Hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3

Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Theo chương trình hội nghị, đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về 04 dự án Luật, trong đó có dự án Luật K

Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Theo chương trình hội nghị, đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về 04 dự án Luật, trong đó có dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

 Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Duy Linh.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra trong hai ngày 28 và 29/3 theo hình thức tập trung tại Hội trường Diên Hồng, kết hợp họp trực tuyến. Theo chương trình hội nghị, đại biểu Quốc hội chuyên trách tiến hành thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tiềm năng thị trường bảo hiểm tại Việt Nam rất lớn; nhu cầu bảo hiểm ngày càng cao. Trong khi đó, quy mô thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP của cả nước còn thấp; chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm chưa ổn định; thông tin và nguồn thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm còn chưa đa dạng, đầy đủ, toàn diện, dễ phát sinh các tranh chấp.

Do đó, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 theo hướng sửa đổi toàn diện nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra; xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nội dung sửa đổi của Luật sẽ thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hiệu quả của nền kinh tế; chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại, có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics...

Sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa, đến nay dự thảo Luật đã cơ bản được hoàn thiện. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu tiếp tục tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn nữa về tiếp tục hoàn thiện kết cấu của dự án Luật theo nguyên tắc áp dụng pháp luật sửa đổi với các luật gốc và các luật chuyên ngành khác.

Bên cạnh đó, các quy định về các loại hình bảo hiểm, các hình thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, về đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm bao quát đầy đủ các trường hợp phát sinh, phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hàng hải cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan; việc tiếp tục duy trì hay dừng hoạt động của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; về bảo hiểm vi mô...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện, đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3 (dự kiến tổ chức vào tháng 5/2022).

Báo cáo tiếp thu, giải trình tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật được xin ý kiến thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã được hoàn thiện hơn. 

Dự thảo Luật gồm 7 chương và 154 điều, có 39 điều sửa đổi nội dung, 70 điều chỉnh sửa câu chữ, bổ sung về kỹ thuật, bổ sung 7 điều, bãi bỏ một số quy định tại 9 điều và giữ nguyên 38 điều. Đối với những vấn đề đặt ra cần giải quyết khi thuyết minh trình dự án luật, đến nay dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm đáp ứng theo mục tiêu đề ra.

Trong đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của 02 Quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Theo ý kiến của Ủy ban Kinh tế, việc duy trì đồng thời cả 02 Quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với quan điểm của Chính phủ đề nghị dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đồng thời giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư của Quỹ đúng mục đích ban đầu khi thành lập Quỹ.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, Dự luật giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức trần tối đa các khoản chi liên quan đến hoa hồng đại lý bảo hiểm, thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và các quyền, lợi ích hợp pháp khác, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm để lôi kéo đại lý bảo hiểm.

Liên quan đến thi, cấp chứng chỉ, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về việc giao Bộ Tài chính tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm do chưa phù hợp với yêu cầu xã hội hóa ngày càng cao hiện nay, đặc biệt đối với lĩnh vực đào tạo. Tuy nhiên, do kinh doanh bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để bảo đảm chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực, cần thiết phải có sự kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ bảo hiểm, tương tự như quy định đối với lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán.

Đồng thời, Điều 10, Dự thảo Luật đã quy định tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm có trách nhiệm ban hành bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, các quy tắc, chuẩn mực để áp dụng thống nhất nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng, đạo đức hành nghề của đại lý bảo hiểm.

Về hợp đồng bảo hiểm, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm vừa phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo đã chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung tại chương này như: bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm…

Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo luật như quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết, thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm…, gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, sau đó tiếp tục hoàn thiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, đồng thời nhấn mạnh, dựa trên các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, cơ quan chỉnh sửa sẽ tiếp tục tiếp thu và hoàn chỉnh dự án để trình kỳ họp thứ ba sắp tới.

Cụ thể, đối với vấn đề Quỹ Dự trữ bắt buộc và Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, cả hai quỹ đều có mục tiêu bảo vệ người được bảo hiểm nhưng nguồn hình thành khác nhau. nhấn mạnh sự cần thiết duy trì quỹ này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết việc duy trì quỹ là để can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm phá sản. Khi doanh nghiệp bảo hiểm khó khăn, thì Nhà nước sẽ có quỹ này là công cụ can thiệp. Việc có quỹ này sẽ đảm bảo được sự chủ động của cơ quan quản lý Nhà nước khi can thiệp.

Đối với một số băn khoăn của đại biểu về tính an toàn của cơ sở dữ liệu và thanh toán trên nền tảng số, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết việc sử dụng cơ sở dữ liệu, thanh toán phải đảm bảo quy định của Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định liên quan về bảo vệ thông tin cá nhân. Do vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp cho cơ quan nhà nước là Bộ Tài chính để quản lý và kết nối các dữ liệu này còn việc đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật nhà nước… thì thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.

Về ý kiến đề nghị quy định về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu; đồng thời cũng nêu rõ việc hủy bỏ hợp đồng phải phù hợp Bộ luật Dân sự, bởi đây là luật gốc, nếu có tranh chấp phải đưa ra tòa án. Quan điểm được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ là bảo vệ người tham gia bảo hiểm nhưng cũng phải bảo vệ doanh nghiệp bảo hiểm, phải đảm bảo tính công bằng khách quan trong xây dựng luật...

  • Tags: