Hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập

Đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) là các đơn vị do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập, thuộc sở hữu của Nhà nước, là đơn vị dự toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng, tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của Luật Kế toán. Có thể kể đến các đơn vị sự nghiệp công lập, như: trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, văn hóa, sở khoa học công nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam…

Cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được hiểu là cơ chế mà theo đó các đơn vị sự nghiệp công được trao quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về các khoản thu, khoản chi của đơn vị mình, nhưng không vượt quá mức khung do Nhà nước quy định.

Thực hiện tự chủ tài chính đối với ĐVSNCL

Có 3 mục đích chính khi thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập:

1. Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp trong việc tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao; phát huy mọi khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao cho xã hội; tăng nguồn thu, nhằm từng bước giải quyết thu nhập cho người lao động; phát huy tính sáng tạo, năng động, xây dựng “thương hiệu riêng” cho đơn vị mình.

2. Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc cung cấp dịch vụ cho xã hội, huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp, từng bước giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước.

3. Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp, Nhà nước vẫn quan tâm đầu tư để hoạt động sự nghiệp ngày càng phát triển; bảo đảm cho các đối tượng chính sách – xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ theo quy định ngày càng tốt hơn.

Từ nhiều năm qua, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các ĐVSNCL là chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhằm vừa giúp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, vừa giảm gánh nặng chi tiêu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Song song với đó, Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các ĐVSNCL theo hướng ngày càng hiệu quả, đi vào thực chất. Tuy nhiên, thực tế triển khai cơ chế này luôn phát sinh những vấn đề mới và phức tạp nên rất cần có những nghiên cứu chuyên sâu để bổ sung hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính; chỉ rõ nguyên nhân của các vướng mắc, tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp khả thi, hiệu quả nhằm tiếp tục thúc đẩy thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các ĐVSNCL…

Với tinh thần đó, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị thực hiện các biện pháp đổi mới, tổ chức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Sự ra đời các chính sách quy định về cơ chế tự chủ tài chính của các ĐVSNCL đã tạo chuyển biến tích cực để thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực này. Gần đây nhất có các cơ chế, chính sách như:  Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2021; Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 05/9/2022 của Chính phủ về phương án phân loại tự chủ tài chính của ĐVSNCL; Thông tư số 56/TT-BTC ngày 16/9/2022 của BộTài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL… Từ đó, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai áp dụng vào đơn vị mình và đạt kết quả tích cực; số lượng ĐVSNCL được giao nhiệm vụ tự chủ cũng tăng lên.

Do được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, các ĐVSNCL đã chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính cho các hoạt động chuyên môn; phân bổ hợp lý các khoản chi trong phạm vi dự toán ngân sách được giao; áp dụng các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tiết kiệm, tạo nguồn chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên; trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để tái đầu tư, phát triển đơn vị, tăng nguồn thu của đơn vị so với giai đoạn trước khi tự chủ, từ đó giảm gánh nặng cho NSNN.

Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các ĐVSNCL còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như:

1. Sau hơn 20 năm thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ĐVSNCL, đến nay chưa có bước chuyển biến đột phá.

 2. Một số chính sách là điều kiện quan trọng để thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ĐVSNCL chưa được sửa đổi, bổ sung và ban hành đầy đủ, kịp thời.

3. Một số ĐVSNCL khi mở rộng hoạt động dịch vụ còn chạy theo số lượng, mà không quan tâm đến chất lượng hoạt động, lạm dụng kỹ thuật để tăng thu.

4. Hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL vẫn có khoảng cách lớn giữa các vùng, miền, giữa trung ương với địa phương, nên việc khai thác các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển cho hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế.

5. Tuy đã đẩy mạnh tuyên truyền về lĩnh vực này, nhưng thực tế các ĐVSNCL ít hiệu quả, chưa thay đổi được nhận thức của người dân khi thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công là phải cùng tham gia với Nhà nước trong việc chia sẻ, đóng góp chi phí. Chủ trương không phân biệt giữa ĐVSNCL và ngoài công lập và việc hợp tác công - tư trong hoạt động sự nghiệp còn thiếu rõ ràng.

6. Việc triển khai lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí trong giá dịch vụ sự nghiệp công, chuyển đổi từ phí sang giá còn khó khăn. Cơ chế phân bổ, sử dụng NSNN vẫn thực hiện theo yếu tố đầu vào và theo biên chế; đầu tư chưa gắn với chất lượng sản phẩm dịch vụ công, chưa thu hút được nguồn lực xãhội vào việc xã hội hóa dịch vụ công.

7. Công tác quản trị nội bộ còn yếu kém. Chất lượng đội ngũ viên chức chưa cao, năng suất lao động thấp. Cơ cấu đội ngũ viên chức chưa hợp lý, đội ngũ viên chức làm phục vụ chiếm tỷ lệ cao. Việc thu hút nhân tài vào làm việc trong ĐVSNCL còn hạn chế.

Giải pháp khắc phục

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp cụ thể sau đây:

1. Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, sắp xếp và tổ chức lại hoạt động của các ĐVSNCL theo tinh thần của Nghị quyết số 19/NQ-TW. Các bộ, ngành cần kịp thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về hoạt động của các ĐVSNCL, đưa ra giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 19/NQ-TW, tiến tới giảm dần số lượng các ĐVSNCL do NSNN bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, tăng số lượng các đơn vị tự chủ tự bảo đảm về tài chính.

2. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về cơ chế tự chủ tài chính của các ĐVSNCL đối với người đứng đầu, người lao động trong các ĐVSNCL, giúp họ vừa thấy rõ được vai trò, sự ưu việt của cơ chế mới, vừa xây dựng kế hoạch, bước đi, lộ trình cụ thể gắn với chính đơn vị họ đang công tác, tránh để việc thực hiện cơ chế tự chủ theo kiểu phong trào.

3. Cần đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các ĐVSNCL cung cấp dịch vụ sự nghiệp công với các đơn vị cung cấp dịch vụ ngoài công lập, tạo sức ép buộc các ĐVSNCL phải đổi mới, năng động hơn trong hoạt động. Cùng với đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng thực hiện dịch vụ sự nghiệp công có lộ trình cụ thể, cần thực hiện cơ chế đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở ngoài công lập cùng tham gia cung cấp; giảm dần các sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, giao kế hoạch.

4. Không ngừng hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL và hiệu quả hoạt động của các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở đưa ra các chỉ tiêu đánh giá hoàn thành nhiệm vụ liên quan đến cơ chế tự chủ của các ĐVSNCL. Các chỉ tiêu đánh giá này sẽ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành phù hợp theo đặc điểm hoạt động của các ngành, lĩnh vực, các địa phương. Chủ động nghiên cứu, áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp tiên tiến, hiện đại vào các ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Các ĐVSNCL phải xây dựng hệ thống tiêu chí nhằm đo lường, đánh giá kết quả của các hoạt động sự nghiệp, thực hiện các chương trình, hoạt động, nhiệm vụ được giao, so sánh với chi tiêu sự nghiệp để làm cơ sở đánh giá mức độ hiệu quả khi thực hiện nhiệm vụ trên số kinh phí tiêu hao. Tiếp tục hoàn thiện chế độ kế toán; thực hiện chế độ kiểm toán, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động tài chính của ĐVSNCL nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm, tránh lãng phí.

5. Cần thay đổi căn bản cách xác định mức độ tự chủ tài chính của ĐVSNCL trên cơ sở phân định rõ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và hoạt động kinh doanh dịch vụ của đơn vị, từ đó nhất quán nguyên tắc NSNN chỉ hỗ trợ đối với các nhiệm vụ nhà nước giao; đối với các sản phẩm dịch vụ công cung cấp theo nhu cầu xã hội, thì thực hiện theo nguyên tắc thị trường, lấy thu bù chi, Nhà nước không hỗ trợ./.

Ths.  Nguyễn Văn Đam

...
  • Tags: