Hoàn thiện quy định tính vốn cho rủi ro ngoại hối theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN

Ngày 19/05/2022, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành văn bản số 1659/TTGSNH6 về việc tổng kết thi hành Thông tư số 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Văn bản được gửi đến các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lấy ý kiến đóng góp sửa đổi nhằm đảm bảo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cũng như điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tỷ lệ toàn vốn bám sát thực tiễn, chuẩn mực quốc tế.

Bằng phương pháp phân tích luật học, so sánh, các tác giả của bài viết chỉ ra bất cập về quy định tính vốn cho rủi ro ngoại hối hiện đang tồn tại và đề xuất giải pháp điều chỉnh bằng việc giải thích minh thị về trạng thái ngoại hối ròng nhằm loại bỏ rủi ro nhầm lẫn dẫn đến tính toán số liệu không chính xác.

1. Đặt vấn đề
Thông tư số 41/2016/TT-NHNN (Thông tư số 41) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm hướng dẫn thực hiện Trụ cột I (theo phương pháp tiêu chuẩn) và Trụ cột III của Chuẩn mực vốn Basel II. Từ lúc ban hành đến nay, theo kết quả tổng kết sơ bộ từ NHNN đã có 86% ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41[1]. Điều này là một tín hiệu đáng mừng cho hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam trong việc tiếp cận và thực hiện các chuẩn mực quản lý rủi ro của quốc tế nhằm cải thiện và lành mạnh hơn nữa về tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, và tăng cường khả năng chống đỡ trước các cú sốc hay điều kiện bất lợi của nền kinh tế theo hướng chủ động hơn. Tuy nhiên, sau 6 năm triển khai, một số nội dung quy định tại Thông tư số 41 cần bổ sung, sửa đổi để phù hợp và điều chỉnh sát với thực tế hơn như dự kiến bổ sung khoản mục “chênh lệch tỷ giá hối đoái” do đánh giá lại vốn chủ sở hữu được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán khi chuyển đổi báo cáo tài chính được lập bằng ngoại tệ ra Việt Nam đồng vào cấu phần vốn tự có. Hay dự kiến bổ sung các tổ chức tài chính quốc tế vào đối tượng bên bảo lãnh để tính giảm thiểu rủi ro tín dụng…[2]. Theo đó, quy định về điều kiện tính vốn cho rủi ro ngoại hối thuộc cấu phần của việc tính vốn cho rủi ro thị trường, theo nhóm tác giả hiện đang tồn tại bất cập cần xem xét và điều chỉnh cụ thể hơn, tránh gây nhầm lẫn có thể dẫn đến kết quả tính toán không chính xác.
2. Tổng quan về rủi ro thị trường, rủi ro ngoại hối và trạng thái ròng ngoại tệ
2.1. Rủi ro thị trường
Nghiên cứu lý thuyết, rủi ro thị trường được nhiều học giả định nghĩa như sau:
- Rủi ro thị trường là những tổn thất mà ngân hàng có thể phải gánh chịu do những thay đổi bất lợi về lãi suất, giá chứng khoán, giá tiền tệ và hàng hóa[3].
- Rủi ro thị trường là kết quả của những thay đổi về giá trị của chứng khoán do những thay đổi của điều kiện thị trường tài chính như biến động lãi suất, biến động tỷ giá hối đoái và giá cổ phiếu[4].
- Rủi ro thị trường là rủi ro chung cho toàn bộ các loại tài sản hoặc nợ phải trả. Đó là rủi ro mà giá trị của các khoản đầu tư có thể giảm trong một khoảng thời gian nhất định chỉ vì những thay đổi kinh tế hoặc các sự kiện khác ảnh hưởng đến phần lớn thị trường. Thông thường, rủi ro thị trường liên quan đến những thay đổi về lãi suất, tỷ giá hối đoái và giá chứng khoán tác động chính đến toàn bộ thị trường[5].
Tuy nhiên, rủi ro thị trường chính thức được nhận dạng, định nghĩa ở khung quy định của Ủy ban Basel ra đời từ rất sớm. Hiệp định Basel I đầu tiên chỉ liên quan đến rủi ro tín dụng vào năm 1988. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các cú sốc thị trường và sự phát triển nhanh chóng của các công cụ phái sinh đã tạo ra một số vấn đề đầy căng thẳng vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Chẳng hạn, vào ngày 19/10/1987, ở Hoa Kỳ, thị trường chứng khoán sụp đổ và chỉ số Dow Jones giảm hơn 20% trong ngày. Năm 1990, sự sụp đổ của bong bóng giá tài sản ở Nhật Bản (diễn ra trên cả thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản) đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế Nhật Bản. Sự gia tăng bất ngờ của lãi suất ở Hoa Kỳ vào năm 1994 đã dẫn đến một cuộc thảm sát thị trường trái phiếu và gây khó khăn cho các ngân hàng, quỹ đầu cơ và các nhà quản lý tiền tệ. Trong năm 1994-1995, một số thảm họa tài chính đã xảy ra, đặc biệt là sự phá sản của Barings và vụ Orange County[6].
 Vào tháng 4 năm 1993, Ủy ban Basel đã xuất bản một bài báo tham vấn đầu tiên để đưa rủi ro thị trường vào tỷ lệ Cooke. Hai năm sau, vào tháng 4 năm 1995, Ủy ban Basel chấp nhận ý tưởng tính toán vốn yêu cầu cho các rủi ro thị trường bằng mô hình nội bộ. Quyết định này dựa vào nghiên cứu và đề xuất của J.P. Morgan trong quyển sách có tên RiskMetrics vào tháng 10 năm 1994. Cuối cùng, Ủy ban Basel đã công bố bản sửa đổi của hiệp định vốn nhằm tích hợp thêm rủi ro thị trường vào tháng 1 năm 1996. Đề xuất này vẫn là khuôn khổ giám sát rủi ro thị trường trong nhiều năm. Đến nay, theo phiên bản mới nhất được cập nhật trên khung quản lý của Ủy ban Basel, rủi ro thị trường được định nghĩa là rủi ro có tổn thất xảy ra ở các trạng thái thuộc nội và ngoại bảng cân đối kế toán phát sinh do biến động của giá thị trường. Các rủi ro thị trường bao gồm: (i) Rủi ro phát sinh từ các công cụ tài chính và cổ phiếu có liên quan đến lãi suất được hạch toán trong trong sổ giao dịch; (ii) Rủi ro ngoại hối và rủi ro hàng hóa trong toàn ngân hàng[7].
Tại Việt Nam, Thông tư số 41 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giải thích rủi ro thị trường là “rủi ro do biến động bất lợi của lãi suất, tỷ giá, giá chứng khoán và giá hàng hóa trên thị trường”[8]. Trong đó, rủi ro thị trường bao gồm rủi ro lãi suất, rủi ro ngoại hối, rủi ro giá cổ phiếu, rủi ro giá hàng hóa[9].
Như vậy, từ các nghiên cứu và quy định pháp lý nêu trên thì rủi ro ngoại hối là một trong các cấu phần của rủi ro thị trường.
2.2. Rủi ro ngoại hối
Nghiên cứu lý thuyết, rủi ro ngoại hối cũng được định nghĩa bởi nhiều học giả. TheoBarbara Casu., Claudia Girardone., & Philip Molyneux (2022, trang 337) rủi ro ngoại hối là rủi ro phát sinh từ các biến động của tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến giá trị tài sản, nợ phải trả và các hoạt động ngoại bảng của ngân hàng có liên quan đến ngoại tệ[10]. Hay nếu xét ở giác độ các hoạt động nội bảng thì rủi ro ngoại hối là rủi ro mà giá trị tài sản hoặc nợ phải trả của ngân hàng thay đổi do biến động tỷ giá hối đoái. Các ngân hàng thay mặt khách hàng mua và bán ngoại tệ (những người cần ngoại tệ để thanh toán các giao dịch quốc tế hoặc nhận ngoại tệ và muốn đổi ra ngoại tệ của mình), đồng thời các ngân hàng cũng tự mình nắm giữ tài sản và nợ phải trả bằng các loại tiền tệ khác nhau trên bảng cân đối kế toán[11].
Theo Thông tư số 41, rủi ro ngoại hối là “rủi ro do biến động bất lợi của tỷ giá trên thị trường khi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trạng thái ngoại tệ”[12]
2.3. Trạng thái ngoại tệ ròng
Theo quy định của Ủy Ban Basel, tổng trạng thái ngoại tệ mở ròng (overall net open position) không được định nghĩa trực tiếp nhưng được cụ thể hóa thông qua quy định về cách đo lường. Tính tổng trạng thái ngoại tệ mở ròng bao gồm: (i) lấy giá trị cao hơn khi so sánh giữa tổng trạng thái ngoại tệ ròng âm với tổng trạng thái ngoại tệ ròng dương, sau đó cộng với (ii) trạng thái ròng của vàng (có thể âm hoặc dương nhưng chỉ tính độ lớn của giá trị)[13].
Thông tư số 41 không đưa ra định nghĩa về tổng trạng thái ngoại tệ mở ròng nhưng có giải thích trạng thái ngoại tệ là “trạng thái nguyên tệ của ngoại tệ đó (xác định theo quy định pháp luật về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) được quy đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá quy đổi trạng thái”[14]; đồng thời quy định cách đo lường trạng thái nguyên tệ (trạng thái dương, trạng thái âm) được xác định cho từng loại ngoại tệ (bao gồm cả vàng tiêu chuẩn) theo các nguyên tắc trạng thái nguyên tệ bằng tổng cộng: “(i) trạng thái giao ngay là chênh lệch giữa tổng tài sản và tổng nợ phải trả (bao gồm cả lãi dự thu và chi phí trả lãi dự kiến) bằng một loại ngoại tệ; (ii) trạng thái kỳ hạn ròng là chênh lệch giữa tổng các khoản nhận được và tổng các khoản phải trả bằng một loại ngoại tệ trong các giao dịch ngoại tệ kỳ hạn, bao gồm cả các giao dịch ngoại tệ tương lai và các khoản vốn trong giao dịch hoán đổi mà không được tính vào trạng thái giao ngay; (iii) các bảo lãnh (hoặc các nghĩa vụ tương tự) không thể hủy ngang và bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ theo cam kết; (iv) các thu nhập/chi phí tương lai ròng chưa được dự thu nhưng đã được phòng ngừa rủi ro; (v) các khoản lãi/lỗ bằng ngoại tệ từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài theo quy định hạch toán kế toán của nước sở tại”[15].
Thêm vào đó, Thông tư số 07/2012/TT-NHNN quy định về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được phép hoạt động ngoại hối ngoài những điều chỉnh có nội dung tương tự như Thông tư số 41 về trạng thái ngoại tệ có đề cập đến trạng thái ngoại tệ của một loại ngoại tệ là “chênh lệch giữa tổng tài sản có và tổng tài sản nợ bằng ngoại tệ này, bao gồm cả các cam kết ngoại bảng tương ứng”[16] và hướng dẫn thêm nguyên tắc tính trạng thái ngoại tệ, trong đó có nguyên tắc “Cộng các trạng thái ngoại tệ dương với nhau để tính tổng trạng thái ngoại tệ dương. Cộng các trạng thái ngoại tệ âm với nhau để tính tổng trạng thái ngoại tệ âm”[17]. Song, Thông tư này cũng không định nghĩa hay giải thích về thuật ngữ, cách tính tổng trạng thái ngoại tệ mở ròng hay tổng trạng thái ngoại tệ ròng.
Chính vì điều này dẫn đến bất cập có thể nhầm lẫn trong cách tính tổng trạng thái ngoại tệ ròng để so sánh tỷ lệ với vốn tự có của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nhằm xác định: tính hay không tính vốn cho rủi ro ngoại hối theo Thông tư số 41.
3. Quy định của Thông tư số 41 về điều kiện tính vốn cho rủi ro ngoại hối
3.1. Thực trạng quy định về điều kiện tính vốn cho rủi ro ngoại hối
Theo quy định tính tỷ lệ an toàn vốn, thì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tính theo đơn vị phần trăm (%) được xác định bằng công thức[18]:
Trong đó:
- C: Vốn tự có;
- RWA: Tổng tài sản tính theo rủi ro tín dụng;
- KOR: Vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động;
- KMR: Vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường.
Vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường (KMR) được xác định theo công thức sau[19]:
KMR = KIRR + KER + KFXR + KCMR + KOPT
Trong đó:
- KIRR: Vốn yêu cầu cho rủi ro lãi suất, trừ giao dịch quyền chọn;
- KER: Vốn yêu cầu cho rủi ro giá cổ phiếu, trừ giao dịch quyền chọn;
- KFXR: Vốn yêu cầu cho rủi ro ngoại hối (bao gồm cả vàng), trừ giao dịch quyền chọn;
- KCMR: Vốn yêu cầu cho rủi ro giá hàng hóa, trừ giao dịch quyền chọn;
- KOPT: Vốn yêu cầu cho giao dịch quyền chọn.
Vốn yêu cầu cho rủi ro ngoại hối (KFXR) chỉ áp dụng đối với trường hợp tổng giá trị trạng thái ngoại hối ròng (bao gồm cả vàng) của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 2% vốn tự có của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài[20]. Vốn yêu cầu cho rủi ro ngoại hối được xác định theo công thức sau[21]:
KFXR = (Max (∑SP, ∑LP) + GoldP) x 8%
Trong đó:
- ∑ SP: Tổng các trạng thái âm của các ngoại tệ trong danh mục ngoại tệ;
- ∑ LP: Tổng trạng thái dương của các ngoại tệ trong danh mục ngoại tệ;
- GoldP: Trạng thái vàng.
Chú ý rằng, ở đây, Thông tư số 41 không chỉ rõ cấu phần (Max (∑SP, ∑LP) + GoldP) chính là trạng thái ngoại hối ròng (bao gồm cả vàng) như cách mà Hiệp ước Basel minh thị.
3.2. Bất cập của quy định về điều kiện tính vốn cho rủi ro ngoại hối
Như phân tích ở phần trên, Thông tư số 41 đã quy định cụ thể về nguyên tắc xác định trạng thái ngoại tệ và công thức tính vốn yêu cầu cho rủi ro ngoại hối. Tuy nhiên, Thông tư số 41 lại chưa được NHNN hướng dẫn, quy định đầy đủ cách tính “tổng giá trị trạng thái ngoại hối ròng” là cơ sở để áp dụng tính vốn yêu cầu cho rủi ro ngoại hối nếu giá trị này lớn hơn 2% vốn tự có của ngân hàng. Bên cạnh đó, Thông tư số 07/2012/TT-NHNN cũng không quy định, hướng dẫn về cách tính “tổng giá trị trạng thái ngoại hối ròng”.
Do đó, trong quá trình triển khai và áp dụng Thông tư số 41, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể hiểu và tính toán giá trị “tổng giá trị trạng thái ngoại hối ròng” theo cách hiểu thông thường (về từ “ròng”) là chênh lệch giữa tổng trạng thái ngoại hối dương và tổng trạng thái ngoại hối âm đã quy đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá quy đổi trạng thái. Điều này hoàn toàn khác biệt so với quy định của Ủy ban giám sát Basel về tính vốn cho rủi ro ngoại hối tại mục 20.58 đến 20.61 phiên bản BIS, January 2022, và có thể dẫn đến rủi ro vốn yêu cầu cho rủi ro ngoại hối không được ngân hàng tính đầy đủ, chính xác trong giá trị vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường.
Lập luận cho cách hiểu thông thường về từ ròng (sử dụng phép tính trừ) có thể dựa vào các cơ sở sau:
Thứ nhất, dựa vào chính nội dung Thông tư số 41 quy định về thuật ngữ như “trạng thái kỳ hạn ròng”[22] sử dụng từ “chênh lệch”, có thể hiểu theo nghĩa thông dụng trong tính toán là phép tính trừ giữa hai giá trị.
Thứ hai, một văn bản khác thuộc chuẩn mực kế toán hiện hành của Việt Nam có giải thích về đối tượng đi kèm với từ “ròng” như tài sản ròng là “phần lợi ích còn lại trong tài sản của đơn vị sau khi đã trừ hết nợ phải trả”[23].
Minh họa cách xác định vốn yêu cầu cho rủi ro ngoại hối áp dụng theo cách hiểu thông thường về từ “ròng” nêu trên và cách áp dụng theo hiệp ước Basel II (phương pháp chuẩn hóa).
Bảng 3.1: Minh họa cách tính vốn cho rủi ro theo 2 cách tiếp cận
                                    Đơn vị tính: triệu VNĐ
Loại ngoại tệ
Trạng thái nguyên tệ (+/-)
Tỷ giá
Trạng thái ngoại tệ (+/-)
(quy đổi Triệu VND)
(theo cách 
tiếp cận thông thường)
Trạng thái ngoại tệ (+/-)
(Theo hiệp ước Basel II)
(1)
(2)
(3)
(4.1) = (2)*(3)
(4.2) = (2)*(3)
AUD
1.001.785
16.759
16.789
16.789
CAD
(1.796.442)
18.226
(32.742)
(32.742)
CHF
118.225
25.053
2.962
2.962
EUR
541.366
27.629
14.957
14.957
GBP
19.005
31.612
601
601
JPY
36.026.032
209
7.531
7.531
KRW
117.128.316
23
2.694
2.694
NZD
-  
-  
-  
-  
SGD
376.442
17.074
6.427
6.427
USD
3.853.934
23.130
89.141
89.141
XAU
-  
 5.695.000
 
 
Tổng trạng thái dương thuần (∑LP)
 -  
 
141.103
141.103
Tổng trạng thái âm thuần (∑SP)
 -  
 
(32.742)
(32.742)
NOP tổng danh mục = (Max (∑SP, ∑LP) + GoldP)
-  
 
108.361
141.103
NOP tổng danh mục/VTC
 
 
1.57%
2.044%
Tỷ lệ vốn (Vốn tự có: 6.902.404)
8.00%
8.00%
Vốn yêu cầu cho rủi ro ngoại hối (KFXR) 
-  
11.288
Tổng tài sản tính cho rủi ro ngoại hối=12.5*KFXR 
 
141.103
Nguồn: Số liệu giả định và do nhóm tác giả tự lập bảng
Theo bảng trên, nếu tính theo cách hiểu thông thường (về từ “ròng):
Do đó, căn cứ theo quy định của Thông tư số 41[24], ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải tính vốn yêu cầu cho rủi ro ngoại hối. Tuy nhiên, nếu tính theo Hiệp ước Basel II (phương pháp chuẩn hóa):
 Lúc này, theo khoản 4 Điều 18 Thông tư số 41, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tính vốn yêu cầu cho rủi ro ngoại hối và kết quả là: KFXR = 141,103 x 8% = 11.288 (triệu VNĐ).
4. Kết luận và kiến nghị
Như vậy, hiện tại các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam điều chỉnh về trạng thái ngoại tệ chưa có quy định cụ thể bằng việc giải thích hay chỉ rõ cách tính tổng trạng thái ngoại tệ ròng. Điều này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn trong việc áp dụng tính toán vốn cho rủi ro ngoại hối thuộc cấu phần của việc tính vốn cho rủi ro thị trường khi triển khai Thông tư số 41 tại các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hệ quả của sự nhầm lẫn này có thể tác động đến sự chính xác trong tính toán hay đo lường hệ số an toàn vốn CAR ở mỗi ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, dẫn đến ảnh hưởng đến công tác giám sát và quản trị hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, nhóm tác giả đề xuất trong lần sửa đổi, bổ sung Thông tư số 41 sắp tới cần quy định rõ ràng, cụ thể bằng từ ngữ về cách đo lường tổng trạng thái ngoại tệ ròng như cách quy định của Ủy ban Basel./. 

THS. LÊ HỮU NGHĨA

Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh,

THS. TỐNG THỊ NGỌC ANH

Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam,

THS. VŨ VĂN ĐẠT

Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín.

 


[2] Văn bản số 1659/TTGSNH6 ngày 19/05/2022 về việc tổng kết thi hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN.
[3] Rose, P. S., & Hudgins, S. C. (2012). “Bank Management & Financial Services”. New York, USA: McGraw-Hill Education, p. 500.
[4] Jeff Madura, 2020, “Financial Markets & Institutions”, Boston, USA: Cengage Learnin, p.508.
[5] Barbara Casu., Claudia Girardone., & Philip Molyneux. (2022), “Introduction to Banking”, New York, USA: Pearson, p.338.
[6] Roncalli, T., (2020), “Handbook of Financial Risk Management”, New York, USA: Chapman and Hall/CRC, p.37.
[7] Basel Committee on Banking Supervision, 2022, p. 617.
[8] Khoản 25 Điều 2 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
[9] Điểm a, b, c, d khoản 25 Điều 2 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
[10] Barbara Casu., Claudia Girardone., & Philip Molyneux. (2022), “Introduction to Banking”, New York, USA: Pearson, p.337.
[11] Apostolik, R., & Donohue, C., 2015. “Foundations of Financial Risk: an overview of financial risk and risk-based financial regulation”. New Jersey, USA: John Wiley & Sons, p.21.
[12] Điểm b khoản 25 Điều 2 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
[13] MAR 20.59, Basel Committee on Banking Supervision, 2022. “The Basel Framework”. Bank for International Settlements 2022, https://www.bis.org/basel_framework/index.htm?m=2697, ngày truy cập: 26/06/2022.
[14] Điểm b khoản 2 Mục IV Phần B Phụ lục số 04 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
[15] Điểm a khoản 2 Mục IV Phần B Phụ lục số 04 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
[16] Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 07/2012/TT-NHNN.
[17] Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 07/2012/TT-NHNN.
[18] Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN
[19] Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
[20] Khoản 4 Điều 18 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
[21] Khoản 1 Mục IV Phần B Phụ lục 04 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
[22] Tiết (ii) điểm a khoản 2 Mục IV Phần B Phụ lục 04 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
[23] Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 01, ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-BTC
[24] Khoản 4 Điều 18 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
...
  • Tags: