lượng lập pháp, quyết định và giám sát tối cao của Quốc hội. Chính phủ tiếp tục tinh gọn bộ máy, kiện toàn tổ chức, tiếp tục cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính pháp quyền, phục vụ nhân dân, dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, minh bạch. Cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan tư pháp.

2. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật: Hoàn thiện các quy định pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, quy định chặt chẽ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và mọi công dân trong việc thi hành pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

3. Đổi mới về nội dung và phương thức tổ chức thực hiện pháp luật. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phát triển hệ thống thông tin pháp luật, trợ giúp pháp lý, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với hệ thống pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật, trên cơ sở đánh giá thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật, xử lý những tình huống khách quan, rút ra những bài học kinh nghiệm để từ đó tổ chức thực hiện tốt hơn.

4. Nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tổ chức thực hiện pháp luật. Xây dựng và thực hiện chính sách thỏa đáng về lương, chế độ đãi ngộ, thu hút đối với những người làm công tác tổ chức thực hiện pháp luật. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt. Quy định rõ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…

5. Đầu tư nguồn lực vật chất, kinh phí thỏa đáng cho công tác tổ chức thực hiện pháp luật. Quá trình tổ chức thực hiện pháp luật cũng như để bảo đảm cho cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật vận hành hiệu quả, cần một nguồn lực vật chất tương xứng để đầu tư vào việc tuyên truyền phổ biến pháp luật; cho việc đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi số v.v…

Để tiếp tục tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa công tác xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thời gian tới Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ: (1) Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp tục siết chặt kỷ luật, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. (2) Chính phủ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho công tác thi hành pháp luật. (3) Tăng cường các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật… (4) Thực hiện nghiêm túc, khẩn trương việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội. (5) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm. (6) Tập trung hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, 2024 theo Nghị quyết số 89 của Quốc hội và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ lập pháp còn lại của cả nhiệm kỳ… (7) Các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh giám sát công tác thi hành pháp luật, triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội tại địa phương. (8) HĐND và UBND các cấp tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm và sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện quy định pháp luật ở địa phương; huy động sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, sự ủng hộ và đồng hành của các tầng lớp Nhân dân ở địa phương trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật./.

Ths. Nguyễn Bùi Minh Long

...
  • Tags: