Sở hữu trên 5.000 điểm mỏ với hơn 60 loại khoáng sản khác nhau, Việt Nam thuộc loại các quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng. Trong đó có những loại có trữ lượng lớn như: bô xít, apatit, titan, than, đất hiếm và granit, cả một loại có giá trị cao như vàng. Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm, ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam cung cấp cho nền kinh tế khoảng 90 triệu tấn đá vôi xi măng, khoảng 70 triệu m3 đá vật liệu xây dựng thông thường, gần 100 triệu m3 cát xây dựng, cát san lấp, trên 45 triệu tấn than, trên 3 triệu tấn quặng sắt... Số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tăng trung bình hơn 21%/năm, đồng nghĩa với việc tăng nhanh lượng giấy phép được cấp, nhưng cũng tăng nhanh những hệ lụy kéo theo… Lớn là vậy, nhưng thực tế lĩnh vực này lại chỉ đóng góp khoảng 10% GDP, quá ít so với tiềm lực và tiềm năng vốn có. Điều đó cũng cho thấy hiệu quả thấp của công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản.
Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang đề nghị xây dựng Dự án Luật Địa chất và Tài nguyên Khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản (Ảnh: Chinhphu.vn)
Còn đó những bất cập… kéo dài
Không thể phủ nhận, trong những năm qua, công tác điều tra cơ bản địa chất cũng như đánh giá, thăm dò khoáng sản đã được đẩy mạnh hơn. Đặc biệt, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản đã hoàn thiện pháp luật về khoáng sản, tạo hành lang pháp lý để quản lý hoạt động khoáng sản theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo môi trường và an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập rất cần được khắc phục nhằm đảm bảo những lợi ích chung của nhà nước và cộng đồng xã hội.
Có thể nói, việc khai thác khoáng sản bừa bãi không theo quy hoạch trong thời gian dài vừa qua đã khiến cho nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước bị hủy hoại, nó cũng góp phần gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.
Sự lãng phí tài nguyên trong hoạt động khai thác cộng với sự yếu kém trong công tác quản lí, cùng những kẽ hở trong cơ chế giám sát là lý do khiến nguồn ngân sách nhà nước bị thất thu lớn. Không chỉ dừng lại ở câu chuyện tổn thất tài nguyên và nguồn thu ngân sách mà hệ lụy từ việc khai thác khoáng sản tràn lan đã khiến nhiều hộ gia đình điêu đứng vì thiếu hoặc mất hẳn đất sản xuất. Phần lớn các mỏ khai thác tại một số địa phương không xây dựng bãi thải theo đúng quy định, gây bồi lấp dòng chảy, ruộng vườn; làm thu hẹp diện tích đất lâm nghiệp; gây hỏng cầu cống, đường sá… Một số ít doanh nghiệp tuy thực hiện đền bù hoặc đưa máy móc vào dọn dẹp đất thải, nhưng vẫn phát sinh nhiều vướng mắc, liên quan trực tiếp đến việc bồi thường và cải tạo đất.
Song song với những vấn đề đó, hậu quả tiêu cực về môi trường là điều đáng lo ngại nhất, và để có thể khắc phục, sẽ phải mất một nguồn kinh phí vô cùng lớn và trong một thời gian có thể là rất dài thì mới mong khắc phục được một phần hậu quả. Hoạt động khai thác khoáng sản, trong nhiều trường hợp còn gây hậu quả xấu về nhiều mặt, như: làm phát sinh các chất thải nguy hiểm, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước; làm mất đa dạng sinh học; tàn phá rừng; sa mạc hóa đất đai; gây bồi lấp, sụt lún, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử… Mặt khác, hầu hết hoạt động khai thác khoáng sản tập trung chủ yếu ở các vùng núi và trung du khiến phạm vi tác động sâu rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng rừng và diện tích đất rừng xung quanh khu vực khai thác.
Một bất cập khác trong khâu quản lý là tình trạng doanh nghiệp cố tình khai thác sau khi hết thời hạn được cấp phép. Liên quan ở đây là mức xử phạt hành chính hiện nay còn quá nhẹ so với nguồn lợi thu được khi vi phạm, nên có tình trạng doanh nghiệp cố tình làm ngơ. Trong những trường hợp này, không thể xem nhẹ nguyên nhân về sự buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý theo chức năng và địa bàn được giao; cũng có nguyên nhân về việc lực lượng chuyên ngành không đủ, bị dàn mỏng nên khó khăn trong thực thi nhiệm vụ.
Ngay cả việc quản lý trữ lượng, khối lượng khai thác khoáng sản cũng chỉ mới dừng lại ở việc dựa vào bản kê khai của doanh nghiệp được cấp phép, nhà nước chưa có biện pháp quản lý tốt khâu xác định trữ lượng, khối lượng khai thác được; chưa quy định rõ ràng về định giá khoáng sản, định giá mỏ, chưa có công cụ tài chính phù hợp để quản lý giá trị khoáng sản nói chung và quản lý đấu giá khoáng sản nói riêng.
Kết quả được công bố của Kiểm toán nhà nước cho thấy, không ít doanh nghiệp đã khai thác vượt mức cho phép vài chục cho đến cả trăm phần trăm; thậm chí có doanh nghiệp còn khai thác gấp cả trăm lần mức được giao. Như vậy, khi trữ lượng bị khai thác trái phép gấp hàng trăm lần lượng cho phép, điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp trốn được tiền cấp quyền khai thác, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên môi trường, phí bảo vệ môi trường… nguồn siêu lợi nhuận lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong khi nhà nước lại chịu thất thu lớn trong lĩnh vực này.
Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Cấp phép sai quy định không qua đấu giá, lách luật làm sai, vì động cơ trục lợi, vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương. Trong đó, đáng lo ngại là hoạt động cấp phép không theo quy hoạch, cấp phép vượt quy hoạch và chồng chéo quy hoạch, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, khó kiểm soát. Thậm chí còn có một số doanh nghiệp tuy không đủ năng lực, không có hồ sơ thiết kế mỏ, không làm báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc nếu có cũng chỉ là chiếu lệ, nhưng vẫn được cấp phép… Những bất cập, hạn chế đó đã khiến cho hoạt động khai thác khoáng sản trở nên méo mó, gây hại cho cộng đồng, cho môi trường sống và làm mất đi nguồn thu lớn của đất nước. Cho nên, liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, việc thực hiện công khai minh bạch các thông tin liên quan là chìa khóa để các doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm, có điều kiện tham gia một cách bình đẳng vào quá trình khai thác, sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách, hạn chế đáng kể "nhóm lợi ích" trục lợi.
Hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ (Ảnh: Chinhphu.vn)
Giải pháp khắc phục
Để hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản đi vào nền nếp, có hiệu quả, vì lợi ích chung, trước hết cần có sự rà soát nghiêm túc để hoàn thiện và có thể thay đổi một số quy định của pháp luật về quản lý và khai thác khoáng sản không còn phù hợp, chưa thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành về đầu tư, đấu giá tài sản, đất đai, môi trường...; vấn đề phối hợp trong quản lý khai thác, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác giữa một số địa phương giáp ranh cũng chưa tạo được sự phối hợp thống nhất và cùng có trách nhiệm của các bên; chưa xử lý triệt để hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; chưa kiên quyết xử lý hoặc xử lý thiếu kiên quyết người đứng đầu chính quyền địa phương sai phạm...
Để khắc phục được những bất cập vừa nêu, các cơ quan Quản lý cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khai thác khoáng sản.
Cụ thể: Quán triệt và thực hiện tốt việc đấu giá quyền khai thác, cấp phép khai thác khoáng sản; đảm bảo quyền và lợi ích của Nhà nước có khoáng sản theo Nghị định 22/2023/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường có hiệu lực từ ngày 12/5/2023. Hoàn thành công tác đánh giá tác động chính sách, quy định của Luật khoáng sản và đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật khoáng sản năm 2010. Đi đôi với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, nhất là đối với công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và môi trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện nghiêm Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Hoàn thành việc xây dựng quy chế phối hợp quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh các tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân, xử lý cơ quan hoặc người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm tại địa bàn quản lý; tăng cường và thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý khai thác khoáng sản; tăng cường quản lý, kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi tiêu cực trong quản lý và trong hoạt động khai thác khoáng sản...
Xuân Phúc