Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai

Chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai là đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước.

Thực tế hiện nay đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, tạo nguồn lực và động lực mới, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Ảnh minh họa - TL

Thực tế hiện nay đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả đất đai, tạo nguồn lực và động lực mới, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, yêu cầu cấp thiết xuất phát từ 3 lý do chủ yếu: Phải giải phóng, phát huy nguồn lực đất đai để tạo động lực cho phát triển; căn cứ chính trị; căn cứ thực tiễn.
Ngày 17/3/2023 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII  về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Quan điểm mới trong công tác quản lý và sử dụng đất

Nghị quyết số 37 đưa ra 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, gồm: Tuyên truyền, giáo dục, thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai. Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất.

Các yếu tố nền tảng làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện thể chế về đất đai là các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, nhằm phấn đấu xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa trên cơ sở các nền tảng: Nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Nền dân chủ XHCN, phát huy ý chí và sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.

Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về đất đai là, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Điểm mới của Nghị quyết là làm rõ hơn vai trò của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và nội hàm, ý nghĩa của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; đồng thời đặt ra yêu cầu mới phải công khai, minh bạch và trách nhiệm phải giải trình trong thu hồi đất.

Nghị quyết số 18 có nhiều quan điểm mới về quản lý và sử dụng đất; bao gồm: Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; phân công hợp lý giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý vi phạm. Đây là nội dung có nhiều điểm mới, bổ sung, làm rõ việc quản lý về đất đai bao gồm cả diện tích và chất lượng; đồng thời phân cấp rõ hơn giữa các cấp. Đồng thời Nghị quyết cũng kế thừa quan điểm của Nghị quyết 19-NQ/TW, trong đó tiếp tục khẳng định quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu; đồng thời bổ sung thêm: Bên cạnh quyền sử dụng đất thì tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Điều này phù hợp với Luật Dân sự năm 2015 và đây là cơ sở để hoàn thiện các chế định về thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất và là nguyên tắc để giải quyết các vấn đề đất đai do lịch sử để lại.

Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là định hướng lớn cho công tác hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật khác có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất.
Công tác quản lý Nhà nước về đất đai đặt ra những yêu cầu về kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao vai trò của cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai; quy hoạch sử dụng đất phải có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa các thế hệ, vùng miền, giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực. Đây là một định hướng lớn, với yêu cầu cao đối với công tác quy hoạch, sử dụng đất (yêu cầu mang tính đa chiều về cả không gian và thời gian). Nghị quyết xác định 3 mục tiêu tổng quát và 6 mục tiêu cụ thể.

Một điểm mới nữa là cơ chế góp quyền sử dụng đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, điều chỉnh lại đất đai đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn (trước đây, đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn thì Nhà nước đứng ra thu hồi và chưa có quy định về điều chỉnh lại đất đai đối với các loại dự án này). Đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, sẽ xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất tham gia với nhà đầu tư để thực hiện các dự án dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quản lý và sử dụng đất đai hiện nay

1-Tuyên truyền, giáo dục, thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Đổi mới hình thức, nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về đất đai cho cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về đất đai cho cộng đồng, đặc biệt là đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

2- Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thực hiện thí điểm, tổng kết và hoàn thiện các chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai; xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; rà soát, sửa đổi đồng bộ các Luật khác có liên quan đến đất đai; hoàn thành việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), một số dự án Luật có liên quan và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hoàn thành việc xây dựng và trình Chính phủ, Quốc hội xem xét ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) trong năm 2023 với hướng đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng…

3- Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.

4- Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai.

5- Tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất./.

Ths. Nguyễn Đình Thuân

...
  • Tags: