Hội nghị đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp Bình Định năm 2024

Hội nghị đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp năm 2024 vừa được Cục Hải quan tỉnh Bình Định tổ chức chiều nay 20/5 thu hút hơn 400 Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có liên quan tới cảng Quy Nhơn tham dự. Với tinh thần “Chia sẻ để thấu hiểu, thấu hiểu để yêu thương và hành động” nhiều khó khăn, vướng mắc của Doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục Hải quan, thông quan hàng hóa đã được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời.

Ông Lê Văn Nhuận - Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Định phát biểu khai mạc hội nghị

Xác định rõ cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tăng thu ngân sách. Cục Hải quan Bình Định đã chủ động xây dựng mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Doanh nghiệp được sử dụng phần mềm khai báo miễn phí do cơ quan Hải quan cung cấp; thực hiện khai thông tin hàng hóa một lần để thực hiện nhiều thủ tục hành chính thông qua hệ thống một cửa quốc gia; dễ dàng theo dõi tiến trình xử lý của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Đối thoại trên tinh thần chia sẻ để thấu hiểu (ảnh: Yến Phạm)

Từ tháng 5 năm 2014 đến nay, Hải Quan Bình Định áp dụng phương thức tự vận động, thông quan hàng hoá tự động(VNACCS) theo công nghệ của Hải Quan Nhật Bản chuyển giao. Phối hợp thu, nộp thuế theo phương thức điện tử 24/7, áp dụng quản lý kho bãi tự động(VASCM) đã nâng cao hiệu suất, giảm thiểu rủi ro   Hiện 100% tờ khai Hải quan đã được thực hiện trên môi trường điện tử. Việc tra cứu kết quả cấp phép, kết quả kiểm tra trên hệ thống một cửa quốc gia. Thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa nhanh chóng, góp phần giảm chi phí logistics cho Doanh nghiệp. Tại hội nghị, một số vấn đề tâm điểm mà doanh nghiệp quan tâm hiện nay đã được giải đáp cụ thể, trên tinh thần đối thoại rõ ràng, ghi nhận ý kiến, tiếp thu và góp ý để điều chỉnh hoàn thiện hơn các thủ tục hành chính trong thời gian tới.

Đối thoại trực tiếp cùng doanh nghiệp

Hội nghị thu hút nhiều doanh nghiệp tham dự tham gia đối thoại trực tiếp (ảnh: Yến Phạm)

Áp dụng hệ thống VNACCS/ VCIS vào hệ thống phân luồng tự động đến nay, theo thống kê tỉ lệ phân luồng đối với tờ khai của các doanh nghiệp trong 5 tháng của năm 2024 là 64% với luồng xanh, 33% luồng vàng và 3% luồng đỏ, từ đó có thể thấy tỉ lệ luồng đỏ đang giảm xuống rõ rệt. Với tinh thần cởi mở lắng nghe, chia sẻ thấu hiểu với các doanh nghiệp trong cải cách thủ tục hành chính sẽ là nền móng thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tăng thu ngân sách tại địa phương và đóng góp vào ngân sách nhà nước/.

Yến Phạm

...
  • Tags: