Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, trong phạm vi bài viết này, các tác giả góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) ngày 31/3/2023 của Chính phủ.
1. Sự cần thiết và cơ sở ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi)
1.1. Về chính trị, pháp lý
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”[1];
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nêu rõ: “Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia...”;
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nhấn mạnh: "Xây dựng và triển khai chiến lược phát triển hạ tầng thông tin, hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông cho giai đoạn tới theo định hướng hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt, ưu tiên đầu tư phát triển nhanh, đi trước một bước".
Trên cơ sở đánh giá chi tiết, Quốc hội đã thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) và bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trong đó đưa Luật Viễn thông (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 06/7/2022 về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo Luật Viễn thông (sửa đổi)[2].
1.2. Về thực tiễn
Luật Viễn thông được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2010, có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về viễn thông ở nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa. Sau hơn 12 năm áp dụng, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường. Mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông hiện đại, chất lượng dịch vụ viễn thông được hoàn thiện và nâng cao, phát triển thị trường viễn thông đa dạng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Viễn thông đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới:
- Xu hướng hội tụ giữa viễn thông, phát thanh truyền hình, công nghệ thông tin và tự động hóa đặt ra yêu cầu mới đối với lĩnh vực viễn thông. Công nghệ phát triển đã tạo ra các loại hình dịch vụ, mô hình kinh doanh mới thúc đẩy việc hình thành cơ sở hạ tầng viễn thông mới kết hợp với các hạ tầng kỹ thuật khác phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội, của nền kinh tế. Lĩnh vực viễn thông mở rộng thêm các thành phần hạ tầng và dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu là hạ tầng phục vụ kinh tế số, xã hội số;
- Các quy định về quản lý và điều tiết thị trường hiện nay đã thể hiện một số bất cập như: chưa có quy định về hoạt động bán buôn trong viễn thông (cho thuê hạ tầng và bán lưu lượng dịch vụ giữa các doanh nghiệp) để tránh đầu tư lặp lại cơ sở hạ tầng viễn thông, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng, đồng thời tạo thuận lợi cho gia nhập thị trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cung cấp các dịch vụ mới; chưa quy định cụ thể về nghĩa vụ của các doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường trong việc cho thuê hạ tầng, bán buôn lưu lượng theo thông lệ quốc tế;
- Việc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp hiện nay chỉ có một hình thức cấp phép và quy trình, thủ tục giống nhau cho các loại giấy phép, chưa phân loại theo tính chất, đặc điểm của từng loại mạng, dịch vụ viễn thông (quy mô, đối tượng cung cấp dịch vụ, sử dụng tài nguyên viễn thông,...); điều kiện cấp phép là vốn pháp định và mức cam kết đầu tư theo số tiền cụ thể không còn phù hợp;
- Xu thế phát triển dịch vụ vệ tinh chùm với các dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam đặt ra yêu cầu về bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ dữ liệu, quyền lợi của người sử dụng; đồng thời, tác động đến thị trường dịch vụ băng rộng cố định và di động mặt đất trong nước;
- Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)..., với những cam kết mới và cao hơn so với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Yêu cầu đặt ra là cần nội luật hóa các cam kết và xem xét bổ sung, hoàn thiện một số quy định để thực thi các cam kết, trong tình hình phải bảo đảm an toàn, an ninh, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng;
- Môi trường pháp luật chung có nhiều thay đổi, từ sau năm 2010, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Quy hoạch, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Luật Giá... đã được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung có các nội dung liên quan đến lĩnh vực viễn thông. Do đó, Luật Viễn thông cần được xem xét, điều chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
2. Một số góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi)
2.1. Về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với các điều ước quốc tế; tính khả thi của Dự thảo Luật
Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương với 73 điều, chỉ giữ nguyên 09 điều so với Luật Viễn thông năm 2009. Với việc sửa đổi toàn diện Luật và đồng thời có nhiều quy định mới bổ sung, nội dung của Dự thảo Luật liên quan tới phạm vi điều chỉnh của nhiều luật[3]. Do đó, các tác giả đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các đạo luật về tư pháp và các đạo luật đang được xem xét, sửa đổi, bổ sung như: Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13;Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13; Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13; Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13; Luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13; Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12; Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11; Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13...
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật có tới 17 điều, khoản có nội dung giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết, trong đó có điều khoản giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết nhưng chưa xác định những nguyên tắc cơ bản làm cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết; có điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết nhưng lại có nội dung hạn chế quyền công dân là không tuân thủ quy định của Điều 14 Hiến pháp năm 2013[4]. Ví dụ như khoản 6 Điều 20, khoản 8 Điều 25... của Dự thảo Luật.
Hơn nữa, Dự thảo Luật tuy đã giao Chính phủ quy định chi tiết 03 thủ tục: một là, thủ tục ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông (khoản 4 Điều 27); hai là, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép viễn thông (khoản 4 Điều 35); ba là, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông (khoản 3 Điều 37), nhưng chưa quy định và cũng không giao Chính phủ quy định chi tiết thủ tục yêu cầu chấm dứt hoạt động.
Ngoài ra, cách diễn đạt các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông (Điều 9 Dự thảo Luật)[5] có chỗ chưa thống nhất, chưa đầy đủ so với quy định của Bộ luật Hình sự[6].
Vì vậy, các tác giả đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung để có thể luật hóa tối đa các quy định và bảo đảmtính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật cũng như bảo đảm tính khả thi của Dự thảo Luật.
2.2. Về chính sách của Nhà nước về viễn thông
Khoản 3 Điều 4 Dự thảo Luật giữ nguyên quy định của Luật Viễn thông năm 2009 về chính sách: “Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; phân định rõ hoạt động viễn thông công ích và kinh doanh viễn thông".
Các tác giả cho rằng, nếu giữ nguyên chính sách này là chưa phù hợp và chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng, được thể hiện trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đó là: "Phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Tập trung phát triển mạnh một số ngành dịch vụ như: du lịch, thương mại, viễn thông... tạo bứt phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia...". Hơn nữa, việc giữ nguyên chính sách này sẽ không khắc phục được hạn chế của Luật đã được Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ra trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Viễn thông năm 2009.
Vì vậy, các tác giả đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện chính sách của Nhà nước về viễn thông, một nội dung quan trọng trong 03 đột phá chiến lược mà Đảng ta đã đề ra.
2.3. Về thủ tục hành chính và cải cách thủ tục hành chính
Theo Báo cáo đánh giá tác động số 34/BC-BTTTT ngày 31/3/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Dự án Luật này tuy đã bãi bỏ 06 thủ tục hành chính, nhưng lại quy định mới 11 thủ tục hành chính.
Các tác giả đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, giảm bớt thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
2.4. Về tính minh bạch và ngôn ngữ, kỹ thuật của Dự thảo Luật
Các tác giả nhận thấy, Dự thảo Luật còn một số điều khoản chưa bảo đảm tính minh bạch, một số quy định còn chung chung, cách diễn đạt còn chưa rõ ràng, dễ hiểu, chưa đáp ứng yêu cầu tại khoản 3 Điều 5 và khoản 1, khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật[7].
Ví dụ như: quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 "Hoạt động không phù hợp với nội dung giấy phép viễn thông được cấp, gây hậu quả nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác"; quy định tại khoản 6 Điều 5 "Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp điểm truy nhập mạng viễn thông và các điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết khác để cơ quan đó thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và bảo đảm an ninh thông tin"; quy định tại khoản 4 Điều 6 "Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ các thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm nhưng không giới hạn ở các thông tin như: tên, địa chỉ, số thuê bao, các thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông (số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi, địa chỉ Internet) và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:”[8]...
Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý các điều khoản, các quy định và cách diễn đạt trong Dự thảo Luật./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
[2] Chính phủ (2023), Tờ trình số 98/TTr-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
[3] Theo thống kê, hiện có đến 205 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực, được nhóm theo thẩm quyền và nội dung có liên quan đến Luật Viễn thông năm 2009; 12 điều ước quốc tế có liên quan đến Luật Viễn thông năm 2009 và quyền con người, trong đó riêng Luật và Bộ luật đã có đến 64 văn bản. Văn bản hướng dẫn thi hành có đến 260 văn bản (Nghị định: 72 văn bản; Thông tư: 65 văn bản; Thông tư liên tịch: 04 văn bản). Điều ước quốc tế có 12 văn bản (Hiệp định, Công ước).
1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
[5] Điều 9. Các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông
1. Lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
2. Thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác.
3. Cản trở trái pháp luật, gây rối, phá hoại việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, việc cung cấp và sử dụng hợp pháp các dịch vụ viễn thông.
4. Sử dụng thiết bị viễn thông không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật hoặc sử dụng thiết bị viễn thông thuộc Danh mục thiết bị viễn thông bắt buộc kiểm định nhưng chưa thực hiện việc kiểm định. Thiết lập trái phép cơ sở hạ tầng viễn thông.
[6] Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Điều 155. Tội làm nhục người khác
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến
03 năm:
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.
Điều 285. Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật
1. Người nào sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm có tính năng tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để sử dụng vào mục đích trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Điều 286. Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử
1. Người nào cố ý phát tán chương trình tin học gây hại cho mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Điều 287. Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử
1. Người nào tự ý xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hoặc có hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 286 và Điều 289 của Bộ luật Hình sự, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật Hình sự;
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Điều 289. Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác
1. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật Hình sự, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm:
d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.
Điều 322. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương, tiện điện tử để phạm tội.
Điều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội.
[7] Điều 5. Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
3. Bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 8. Ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật
1. Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là tiếng Việt.
Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu.
2. Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác.
[8] Điều 43. Thu hồi, hoàn trả giấy phép viễn thông, yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông
1. Tổ chức bị thu hồi giấy phép viễn thông theo giấy phép đã được cấp nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
c) Hoạt động không phù hợp với nội dung giấy phép viễn thông được cấp, gây hậu quả nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Điều 5. Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin
6. Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp điểm truy nhập mạng viễn thông và các điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết khác để cơ quan đó thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và bảo đảm an ninh thông tin.
Điều 6. Bảo đảm bí mật thông tin
4. Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ các thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm nhưng không giới hạn ở các thông tin như: tên, địa chỉ, số thuê bao, các thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông (số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi, địa chỉ Internet) và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
Điều 7. Thông tin ưu tiên truyền qua mạng viễn thông
2. Thông tin khẩn cấp phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, hỏa hoạn, thảm họa khác.
Điều 20. Thiết lập mạng viễn thông
5. Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này, tổ chức thiết lập mạng viễn thông dùng riêng thuộc các trường hợp sau đây phải có giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng:
b) Mạng viễn thông dùng riêng mà thành viên của mạng là tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có cùng mục đích, tính chất hoạt động và được liên kết với nhau bằng điều lệ tổ chức và hoạt động hoặc hình thức khác.
Điều 30. Dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định
1. Danh bạ điện thoại công cộng là tập hợp các thông tin về tên, địa chỉ, số thuê bao và thông tin liên quan khác của thuê bao điện thoại cố định, được lưu giữ dưới dạng bản in, bản điện tử, trên mạng do doanh nghiệp viễn thông phát hành và quản lý.
Điều 66. Thiết kế, xây dựng công trình viễn thông
1. Công trình giao thông, cột điện, đường điện, tuyến cấp nước, thoát nước, chiếu sáng công cộng và các công trình hoạt động kỹ thuật khác phải được thiết kế, xây dựng để bảo đảm việc lắp đặt, bảo vệ đường truyền dẫn, công trình viễn thông.
2. Việc xây dựng công trình viễn thông phải phù hợp với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động là nội dung bắt buộc phải có khi thiết kế cơ sở hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
TS. ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội,
THS. PHÙNG VĂN HUYÊN
Chuyên viên cao cấp Văn phòng Quốc hội.