Hoạt động tư pháp và vấn đề cải cách tư pháp ở nước ta

Tư pháp là lĩnh vực hoạt động đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi các quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi, tự do của công dân, đảm bảo tính công bằng trong xử lý các vụ việc pháp lý và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của xã hội. Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng hoạt động tư pháp của nước ta vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; rất cần khắc phục trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp (CCTP).

Tư pháp là lĩnh vực có tầm quan trọng rất lớn đối với xã hội. Đó là các cơ quan Bảo vệ quyền lợi và sự công bằng cho công dân; Thúc đẩy phát triển kinh tế; Đảm bảo tính ổn định và trật tự của xã hội; Xây dựng lòng tin và tôn trọng cho hệ thống pháp luật; Giúp giáo dục và nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân.  Các cơ quan tư pháp trong bộ máy nhà nước ta bao gồm Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Đó là những cơ quan thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc giải quyết tranh chấp và xử lý các vụ vi phạm pháp luật, đảm bảo tính công bằng và đúng đắn của quyết định và phán quyết của mình, cũng như bảo vệ quyền lợi và lợi ích của các bên liên quan trong quá trình giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật.

Vai trò, chức năng của tư pháp trong bộ máy nhà nước bao gồm: Là cơ quan thực thi pháp luật; là nơi giải quyết tranh chấp pháp lý; là nơi bảo vệ quyền lợi của công dân; là nơi xây dựng và phát triển pháp luật. Tư pháp là một trong ba cơ quan trọng của chính quyền, cùng với lập pháp và hành pháp.

Những kết quả đạt được trong lĩnh vực tư pháp

Trong những năm qua, nhất là từ sau khi thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW  ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, công tác cải cách tư pháp của nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng; nền tư pháp nước ta đã có một bước tiến dài trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng, chống tham nhũng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng.  Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.  Văn kiện của Đảng nhấn mạnh “cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực có bước đột phá. Tổ chức bộ máy của tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân; tôn trọng và bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân”…

Đặc biệt, những giải pháp đẩy mạnh cải cách tư pháp đã góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tư pháp vì dân, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Nhờ đạt được nhiều kết quả quan trọng, nền tư pháp nước ta đã có một bước tiến dài trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, các nguyên tắc đặc thù về tổ chức và hoạt động tư pháp với tư cách là giá trị văn minh trong Nhà nước pháp quyền hiện đại được ghi nhận, thể chế hóa và thực hiện; Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tư pháp được kiện toàn, đổi mới; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp đã được nâng cao hơn; đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng; Nhiều hoạt động bổ trợ tư pháp được xã hội hóa, đạt kết quả tích cực; Hợp tác quốc tế về tư pháp được mở rộng; Việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các cơ quan tư pháp ngày càng được quan tâm; Phương thức lãnh đạo của Đảng, công tác giám sát của các cơ quan dân cử đối với các cơ quan tư pháp tiếp tục được đổi mới…

Một số hạn chế, tồn tại

Bên cạnh những thành quả đạt được, hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp ở nước ta vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển của đất nước, còn một số hạn chế, tồn tại.  Cụ thể:  Trong nhận thức, vẫn còn cách hiểu chưa thống nhất về nội hàm tư pháp, quyền tư pháp, cơ quan tư pháp, độc lập tư pháp; kiểm soát quyền lực tư pháp… Trong hoạt động thực tiễn, một số nhiệm vụ, giải pháp cải cách tư pháp đề ra trong Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị là đúng đắn, nhưng vẫn chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa thực sự hiệu quả; nhất là trong cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp; cũng như trong xây dựng và thực hiện cơ chế phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong hoạt động tư pháp; trong đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp; trong công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp…

Chính vì vậy, cần đánh giá đúng thực trạng, xác định nguyên nhân để từ đó có giải pháp tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam theo đúng mục tiêu Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra: “Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”; đồng thời khẳng định: “Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”. Đây vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là mục tiêu, nhiệm vụ lâu dài của cải cách tư pháp, là nội dung “cốt lõi” của Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Đi vào những vấn đề cụ thể, có thể thấy một số hạn chế, tồn tại cần được xem xét và khắc phục; bao gồm:  Tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của tòa án, viện kiểm sát, thi hành án dân sự, hình sự chưa thực sự phù hợp;  Chưa rõ ràng về vị trí, thẩm quyền của Viện Kiểm sát trong các hoạt động kiểm sát, đặc biệt là về hình thức thực hiện và giới hạn của hoạt động kiểm sát trong lĩnh vực tư pháp về kinh tế, dân sự, lao động.  Bên cạnh đó, chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có mặt chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội; việc  thi hành các quy định về bảo đảm quyền bào chữa cũng còn một số vướng mắc;  làm hạn chế đến công tác tố tụng trong một số vụ án… Thêm nữa,  vai trò, trách nhiệm của tòa án trong giai đoạn điều tra, truy tố, thi hành án chưa được xác định phù hợp với vị trí “trung tâm”; cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp hiệu quả chưa cao. Cải cách hành chính trong các cơ quan tư pháp còn chậm. Cùng với đó,  công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp chưa được quan tâm đúng mức, chưa có quy hoạch tổng thể các cơ sở đào tạo cử nhân luật; chưa xây dựng được cơ chế thu hút, tuyển chọn những người có đủ tâm huyết, đủ đức, tài vào làm việc ở các cơ quan tư pháp nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; chưa thực hiện được chủ trương “mở rộng nguồn để bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp. Trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ tư pháp còn hạn chế; Chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ có chức danh tư pháp chậm được sửa đổi, hoàn thiện…

Về giải pháp khắc phục

Để xây dựng nền tư pháp Việt Nam phù hợp với nhu cầu, đòi hỏi của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời chứa đựng và phản ánh đầy đủ giá trị của văn minh nhân loại; công lý, dân chủ và quyền con người gắn với bản chất của nền tư pháp và trở thành giá trị cốt lõi, làm nên bản sắc của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa; thể hiện được sự đổi mới, tính cải cách và sự đột phá để đạt mục tiêu đề ra, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, để có được nhận thức đúng đắn nền tư pháp và vai trò của nền tư pháp Việt Nam đối với việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, trước hết cần nhận thức thống nhất về các giá trị công lý, công bằng, dân chủ…, từ đó có cách tiếp cận dựa trên quyền con người, quyền tư pháp để thấy rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan đề từ đó đề xuất giải pháp phù hợp. Mặt khác, cần bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tăng cường tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập cũng như bảo đảm tranh tụng trong xét xử và quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự; bảo đảm tính nhân dân trong xét xử là những đòi hỏi cần phải được bảo vệ và bảo đảm trong thực tiễn.

Thứ hai, cần quán triệt, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước  và đề cao sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp ở các cấp ủy, tổ chức đảng trong các cơ quan tư pháp từ trung ương đến địa phương.  Cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng về công tác tư pháp theo hướng “Đảng lãnh đạo chặt chẽ hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp về chính trị”... Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức lối sống, đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động tư pháp.

Thứ ba, hoàn thiện vị trí pháp lý, chức năng, thẩm quyền của các thiết chế tư pháp; thực hiện tốt trọng tâm cải cách tư pháp đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII ghi nhận về tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam. Theo đó, cần cụ thể hóa các tiêu chí “chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, văn minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; Tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến hoạt động tư pháp; cần tiếp tục cụ thể hóa đầy đủ các nguyên tắc hiến định về chức năng, nhiệm vụ của tòa án nhân dân và hoạt động xét xử; Nghiên cứu xây dựng cơ chế thực hiện chức năng quản lý về nhân sự, cơ sở vật chất của tòa án; giám sát việc thực thi công vụ của thẩm phán và khen thưởng, kỷ luật đối với thẩm phán.  Tăng cường và nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của tòa án; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Tiếp tục kiện toàn tổ chức cơ quan điều tra, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tra. Cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực Luật sư, công chứng, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý.

Thứ tư, huy động các nguồn lực cần và đủ cho hoạt động của các cơ quan tư pháp. Trước hết tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tư pháp quốc gia thông qua việc nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm quy tắc đạo đức nghề nghiệp các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp.

Chiến lược mới về cải cách tư pháp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, gắn với thực hiện Chiến lược Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội pháp quyền, nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường, hợp tác và hội nhập quốc tế và các quy luật phát triển của pháp luật, của tư pháp. Xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm quy tắc đạo đức nghề nghiệp các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế phân bổ ngân sách, đầu tư kinh phí cho việc xây dựng trụ sở Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án hình sự./.

Ths Phạm Chung Lực

...
  • Tags: