Hoàn thiện pháp luật về phục hồi ngành Du lịch sau đại dịch Covid -19

Bài viết phân tích, đánh giá những kết quả đạt được trong việc hoàn thiện pháp luật về phục hội ngành du lịch sau đại dịch Covid – 19; đồng thời chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế đó, làm cơ sở đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng pháp luật để phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid – 19.

1-Pháp luật về phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid – 19

Đại dịch COVID-19 có mức độ nguy hiểm chưa từng thấy ở nước ta cũng như trên thế giới từ trước đến nay. Để khắc phục hậu quả thì ngành Du lịch phải chuyển đổi rất nhiều, từ tư duy đến hành động và những phương thức thông thường hầu như không còn phù hợp cho sự phát triển nữa.

Du khách nghe thuyết minh tại KDT Quốc gia đặc biệt Kim Liên- Nam Đàn

Để ngành Du lịch có thể phục hồi và phát triển thời kỳ hậu COVID-19, cần phải xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, trên cơ sở các cấp, các ngành, các địa phương và thậm chí cả các quốc gia thống nhất hành động.

Nhìn lại các văn bản pháp luật được ban hành kể từ khi có đại dịch COVID-19 với mục đích nhằm khắc phục hậu quả từ đại dịch và từng bước hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, có thể thấy hệ thống văn bản pháp luật quan trọng được ban hành nhằm giải quyết các vấn đề về kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, bao gồm:

  • Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ

Quốc hội về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19;

  • Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ,

giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19;

  • Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính

sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;

  • Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số

68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;

  • Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh

nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19;

  • Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ

trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp;

  • Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/08/2020 của Thủ tướng Chính phủ

về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19;

  • Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ

quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;

  • Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ

về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19;

  • Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ

quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp;

  • Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ

sửa đổi, bổ sung một số quy định của Quyết định 23/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;

  • Thông tư số 47/TT-BTC của Bộ Tài Chính quy định mức thu một số khoản

phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Du khách về thăm Quê Bác

Các quy định pháp luật phần lớn đều theo hướng phục hồi và hỗ trợ kinh tế xã hội phát triển bền vững sau đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, một trong những định hướng quan trọng được pháp luật thể hiện là tăng cường tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại lao động trong ngành; chuyên môn hóa và ứng dụng công nghệ, tự động hóa trong cung cấp dịch vụ; Có chính sách đãi ngộ lao động chất lượng cao, lao động đặc thù. Để làm được điều đó, trước tiên phải có những chính sách cụ thể để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Đầu năm 2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành, các cơ quan có liên quan, địa phương với tinh thần quyết tâm cao nhất, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu để sớm đưa nền kinh tế phát triển nhanh, không lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế của thế giới và khu vực.

Các chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm tập trung vào một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, trong đó xác định năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp về y tế, lao động, việc làm, doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng, cải thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong nhóm các nhiệm vụ, giải pháp này đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, phục hồi ngành Du lịch cũng như các ngành, lĩnh vực khác trong năm 2022-2023.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành Du lịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Một, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ ra rằng, du lịch chưa thuộc danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020, chưa thuộc danh mục lĩnh vực được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020; việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế đêm gắn với thu hút khách du lịch còn vướng các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, lao động... 

Hai là, Chưa có sự thống nhất giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) và Luật Du lịch trong việc bảo vệ quyền Sở hữu công nghiệp (SHCN) với nhãn hiệu. Luật Doanh nghiệp quy định tên riêng của doanh nghiệp bao gồm cả lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, nếu giống từng từ trong cả tên thì mới bị xem là tên trùng hay tên gây nhầm lẫn. Trong khi đó, với một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần giấy phép con để có thể thực hiện hoạt động kinh doanh như ngành Du lịch, Luật Du lịch lại không có quy định quản lý về việc hai doanh nghiệp có tên tương tự nhau, miễn hai doanh nghiệp đó không trùng tên thì vẫn được cấp phép kinh doanh hoạt động lữ hành. Do đó, trong tình hình hậu Covid – 19, các doanh nghiệp đang dần phục hồi gây ra tình trạng tranh chấp nhiều về quyền sở hữu trí tuệ.

Ba là, bất cập trong chính sách thị thực. Đến nay Việt Nam mới miễn visa cho công dân của 25 nước. Trong danh sách 25 nước được miễn visa vào Việt Nam thì chỉ Panama và Chile có số ngày lưu trú lên tới 90; các nước Thái Lan, Singapore, Lào, Malaysia, Indonesia, Kyrgyzstan được 30 ngày. Riêng các quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Thụy Điển… chỉ được 15 ngày. Do sự bất cập của chính sách visa, các công ty lữ hành quốc tế đón khách châu Âu phải hạn chế phần lớn sản phẩm quá thời gian tại Việt Nam. Do chính sách visa hiện hành, nhiều công ty lữ hành Việt Nam đã phải hạn chế phần lớn sản phẩm tua quá thời gian, kiểu “gọt tua” cho vừa thời gian miễn thị thực của khách tại Việt Nam.

Du khách chiêm bái tại Đền thờ Hoàng đế Quang Trung- TP Vinh- Nghệ An

2-Giải pháp hoàn thiện pháp luật về phục hồi ngành Du lịch sau đại dịch Covid – 19.

Một là, xây dựng khung hành lang pháp lý nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển du lịch. Pháp luật về phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, quy định các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ một cách minh bạch và hữu hiệu, các nguyên tắc liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và cụ thể, chi tiết và đồng thời Pháp luật cũng cần quy định các biện pháp kỹ thuật để có cơ chế phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm trong môi trường điện tử cũng như trên mạng xã hội liên quan đến ngành du lịch.

Hai là, cần mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực đơn phương; nâng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên ít nhất 30 ngày nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch các thị trường xa; đồng thời kéo dài thời gian hiệu lực của chính sách miễn thị thực lên 5 năm để các doanh nghiệp du lịch và đối tác có thể xây dựng kế hoạch khai thác thị trường dài hạn.

Ba là, xây dựng, ban hành nghị định nhằm điều chỉnh, hỗ trợ các quan hệ ngành du lịch mới. Nhằm đáp ứng tình hình mới sau đại dịch Covid -19, nước ta cần đẩy mạnh những mô hình du lịch, đổi mới, sáng tạo, nhưng vẫn đảm bảo được trách nhiệm của các chủ thể cũng như lợi ích của các doanh nghiệp, cá nhân hay người tham gia du lịch.

Lễ rước Kiệu tại Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào- Tương Dương- Nghệ An

Bốn là, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước. Nâng cao nhận thức của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng và ban hành văn bản về phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid - 19, đồng thời, nâng cao trình độ hiểu biết về các quy định của pháp luật cũng như năng lực phân tích của đội ngũ cán bộ, công chức tham gia xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó, các văn bản pháp luật phục hồi ngành Du lịch sau đại dịch Covid – 19 đạt hiệu quả cao, có tính thực thi trong cuộc sống.

Năm là, nâng cao trình độ, nhận thức của các doanh nghiệp, cá nhân, người tham gia du lịch nhằm góp phần phục hồi ngành Du lịch Việt Nam. Việc nâng cao nhận thức của người dân để có thể hiểu và thực hiện các văn bản ban hành bằng một số biện pháp như: Tăng cường áp dụng truyền thông trong tuyên truyền pháp luật, đổi mới công nghệ số trong các hoạt động để việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đạt được nhiều hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh các công cụ mạng xã hội đang ngày càng phổ biến và được nhiều người sử dụng như hiện nay.

Phùng Phương An - Sinh viên lớp 4412, ngành Luật, Trường Đại học Luật Hà Nội

Nguyễn Anh Phương - Sinh viên lớp 4425, ngành Luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội

Nguyễn Nữ Phương Thùy - Sinh viên lớp 4432, ngành Luật chất lượng cao, Trường Đại học Luật Hà Nội.

 

...
  • Tags: