Nâng cao vai trò nghị sĩ trẻ trong công tác lập pháp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số
Khởi động chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 diễn ra dưới sự chủ trì của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tọa đàm tăng cường năng lực số cho thanh niên. Tọa đàm còn thu hút hơn 300 đại biểu Việt Nam và 120 đại biểu quốc tế tham gia.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm liên quan đến chủ đề "chuyển đổi số", sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, Nghị viện các nước trong phát triển năng lực chuyển đổi số cho thế hệ trẻ, trong đó có các nghị sĩ trẻ - những người trực tiếp tham gia vào tiến trình lập pháp chính sách, pháp luật nói chung và lĩnh vực chuyển đổi số nói riêng.
Phiên thảo luận đã tập trung làm rõ những hướng đi nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhằm tăng cường các cơ hội phát triển kinh tế bền vững; Chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR).
Chủ tịch IPU ngài Duarte Pacheco mong muốn, toàn bộ nghị sĩ sẽ tham gia quá trình chuyển đổi số. "Mỗi người tham gia mỗi ngày vào chuyển đổi số. Bởi vì nghị sĩ trẻ là tương lai và mỗi người nghị sĩ trẻ sẽ làm những điều mà các bạn sẽ mong muốn, đem lại cho cộng đồng, cho xã hội cho thế hệ tương lai, cho con cháu của chúng ta. Chính các nghị sĩ là người có trọng lượng, tạo ra những kết quả, thông qua quyết định, thông qua đóng góp của mình", Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Duarte Pacheco đề nghị.
Theo Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden, chuyển đổi số đã mở ra một thế giới mới, một thế giới có thách thức mới. Chuyển đổi số đã cho chúng ta oxy để vượt qua những thách thức như chia rẽ chính trị, và những cơ hội mới.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, công nghệ thôi không phải là giải pháp hoàn chỉnh nhất cho những thách thức mà chúng ta đang đối mặt, công nghệ không thể thay thế những phong trào xã hội quốc tế đang thực hiện, nhưng công nghệ là công cụ hữu ích để tìm giải pháp phù hợp đối phó với những thách thức sinh tồn của thế giới.
Tại buổi tọa đàm, hầu hết các đại biểu nhất trí cho rằng, chuyển đổi số đã và đang tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Và không một quốc gia nào có thể đứng ngoài tiến trình này nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Chuyển đổi số giúp thay đổi cách vận hành nền kinh tế, tăng mạnh năng suất lao động, tạo các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; giúp các cơ quan nhà nước hoạt động ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển.
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 diễn ra từ ngày 14/7 đến 17/9/2023. Đây là sự kiện đối ngoại đa phương có quy mô lớn nhất trong năm 2023 do Việt Nam đăng cai tổ chức, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với thanh niên và giới trẻ Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng; quảng bá đến bạn bè quốc tế hình ảnh thanh niên Việt Nam, phong trào thanh niên Việt Nam năng động, sáng tạo.
Chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cần hướng tới giới trẻ
Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 15/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, dưới sự chủ trì của bà Hasmik Hakobyan, Nghị sĩ Armenia, thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã tổ chức phiên thảo luận chuyên đề 2 “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Việt Nam Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay, là động lực mới cho sự tăng trưởng và phát triển một cách bền vững.
Việc phát triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam khởi phát mạnh mẽ năm 2016, Quốc hội Việt Nam đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nhiều Luật như: Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ... Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”. Điều đó thể hiện rõ chủ trương, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và công nghệ thực phẩm ở Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng của thế giới, với nhiều giải pháp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt và trong việc khai thác tài nguyên bản địa, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới.
Với vai trò là những Nghị sĩ trẻ, đại diện cho các cơ quan lập pháp trên toàn thế giới, cùng nhau chung tay để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở phạm vi toàn cầu, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu một số đề xuất.
Một là, đề nghị các thành viên IPU xem xét thiết lập mạng lưới các nghị sĩ trẻ toàn cầu về đổi mới sáng tạo để đồng hành cùng chính phủ các nước hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ tốt hơn cho phát triển bền vững thông qua đổi mới sáng tạo.
Hai là, phát triển các sáng kiến, hoạt động, tổ chức có năng lực kết nối, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở phạm vi nhiều quốc gia, khuyến khích, hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp thực hành đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Từ đó, tạo môi trường đào tạo và thực hành tốt cho nguồn nhân lực tương lai cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững.
Ba là, trung tâm của đổi mới sáng tạo, của khởi nghiệp phải được xác định là con người, là thế hệ trẻ. Các chính sách cần hướng tới thúc đẩy và khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thanh niên, sinh viên.
Ông Beniam Gebrezghi cũng nêu vấn đề: "Các chính sách về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp có thật sự bao trùm với thanh niên, với thế giới hay những đối tượng dễ bị tổn thương hay không?". Để có cơ sở đánh giá những vấn đề này, mới đây UNDP đã xuất bản sổ tay về bộ công cụ đánh giá chính sách, khuôn khổ pháp luật tạo điều kiện cho thanh niên về các lĩnh vực như nhân lực, văn hóa, pháp lý...
Kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của một số quốc gia
Phát biểu tại phiên thảo luận, Nghị sĩ Ireland cho biết, Ireland là quốc gia có nền công nghiệp dược phẩm phát triển, hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ với sự phối hợp chặt chẽ của các trường đại học.
Giai đoạn 2005-2013, Ireland có tỷ lệ thất nghiệp lớn trong khu vực châu Âu, nhưng hiện nay quốc gia này đã tạo được khoảng 800 nghìn việc làm mới. Để có kết quả này, Ireland đã chú trọng đầu tư cho lĩnh vực khởi nghiệp, với 16 cổng công nghệ và hơn 300 nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, có sự phối hợp sát sao với 3.500 trường đại học…
Nghị sĩ Ireland hy vọng, thông qua Hội nghị này, những kinh nghiệm, chia sẻ của các quốc gia sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Bà Tingyu Yuan, Quản lý tại HICOOL chia sẻ một số quan điểm của Trung Quốc trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, như xây dựng hệ thống quy định của quốc gia thúc đẩy khởi nghiệp, cung cấp tài chính, đơn giản hóa và giảm thiểu rào cản thủ tục hành chính…
Ngoài ra, chính sách về giảm thuế cũng được Trung Quốc đưa ra với các công cụ tài chính phù hợp cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng cường kiến thức tài chính cho doanh nghiệp, tăng cường áp dụng các chính sách với những chính sách cụ thể.
Đề cập đến vai trò của các start up, nghị sĩ Hàn Quốc cho biết, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi các công ty cần liên kết với nhau cùng phát triển.
Về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Hàn Quốc đã ứng dụng thành công trong các dịch vụ công cộng mang lại nhiều lợi ích tiện lợi hơn cho người dân. Để tận dụng tối đa AI, Nghị sĩ Hàn Quốc cho rằng cần lưu trữ và chia sẻ các dữ liệu lớn để giúp các start up sử dụng; cùng với đó, cần tăng cường công tác quản lý dữ liệu và tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.
Với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tập trung thảo luận làm rõ vấn đề thông qua 3 phiên thảo luận chuyên đề gồm: (1) Chuyển đổi số; (2) Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; (3) Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.