Hội nhập quốc tế và biên độ hội nhập luật pháp

Để hội nhập quốc tế (HNQT) mà trọng tâm là hội nhập kinh tế (HNKT), chắc chắn, trước hết phải hội nhập pháp luật (HNPL) - nó cũng là một “thành tố” của hội nhập chính trị, khi tham gia “sân chơi” chung toàn cầu.

Xin bạn đọc nhớ lại câu chuyện dù “không vui” cho lắm của năm cũ, khi Tết đến Xuân về: Đó là việc,  chiều 18/11/2022, Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học tại họp báo thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kết thúc trước đó đã trả lời báo chí nhiều thông tin đáng chú ý liên quan đến vụ AIC. Đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch AIC đã bỏ trốn, ông Học nhắc lại lời nói của Tổng Bí thư  “Dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của luật pháp”. Ở đây có 2 hàm ý, “lưới trời lồng lộng” và, trong cuộc đấu tranh chống tội phạm, Việt Nam đã có Luật Tương trợ tư pháp và đã có 12 hiệp định song phương chuyên biệt về dẫn độ và 11 hiệp định tương trợ tư pháp song phương với các quốc gia có quy định về dẫn độ.

HTQT về pháp luật, chỉ là một trong nhiều nội dung về HNQT: hội nhập trong lĩnh vực kinh tế; Hội nhập trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh; Hội nhập trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác. Tất cả mọi “con đường” hội nhập đều hướng đến mục tiêu, phục vụ mục tiêu: phát triển kinh tế đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân.

*

*       *

Năm 2021, có một sự kiện đặc biệt quan trọng. Đó là Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 14/12/2021). Lần đầu tiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng triệu tập một cuộc họp toàn quốc về chủ đề quan trọng này. Việt Nam tiếp tục truyền tải tới bạn bè quốc tế thông điệp về “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế

Trong một thế giới đầy biến động, bất trắc rõ ràng Việt Nam phải tăng cường quan hệ, mở rộng cơ hội hợp tác, từng bước thích ứng với tình hình mới. Đặc biệt ở “thời đại” cách mạng công nghiệp 4.0 - cuộc cách mạng hoàn toàn chưa có tiền lệ, sự phát triển của kinh tế thị trường, đòi hỏi các quốc gia phải mở rộng thị trường, hình thành thị trường khu vực và quốc tế. Đây chính là động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình HNQT.

Chúng ta đã được làm quen với HNQT từ những thập niên cuối của thế kỷ XX cho đến nay. Quá trình xã hội hóa và phân công lao động ở mức độ cao đã vượt ra khỏi phạm vi biên giới quốc gia, được quốc tế hóa ngày một sâu sắc. Sự quốc tế hóa như vậy thông qua việc hợp tác ngày càng sâu giữa các quốc gia ở tầm song phương, tiểu khu vực, khu vực và toàn cầu. Về bản chất, HNQT chính là một hình thức phát triển cao của hợp tác quốc tế. Để HNQT, nhất là ở lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, không thể không hội nhập về luật pháp.

Thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21 cho thấy, HNQT ngày càng diễn ra với nhiều “luật chơi mới”, các hàng rào tiêu chuẩn về môi trường, sinh thái...Điều đó cho thấy, tất cả các quốc gia đều cần HNQT bằng luật pháp, trước khi muốn HNQT các lĩnh vực khác. Xin dẫn chứng, ngày 01/11/2022, tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ COP26 tại TP. Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Để thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cần rất nhiều nỗ lực, trongđó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, liên quan đến môi trường.

Đối với Việt Nam, bắt đầu từ Đại hội IV, V, VI đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng ta xác định “Nhà nước ta phải có đủ quyền lực và đủ khả năng định ra luật pháp và tổ chức, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật”. Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII xác định xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, cùng với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, được gọi là một trong các đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 (gọi tắt là Chiến lược 2021 - 2030). Cụ thể là, Chiến lược 2020 - 2030  đã xác định một trong các đột phá chiến lược là “Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN...Xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả”.

Mặc dù đã được đề cập từ lâu trong các nghiên cứu, tuy nhiên về mặt chủ trương chính thức, vấn đề HNQT, mà trước hết là HNKT quốc tế lần đầu tiên được ghi nhận tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (2001) “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tranh thủ mọi thời cơ để phát triển trên nguyên tắc giữ vững độc lập tự chủ và định hướng XHCN, chủ quyền quốc gia và bản sắc văn hoá dân tộc; bình đẳng cùng có lợi, vừa hợp tác vừa đấu tranh; đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ kinh tế đối ngoại...”. Chủ trương thúc đẩy HNQT tiếp tục được khẳng định và hoàn thiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng (2016) và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng (2021).

Như vậy có thể thấy, HNQT là chủ trương của Đảng được hình thành và phát triển không mang tính ngẫu nhiên, mà có tính hệ thống. Sự phát triển từ HNKT quốc tế đến HNQT không đơn thuần chỉ là sự thay đổi về mặt thuật ngữ, mà trên hết là đổi mới về tư duy hội nhập mang tính toàn diện và đồng bộ (trên các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ...), trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm. Hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế.

*

*          *

Về bản chất, HNQT chính là quá trình tương tác, hợp tác, liên kết với nhau giữa các chủ thể công (Nhà nước, Chính phủ) và chủ thể tư (doanh nghiệp, các tổ chức thuộc khối tư nhân) trong một khu vực địa lý nhất định hoặc trên phạm vi toàn cầu nhằm phối hợp hành động vì mục tiêu, lợi ích chung. Thật ra, HNQT là mức độ phát triển cao của hợp tác quốc tế, theo đó các chủ thể có xu hướng ràng buộc với nhau bằng những công cụ pháp lý nhất định mà phổ biến nhất là các điều ước quốc tế hoặc liên kết với nhau trong khuôn khổ những định chế quốc tế và khu vực (điển hình nhất là các tổ chức quốc tế và khu vực).

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, sự liên kết này được thể hiện thông qua các hiệp định thương mại song phương, khu vực hoặc toàn cầu (trong khuôn khổ WTO), hình thành nên những khu vực mậu dịch tự do hoặc các liên minh thuế quan.

Việt Nam đang hội nhập sâu và rộng một cách toàn diện vào đời sống quốc tế, trong đó có lĩnh vực pháp luật, pháp quyền. Sự xuất hiện của các vấn đề toàn cầu, không một quốc gia nào có thể tự mình xử lý nếu không có sự liên kết với quốc gia khác (như khủng bố quốc tế; các yếu tố an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, không gian mạng, kinh tế số…); dịch bệnh COVID-19 trong hai năm 2020 - 2021 là minh chứng gần nhất.

Thêm vào đó, giao lưu dân sự, thương mại giữa các quốc gia ngày càng phát triển, kéo theo đó là sự di chuyển thể nhân/pháp nhân, kéo theo đó là tranh chấp có yếu tố nước ngoài phát sinh ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải có công cụ pháp lý, đặc biệt là pháp luật quốc tế, để giải quyết. Thực tế đã cho thấy giao lưu dân sự, thương mại, đầu tư càng tăng thì các tranh chấp cũng phát sinh càng nhiều cả về quy mô, tính chất, chủ thể (như tranh chấp giữa Chính phủ với nhà đầu tư nước ngoài ngày càng gia tăng).

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh đó, pháp quyền trong quan hệ quốc tế ngày càng được đề cao, đóng vai trò “chuẩn mực” không chỉ trong quan hệ giữa các quốc gia mà còn trong các quan hệ giữa mỗi quốc gia với các cá nhân, tổ chức  “có yếu tố nước ngoài” trên lãnh thổ của quốc gia mình. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc nhấn mạnh phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới, trong đó có đề cao vai trò của pháp quyền, tiếp cận công lý “thúc đẩy các xã hội hòa bình và hòa nhập để phát triển bền vững, cung cấp quyền tiếp cận công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và bao trùm ở tất cả các cấp”.

Luật pháp quốc tế được xây dựng, phát triển thông qua các thiết chế/cơ chế chủ yếu như Liên hợp quốc UN (thực hiện chức năng hình thành và phát triển luật pháp quốc tế chủ yếu thông qua các thiết chế trực thuộc như Đại hội đồng, Ủy ban 6 về pháp lý của Đại hội đồng, Ủy ban Luật quốc tế (ILC), Tòa án Công lý quốc tế ICJ); Tổ chức thương mại thế giới WTO (đàm phán xây dựng và theo dõi thực thi các hiệp định thương mại đa phương; giải quyết tranh chấp thương mại giữa các thành viên); các tổ chức quốc tế khác (WHO, WIPO); các định chế tài chính, tiền tệ quốc tế (WB, IMF, ADB); các cơ quan tài phán quốc tế (ngoài Tòa án công lý quốc tế ICJ còn có Tòa ICC, PCA; các cộng đồng liên kết cấp độ khu vực (EU, ASEAN)... Ngoài ra, các quốc gia/tổ chức quốc tế còn ký kết các ĐƯQT trong đó có chứa đựng các quy phạm pháp luật quốc tế có giá trị ràng buộc với các bên.

Thực tế trong thời gian qua số lượng các ĐƯQT, được ký kết ngày càng nhiều và đi liền với đó là cơ chế đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế ngày càng được đề cao, qua đó vị trí của pháp luật quốc tế cũng ngày càng được khẳng định. Đối với Việt Nam, pháp luật quốc tế đã và đang là công cụ được sử dụng ngày càng nhiều trong nghiên cứu, tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Hai năm 2021 - 2022, Việt Nam đã triển khai có hiệu quả FTA Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); đồng thời, tích cực tham gia, đóng góp tại các diễn đàn kinh tế đa phương khu vực và quốc tế, như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM)…

  1. Uông Chu Lưu, nguyên Ủy viên BCH Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nhận định: “Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến hết sức phức tạp và chịu ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch COVID-19, bám sát những nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chủ động và linh hoạt trước diễn biến tình hình, các hoạt động đối ngoại năm 2021 tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển; đồng thời, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước”.

Quan điểm đề cao vai trò của pháp luật quốc tế và cam kết thực hiện nghiêm túc các ĐƯQT trong thời gian qua đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

*

*        *

Do đặc thù lịch sử nhiều năm phải tập trung đấu tranh giành độc lập dân tộc, nước ta đã bị “tụt hậu” so với nhiều nước phát triển trên thế giới và cả trong khu vực về trình độ phát triển kinh tế, trong đó có cả năng lực quản trị quốc gia, quản lý xã hội dựa trên luật pháp. Do đó, việc học hỏi những mô hình hay, thực tiễn tốt trên thế giới sẽ góp phần xử lý được nhiều vấn đề ở tầm vĩ mô và cả những vấn đề cụ thể (như áp dụng những tiến bộ của cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 vào quản trị quốc gia, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh...).

Ngoài ra, có những nguyên tắc, giá trị đã và đang mang tính phổ quát, được thừa nhận rộng rãi (đặc biệt là các nguyên tắc trong Hiến chương Liên hợp quốc và các ĐƯQT, thể chế, thiết chế pháp lý quốc tế mà Việt Nam là thành viên) thì cần được tôn trọng, nội luật hóa để đảm bảo thực thi, phù hợp với nguyên tắc thiện chí thực thi các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda) quy định tại Điều 26 Công ước Viên năm 1969 về luật điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong hoàn thiện hệ thống pháp luật cần chú ý tham khảo kinh nghiệm quốc tế trên cơ sở phân tích thấu đáo cơ sở lý luận và thực tiễn.

Thế giới đang chứng kiến sự cạnh tranh về hạ tầng, nguồn nhân lực... để thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có cả cạnh tranh về mặt thể chế, pháp luật. Một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tiếp cận và có thể định đoán trước sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng để nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc quyết định chọn địa điểm tiến hành đầu tư, kinh doanh. Cơ chế bảo hộ về pháp lý rõ ràng, đặc biệt là bảo hộ quyền sở hữu một cách ổn định sẽ gửi đi thông điệp hết sức tin cậy đối với nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng phòng tránh được những vụ kiện đầu tư quốc tế mà Chính phủ phải bỏ ra rất nhiều nguồn lực để tham gia giải quyết.

HNKT quốc tế cho thấy, cần lưu ý hoàn thiện hệ thống giải quyết tranh chấp (cả hệ thống tòa án và cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế như hòa giải, trọng tài) nhằm tạo niềm tin đối với người dân, doanh nghiệp, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy cho dù hệ thống pháp luật đầy đủ, minh bạch nhưng hệ thống giải quyết tranh chấp không được vận hành một cách hiệu quả, công lý không được bảo đảm và thực thi trên thực tế, thì hệ thống pháp luật ấy cũng không phát huy hiệu quả.

Xi rê on - một luật sư và là nhà hùng biện nổi tiếng La Mã cổ đại đã từng có một câu nói về vai trò quan trọng trên thực tế của quan tòa: “Quan toà là một đạo luật biết nói, còn đạo luật là một vị quan toà câm”. Vấn đề công nhận và thi hành các bản án của tòa án, quyết định của trọng tài nước ngoài, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự, qua đó góp phần khẳng định một cách mạnh mẽ nguyên tắc Nhà nước Việt Nam nghiêm túc thực thi các cam kết quốc tế.

“Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, đây là câu nói có tính chất tổng kết 35 năm đổi mới đất nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Câu nói có ý nghĩa nhiều mặt. Rõ ràng, uy tín, trách nhiệm của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, cần tiếp tục khẳng định Việt Nam coi trọng và đề cao nguyên tắc pháp quyền. Việt Nam đã và đang tiếp tục tham gia tích cực vào quá trình xử lý các vấn đề mang tính toàn cầu, vì lợi ích của toàn nhân loại hôm nay và của cả thế hệ mai sau (điển hình như biến đổi khí hậu, an ninh toàn cầu, chống khủng bố...). Chủ động, tích cực tham gia xây dựng thể chế pháp lý đa phương trong khuôn khổ của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế thông qua việc nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật quốc tế. Tôn trọng và thực hiện nghiêm các cam kết quốc tế phát sinh từ các ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên, tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng cần tính đến cả nguyên tắc có đi có lại (cần tránh cả hai khuynh hướng không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện một cách cơ học, máy móc các ĐƯQT không tính đến lợi ích của quốc gia, dân tộc).

Có kế hoạch hành động cụ thể với lộ trình rõ ràng để thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó lưu ý vấn đề hoàn thiện pháp luật trong nước để đảm bảo sự tương thích với các cam kết của Việt Nam trong các FTA. Chủ động khai thác tối đa lợi ích mang lại đồng thời có phương án phù hợp nhằm khắc phục những tác động tiêu cực từ các ĐƯQT, trong đó đặc biệt là các FTA.

*

*        *

Xu hướng HNQT ngày càng chứng minh, tầm quan trọng của Luật kinh tế ngày càng được khẳng định, vì hội nhập trước hết là hội nhập về kinh tế. Đối với mỗi doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, Luật Kinh tế được coi như “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, doanh nghiệp dù hoạt động trên lĩnh vực nào cũng không thể thiếu bộ phận pháp lý. Các chuyên viên pháp lý là những người tham mưu về mặt pháp lý cho lãnh đạo doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động đúng luật, cạnh tranh lành mạnh và kinh doanh hiệu quả.

Trong một thế giới đa biến, động thái phức tạp liên tiếp diễn ra gần đây xung quanh căng thẳng về ngoại giao, chính trị, quân sự và kinh tế giữa Nga với Ukraine và một số quốc gia liên quan đã và đang tạo ra sức ép cũng như thách thức khá lớn đối với việc duy trì các hoạt động kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Những hệ lụy đang được ghi nhận nổi bật là xu hướng tăng nhanh hơn của giá xăng dầu, khí đốt, giá vàng và áp lực lạm phát; sự gián đoạn và đứt gãy trong chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ tài chính, tiền tệ, du lịch, vận tải xuyên quốc gia của các nước, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế có liên quan đến Nga và Ukraine.

Khi hòa nhập vào “thế giới phẳng” của các cộng đồng kinh tế ASEAN, TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương),…Vì vậy, hành lang pháp lý và các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế phải được đảm bảo, bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào (trong đó có các Hiệp hội, Hội xã hội nghề nghiệp) cần nắm rõ pháp chế để triển khai các hoạt động kinh doanh đúng pháp luật và phát triển bền vững. 

Ngô Đức Hành

...
  • Tags: