Hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” đang diễn ra ngày càng phức tạp, tác động xấu đến thị trường chứng khoán, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhà đầu tư. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có khung pháp lý hoàn chỉnh kiểm soát, hạn chế hành vi này để bảo đảm sự minh bạch, phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ảnh minh họa - Internet
Thị trường chứng khoán có thể thúc đẩy sự phát triển của một nền kinh tế thông qua việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực hiệu quả[1]. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường chứng khoán Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để kiểm soát, hạn chế các hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, vì sự phát triển lành mạnh, bền vững.
1. Khái quát về thao túng thị trường chứng khoán
Thao túng thị trường chứng khoán được mô tả là việc sử dụng nhiều tài khoản chứng khoán nhằm tạo cung cầu giả tạo, ảnh hưởng đến giá chứng khoán để đánh lừa các nhà đầu tư. Đây là một hình thức lạm dụng thị trường, chẳng hạn như lan truyền thông tin sai lệch, cố ý nhập lệnh mua và bán cho cùng một mã chứng khoán ở cùng một mức giá, che giấu tỷ lệ sở hữu khi luật pháp yêu cầu báo cáo. Thao túng thị trường gây bất lợi cho các bên tham gia và cả tổng thể thị trường chứng khoán do ảnh hưởng trực tiếp đến hình thành giá khiến khó phân tích và dự báo các khoản đầu tư tốt nhất; doanh nghiệp khó có thể huy động được vốn, trì hoãn các dự án hay hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh, cuối cùng làm giảm công ăn việc làm và làm chậm hoạt động của nền kinh tế. Bất kỳ sự can thiệp nào trong cơ chế thị trường ngăn cản việc xác định giá hợp lý, cũng như bất kỳ yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến giá chứng khoán giả tạo đều có thể được coi là thao túng thị trường chứng khoán. Ủy ban Giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã xác định các hành vi thao túng thị trường như sau: hành vi cố ý và được lập sẵn để kiểm soát hoặc ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư[2]. Thao túng thị trường thường đề cập đến các hoạt động có thể gây trở ngại cho cung - cầu chứng khoán, như mô phỏng và tạo ra giá giả cho chứng khoán, dẫn đến lừa dối người tham gia thị trường.
Việc xác định trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán có mục đích ngăn chặn những hành vi vi phạm, khôi phục lại các quan hệ trong lĩnh vực chứng khoán do hành vi vi phạm gây ra, đồng thời đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán. Do đó, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định thao túng là hành vi bị cấm. Có thể liệt kê ra ở đây, như tại Úc, thao túng thị trường ban đầu bị cấm theo Luật Chứng khoán năm 1970, quy định chi tiết về các giao dịch giả tạo hoặc gây hiểu nhầm về hoạt động giao dịch liên quan đến chứng khoán niêm yết hoặc trên thị trường chứng khoán. Hiện nay, thao túng thị trường và các hoạt động sai trái khác tại Úc bị nghiêm cấm theo Luật Doanh nghiệp, Luật Thị trường tài chính. Hay như Điều 245 Luật Chứng khoán và Các công cụ phái sinh (SFO) của Hồng Kong đã đưa ra khái niệm “các hành vi sai trái” bị cấm trên thị trường chứng khoán, bao gồm cả giao dịch nội bộ, giao dịch sai, gian lận giá, tiết lộ thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm và thao túng thị trường chứng khoán. Khái niệm “hành vi sai trái thị trường” là dựa trên các điều khoản tương đương trong Luật Doanh nghiệp Úc. Điều 278 (khoản 1) của SFO định nghĩa thao túng thị trường chứng khoán khi liên quan đến hai hoặc nhiều giao dịch nhằm tăng, giảm hoặc duy trì giá thị trường với mục đích khiến người khác giao dịch[3].
Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, các hành vi thao túng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện và xử lý. Để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, pháp luật nước ta cũng đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt để xử lý các hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định hành vi thao túng giá chứng khoán là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán. Theo đó, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP đã làm rõ thao túng thị trường chứng khoán là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, “gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi dưới đây:
a) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
b) Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
c) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
d) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;
đ) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
e) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán”.
Tóm lại, dưới góc độ pháp lý có thể hiểu, thao túng thị trường chứng khoán là hành vi cố ý đánh lừa các nhà đầu tư bằng cách kiểm soát hoặc tác động giả tạo đến giá chứng khoán. Hành vi này cũng có thể liên quan đến các tuyên bố sai sự thật nhưng làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán nhằm đánh lừa các nhà đầu tư khác.
Thao túng thị trường chứng khoán có thể nhận diện qua các đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, về hành vi: Thao túng thị trường chứng khoán có 3 loại, cụ thể: (i) hành vi cố gắng thay đổi giá của chứng khoán bằng cách thực hiện tác động giá thực tế nhằm thay đổi dòng tiền tương lai, ví dụ như bán một chi nhánh của doanh nghiệp mà không thông báo cho các cổ đông; (ii) thao túng dựa trên thông tin để thay đổi giá thông qua việc đưa ra các tin đồn hoặc thông tin sai lệch; (iii) thao túng dựa trên các giao dịch, xảy ra khi nhà đầu tư cố gắng thao túng giá bằng cách đơn giản mua và bán chứng khoán, không thực hiện bất kỳ hành động công bố công khai nào về việc thực hiện giao dịch.
Thứ hai, về chủ thể: Chủ thể có hành vi vi phạm là các tổ chức, cá nhân trực tiếp liên quan đến các hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán. Đây thực chất là thủ đoạn của một số người (từ hai người trở lên) tham gia giao dịch mua bán chứng khoán đã thống nhất với nhau trong việc mua đi bán lại với nhau nhưng thực chất chỉ là mua bán giả nhằm tạo ra cung cầu giả tạo trên thị trường để trục lợi. Việc làm giá thường được diễn ra khi doanh nghiệp vừa có sự kiện quan trọng như mới đăng ký giao dịch trên UpCom, vừa niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán, chuyển sàn, mời đối tác chiến lược…
Thứ ba, về số lượng tài khoản được sử dụng: Các giao dịch thao túng giá thường được thực hiện bằng cách sử dụng nhiều tài khoản khác nhau với nhiều kỹ thuật như: bơm giá và bán tháo, giao dịch không dẫn đến việc thay đổi sở hữu, tần suất giao dịch bất thường của nhóm tài khoản, giao dịch tạo giá đóng cửa, giao dịch tạo ấn tượng giả tạo về tính thanh khoản. Các kỹ thuật để thực hiện thao túng ngày càng tinh vi, có yếu tố thông đồng, nhóm người làm người hưởng để trốn tránh bị phát hiện khoản “thu lợi bất chính”, các tài khoản trong nhóm được dàn trải ra ở nhiều công ty chứng khoán để tránh phát hiện bất thường về lệnh đặt quá lớn và thường xuyên ở một công ty chứng khoán.
Thứ tư, về mục đích: Hành vi vi phạm xuất phát từ việc mưu cầu những lợi ích vật chất, hành vi thao túng giá chứng khoán đều được thực hiện do lỗi cố ý.
2. Một số bất cập của pháp luật hiện hành về xử lý hành vi thao túng thị trường chứng khoán
Thứ nhất, pháp luật hiện hành chưa có các quy định cụ thể để hạn chế sự bất đối xứng thông tin trên thị trường chứng khoán, dẫn đến khó kiểm soát hành vi thao túng thị trường.
Trong một doanh nghiệp, nhóm người nắm được thông tin sớm, đầy đủ hơn là ban lãnh đạo của công ty. Vì vậy, Việt Nam nói riêng và đa số các quốc gia trên thế giới nói chung đều có quy định cấm giao dịch nội gián, tức là không được phép mua bán dựa vào các thông tin chưa công khai. Đồng thời, các lãnh đạo và người liên quan cũng phải công bố thông tin trước và sau khi giao dịch chứng khoán của công ty mình để thị trường được biết. Theo Luật Chứng khoán năm 2019, bên liên quan của một người bao gồm bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng, bố mẹ vợ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột, anh chị em dâu, anh chị em rể. Đây là những đối tượng có quan hệ thân thiết với lãnh đạo doanh nghiệp và nhiều khả năng được lãnh đạo tiết lộ thông tin nội bộ. Qua đó cho thấy, dù là giao dịch “chui” hay được tiến hành hợp pháp, công khai thì việc các lãnh đạo công ty tiến hành giao dịch chứng khoán đều tạo nên những lo ngại từ phía cộng đồng nhà đầu tư và luôn tiềm ẩn những rủi ro về sự không công bằng, đặc biệt là nguy cơ “sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo” do nắm được thông tin nội bộ. Nhìn vào thực tế thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, dễ dàng nhận thấy tình trạng nhiễu loạn thông tin. Đầu tư theo tin đồn dần trở thành một “trường phái” đầu tư với khẩu hiệu như “tin ra là bán”. Những thông tin về tình hình tài chính, kế hoạch, dự án, lợi nhuận, lãnh đạo… chưa được công bố chính thức nhưng lại được truyền khắp các diễn đàn dưới dạng “tin đồn”. Điều đáng nói là không ít tin đồn hoàn toàn trùng khớp với tin được công bố. Rõ ràng, tình trạng bất cân xứng về thông tin đang rất phổ biến và trầm trọng. Ý thức về bảo mật thông tin dường như chưa hình thành và rất nhiều người vẫn thản nhiên sử dụng lợi thế người nội bộ để thực hiện hành vi thao túng TTCK nhằm thu lợi cho mình.
Thứ hai, pháp luật hiện hành còn thiếu cơ sở pháp lý để chứng minh hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Theo Nghị định số 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, người dùng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán hoặc thao túng TTCK có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị phạt tiền gấp 10 lần khoản thu trái pháp luật. Tuy nhiên, việc chứng minh một người thao túng giá chứng khoán thường rất khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực. Giả sử, lãnh đạo doanh nghiệp có thể thông đồng lộ tin tức ra cho người không thuộc diện phải công bố thông tin để người này liên tục mua bán chứng khoán kiếm lời, sau đó chia chác lợi nhuận với nhau. Đây rõ ràng là thao túng TTCK nhưng để có bằng chứng cũng không phải dễ vì không thể kiểm soát mối quan hệ của các cá nhân trong xã hội. Hay như cổ đông nội bộ hoặc người liên quan cũng có thể dùng một "tài khoản phụ" đứng tên người khác để mua hàng triệu chứng khoán. Sau khi ngầm mua xong thì mới nộp văn bản chính thức đăng ký mua. Trong thời gian đã đăng ký, chứng khoán sẽ được chuyển từ "tài khoản phụ" sang tài khoản chính chủ bằng giao dịch thỏa thuận. Cách làm này giúp cho người nội bộ mua được chứng khoán một cách bí mật, không lo giá bị đẩy lên cao sau khi công bố thông tin. Khi muốn bán chứng khoán cách làm cũng tương tự, "tài khoản phụ" sẽ bán trước khi ra tin, sau đó chuyển chứng khoán từ tài khoản chính chủ sang bằng giao dịch thỏa thuận. Việc thực hiện giao dịch mua, bán chứng khoán này thực chất không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo. Chỉ dựa vào sao kê hoạt động tài khoản sẽ không tìm được bằng chứng sai phạm.
Bên cạnh đó, để phát hiện và chứng minh thiệt hại vật chất của hành vi thao túng giá trong lĩnh vực chứng khoán để xử lý hình sự rất phức tạp. Cụ thể, đối với tội “thao túng thị trường chứng khoán”, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) đã cụ thể hoá căn cứ xác định tội phạm đối với hành vi có dấu hiệu của tội thao túng thị trường chứng khoán như: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường… Việc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 01 tỷ đồng trở lên cho các lỗi trong lĩnh vực chứng khoán (không chỉ là thao túng) cũng sẽ bị xử lý hình sự. Như vậy, tội “thao túng thị trường chứng khoán” theo quy định tại Điều 211 BLHS là tội có cấu thành tội phạm vật chất. Theo đó, các dấu hiệu bắt buộc của tội phạm là hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Trên thực tế, khó xác định những nhà đầu tư nào bị thiệt hại do hành vi thao túng giá chứng khoán. Chính điều này khiến cho nhiều vụ việc dù chứng minh được hành vi khách quan nhưng lại không chứng minh được hậu quả của hành vi (khoản thu lời bất chính hay thiệt hại của cá nhân, nhà đầu tư khác) dẫn đến việc hành vi chỉ dừng lại ở mức độ vi phạm hành chính. Báo cáo định kỳ của Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho thấy, số liệu các mã chứng khoán có nghi vấn giao dịch bất thường hàng năm khá nhiều, nhưng số lượng trường hợp chứng minh có lỗi lại rất thấp do không đủ căn cứ[4]. Điều này thấy rõ nhất trong vụ việc thao túng giá cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân của ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định ông Thường và bà Phương đã sử dụng đến 50 tài khoản chứng khoán để giao dịch, nhằm tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu. Vụ việc khiến 12 công ty chứng khoán và một ngân hàng bị thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng[5]. Nhưng kết quả điều tra xác định hành vi của ông Thường chưa sinh lợi bất hợp pháp nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ bị phạt hành chính. Thực tế vừa qua, trên cơ sở giám sát, thanh tra, kiểm tra từ năm 2020 đến tháng 9/2021, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã xử phạt 659 tổ chức và cá nhân vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 34 tỷ đồng; trong đó, chỉ xử phạt 11 tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng[6]. Số lượng các vụ việc thao túng TTCK bị xử lý hình sự thực sự rất ít.
Thứ ba, quy định về chế tài xử phạt hành vi thao túng thị trường chứng khoán còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
-Về hình sự
Cá nhân, pháp nhân thương mại nào có hành vi thao túng TTCK có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thao túng TTCK được quy định tại Điều 211 BLHS có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù. Hình phạt nặng nhất được quy định tại khoản 2 Điều này. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù 7 năm nếu có các tình tiết tăng nặng như: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán, đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng khi nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán nào đó...
-Về hành chính
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm thao túng TTCK được quy định tại Điều 36 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP), cụ thể:
+ Phạt tiền: Phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức, 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân.
Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức, thấp hơn 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân thì áp dụng mức phạt tiền là 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức, 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân.
+ Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có hành vi vi phạm; Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 tháng đến 24 tháng đối với người hành nghề chứng khoán có hành vi vi phạm.
+ Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Hầu hết các vụ việc liên quan đến thao túng TTCK tại Việt Nam hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, không đủ tính răn đe, khiến nhiều nhà đầu tư dần mất niềm tin vào thị trường. Mức phạt quá thấp so với lợi nhuận thu được chính là lý do khiến hành vi thao túng TTCK vẫn liên tục tái diễn, gây mất công bằng cho thị trường. Có thể dẫn chiếu tới vụ việc gần đây của ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC) và các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty liên quan bị xử lý về hành vi "Thao túng TTCK" xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của TTCK Việt Nam. Ngày 18/01/2022, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định. Đồng thời, chủ tịch Tập đoàn FLC cũng bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên ông Trịnh Văn Quyết bị xử lý. Nhìn lại thời điểm vào năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết đã từng "đánh úp" nhà đầu tư khi thông báo mua vào 37 triệu cổ phiếu FLC nhưng sau đó lại bán ra 57 triệu cổ phiếu FLC. Việc giao dịch của ông Quyết được thực hiện khi một cổ phiếu FLC ở ngưỡng 7.100-7.700 đồng, với giá trị giao dịch thu về ước tính đạt hơn 400 tỷ đồng. Thế nhưng, ông Quyết chỉ bị UBCKNN xử phạt hành chính 65 triệu đồng[7]. Hành động của ông Quyết khiến hàng trăm nhà đầu tư thua lỗ, gây bất bình và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán nhưng mức phạt hành chính hiện nay là quá thấp.
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã có chế tài xử phạt hành vi thao túng TTCK rất nghiêm khắc. Tại Hoa Kỳ, các cá nhân phạm tội thao túng chứng khoán có thể bị phạt tù lên đến 20 năm, phạt hành chính lên đến 5 triệu USD (Đạo luật 1934). Theo Quy định lạm dụng thị trường của Liên minh châu Âu (Market Abuse Regulation - MAR), biện pháp xử phạt hành chính và các biện pháp khác có thể áp dụng cho giao dịch nội gián và thao túng thị trường. EU cũng đã công bố Chỉ thị liên quan đến lạm dụng thị trường, Chỉ thị về xử phạt hình sự đối với lạm dụng thị trường (The Directive on criminal sanctions for market abuse - CSMAD). Anh không tham gia CSMAD, nhưng Chính phủ đã công bố chế tài hình sự đối với việc lạm dụng thị trường sẽ mạnh mẽ như CSMAD. Tại Anh, Cơ quan Kiểm soát tài chính (FCA) tiền thân là Cơ quan Dịch vụ tài chính (FSA) chịu trách nhiệm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Thao túng thị trường được quy định tại Luật Dịch vụ tài chính năm 2012, Luật Tư pháp hình sự năm 1993. FCA có quyền áp đặt một loạt các hình phạt liên quan đến thao túng thị trường. Các biện pháp trừng phạt phổ biến nhất được áp dụng bởi FCA là: tiền phạt (không có giới hạn trên về số tiền), công bố công khai hành vi và đối tượng vi phạm, áp đặt việc đình chỉ và hạn chế đối với doanh nghiệp và người vi phạm, và cảnh báo riêng. Trong việc xác định xử phạt thích hợp bằng tiền đối với các hành vi thao túng thị trường, FCA đã công bố quy trình thiết lập hình phạt năm bước, thực hiện giải tỏa bất kỳ lợi ích nào nhận được từ hành vi vi phạm, áp dụng hình phạt tài chính bổ sung phản ánh mức độ nghiêm trọng của hành vi[8].
Thứ tư, thiếu quy định về việc hạn chế khối lượng các loại chứng khoán được giao dịch và ứng phó khi thị trường chứng khoán có những biến động lớn trong bối cảnh công nghệ 4.0.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ, các ứng dụng của máy tính đã tạo ra một dòng xoáy làm thay đổi nhanh các giao dịch công cụ tài chính, tạo ra hiệu ứng giao dịch với khối lượng lớn, xử lý nhanh, đặc biệt là các giao dịch chênh lệch giá, gây ra sự bất bình đẳng trong các giao dịch giữa nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư tổ chức. Trong khi đó, khung pháp lý thể chế lại chưa có các quy định về việc hạn chế khối lượng các loại chứng khoán được giao dịch nhằm ngăn chặn các hành vi thao túng TTCK Việt Nam. Rủi ro có thể đến từ sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính nói chung và TTCK nói riêng. Công nghệ nếu bị lạm dụng bởi yếu tố nền tảng đạo đức nghề nghiệp và vượt khỏi tầm kiểm soát của con người có thể ẩn chứa nhiều rủi ro cho thị trường, dẫn đến suy thoái, khủng hoảng, thậm chí đổ vỡ cả thị trường. Trong đó, thể hiện rõ nhất trên TTCK là rủi ro thao túng giá chứng khoán khi liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo cung, cầu giả tạo, tác động đến giá chứng khoán theo hướng mong muốn của đối tượng thao túng nhằm thu lợi bất chính. Việc sử dụng lợi thế công nghệ, kỹ thuật chèn lệnh, nhồi lệnh, chiếm dụng tài nguyên, đường truyền, đặt lệnh với tốc độ cao, khối lượng lớn và trong thời gian ngắn... để đẩy giá chứng khoán lên cao, sau đó có thể hủy lệnh hoặc tất toán lệnh... nhằm thu lợi bất chính.
Thứ năm, quy định về bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trước hành vi thao túng TTCK chưa đầy đủ.
Trong nhiều trường hợp thiệt hại của nhà đầu tư sau thời điểm phát hiện hành vi thao túng TTCK là hiện hữu, nhưng dường như việc nhà đầu tư yêu cầu bồi thường thiệt hại là thiếu tính khả thi. Bởi lẽ, nghĩa vụ chứng minh thiệt hại sẽ khó khăn vì thiếu các quy định về tính toán thiệt hại của nhà đầu tư. Các thiết chế độc lập bảo vệ nhà đầu tư hiện nay vẫn chưa được định danh và thành lập.
3. Một số giải pháp nhằm kiểm soát và hạn chế hành vi thao túng thị trường chứng khoán
Để hạn chế tình trạng thao túng giá chứng khoán trên TTCK Việt Nam, tác giả đề xuất một số nhóm giải pháp sau:
-Nhóm giải pháp hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi thao túng chứng khoán.
Một là, cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể việc xác định giá trị khoản thu nhập bất chính, hoặc chứng minh thiệt hại của nhà đầu tư để có cơ sở xử lý hình sự hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Nhà nước nên áp dụng trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc hơn nữa đối với hành vi thao túng TTCK. Dựa trên cơ sở mức độ của hành vi giao dịch bị cấm, quy định rõ hơn nữa các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với hành vi cũng như quy định cụ thể cách tính toán thiệt hại của nhà đầu tư, đảm bảo mức độ phù hợp và hiệu quả trong việc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi này.
Hai là, xây dựng tiêu chí nhằm định lượng mức độ có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán để làm cơ sở xác định ranh giới áp dụng thẩm quyền quản lý giám sát và trách nhiệm pháp lý phù hợp. Việc định lượng tỷ lệ biến động bao nhiêu so với thị trường cần tính đến mức độ phát triển của thị trường cũng như các biên độ dao động trần và sàn trong quá trình hoạt động của TTCK.
Ba là, hoàn thiện khung pháp lý về thanh tra, giám sát và xử phạt sai phạm liên quan đến thao túng giá chứng khoán. Đa số các trường hợp thao túng TTCK đều xuất hiện nhiều tài khoản của nhiều cá nhân liên quan đến đối tượng bị xử phạt, nhưng lại không có chế tài xử phạt các chủ thể liên quan này. Do đó, cần bổ sung chế tài xử phạt về thao túng đối với các tổ chức, cá nhân cho mượn hoặc vô ý để đối tượng thao túng sử dụng tài khoản nhằm tăng cường tính răn đe.
Bốn là, xây dựng khung pháp lý đối với các giao dịch áp dụng công nghệ kỹ thuật cao và giao dịch tần suất cao với khối lượng giao dịch lớn, theo hướng chỉ cho phép các tổ chức tài chính có tiềm lực lực tài chính mạnh, công nghệ tốt để đầu tư hệ thống bài bản, các nhân viên nghiệp vụ phải được đào tạo, đạo đức nghề nghiệp tốt và có sự chấp thuận cho phép được giao dịch từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
-Nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thực thi pháp luật về xử lý hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Một là, cần phải có sự quyết tâm cao, xử lý nghiêm minh, triệt để của các cơ quan chức năng, đặc biệt cơ quan tiến hành tố tụng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những sai phạm để khắc phục, xử lý nghiêm hành vi bao che, bỏ lọt tội phạm nếu có để răn đe. Nâng cao trình độ của đội ngũ thanh tra cả về năng lực chuyên môn, cũng như các kỹ năng cần thiết về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp để đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng cao của Việt Nam vào môi trường quốc tế. Điều này giúp nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát, phát hiện các sai phạm liên quan đến thao túng giá chứng khoán.
Hai là, tăng cường phối hợp với các bên liên quan trong hoạt động giám sát, phát hiện các giao dịch bất thường liên quan đến thao túng giá cổ phiếu niêm yết. UBCKNN cần tăng cường phối hợp với các cơ quan công an, các cơ quan chức năng khác trong đấu tranh phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời đối tượng thao túng giá chứng khoán niêm yết.
Ba là, có chế độ khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức phát hiện sai phạm cũng như xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu tiếp tay cho hoạt động thao túng.
Bốn là, tăng cường sự phối hợp giữa các công ty niêm yết để kịp thời nắm bắt các thông tin liên quan đến các giao dịch bất thường của công ty; Tổ chức các buổi tập huấn đến ban giám đốc, bộ phận quan hệ nhà đầu tư, bộ phận đầu tư… để nâng cao kiến thức liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, hạn chế trường hợp bị các đối tượng trong và ngoài công ty lợi dụng để thao túng giá chứng khoán. Đề cao trách nhiệm, có đạo đức bằng cách xây dựng quy chế quản trị công ty hiệu quả và có những biện pháp giám sát việc tuân thủ quản trị công ty, kịp thời ngăn chặn các hành vi sai phạm của hội đồng quản trị, ban giám đốc; Xây dựng bộ phận giám sát thị trường riêng để giám sát chặt chẽ các giao dịch và thông báo kịp thời các bất thường vượt quá khả năng xử lý đến các cơ quan quản lý thị trường, nhằm ngăn chặn tối đa mọi thiệt hại cho nhà đầu tư và công ty./.

ThS. TẠ THỊ THÙY TRANG

Đại học Thương mại


[1] Qamruzzaman, M. & Wei, J. (2018), Financial innovation, stock market development, and economic growth: An application of ardl model, International Journal of Financial Studies, vol. 6(3), pp.69-99.
[2] Joshua L. Ray (2021), Market Manipulation Under US Federal Law, https://www.rahmanravelli.co.uk/articles/market-manipulation-in-the-us-explained/.
[3] Nguyễn Thanh Huyền (2018), Thao túng thị trường chứng khoán – Góc nhìn pháp lý, Tạp chí chứng khoán số 240, tr.7-11.
[4] Văn Giáp (2022), Cần giải pháp căn cơ hạn chế thao túng thị trường chứng khoán, https://bnews.vn/can-giai-phap-can-co-han-che-thao-tung-thi-truong-chung-khoan/238611.html.
[5] Hải Nam (2022), Thao túng giá cổ phiếu, người lĩnh án tù, người bị phạt tiền tỷ, https://zingnews.vn/thao-tung-gia-co-phieu-nguoi-linh-an-tu-nguoi-bi-phat-tien-ty-post1305901.html.
[6] Phuong Minh (2022), Thao túng chứng khoán lừa nhà đầu tư, gây hại kinh tế, https://plo.vn/kinh-te/thao-tung-chung-khoan-lua-nha-dau-tu-gay-hai-kinh-te-1051338.html.
[7] Sơn Nhung (2022), Từ vụ đại gia Trịnh Văn Quyết: Phải nghiêm trị hành vi bán chui cổ phiếu, Báo Người lao động, https://nld.com.vn/kinh-te/phai-nghiem-tri-hanh-vi-ban-chui-co-phieu-20220111215157713.htm.
[8] Nguyễn Thanh Huyền (2018), Thao túng thị trường chứng khoán – Góc nhìn pháp lý, Tạp chí chứng khoán số 240, tr.7-11.
...
  • Tags: