Hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, tham nhũng

Thực tế hiện nay cho thấy, trên cơ sở quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, có thể thấy rằng, nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong công tác phòng chống tham nhũng đã được nâng lên rõ rệt.

Pháp luật Việt Nam đã có những quy định về các biện pháp, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản có liên quan đến hành vi tham nhũng và kết quả thực thi cũng dần được nâng lên…

 

Ảnh minh họa - Internet

Cơ sở pháp luật và những vướng mắc trong thực hiện

Đây là vấn đề đã được đặt ra từ Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006, Hội nghị Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể và toàn diện thì vẫn còn nhiều bất cập; cũng như trong thực hiện các quy định của pháp luật vẫn còn nhiều trường hợp không thể thu hồi được tài sản, vụ việc tham nhũng, kinh tế thu hồi đạt tỉ lệ thấp.

Trước yêu cầu cấp bách thực tiễn đặt ra, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021; Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021, trong đó đặt ra yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, xây dựng văn bản pháp luật điều chỉnh về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội.

Mặc dù pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự hiện hành đã quy định trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, ngay cả khi người thực hiện hành vi phạm tội chưa bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án thì việc thu hồi tài sản trong quá trình giải quyết vụ án hình sự vẫn được thực hiện qua cơ chế xử lý vật chứng. Nhưng khi dựa vào cơ chế này để thu hồi tài sản liên quan đến tội phạm trong các vụ án hình sự, đặc biệt là trong các vụ án hình sự và kinh tế, tham nhũng, vẫn bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, như: Bất cập tại quy định về các biện pháp cưỡng chế; Chưa có quy định về việc thu hồi tài sản liên quan đến tội phạm trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc vụ án đã được khởi tố nhưng đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự; Chưa có quy định về việc thu hồi tài sản liên quan đến tội phạm trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án. Hiện tại, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong đa số các vụ án tham nhũng có tăng, nhưng còn thấp so với số tiền phải thu hồi. Các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa chú trọng áp dụng kịp thời các biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…

Việc thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội vẫn cần phải bảo đảm không dẫn đến việc cản trở sự gia tăng thu nhập chính đáng của cán bộ, công chức, để từ đó tạo động lực phục vụ các hoạt động công vụ được tốt hơn. Mặt khác, pháp luật về thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội phải thể chế hóa được đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, nhất là các nội dung cụ thể về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thu hồi tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội đã được thể hiện trong văn bản, nghị quyết của Đảng; đảm bảo phù hợp với các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Bảo đảm đồng bộ, dễ theo đõi và thuận tiện trong áp dụng…

Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng còn mang tính nguyên tắc, thiếu các quy định riêng về thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục về thu hồi tài sản tham nhũng; chưa xác định rõ trách nhiệm phối hợp cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan (như ngân hàng, tài chính, đất đai, xây dựng, giao thông...) với các cơ quan chức năng trong xử lý tài sản tham nhũng. Cơ chế quản lý tài sản ở nước ta hiện nay còn thiếu chặt chẽ, thiếu minh bạch, các giao dịch kinh tế, dân sự vẫn chủ yếu bằng tiền mặt. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, kê khai tài sản của cán bộ, công chức chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng cho nên khó khăn trong việc xác định tài sản tham nhũng và tài sản được hình thành từ tham nhũng. Việc thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế có yếu tố nước ngoài gặp nhiều khó khăn; cơ sở pháp lý cho việc hợp tác quốc tế chưa đầy đủ…

Hoàn thiện pháp luật thu hồi tài sản

Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực) trực thuộc Bộ Chính trị, đã đáp ứng nhiệm vụ cấp thiết trong tình hình mới. Ban Chỉ đạo do Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng làm Trưởng ban, các thành viên là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan Trung ương của Ðảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, để hình thành cơ chế thu hồi tài sản không qua kết tội, cần đáp ứng các yêu cầu như: Bảo đảm sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; bảo đảm quyền con người; bảo đảm tính khả thi của cơ chế và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Để hiện thực hóa cơ chế này, trước hết việc hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tội cần được đặt trong nỗ lực chung của tiến trình cải cách tổng thể, toàn diện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và cả hệ thống pháp luật nói chung. Nghĩa là cần hoàn thiện pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, tiến tới kiểm soát được tài sản, thu nhập của toàn xã hội để triệt tiêu ngay từ đầu nguy cơ hình thành tài sản, thu nhập bất minh…

Theo Ban Nội chính Trung ương, kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại một số đảng ủy, ban cán sự đảng và tỉnh ủy, thành ủy, đã chỉ ra những nguyên nhân hạn chế, vướng mắc. Trong đó, đối tượng phạm tội tham nhũng, kinh tế là loại tội phạm có chủ thể đặc biệt, là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ học vấn, am hiểu pháp luật, có nhiều mối quan hệ, cho nên có khả năng xóa dấu vết, tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản. Các hành vi tham nhũng thường chỉ bị phát hiện sau một thời gian dài, khiến việc thu thập chứng cứ trong điều tra vụ án gặp khó khăn, phức tạp, đặc biệt là việc xác định tài sản có nguồn gốc tham nhũng.

Để công tác thu hồi tài sản thất thoát đi vào nền nếp và đạt kết quả cao:

Trước hết, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng phải quy định thu hồi tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc; thời điểm áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, số lượng, giá trị các loại tài sản bị kê biên cần linh hoạt. Riêng đối với loại tội phạm này thì Nhà nước cần có chế tài thật sự phù hợp, cụ thể mức độ tài sản mà đối tượng tham nhũng bồi thường được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đối tượng bồi thường thiệt hại càng nhiều thì tương ứng với nó là hình phạt sẽ được giảm đi. Đây được coi là biện pháp kinh tế mang tính hiệu quả, với mục đích để động viên người phạm tội tích cực khắc phục hậu quả, thiệt hại do hành vi phạm tội mà mình gây ra.

Mặt khác, cần quy định linh hoạt thời điểm áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, số lượng, giá trị các loại tài sản bị kê biên; quy định nội dung chứng minh “đường đi” của tài sản bị chiếm đoạt là bắt buộc phải chứng minh trong vụ án hình sự; cấm các giao dịch chuyển nhượng, tặng cho tài sản kể từ khi có quyết định bị thanh tra, kiểm tra, khởi tố. Xây dựng thủ tục đặc biệt để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2014 theo hướng bổ sung quy định cơ chế thi hành án đặc thù đối với khoản thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Tiếp đến là hoàn thiện pháp luật về thanh tra, kiểm toán theo hướng quy định thẩm quyền của thanh tra viên, kiểm toán viên được áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản trong quá trình thanh tra, kiểm toán nếu có căn cứ xác định dấu hiệu tham nhũng; có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về hồ sơ ngân hàng, tài chính, thương mại có liên quan đến người bị thanh tra, kiểm tra.

Một pháp lý quan trọng nữa:  Thanh tra Chính phủ cần hoàn thiện, bổ sung các quy định về việc kiểm soát, minh bạch tài sản trong hoạt động của cơ quan, tổ chức theo yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, bảo đảm phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Viện kiểm sát nhân dân tối cao với vai trò là đơn vị đầu mối, cần rà soát lại những quốc gia mà Việt Nam chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, trên cở sở đó tiếp tục đàm phám và ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp song phương trong lĩnh vực hình sự và dẫn độ tội phạm, nhằm tạo hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể cho lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Trong đó có nội dung về thẩm quyền, trình tự thủ tục, hợp tác quốc tế trong việc thực hiện ủy thác hoặc lệnh của cơ quan có thẩm quyền về việc kê khai tài sản ở nước ngoài, xác minh, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ nước ngoài và cho phép thu hồi tài sản tham nhũng bắt nguồn từ Việt Nam hiện nằm tại nước khác./.

Ths. Phạm Đình Cường

...
  • Tags: